tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh trưa 19-07-2016

  • Cập nhật : 19/07/2016

Trung Quốc cảnh báo tuần tra biển Đông sẽ kết thúc 'trong thảm họa'

Đô đốc hải quân Trung Quốc (TQ) cảnh báo các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải của các nước tại biển Đông có thể kết thúc "trong thảm họa".

Trong thời gian qua, Mỹ cùng một số quốc gia như Úc và Nhật Bản đã tổ chức nhiều hoạt động tuần tra trên biển Đông với danh nghĩa là bảo vệ tự do hàng hải tại vùng biển.

Các tàu khu trục và tàu tuần tra của Mỹ đã có một số lần tiếp cận một số đảo TQ chiếm đóng trái phép tại Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, đi sâu vào vùng 12 hải lý quanh các đảo. TQc đã nhiều lần bày tỏ thái độ tức giận và đe dọa sẽ phản ứng cứng rắn nếu cảm thấy bị đe dọa. 

Trong một buổi họp kín ở Bắc Kinh ngày 16-7, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội TQ, lớn tiếng khẳng định các mối lo ngại tự do hàng hải bị đe dọa là không có thật. Ông cho rằng vấn đề này đang bị "thổi phồng" bởi một số quốc gia. 

do doc ton kien quoc, pho tong tham muu truong quan doi tq. anh: scmp

Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội TQ. Ảnh: SCMP

Theo biên bản cuộc họp mà hãng tin Reuters tiếp cận được, ông Tôn đã ngang ngược khẳng định: "Tự do hàng hải tại biển Đông có bị ảnh hưởng bao giờ đâu? Từ trước đến nay, vấn đề này chưa bao giờ xảy ra. Sẽ không có vấn đề gì trong tương lai nếu như không có ai đó giở trò".

Ông Tôn cũng khăng khăng nói rằng TQ là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ tự do hàng hải trên biển Đông, do đó sẽ không để bất kỳ ai làm tổn hại sự tự do này.

"Trung Quốc kịch liệt phản đối các hoạt động quân sự nhân danh tự do hàng hải, gây ra các mối đe dọa về quân sự. Các hoạt động này thách thức và không tôn trọng luật biển quốc tế" - ông Tôn cáo buộc ngược lại các nước đã tổ chức tuần tra trên biển Đông. Ông cho rằng các hoạt động này mới là điều "gây tổn hại đến tự do hàng hải" và cảnh báo chúng sẽ kết thúc "trong thảm họa". 

tau khu truc uss curtis wilbur tuan tra tu do hang hai tren bien dong hoi thang 8-2015. anh: reuters

Tàu khu trục USS Curtis Wilbur tuần tra tự do hàng hải trên biển Đông hồi tháng 8-2015. Ảnh: REUTERS

Ông Tôn Kiến Quốc không nói cụ thể những hậu quả trên sẽ là gì. Tuy nhiên, ông không quên nhắc rằng phán quyết mới đây của Tòa Trọng tài quốc tế sẽ thúc đẩy quân đội TQ nâng cao năng lực của mình. "Quân đội TQ có vai trò quyết định trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích của TQ" - ông Tôn khẳng định.

Ngày 12-7 vừa qua, Tòa Trọng tài quốc tế đã đưa ra phán quyết tuyên bố TQ không có cơ sở pháp lý để tuyên bố "quyền lịch sử" trong vùng biển mà họ áp đặt "đường chín đoạn". Chính phủ Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ không tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài và khẳng định sẽ tiếp tục các hoạt động xây đắp đảo nhân tạo và căn cứ trên biển Đông.(PLO)

Anh sẽ duy trì vị trí "đầu tàu" tại châu Âu

Lần đầu tham dự hội nghị với tư cách là Ngoại trưởng Anh, ông Boris Johnson khẳng định quốc gia này sẽ tiếp tục nắm giữ vai trò đầu tàu ở châu Âu.

tan ngoai truong anh boris johnson. anh: afp/ttxvn

Tân Ngoại trưởng Anh Boris Johnson. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 18/7, phát biểu tại Hội nghị cấp ngoại trưởng các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại Brussels, ông Johnson cho rằng việc đưa Anh ra khỏi EU là việc làm cần thiết theo nguyện vọng của đông đảo dân chúng "xứ sở sương mù", song quốc gia này chắc chắn sẽ không từ bỏ vai trò đầu tàu tại châu Âu. 

Ông cũng cho biết đã có cuộc đối thoại hết sức suôn sẻ với Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini về vấn đề này, đồng thời bày tỏ sẵn sàng làm việc với những người đồng cấp trong EU. 

Phía bà Mogherini cũng cho biết đã có những trao đổi hiệu quả với tân Ngoại trưởng Anh về nghị trình của Hội nghị cấp ngoại trưởng EU lần này, đồng thời không có bất cứ cuộc thảo luận nào liên quan tới việc Anh rời EU trước khi Thủ tướng Anh chính thức "kích hoạt" Điều 50 của Hiệp ước Lisbon.

Hội nghị ngoại trưởng EU lần này sẽ tập trung vào các vần đề như cuộc chiến chống khủng bố, cuộc đảo chính quân sự vừa qua ở Thổ Nhĩ Kỳ, xung đột tại Syria và Libya.

Ông Boris Johnsons, cựu Thị trưởng London là người đứng đầu phong trào ủng hộ đưa Anh rời khỏi EU. Việc ông này được nữ thủ tướng mới Theresa May bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Anh khiến khá nhiều quốc gia châu Âu bất ngờ bởi ông Johnson là người chưa từng có kinh nghiệm trong chính phủ và có quan điểm rất cực đoan đối với EU.

Trung Quốc tuyên bố tập trận trên biển Đông

Trung Quốc tuyên bố tập trận trên biển Đông chỉ vài ngày sau khi tòa trọng tài ra phán quyết bác bỏ đường lưỡi bò của Trung Quốc.

Chỉ vài ngày sau khi tòa trọng tài ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền đường lưỡi bò của Trung Quốc ở biển Đông, ngày 18-7, Trung Quốc tuyên bố tập trận ở biển Đông, theo Financial Times (Anh).

Cơ quan quản lý hàng hải tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) thông báo Trung Quốc tuyên bố phong tỏa một phần biển Đông từ ngày 18 đến 21-7 để tập trận. Địa điểm tập trận nằm trong vùng hải phận quốc tế. Thời gian tập trận từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều (giờ địa phương). Bản chất cuộc tập trận không được công bố. Bộ Quốc phòng và hải quân Trung Quốc không có bình luận.

trung quoc tuyen bo tap tran tren bien dong (cham do) sau phan quyet cua toa trong tai bac duong luoi bo cua trung quoc o bien dong. anh: ft

Trung Quốc tuyên bố tập trận trên biển Đông (chấm đỏ) sau phán quyết của tòa trọng tài bác đường lưỡi bò của Trung Quốc ở biển Đông. Ảnh: FT

Trung Quốc tuyên bố tập trận giữa lúc Đô đốc John Richardson, Tư lệnh hải quân Mỹ, đang có chuyến thăm Trung Quốc ba ngày (từ ngày 17 đến 19-7), nhằm bàn về tranh chấp biển Đông và tăng tương tác giữa hai quân đội Mỹ và Trung Quốc.

Đô đốc John Richardson gặp Tham mưu trưởng hải quân Trung Quốc Vũ Thắng Lợi, thăm học viện tàu ngầm hải quân và tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc, cũng như bàn về cuộc tập trận vòng tròn Thái Bình Dương sắp đến mà Trung Quốc sẽ tham gia.

Trong tuyên bố bác bỏ phán quyết của tòa trọng tài về biển Đông, Trung Quốc còn lớn tiếng có thể sẽ lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên vùng biển nếu cảm thấy bị đe dọa.

Trong khi đó, tại cuộc điều trần Quốc hội Mỹ ngày 13-7, ông Dennis Blair, cựu Tư lệnh quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương, cho biết Mỹ nhiều khả năng sẽ dùng tới vũ lực ngăn chặn thái độ hung hăng của Trung Quốc đối với Philippines tại bãi cạn Scarborough.(PLO)

Chiến dịch thanh trừng quân đội có thể làm suy yếu Thổ Nhĩ Kỳ

Cuộc đảo chính bất thành diễn ra vào thời điểm vô cùng bất lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ, khi họ đang phải đối mặt với cả thách thức trong nước và khu vực.

canh sat tho nhi ky ap giai mot binh si tham gia vao cuoc dao chinh bat thanh. anh: afp

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ áp giải một binh sĩ tham gia vào cuộc đảo chính bất thành. Ảnh: AFP

Chính phủ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và đảng Đảng Công lý và Phát triển (AKP) của ông đang tiến hành một cuộc thanh trừng lớn trong lực lượng vũ trang sau cuộc đảo chính bất thành hôm 15/7.

Ông Erdogan đã gọi cuộc đảo chính bất thành này là một "món quà của Thượng đế" để tiến hành thanh lọc quân đội. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo điều này sẽ gây khó khăn cho Ankara trong việc sử dụng quân đội như một công cụ chính sách và chiến lược quốc gia trong hoàn cảnh khó khăn.

Tổ chức phân tích tình báo phi chính phủ Stratfor nhận xét rằng cuộc thanh trừng sẽ làm xói mòn đáng kể năng lực của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Việc bắt giữ và bỏ tù hàng chục tướng lĩnh, hàng trăm sĩ quan chỉ huy cũng như các trợ lý hậu cần sẽ khiến hàng ngũ rối loạn, công tác điều hành đơn vị quân đội bị tê liệt. Tình cảnh đó cũng khiến các binh lính giảm sút nhuệ khí và suy yếu tính gắn kết trong chiến đấu. 

Trong số những người đảo chính có các nhóm từ ba đơn vị trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ gồm quân đoàn 1, 2 và 3, và còn mở rộng đến một số đơn vị không quân. Trong số khoảng 6.000 sĩ quan, binh sĩ bị bắt có các chỉ huy đương nhiệm cấp cao như tư lệnh quân đoàn 2 Adem Huduti và tư lệnh quân đoàn 3 Erdal Ozturk, chỉ huy trưởng căn cứ không quân Incirlik, Bekir Ercan Van, và cố vấn quân sự cấp cao cho tổng thống Ali Yazici.

Với chiến dịch bắt bớ quy mô lớn như vậy, các chương trình huấn luyện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ bị xáo trộn vì các bài tập thường xuyên sẽ bị hoãn hoặc hủy bỏ.

Chiến dịch thanh trừng quân đội cũng sẽ gieo rắc sự ngờ vực, hoài nghi trong lực lượng vũ trang, khiến các binh sĩ mất đi tính gắn kết, yếu tố quyết định cho thắng lợi trên chiến trường.

Việc lên kế hoạch cho các hoạt động quân sự sẽ trở nên khó khăn hơn khi chính phủ cải cách hệ thống chỉ huy và kiểm soát quân đội. Chính phủ có thể cố gắng cải thiện một số vấn đề bằng cách khôi phục chức vụ cho những sĩ quan trước đây bị lật đổ bởi những người theo phong trào Gulen (phong trào do giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống lưu vong tại Mỹ khởi xướng, ông này bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc xúi giục cuộc đảo chính), nhưng điều này sẽ không xảy ra nhanh chóng.

Thời điểm xấu

Stratfor đánh giá cuộc thanh trừng đến vào thời điểm không thể xấu hơn với Thổ Nhĩ Kỳ, khi quân đội nước này đang tập trung chiến đấu với Đảng Công nhân người Kurk (PKK) đòi ly khai, trong khi cũng phải đề phòng những diễn biến từ Iraq và Syria.

Việc quân đội bị suy yếu do hậu quả của cuộc đảo chính thất bại sẽ khiến Ankara có ít công cụ hơn để xử lý những thách thức đến từ cả trong và ngoài nước như vậy.

Ở trong nước, các chiến dịch quân sự chống lại PKK nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng lớn, dù ít khả năng phải dừng lại hoàn toàn. Ở nước ngoài, phương án sử dụng lực lượng quân sự can thiệp vào Syria giờ đây đã trở nên quá mạo hiểm. Thổ Nhĩ Kỳ cũng không thể thực hiện được các cuộc xâm nhập lực lượng quy mô lớn vào lãnh thổ Iraq để củng cố ảnh hưởng như trước đây.

Những rối loạn trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ làm phức tạp nỗ lực khu vực của các cường quốc khác. Chiến dịch chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) của Mỹ chủ yếu dựa vào căn cứ không quân tại Thổ Nhĩ Kỳ. Washington cũng dựa vào Ankara để cắt đứt các tuyến đường hậu cần cho các nhóm cực đoan. Khi Ankara bị phân tâm, việc hỗ trợ cho các phiến quân ôn hòa tại Syria cũng có thể bị suy yếu. Đối với Đơn vị Bảo vệ Nhân dân của người Kurd (YPG) tại Syria, đấu đá nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ có thể giúp cho họ có cơ hội mở rộng hiện diện và kết nối với các vùng do người Kurd kiểm soát.

Về lý thuyết, quân đội của Thổ Nhĩ Kỳ được coi là một trong những lực lượng mạnh nhất trong khu vực. Nhưng nhuệ khí thấp và bất đồng chính kiến ​​thường hé lộ các rạn nứt trong sức mạnh của họ. Những điểm yếu thường được che đậy bởi quân số lớn và trang thiết bị hiện đại, chỉ trở nên rõ ràng sau cuộc đảo chính. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ giờ sẽ cần tập trung vào các vấn đề nội bộ để đối phó với những tác động của cuộc đảo chính.

Stratfor cho rằng sẽ mất vài năm để lực lượng vũ trang của Thổ Nhĩ Kỳ phục hồi, nhưng họ không có nhiều thời gian như vậy. Tình hình bất ổn trong khu vực ngày càng trầm trọng, và Thổ Nhĩ Kỳ rất cần phải đóng góp để kiềm chế tình trạng hỗn loạn trong khi xây dựng vị thế riêng của mình.(VNEX)

Trung Quốc điều oanh tạc cơ chiến lược tuần tra bãi cạn Scarborough

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm nay thừa nhận một biên đội máy bay chiến đấu của nước này đã tuần tra ở bãi cạn Scarborough trên Biển Đông.

hinh anh duoc cho la oanh tac co h-6k trung quoc bay qua bai can scarborough. anh: weibo

Hình ảnh được cho là oanh tạc cơ H-6K Trung Quốc bay qua bãi cạn Scarborough. Ảnh: Weibo

Tại buổi họp báo ngày 18/7 ở Bắc Kinh, thượng tá Thân Tiến Khoa, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc thừa nhận không quân nước này mới đây đã tổ chức biên đội máy bay chiến đấu tuần tra trên bãi cạn Scarborough và một số bãi đá gần đó, tờ Chinanews đưa tin.

Thân Tiến Khoa cho biết, biên đội máy bay chiến đấu thực hiện nhiệm vụ tuần tra lần này gồm máy bay ném bom chiến lược H-6K, chiến đấu cơ, máy bay trinh sát và máy bay tiếp nhiên liệu trên không.

Phát ngôn viên này nói rằng mục đích của đợt tuần tra nhằm "nâng cao năng lực thực chiến để đối phó mọi mối đe doạ trên biển", đồng thời tuyên bố không quân Trung Quốc "sẽ tiếp tục đưa máy bay chiến đấu tuần tra tại khu vực Biển Đông". Tuy nhiên, ông này không nói rõ biên đội trên tuần tra ở Biển Đông vào thời điểm nào.

Ngày 14/7, sau khi Toà Trọng tài đưa ra phán quyết bác bỏ căn cứ pháp lý của "đường lưỡi bò" Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông, tài khoản mạng xã hội Weibo của không quân Trung Quốc đăng tải một bức ảnh chụp oanh tạc cơ H-6K bay qua vị trí được cho là bãi cạn Scarborough. H-6K là máy bay ném bom chiến lược tầm xa với tầm bay hơn 3.500 km, vươn tới hầu hết các thực thể ở Biển Đông.Bãi cạn Scarborough là tâm điểm tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông. Trung Quốc kiểm soát bãi cạn này từ tay Philippines vào năm 2012 và sau đó ngăn cản không cho ngư dân Philippines tới đây đánh bắt. Phán quyết của Tòa Trọng tài khẳng định bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Bãi cạn này nằm cách đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 850 km, cách bờ biển Philippines khoảng 222 km.

vi tri bai can scarborough tren bien dong. do hoa: google map

Vị trí bãi cạn Scarborough trên Biển Đông. Đồ họa: Google Map

Sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết, nhiều nước trên thế giới đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế, không có những động thái làm căng thẳng thêm tình hình ở Biển Đông. Việt Nam hoan nghênh phán quyết của Tòa Trọng tài, đồng thời khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục