Nếu hành động cứng rắn chống lại IS thì Thổ Nhĩ Kỳ tự gây hại cho chính sách Syria của mình. Nhưng nếu không thì mối nguy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo đối với an ninh nước này ngày càng lớn.
Tin thế giới đọc nhanh chiều 20-01-2016
- Cập nhật : 20/01/2016
Arab Saudi bị tố chi tiền để Somalia cắt đứt quan hệ với Iran
Somalia cắt đứt quan hệ với Iran ngày 7/1 vì "Tehran can thiệp công việc nội bộ và đe dọa an ninh quốc gia". Mogadishu yêu cầu các nhà ngoại giao Iran rời khỏi Somalia trong vòng 72 giờ.
Một tài liệu, ghi ngày 7/1, từ đại sứ quán Arab Saudi ở thủ đô Nairobi, Kenya, gửi đến đại sứ quán Somalia tại đây cho thấy Riyadh cam kết hỗ trợ ngân sách 20 triệu USD và đầu tư 30 triệu USD cho Mogadishu. Số tiền này có nguồn gốc từ Quỹ Phát triển Arab Saudi, theo Reuters.
Somalia không xác nhận hay bác bỏ cam kết trên, đồng thời tuyên bố không có mối liên hệ nào giữa việc nước này cắt đứt quan hệ với Iran và hỗ trợ tài chính từ Arab Saudi. Bộ Ngoại giao Arab Saudi hiện chưa có bình luận nào.
"Quan hệ giữa chúng tôi và Arab Saudi đã có từ lâu, không phải mới bắt đầu", Bộ trưởng Tài chính Somalia Mohamed Aden Ibrahim nói và cũng từ chối bình luận thêm.
Quan hệ giữa Iran và Arab Saudi đang ngày càng rạn nứt từ khi Riyadh xử tử một giáo sĩ dòng Shiite ngày 2/1. Những người biểu tình sau đó xông vào đốt phá đại sứ quán Arab Saudi ở Tehran dẫn đến việc Arab Saudi cắt đứt quan hệ với Iran ngày 3/1.
Một số quốc gia Arab khác như Bahrain, đồng minh lâu đời của Arab Saudi, cũng cắt đứt quan hệ với Iran. Sudan cũng có động thái tương tự. Các nước vịnh Persia khác triệu đại sứ tại Iran trở về.
Các nhà ngoại giao nhận định tài liệu trên là dấu hiệu mới nhất cho thấy Arab Saudi đang sử dụng sự bảo trợ để nhận được thêm sự ủng hộ từ khu vực chống lại Iran
Đặc nhiệm Anh đóng giả phụ nữ Hồi giáo diệt chỉ huy IS
8 binh sĩ lực lượng đặc nhiệm không quân Anh (SAS) mặc burqa Hồi giáo màu đen để qua mặt phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ngay trong chính thành phố Raqqa, Syria, nơi được coi là thủ phủ của chúng, theo Express.
Họ giả làm vợ của các thủ lĩnh IS, giấu vũ khí, đạn dược và lựu đạn phía trong bộ đồ rộng thùng thình. Nhóm được người Syria bản địa hỗ trợ, chở đi quanh khu vực trên xe bán tải Toyota, loại xe IS ưa thích.
Sau khi xác định vị trí nhà một chỉ huy cấp cao IS, họ phát tín hiệu thông báo tọa độ cho phi cơ cảnh báo sớm và kiểm soát (AWAC) của không quân Mỹ đang bay phía trên. Phi cơ AWAC chuyển thông tin đến một máy bay không người lái Reaper và nó lập tức phóng tên lửa Hellfire vào tòa nhà, diệt chỉ huy IS cùng vài phiến quân thân cận.
Phiến quân IS đổ xô ra các con phố khi nghe tiếng nổ và phát hiện nhóm binh sĩ SAS.
"Binh sĩ SAS nhảy xuống xe, lật mạng che mặt rồi xả súng. Đó chắc chắn là cú sốc lớn với nhóm phiến quân", một nguồn tin nói với tờ Daily Starhôm qua. "Một tên bị bắn chết ngay lập tức, hai tên khác bị xe cán qua. Họ quay lại xe rồi thoát thân".
Nguồn tin cho biết vụ tấn công xảy ra cách đây khoảng ba tuần và vào lúc chập choạng tối, cách giờ giới nghiêm ở Raqqa khoảng 60 phút. Nhóm phiến quân sau đó chặn tất cả mọi người trên phố, bắt họ đứng úp mặt vào tường và dọa giết người đã giúp "bọn gián điệp".
Các nguồn tin tình báo xác nhận một chỉ huy IS đã bị tiêu diệt, giáng "đòn mạnh" vào nhóm phiến quân.SAS gần đây thực hiện hàng chục chiến dịch ở Iraq và Syria khi Anh cùng Mỹ tăng cường nỗ lực quét sạch IS. Mục tiêu hàng đầu của họ được cho là Siddhartha Dhar, 32 tuổi, từng sống ở London, xuất hiện trong video sát hại những người Syria với cáo buộc làm gián điệp cho Anh mà IS đăng tải hồi đầu tháng.
Iran nhận 32 tỷ USD sau khi cấm vận hết hiệu lực
Ngày 19-1, Ngân hàng Trung ương Iran thông báo nước này sẽ nhận 32 tỷ USD tài sản bị đóng băng sau khi Mỹ và châu Âu dỡ bỏ cấm vận kinh tế.
Theo AFP, thống đốc Ngân hàng Trung ương Valiollah Seif cho biết số tiền này sẽ được giữ ở các ngân hàng nước ngoài và có thể dùng để mua hàng nhập khẩu cho Iran.
Các nhà kinh tế nhận định đây là cú hích quan trọng đối với nền kinh tế Iran sau nhiều năm bị cô lập.
Tuy nhiên Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo việc mở cửa với thế giới không đảm bảo sự thành công cho nền kinh tế Iran và “con đường phía trước còn rất nhiều khó khăn”. Ông nhấn mạnh vấn đề lớn nhất hiện tại của Iran là tỷ lệ thất nghiệp cao, suy thoái kinh tế, cơ cấu hạ tần yếu kém…
Nền kinh tế Iran lao đao vì cấm vận quốc tế từ năm 2006. Dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejab, tỷ lệ lạm phát của Iran leo thang tới 40%. Nhưng sau khi lên nắm quyền, ông Rouhani đã kéo được lạm phát xuống 13%.
Hiện Iran cần đầu tư nước ngoài khoảng 30-50 tỷ USD/năm để đạt mức tăng trưởng 8% như chính quyền Tehran đề ra. Ông Rouhani nhận định nhu cầu nội địa không thể đáp ứng được mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế.
Hôm qua Iran tuyên bố sẽ tăng cường sản xuất dầu thô để xuất khẩu. Hiện Iran sản xuất khoảng 2,8 triệu thùng dầu/ngày và xuất khẩu khoảng 1 triệu thùng/ngày.
Bất chấp việc giá dầu thế giới giảm xuống dưới 30 USD/thùng, chính quyền Tehran vẫn quyết tâm tăng sản lượng để giành thị phần đã mất.
55 người rút ruột ngân sách Nigeria 6,8 tỉ USD
55 người gồm các bộ trưởng, thống đốc bang, nhân viên khu vực công, chủ ngân hàng và doanh nhân đã bòn rút 1,34 nghìn tỉ naira (tương đương 6,8 tỉ USD) từ công quỹ Nigeria trong 7 năm qua.
Bộ trưởng Thông tin Nigeria Lai Mohammed ngày 18-1 cho biết thông tin trên.
Reuters cho biết nạn tham nhũng đã làm giàu cho một số ít người thuộc tầng lớp giàu có nhưng đẩy nhiều người dân thường Nigeria vào cảnh đói nghèo dù Nigeria đang là quốc gia sản xuất dầu hàng đầu châu Phi và có nền kinh tế lớn nhất tại châu lục này.
Tổng thống Muhammadu Buhari nhậm chức hồi tháng 5-2015 sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử mà ông đã cam kết sẽ trấn áp tham nhũng nếu giành chiến thắng.
Kể từ khi nhậm chức, một cựu cố vấn an ninh quốc gia và một cựu bộ trưởng quốc phòng Nigeria đã bị cáo buộc tham nhũng.
Tuần trước tổng thống Buhari cũng đã ra lệnh điều tra các cựu lãnh đạo quân đội nước này với cáo buộc gian lận trong hợp đồng mua sắm vũ khí.
Phát biểu tại thủ đô Abuja nhằm khởi động chiến dịch nâng cao nhận thức chống tham nhũng, bộ trưởng Thông tin Lai Mohammed nói với các phóng viên rằng khoảng 6,8 tỉ USD đã bị bòn rút trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2013.
"Đây là số tiền mà 55 người bị cáo buộc ăn cắp" - ông Mohammed cho biết. Ông Mohammed cũng nói thêm rằng "bây giờ là thời điểm để hành động" nhằm giải quyết "cuộc chiến Nigeria".
Ông Mohammed cung cấp thông tin chi tiết rằng 15 cựu thống đốc các bang đã làm thâm hụt 147 tỉ naira (742,42 triệu USD), 524 tỉ naira (2,65 tỉ USD) bị bòn rút từ chủ các ngân hàng trong khi 4 cựu bộ trưởng của Nigeria bòn rút 7 tỉ naira (35,35 triệu USD).
"Nếu chúng ta không tiêu diệt tham nhũng, tham nhũng sẽ tiêu diệt Nigeria" - bộ trưởng Mohammed nhấn mạnh.
Tổng thống Buhari cho biết ngân quỹ "gần như trống rỗng" kể từ khi ông lên nắm quyền sau người tiền nhiệm Goodluck Jonathan.
Nga bùng phát cúm heo, 12 người chết, hơn 120 người nhiễm
Bác sĩ nhà nước hàng đầu của Nga Anna Popova cảnh báo số người nhiễm cúm heo "chắc chắn" sẽ tăng trong tháng tới.
Theo báo cáo của cơ quan y tế các khu vực, virút cúm heo đang xuất hiện tại nhiều nơi của Nga, với ít nhất 12 trường hợp tử vong và hơn 120 trường hợp nhiễm bệnh.
Riêng tại Rostov, nhà chức trách ngày 19-1 xác nhận có 4 ca tử vong và hơn 100 ca nhiễm bệnh. Tại khu vực Dagestan lân cận, có 5 ca tử vong trong đó có 1 trẻ em, còn tại Yekaterinburg có 2 ca...
Bác sĩ nhà nước hàng đầu của Nga Anna Popova cảnh báo số người nhiễm cúm heo "chắc chắn" sẽ tăng trong tháng tới.
Tại Armenia, nhà chức trách xác nhận đã có 3 người tử vong do cúm heo tính từ đầu năm 2016 đến nay. Tại Georgia cũng có 1 ca tử vong.
Tại Iran, virút cúm heo cũng khiến 112 người thiệt mạng và hơn 1.000 người nhập viện kể từ giữa tháng 11-2015, theo thông tin từ nhà chức trách Iran.
Cúm heo là một loại bệnh hô hấp ở heo do loại cúm type A gây ra. Chủng virút cúm này có thể biến thể thành dạng có thể gây lây từ người sang người.
Tháng 6-2009, dòng virút cúm heo H1N1 đã khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát cảnh báo đại dịch khi bùng phát ở 214 nước và làm khoảng 18.500 người thiệt mạng. Đến tháng 8-2010, cảnh báo này mới được dỡ bỏ.