Nga nâng cấp chiến lược an ninh đối phó phương Tây
IS cắt 50% lương của chiến binh
Philippines tính lắp thiết bị triệu đô theo dõi bay trên Biển Đông
Trung Quốc cảnh cáo phi cơ Philippines bay trên Biển Đông
Dân Trung Quốc kéo nhau nhập cư vào đảo Jeju
Tin thế giới đọc nhanh trưa 19-01-2016
- Cập nhật : 19/01/2016
Thủ tướng Nhật chỉ trích Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông
Trong cuộc trả lời phỏng vấn hai báo Financial Times và Nikkeimới đây, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã chỉ trích kịch liệt việc Trung Quốc thay đổi hiện trạng và gây hấn trên Biển Đông.
Ông Abe cho biết Nhật đặc biệt lo ngại việc Trung Quốc bồi lấn, xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông.
“Đây là hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng trên Biển Đông. Chúng ta không thể dung thứ thách thức đơn phương chống lại trật tự quốc tế này” - ông Abe khẳng định.
Thủ tướng Nhật kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án những hành động gây hấn của Trung Quốc. Ông nhắc lại tại Hội nghị Đông Á tháng 11-2015, các nhà lãnh đạo quốc tế đã yêu cầu Trung Quốc không thực hiện hành vi bắt nạt trên Biển Đông và phải tôn trọng luật pháp quốc tế.
Khi đó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cam kết không quân sự hóa các đảo nhân tạo bất hợp pháp.
“Chúng ta cần phải kiểm chứng xem những lời của ông ấy có trở thành hành động thực tế hay không. Chúng ta cần phản đối hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng” - ông Abe nhấn mạnh.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn, Thủ tướng Abe cũng tuyên bố ông sẽ làm trung gian hòa giải giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và phương Tây để giải quyết các cuộc khủng hoảng đẫm máu ở Trung Đông.
“Chúng ta cần sự tham gia mang tính xây dựng của Nga. Tôi tin tưởng việc đối thoại với Tổng thống Putin là điều hết sức quan trọng” - ông Abe khẳng định và cho biết sẽ đến Matxcơva, hoặc mời ông Putin đến Tokyo để thảo luận.
Hiện Nhật đang là chủ tịch khối G-7. Thủ tướng Abe nhấn mạnh với tư cách là chủ tịch G-7, Nhật có trách nhiệm tìm kiếm sự ổn định khu vực Trung Đông và trên thế giới.
Ông cho rằng cộng đồng quốc tế cần khuyến khích sự tham gia của Nga để đối phó với khủng bố, giải quyết khủng hoảng Syria và cải thiện quan hệ với Iran.
Triều Tiên thả 1 triệu bóng bay mang truyền đơn sang Hàn Quốc
Giới chức Hàn Quốc hôm 18-1 ước tính Triều Tiên đã thả khoảng 1 triệu quả bong bóng mang truyền đơn sang nước láng giềng trong bối cảnh căng thẳng gia tăng sau vụ thử “bom nhiệt hạch” của Bình Nhưỡng.
Sau vụ Triều Tiên thử “bom nhiệt hạch thành công” hôm 6-1, Hàn Quốc nối lại hoạt động tuyên truyền bằng loa phóng thanh dọc biên giới hai nước. Bình Nhưỡng cũng đáp trả bằng chương trình phát sóng riêng của mình, đồng thời thả bong bóng mang tờ rơi vào lãnh thổ Hàn Quốc.
Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, quân đội Triều Tiên gần như ngày nào cũng thả bóng bay và phát ngôn viên bộ này, Kim Min-seok, thừa nhận một số bong bóng đã bay tới Seoul ngoài các khu vực gần biên giới. Tổng cộng khoảng 1 triệu bóng bay mang truyền đơn đã được sử dụng.
Đây là một trong những động thái hiếm hoi của Bình Nhưỡng vì trước giờ chỉ có các nhà hoạt động Seoul thỉnh thoảng thả bóng bay mang truyền đơn “nói xấu chế độ nhà lãnh đạo Kim Jong-un” vào lãnh thổ Triều Tiên, không có chiều ngược lại.
Hàn Quốc và những người đào tẩu khỏi Triều Tiên (ảnh trên) thả bóng bay nói xấu chính quyền Bình Nhưỡng. Ảnh: AP, Koogle
Nhiều chính phủ và các nhà phân tích nước ngoài vẫn hoài nghi về xác suất Triều Tiên thử nghiệm thành công “bom nhiệt hạch”. Họ cho rằng Bình Nhưỡng thử một quả bom nguyên tử có pha 1 đồng vị hydro và gọi nó là bom H (bom nhiệt hạch). Triều Tiên trước đây từng thử bom nguyên tử vào các năm 2006, 2009 và 2013.
Mỹ, Hàn Quốc và Liên Hiệp Quốc (LHQ) đang thúc đẩy các biện pháp trừng phạt Triều Tiên liên quan đến vụ thử hạt nhân nói trên. Tuy nhiên, không rõ liệu Trung Quốc - đồng minh lớn nhất của Triều Tiên và là thành viên thường trực có quyền phủ quyết của LHQ – có hợp tác để trừng phạt nước láng giềng hay không. Trung Quốc đã bày tỏ phản đối chương trình hạt nhân Triều Tiên song dường như cũng phản đối việc trừng phạt mạnh tay nước này.
Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời một nhà ngoại giao cấp cao Hàn Quốc ngày 17-1 nói rằng Trung Quốc có thể lợi dụng các chiến thuật trì hoãn đối với một nghị quyết sắp tới của Hội đồng Bảo an về việc trừng phạt Triều Tiên.
Theo tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản ngày 18-1, Mỹ đã đề nghị Trung Quốc ngừng xuất khẩu chất hóa dầu sang Triều Tiên cũng như nhập khẩu anthracite từ Bình Nhưỡng. Phía Trung Quốc chưa có phản hồi.
Hai miền Nam, Bắc Triều Tiên kết thúc cuộc xung đột năm 1950 bằng một hiệp ước đình chiến và trên thực tế, họ vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Mỹ hiện triển khai khoảng 28.500 quân ở Hàn Quốc như một sự răn đe đối với Triều Tiên.
Trong khi đó, ba trong số các quan chức Iran bị Mỹ trừng phạt hôm 17-1 vì hỗ trợ chương trình tên lửa đạn đạo của Iran được xác định có mối quan hệ chặt chẽ với Triều Tiên, hãng tin Yonhap dẫn lời Bộ Tài chính Mỹ cho biết.
Một trong ba quan chức này, Sayyed Javad Musavi, là giám đốc thương mại của Tập đoàn công nghiệp Shahid Hemmat (SHIG), một chi nhánh của Tổ chức Công nghiệp Hàng không vũ trụ trực thuộc Bộ Quốc phòng và Lực lượng Hậu cần Vũ trang Iran (MODAFL). Hai người kia là Giám đốc SHIG Seyed Mirahmad Nooshin và phó giám đốc MODAFL Sayyed Medhi Farahi.
“SHIG đã phối hợp với KOMID – nhà thầu vũ khí chính của Triều Tiên nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ và LHQ – để chuyển van, thiết bị điện tử và thiết bị đo lường phục vụ trong các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo của Tehran. Ngược lại, trong nhiều năm qua, cán bộ kỹ thuật tên lửa của Iran từ SHIG tới Triều Tiên để phát triển một loại rốc-két nặng 80 tấn do chính quyền Bình Nhưỡng chế tạo” - Bộ Tài chính Mỹ tiết lộ.
Ba công dân Mỹ bị bắt cóc ở Iraq
Đại sứ quán Mỹ ở Iraq đã xác nhận thông tin trên, tuy nhiên chưa xác định được con số cụ thể. Phát ngôn viên của đại sứ quán Mỹ, Scott Bolz cho biết: “Chúng tôi đang phối hợp với các nhà chức trách Iran để tìm ra những người mất tích”.
Việc "nhiều" công dân Mỹ bị bắt cóc ở Baghdad, Iraq đặt các lực lượng an ninh tại Mỹ còn lại vào tình trạng cảnh giác cao. Ảnh: Reuters
Trung Quốc và “bài toán khó” Đài Loan
Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 17-1 cảnh báo Đài Loan nên từ bỏ “ảo tưởng độc lập” sau khi bà Thái Anh Văn, ứng viên Đảng Dân tiến (DPP) đối lập, chiến thắng trong cuộc bầu cử diễn ra một ngày trước đó.
“Chúng tôi hy vọng bà Thái có thể đưa DPP ra khỏi ảo tưởng về một Đài Loan độc lập và đóng góp vào sự phát triển hòa bình giữa Đài Loan và đại lục” - tờ Global Times viết trong một bài xã luận.
Tân Hoa Xã thậm chí còn cảnh báo bất kỳ động thái nào tiến tới độc lập của Đài Loan sẽ khiến hòn đảo này “diệt vong”. Riêng tướng Wang Hongguang, cựu phó tư lệnh quân khu Nam Kinh, cho rằng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hiện có sự chuẩn bị tốt hơn bao giờ hết cho “các chiến dịch chống lại Đài Loan”.
Hãng tin Reuters nhận định chiến thắng của bà Thái khiến dư luận một lần nữa phải chú ý nhiều đến Đài Loan, một trong những vấn đề an ninh nhạy cảm nhất khu vực. Trước đó, trong 8 năm dưới thời nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu (của Quốc Dân đảng), một người thân Bắc Kinh, quan hệ giữa 2 bờ eo biển Đài Loan trở nên yên ả chưa từng có với các thỏa thuận thương mại, du lịch được ký kết.
Giờ đây, kết quả bầu cử không như ý ở Đài Loan buộc Trung Quốc không có lựa chọn nào khác là phải đương đầu trực diện với bà Thái - theo giáo sư Wang Kung-yi, chuyên gia về quan hệ quốc tế thuộc Trường ĐH Tamkang (Đài Loan).
Ông Wang cho rằng Bắc Kinh trước mắt có thể giảm tốc tiến trình hợp tác với Đài Loan và chờ đợi trong một thời gian trước khi quyết định nên xử lý thế nào mối quan hệ với chính quyền do bà Thái đứng đầu.
Trong khi đó, ông Li Fei, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đài Loan tại Trường ĐH Hạ Môn (Trung Quốc), dự đoán mối quan hệ giữa 2 bờ eo biển sẽ gặp trở ngại. “Mức độ trở ngại còn phụ thuộc vào lập trường của bà Thái. Những gì bà ấy phát biểu về quan hệ giữa 2 bờ eo biển Đài Loan vẫn còn mơ hồ” - ông Li nhận định với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hồng Kông).
Quan hệ đồng minh Mỹ - Đài Loan có thể khiến mọi chuyện thêm phức tạp. Washington hiện không có quan hệ chính thức với Đài Loan nhưng lại ủng hộ hòn đảo này mạnh mẽ về mặt quân sự và ngoại giao.
Trong một động thái cho thấy rõ điều này, Nhà Trắng hôm 16-1 cho biết đã chúc mừng bà Thái thắng cử, đồng thời bày tỏ mong muốn làm việc với lãnh đạo tất cả đảng phái ở Đài Loan vì “lợi ích chung giữa hai bên”. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố vấn đề Đài Loan là “chuyện nội bộ” của Bắc Kinh, đồng thời kêu gọi quốc tế tôn trọng “nguyên tắc một Trung Quốc”.
Trung Quốc vẫn đang giận dữ sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng rồi chính thức thông báo quốc hội thỏa thuận bán số vũ khí trị giá 1,83 tỉ USD cho Đài Loan. Một nguồn tin giấu tên ở Bắc Kinh nhận định kết quả bầu cử Đài Loan sẽ có tác động sâu rộng đến quan hệ Trung - Mỹ trong thời gian tới. “Tôi rất lo ngại về những gì sắp xảy ra. Tình hình đã trở nên u ám hơn” - nguồn tin này nói với Reuters.
Một nhà ngoại giao phương Tây cũng lưu ý thế giới không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của Đài Loan đối với giới lãnh đạo Trung Quốc. “Với Bắc Kinh, không có gì quan trọng hơn Đài Loan” - quan chức này nhận định.
Singapore tái chế rác thải thực phẩm thành nước sạch
Rác thải thực phẩm trong khu vực sẽ được tập trung về các cơ sở cho hệ thống tái chế để tạo ra nguồn nước sạch từ đồ ăn thừa, giúp Singapore trở nên sạch và xanh hơn.
Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore (NEA) ngày 18-1 cho biết thêm nhiều cơ sở buôn bán và kinh doanh thực phẩm tại nước này đã áp dụng giải pháp xử lý chất thải thực phẩm tại chỗ, giảm lãng phí thực phẩm.
Channel News Asia đưa tin các cửa hàng tiện ích, siêu thị, quán ăn, khách sạn Amara và trung tâm mua sắm tại Tanjong Pagar thải hơn 1,5 tấn thực phẩm mỗi ngày.
Thông thường các loại thức ăn dư thừa bị bỏ đi này sẽ đến các nhà máy xử lý rác hoặc bãi rác. Tuy nhiên ngay khi hệ thống xử lý chất thải thực phẩm được áp dụng, các cơ sở trên có thể tái chế thực phẩm bằng hệ thống mới này.
Hệ thống này hoạt động bằng cách sử dụng vi khuẩn để phân hủy thực phẩm thải ra thành nước bùn - một sự kết hợp giữa chất lỏng và chất rắn. Hỗn hợp này sau đó được đưa qua hệ thống lọc và tái chế lại nước thải này thành nước sạch và sau đó bơm trở vào hệ thống.
NEA cho biết ngày càng có nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm áp dụng hệ thống này. Trong khi đó NEA cũng đã đồng tài trợ cho 10 dự án tái chế chất thải thực phẩm.
"Bên cạnh việc đóng vai trò trong việc tạo ra một môi trường thân thiện nơi chúng ta có thể tái chế chất thải thực phẩm ẩm ướt đang bốc mùi hôi, chúng ta còn có thể giảm thiểu tần suất xử lý rác thải" - Ng Khee Slong thuộc khách sạn Amara nhận định.
Nếu các hệ thống này chính thức đi vào hoạt động tại Singapore, rác thải thực phẩm trong khu vực sẽ được tập trung về các cơ sở cho hệ thống tái chế để tạo ra nguồn nước sạch từ đồ ăn thừa và giúp Singapore trở nên sạch và xanh hơn.