Theo IMF, dân số nhiều nước châu Âu đang già đi. Những người nhập cư sẽ là lực lượng lao động mới trẻ khỏe.
Những điểm nóng khủng bố trên thế giới
- Cập nhật : 21/01/2016
(The gioi)
Năm 2016 vừa mới bắt đầu, nhưng hậu quả các cuộc tấn công khủng bố của tổ chức thánh chiến là vô cùng nặng nề, với ít nhất 144 nạn nhân. Trang mạng 20 Minutes đã phác thảo bức tranh tổng thể về các điểm nóng trên thế giới mà chủ nghĩa khủng bố thánh chiến đã và đang gieo rắc nỗi kinh hoàng.
Khách sạn Splendid tại thủ đô Ouagadougou (Burkina Faso) bị khủng bố tấn công ngày 15/1/2016. (Ảnh AFP)
Các quốc gia Hồi giáo là “mục tiêu số 1"
Ngoại trừ Nam Mỹ, tất cả các lục địa đã trở thành mục tiêu tấn công của chủ nghĩa khủng bố thánh chiến trong năm 2014 và 2015. Các nước Hồi giáo nằm trong danh sách hàng đầu.
Theo ông Alain Rodier, Giám đốc nghiên cứu về chống khủng bố và tội phạm có tổ chức tại Trung tâm Nghiên cứu tình báo của Pháp (CF2R): "Mục tiêu chính của Al Qaeda cũng như của IS là nhằm chinh phục các nước Hồi giáo, Những nước này là mục tiêu trước tiên của chiến binh thánh chiến”.
Thực tế, từ giữa tháng 6/2014 đến tháng 11/2015, các quốc gia có nhiều người thiệt mạng nhất vì nhóm khủng bố IS là Ai Cập (289), Nigeria (272) và Yemen (250), theo số liệu của nhật báo Le Monde.
Châu Phi, bán đảo Ả Rập và châu Á
Vẫn trên lục địa châu Phi, tại Nigeria, nhóm Boko Haram cam kết trung thành với IS, đã gia tăng các cuộc tấn công chống lại dân thường và mở rộng hoạt động sang các nước láng giềng như Chad, Niger và Cameroon. Hai nước ở bán đảo Ả Rập là Libya và Tunisia cũng là "chiến trường khủng bố" đẫm máu.
Khủng bố IS cũng không buông tha châu Á. Indonesia, đất nước có dân số Hồi giáo lớn nhất trên thế giới (với gần 205 triệu người, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew), đã trở thành mục tiêu của IS. Tổ chức này đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công ngày 14/1 tại thủ đô Jakarta, làm 7 người chết.
Thổ Nhĩ Kỳ, nằm ở vị trí ngã tư giữa Trung Đông và châu Âu, là một địa điểm "đặc biệt nhạy cảm". Quốc gia này thường xuyên là mục tiêu của các cuộc tấn công đẫm máu mà Ankara đổ trách nhiệm cho IS. Tuy nhiên, IS chưa bao giờ thừa nhận đã gây ra bất kỳ cuộc tấn công nào trên lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ. "Gần trung tâm hoạt động của IS," Thổ Nhĩ Kỳ thực sự là một mục tiêu "dễ dàng" để bọn khủng bố IS tấn công, ông Alain Rodier nhận định.
Châu Âu đối mặt với một mối đe dọa khủng bố gia tăng
Cho đến năm 2014, Anh là quốc gia phương Tây hứng chịu nhiều nhất các cuộc tấn công khủng bố. Nhưng các cuộc tấn công hồi tháng 1/2016 và tháng 11/2015 tại thủ đô Paris đã khiến Pháp trở thành quốc gia phương Tây bị IS tấn công đẫm máu nhất. Giới chức châu Âu đang lo ngại các vụ tấn công mới.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Mathieu Guidère, giáo sư đại học và chuyên gia về thế giới Ả Rập, các vụ tấn công nhằm vào các nước phương Tây không phải là ưu tiên của nhóm thánh chiến. Đó chỉ nhằm mục đích thị uy cho "cuộc chạy đua khủng bố" giữa al-Qaeda và IS.
Sự đối đầu giữa al-Qaeda và IS
Ngày 15/1, thủ đô Ouagadougou của Burkina Faso đã hứng chịu vụ tấn công khủng bố mà mạng lưới Al-Qeada tại Bắc Phi (AQIM) đã lên tiếng nhận trách nhiệm.
Giáo sư Mathieu Guidère cho rằng vụ khủng bố này và vụ khủng bố ở Bamako, thủ đô của Mali, tháng 11/2015 cho thấy sự hồi sinh của al-Qaeda, vì tổ chức này trước đó được cho là gần như "hấp hối" trước sự bành trướng của IS.
Theo ông Guidère, IS khao khát thâu tóm những phần tử thánh chiến của al-Qaeda và cũng đã giết chết khoảng 3.000 chiến binh của al-Qaeda. Sự suy yếu của nhóm IS dường như là cơ hội để al-Qaeda "hồi sinh".