Người biểu tình ở phía Tây Nepal đã dùng giáo mác, dao tấn công cảnh sát khiến ít nhất 20 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.
Tin thế giới đọc nhanh trưa 20-01-2016
- Cập nhật : 20/01/2016
Nga nâng cấp chiến lược an ninh đối phó phương Tây
"Mỹ và đồng minh tiếp tục duy trì chính sách phản đối trật tự thế giới đa cực cũng như các trung tâm quyền lực thay thế phương Tây", Xinhua dẫn lời ông Yevgeny Lukyanov, phó tổng thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga hôm qua cho biết.
Trong thông báo đăng tải trên trang web chính thức của hội đồng, ông Lukyanov cho hay điểm mấu chốt của chiến lược không thay đổi. Nga vẫn theo đuổi một chính sách đối ngoại cởi mở, hợp lý và thực tế, đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và tôn trọng lẫn nhau.
"Nga tiếp tục dành ưu tiên cho các vấn đề giải trừ quân bị và duy trì chế độ không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt", ông Lukyanov nói. "Tuy nhiên, phải hiểu rằng vì lợi ích quốc gia, chúng ta cần giữ vững khả năng răn đe hạt nhân để đảm bảo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nga". Ông thêm rằng Nga luôn sẵn sàng đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Mỹ cùng các quốc gia khác.
Theo Lukyanov, Nga có ý định tăng cường trao đổi, phối hợp với những đối tác thuộc khối các nền kinh tế mới nổi BRICS, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), G20, cùng nhiều tổ chức quốc tế khác. Moscow đồng thời sẽ tích cực khai thác tiềm năng của Cộng đồng các Quốc gia Độc lập và Liên minh Kinh tế Á - Âu.
Ông Lukyanov cũng đề cao sự cần thiết của việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt với Trung Quốc và Ấn Độ. Bên cạnh đó, Moscow sẽ quan tâm hơn đến khu vực Bắc Cực, nơi từ lâu đã có nhiều ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 31/12 thông qua một tài liệu mang tên "Chiến lược An ninh Quốc gia Liên bang Nga", qua đó điều chỉnh hàng loạt sách lược mà Moscow thực thi nhằm đối phó với những mối đẹ dọa an ninh quốc gia.
IS cắt 50% lương của chiến binh
"Vì những hoàn cảnh đặc biệt mà Nhà nước Hồi giáo (IS) đang phải đối mặt, tổ chức quyết định giảm một nửa lương của các chiến binh. Không ai được miễn trừ khỏi quyết định này", Independent trích dẫn một văn bản được cho là do "kho bạc" của IS công bố.
Tài liệu trên đồng thời nêu rõ việc trả lương vẫn sẽ được thực hiện hai tháng một lần như bình thường.
Liên quân chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu từ tháng 10 năm ngoái chuyển hướng tập trung dội bom các mỏ dầu, những tuyến cung ứng hay kho tiền mặt của phiến quân. Giới chuyên gia đánh giá bước thay đổi này đã phát huy tác dụng, khiến IS chịu tổn thất nặng nề. Việc nhóm phải cắt giảm lương của chiến binh là bằng chứng rõ nét nhất cho thấy hiệu quả của chiến lược trên.
Mỹ hôm 10/1 cũng ném hai quả bom 900 kg san phẳng tòa nhà ở thành phố Mosul, Iraq, nơi chứa một lượng tiền mặt lớn mà IS dùng để chi cho các thành viên thuộc tổ chức cùng những hoạt động khác. Số tiền bị tiêu hủy ước tính lên tới hàng triệu USD.
Philippines tính lắp thiết bị triệu đô theo dõi bay trên Biển Đông
Hai phi cơ của hãng hàng không Phương Nam Trung Quốc (trái) và Hải Nam hạ cánh trên đường băng Bắc Kinh xây trái phép ở đá Chữ Thập. Ảnh: Xinhua
"Với tình trạng thiếu radar trong khu vực, hệ thống này sẽ giúp theo dõi mọi hoạt động của máy bay, từ đó tăng cường an toàn và an ninh",Reuters hôm nay dẫn lời ông Rodante Joya, phó cục trưởng Cục Hàng không Dân dụng Philippines, nói.
Theo ông Joya, Philippines sẽ lắp đặt hệ thống giám sát hoạt động dựa trên vệ tinh có giá trị hơn một triệu USD trên đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện do Philippines chiếm giữ, nhằm giám sát khoảng 200 chuyến bay thương mại qua khu vực này mỗi ngày.
Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc hồi đầu tháng triển khai những chuyến bay thử nghiệm đầu tiên tới đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bắc Kinh ngang nhiên tiến hành bồi đắp trái phép bãi đá này thành đảo nhân tạo và xây dựng trên đây một đường băng dài 3.000 m.
Cơ quan hàng không dân dụng Philippines có độ phủ sóng radar tương đối hẹp. Quân đội nước này năm nay dự kiến ký một bản thỏa thuận xây dựng ba hệ thống radar nhằm mở rộng phạm vi bao phủ, vượt quá cả vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).
Tuy nhiên, Joya cũng thêm rằng cơ quan của ông đang phải chờ sự cho phép từ giới chức ngoại giao và an ninh bởi hệ thống theo dõi mới sẽ đặt tại một căn cứ quân sự trong khu vực tranh chấp.
Trung Quốc cảnh cáo phi cơ Philippines bay trên Biển Đông
Ông Eric Apolonio, phát ngôn viên Cơ quan Hàng không Dân dụng Philippines (CAAP), cho hay hôm 7/1, khi ông và một nhân viên khác của CAAP đang bay đến đảo Pagasa (tức đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) thì nhận được hai thông điệp cảnh báo qua sóng radio từ những người nói mình là hải quân Trung Quốc, theo AP.
Họ thông báo rằng máy bay Philippines đang "đe dọa an toàn" các cơ sở của Trung Quốc. Tuy nhiên, chiếc máy bay Cessna Philippines vẫn tiếp tục hành trình của mình, bỏ ngoài tai những lời cảnh báo.
Theo Apolonio, khi đó, ông đang trên đường tới Thị Tứ để khảo sát kỹ thuật trước khi tiến hành lắp đặt một số thiết bị an toàn hàng không trên đảo.
Đảo Thị Tứ có diện tích lớn thứ nhì trong số hàng trăm đảo và bãi san hô ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Một số quốc gia khác trong tranh chấp Biển Đông cũng đòi chủ quyền đối với đảo Thị Tứ, gồm Trung Quốc, Philippines. Manila hiện chiếm giữ đảo này.
Dân Trung Quốc kéo nhau nhập cư vào đảo Jeju
Hơn 1.000 công dân Trung Quốc đã được phép cư trú dài hạn trên hòn đảo du lịch Jeju của Hàn Quốc, sau khi bỏ ra một số tiền khá lớn để đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tại khu vực này, Korean Times mới đây đưa tin.
Theo tập đoàn tư vấn bất động sản toàn cầu JLL, 99% người nộp đơn xin cư trú dài hạn trên đảo Jeju theo chương trình thu hút nhà đầu tư nước ngoài là công dân Trung Quốc, bởi hòn đảo này nằm cách Trung Quốc chưa đầy một giờ bay. Trên toàn lãnh thổ Hàn Quốc hiện có 1,8 triệu người nước ngoài cư trú dài hạn, chủ yếu thông qua con đường hợp tác lao động, kết hôn.
"Quy định của chương trình này khá đơn giản: người nước ngoài sẽ được nhận quốc tịch Hàn Quốc khi chịu bỏ ra hơn 500.000 USD để mua một căn hộ trong khu dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, cao hơn khá nhiều so với giá nhà bình quân ở Jeju là 140.000 USD", ông Yongmin Lee, trưởng phòng nghiên cứu của JLL Hàn Quốc cho hay.
Bộ Tư pháp Hàn Quốc cho hay từ tháng 3/2015 đến nay, có 1007 người nước ngoài xin định cư ở Jeju theo chương trình đầu tư trên, trong đó có 992 người Trung Quốc. Theo thống kê, cứ 10 nhà đầu tư Trung Quốc định cư ở hòn đảo này thì có 6 người tuổi từ 40 đến 59, và phần lớn đều đến từ những thành phố giàu có bậc nhất ở Trung Quốc.
Theo nhiều chuyên gia, yêu cầu đầu tư của Jeju thấp hơn khá nhiều so với nhiều nơi khác trên thế giới, bởi vậy nó thu hút được sự quan tâm của nhiều người Trung Quốc. Theo đó, người nước ngoài đầu tư hơn 500.000 USD và thuê hơn 5 công nhân địa phương sẽ được cấp visa F5 cư trú vĩnh viễn. Những người mua nhà sẽ được cấp visa cư trú tạm thời F2, và họ có thể nâng cấp lên F5 sau 5 năm.
Chương trình định cư này được chính quyền Jeju đưa ra vào năm 2010 sau khi được Bộ Tư pháp phê chuẩn, nhằm kích thích đầu tư nước ngoài vào hòn đảo. 4 địa phương khác của Hàn Quốc cũng đã áp dụng chính sách tương tự.Nhiều người Trung Quốc quan tâm tới Jeju không chỉ vì sự gần gũi về địa lý, mà còn vì môi trường tự nhiên trên đảo, cũng như sự trì trệ của thị trường nhà đất Trung Quốc, nhu cầu về nhà ở nước ngoài của nhiều người giàu có nước này.
Từ năm 2012, tập đoàn bất động sản Greenland lớn nhất Trung Quốc đã tới Jeju đầu tư vào thị trường căn hộ dành riêng cho người Trung Quốc. Mặc dù giá cao, các căn hộ này vẫn thu hút nhu cầu rất lớn và đạt tỷ lệ đặt cọc rất cao, theo JLL.
Tuy nhiên, chương trình định cư trên cũng gây ra nhiều quan ngại đối với người dân địa phương về sự phát triển thái quá của các khu dành cho người nước ngoài, và gần đây nó đã trở thành một đề tài chính trị gây tranh cãi trên đảo.
Giữa năm 2014, tân thị trưởng Jeju Won Hee-Ryong đã ra lệnh xem xét lại giấy phép xây dựng của các dự án lớn trên đảo, khiến một số công trình của Greenland bị trì hoãn.
Những thách thức này vẫn không cản trở được làn sóng người Trung Quốc đầu tư vào đảo Jeju trước khi chương trình trên hết hạn vào năm 2018. "Với sự bùng nổ chưa có dấu hiệu ngừng lại của ngành du lịch Trung Quốc, có rất nhiều cơ hội phát triển xung quanh các khu dành cho người nước ngoài như khách sạn, sòng bạc, nhà hàng và các khu giải trí", ông Lee nói.