40.000 người London đòi độc lập sau khi Anh bỏ phiếu rời EU
Tổng thống Putin: Nga chưa bao giờ can thiệp trưng cầu dân ý của Anh
Tây Ban Nha muốn Anh chia sẻ chủ quyền đối với Gibraltar
Ông Obama cố gắng hạn chế ảnh hưởng từ Brexit
Thủ tướng Medvedev nói về hậu quả của Brexit với nền kinh tế Nga
Tin thế giới đọc nhanh chiều 19-01-2016
- Cập nhật : 19/01/2016
Thủ tướng Nhật muốn mời Nga trở lại Nhóm G8
Đức đề nghị tăng thuế để lo cho người tị nạn
Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble đã đề xuất áp một khoản thuế đặc biệt lên xăng dầu trong khu vực Liên minh châu Âu (EU) nhằm trang trải các khoản chi liên quan đến người tị nạn.
“Chúng ta phải tăng cường an ninh biên giới khu vực Schengen ngay lập tức. Giải pháp cho các vấn đề này không thể thất bại vì thiếu tiền” - Bộ trưởng Schaeuble kêu gọi trong bài phỏng vấn trên báo Sueddeutsche Zeitung.
Chưa rõ phản ứng từ các thành viên EU khác ra sao, nhưng lời đề nghị này vấp phải sự chỉ trích ngay trong chính trường Đức.
“Tôi phản đối bất cứ hình thức tăng thuế nào trong hoàn cảnh ngân sách đang tốt” - phó chủ tịch Đảng Liên minh dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) Julia Kloeckner phản biện.
Bà Kloeckner đề cập đến khoản tiền 13,2 tỉ USD dư ra từ ngân sách Đức trong năm 2015, số tiền này sẽ được dùng trang trải chi phí ăn ở và hội nhập cho người tị nạn. Phó chủ tịch Đảng Dân chủ xã hội Ralf Stegner tuyên bố họ muốn giữ cho xã hội đoàn kết thay vì bị chia rẽ thêm bởi một khoản thuế phí mới.
Trong một diễn biến khác trước đó, thủ hiến bang Bavaria Horst Seehofer dọa sẽ kiện chính quyền Thủ tướng Angela Merkel ra tòa vì chính sách mở cửa với người tị nạn. Trên khắp nước Đức, áp lực đối với bà Merkel đang tăng dần sau hàng loạt vụ phạm tội có liên quan đến người di cư.
Còn láng giềng của Đức là Áo đã có phản ứng kiên quyết với vấn đề nhập cư. Trong bài trả lời phỏng vấn tờ Oesterreich ngày 17-1, Thủ tướng Áo Werner Faymann tuyên bố tạm ngừng thực thi hiệp ước Schengen về miễn thị thực giữa 22 nước thành viên EU và 4 quốc gia ngoài EU.
Ông Faymann nhấn mạnh Áo sẽ siết chặt kiểm soát biên giới và kiểm tra từng người một nhập cảnh nước này, đặc biệt tăng cường kiểm tra người di cư và trục xuất những người không có quyền tị nạn.
Thổ Nhĩ Kỳ buộc tội 10 nghi phạm đánh bom Istanbul
Phiên tòa ngày 17-1 tại Thổ Nhĩ Kỳ đã buộc tội 10 nghi phạm liên quan tới vụ đánh bom liều chết làm 10 người Đức thiệt mạng tại trung tâm Istanbul.
Theo AFP, cả 10 tên này đều bị cáo buộc là các thành viên của một tổ chức khủng bố. Hãng thông tấn Dogan cho biết tất cả đều đang bị tạm giam.
Ngoài ra sáu nghi can khác cũng trình diện trước phiên tòa sẽ được trả tự do.
Theo cơ quan chức năng, vụ tấn công do một kẻ đánh bom liều chết người Syria thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thực hiện.
Vụ đánh bom tại Istanbul đã làm 10 du khách Đức thiệt mạng và 17 người khác bị thương. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ xác minh nghi phạm đánh bom là người Syria, 28 tuổi, đã vào Thổ Nhĩ Kỳ ngày 5-1 theo diện tị nạn.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho biết tên này là thành viên IS. Các nghi phạm khác tuy chưa công bố quốc tịch nhưng cũng bị cáo buộc có liên quan tới IS.
Lâu nay Ankara thường bị các đồng minh phương Tây chỉ trích vì đã không hành động đủ mạnh trong chiến dịch tiễu trừ lực lượng phiến quân IS đang bành trướng tại Iraq và Syria.
Gia đình Shinawatra vẫn nuôi mộng cầm quyền tại Thái Lan
Cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra và em gái Yingluck đang tích cực quảng bá bản thân để kết nối với những người ủng hộ họ, theo hãng tin Reuters.
Những chiến dịch công khai này có thể báo hiệu ý định quay lại chính trường của gia đình Shinawatra, Reuters hôm 18.1 dẫn lời một chuyên gia cho biết.
Ông Thaksin Shinawatra từng là thủ tướng Thái Lan, bị quân đội nước này lật đổ cách đây 10 năm và phải trốn sang nước ngoài để thoát các cáo buộc tham nhũng. Trong khi đó, người em của ông là bà Yingluck Shinawatra cũng từng nắm vai trò tương tự, bị lật đổ vào năm 2014.
Quân đội Thái Lan, đang cầm quyền ở nước này, đã tăng cường kiểm soát những người ủng hộ gia đình Shinawatra. Tuy nhiên gia đình này vẫn giữ ý định tiếp tục quay lại với cuộc chiến quyền lực.
Các chiến dịch này nhằm vào mục đích khuếch trương danh tiếng của nhà Shinawatra, tranh thủ lấy lòng truyền thông và những người ủng hộ trong và ngoài nước, và liên tục xuất hiện hình ảnh trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng.
Bà Yingluck đã gửi hàng ngàn cuốn sách nói về mình đến các nhà báo, nhà ngoại giao nước ngoài như một món quà chào năm mới. Tương tự, ông Thaksin cũng gửi một cuốn sách loại để bàn cà phê có tựa đề “Thaksin Shinawatra: Cuộc đời và Thời đại” để ca ngợi thành tựu của ông ta trong thời gian làm thủ tướng Thái Lan, theo Reuters.
Cựu thủ tướng Thái Lan, bà Yingluck Shinawatra vừa hầu tòa xung quanh cáo buộc tham nhũng - Ảnh: Reuters
Hiện nay, bà Yingluck và ông Thaksin đều mất quyền lực trên chính trường Thái Lan, nhưng vẫn còn uy tín ở những khu vực như phía bắc và đông bắc nước này. Nhiều nhà phân tích cho rằng đảng Puea Thai của họ vẫn có thể giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo, sẽ tổ chức vào năm sau.
“Gia đình Shinawatra muốn gửi một thông điệp tới các tầng lớp và những người ủng hộ mình rằng ‘Chúng tôi vẫn còn đây, không hề biến mất’”, Kan Yuenyong, nhà phân tích tại cơ quan nghiên cứu Siam Intelligence Unit có trụ sở ở Bangkok nói với Reuters.
Ông Thaksin đến nay vẫn được xem là một trong những chính trị gia giàu nhất thế giới, trong khi đó bà Yingluck “ghi điểm” ở một số cách sống, hành xử được giới truyền thông đánh giá cao, theo Reuters. Tình cảm và cả sức mạnh tài chính của gia đình Shinawatra có thể là thách thức lớn cho chính quyền đương nhiệm Thái Lan.
Nhà chức trách ở miền đông bắc Thái Lan đã cấm việc phát tán những cuốn lịch năm 2016 có in hình của ông Thaksin và bà Yingluck.
“Đống lịch này là vì cái gì? Một tên tội phạm phát tán bộ lịch với gương mặt của chính mình trên đó, rồi sao nữa?”, Reuters dẫn lời Thủ tướng Thái Lan, ông Prayuth Chan-ocha nói với các phóng viên vào đầu tháng 1.2016.
Cựu phó bí thư thành uỷ Bắc Kinh bị điều tra nhận hối lộ
Nhiều con "hổ lớn" tham nhũng tại Trung Quốc bị tóm sau khi ông Tập Cận Bình phát động chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" - Ảnh: Reuters
Bà Lữ Tích Văn (Lyu Xiwen), cựu phó bí thư thành uỷ Bắc Kinh (Trung Quốc) đang bị điều tra vì cáo buộc nhận hối lộ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc thông báo ngày 18.1.