Ngày 21-1, chính quyền Trung Quốc cảnh báo nước này cần phải chuẩn bị để đối mặt với đợt giá rét khủng khiếp nhất trong vòng 30 năm qua.
Tin thế giới đọc nhanh tối 20-01-2016
- Cập nhật : 20/01/2016
Indonesia tăng quyền lực cho cảnh sát chống khủng bố
Sau vụ tấn công táo tợn của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tại thủ đô Jakarta, chính quyền Indonesia tuyên bố sẽ trao thêm nhiều quyền lực để cảnh sát chống khủng bố hiệu quả hơn.
Cảnh sát chống khủng bố Indonesia thu giữ tang vật từ nhà một nghi can tấn công khủng bố ở Jakarta - Ảnh: Reuters
Theo Bloomberg, ngày 19-1, ông Luhut Panjaitan, bộ trưởng điều phối an ninh và pháp lý Indonesia, cho biết chính quyền sẽ thắt chặt luật chống khủng bố, qua đó tạo điều kiện cho cảnh sát dễ dàng trấn áp khủng bố hơn. Thay đổi lớn nhất sẽ là nhà chức trách có quyền bắt giữ bất kỳ ai “có dấu hiệu” âm mưu tổ chức khủng bố.
Hủy tư cách công dân
Trước đó, cả lãnh đạo lực lượng cảnh sát và tình báo Indonesia đều đã lên tiếng kêu gọi Tổng thống Joko Widodo đưa ra các thay đổi cần thiết để tăng cường an ninh. Khác với nhiều quốc gia bị IS đe dọa, Indonesia không có luật cho phép chính phủ bắt giữ những kẻ cực đoan trở về từ Syria và Iraq.
Ước tính khoảng 200 công dân Indonesia đã gia nhập IS tại Syria và Iraq. Từ trước vụ tấn công ở Jakarta tuần trước nhà chức trách đã bày tỏ sự lo ngại về vấn đề này. Giám đốc Cảnh sát quốc gia Badrodin Haiti khẳng định ông muốn chính phủ hủy tư cách công dân của những người Indonesia gia nhập IS.
Giám đốc tình báo quốc gia Sutiyoso cho biết hiện chính quyền Malaysia đã cho phép cài thiết bị điện tử để theo dõi các nghi can khủng bố. Trong khi đó Mỹ và Pháp cũng có những luật chống khủng bố rất gắt gao. “Các nước này đều tôn trọng nhân quyền và tự do. Nhưng khi an ninh quốc gia bị khủng bố đe dọa, họ phải ưu tiên vấn đề tình báo và an ninh” - ông Sutiyoso nhấn mạnh.
Mối đe dọa đối với Indonesia là rất lớn bởi quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới bị IS coi là “phản Hồi giáo”. Mới đây ông Haiti cũng cảnh báo nguy cơ lớn nhất đối với nước này là các tay súng giàu kinh nghiệm trên chiến trường Syria và Iraq trở về nước tổ chức các cuộc tấn công khủng bố.
Mầm mống khủng bố từ nhà tù
Các chuyên gia Indonesia cho biết nhà tù chính là nơi bọn khủng bố chiêu mộ cực đoan ở nước này. Theo Reuters, báo cáo của Viện Phân tích chính sách xung đột (IPAC), 26 nhà tù ở Indonesia đang giam giữ 270 tên khủng bố. Trong tù, những tay khủng bố này thường xuyên “truyền đạo” cho những tên tội phạm có tư tưởng cực đoan.
Giám đốc Cơ quan Chống khủng bố Indonesia Saud Usman Nasution cho biết các nhà tù ở Indonesia quá đông, do đó cai ngục không ngăn chặn được hành vi “truyền đạo” này. Mới đây nhà chức trách phát hiện giáo sĩ cực đoan Aman Abdurrahman dù bị giam trong một nhà tù an ninh tối đa nhưng vẫn liên lạc được với những kẻ cực đoan khác nhờ điện thoại di động.
Thậm chí Abdurrahman và những tên cực đoan bị giam giữ còn tiếp cận được với thư điện tử và mạng xã hội như Facebook. Vì vậy, dù bị giam nhưng Abdurrahman vẫn gửi lên mạng thông điệp thề trung thành với IS hồi năm 2014.
Ngoài ra bọn cực đoan trong tù còn dễ dàng gửi thông điệp ra bên ngoài vì chế độ thăm hỏi ở nhà tù Indonesia khá thoải mái. Trong vụ tấn công khủng bố ở Jakarta mới đây, có ít nhất năm tên cực đoan bị giam trong tù ở Indonesia đã lên lạc với những kẻ lên kế hoạch tấn công.
Thủ tướng Úc kêu gọi Trung Quốc tránh xung đột trên biển Đông
Úc không đưa ra phán xét nào liên quan đến tranh chấp trên biển Đông nhưng hối thúc các bên kiềm chế những hành động đơn phương có thể đe dọa đến “hòa bình và trật tự tốt đẹp” của khu vực.
“Chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ tính toán kỹ hành động của mình để giảm thiểu khả năng xảy ra xung đột. Với mục tiêu này, tính hợp pháp của các tuyên bố chủ quyền chỉ nên được cân nhắc sau”, ông Turnbull phát biểu tại Trung tâm Chiến lược và quan hệ quốc tế tại Washington nhân chuyến thăm Mỹ ngày 18-1.
Thủ tướng Úc bày tỏ rằng ông tin tưởng Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ giữ cam kết tránh để xảy ra xung đột “giữa thế lực đang lên và trật tự sẵn có”. Bắc Kinh cần “hiệu chỉnh” hành động của mình theo cam kết này ngay cả trong trường hợp tranh chấp tại biển Đông nhờ đến luật pháp quốc tế can thiệp.
Ông Turnbull bên cạnh đó hối thúc Mỹ phê chuẩn Công ước LHQ về luật biển. Dù Washington đã tham gia công ước với tư cách quan sát, việc không phê chuẩn ảnh hưởng đến khả năng lãnh đạo của Mỹ trong trường hợp cần thiết.
Thủ tướng Úc nhận định Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một cơ hội tốt cho an ninh và việc làm. Một sự kết nối về kinh tế chặt chẽ hơn sẽ khiến cho cái giá của xung đột tăng lên, điều khiến những nước muốn gây hấn phải cân nhắc kỹ.
Thủ tướng Úc sẽ hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong ngày 19-1.
Tây Phi thề quyết chiến chống khủng bố
Ngày 19-1, các nước Tây Phi khẳng định sẽ quyết chiến chống chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt là Al-Qaeda. Tuy nhiên sự yếu kém của các chính phủ khu vực đang tạo điều kiện cho Al-Qaeda hùng bá.
Theo AFP, mới đây nhóm khủng bố Al-Qaeda vùng Hồi giáo Maghreb (AQIM) công bố tên tuổi ba tay súng đã thực hiện vụ tấn công đẫm máu tại khách sạn Splendid ở Ouagadougou, thủ đô Burkina Faso, khiến 29 người thiệt mạng, một nửa trong số đó là người nước ngoài.
AQIM cho biết những kẻ tấn công là al-Battar al-Ansari, Abu Muhammad al-Buqali al-Ansari và Ahmed al-Fulani al-Ansari. Tổ chức phân tích tình báo SITE cho biết al-Ansari là bí danh bọn khủng bố thường lấy để chỉ gốc gác từ bắc Mali. AQIM còn công bố ảnh của ba tên khủng bố trẻ măng, tay lăm lăm súng AK-47.
“Sẽ không ngồi yên”
AQIM mô tả khách sạn Splendid là “một trong những ổ gián điệp nguy hiểm nhất Tây Phi”. Hiện thủ đô Ouagadougou đang rất yên ắng vì mối lo ngại khủng bố vẫn lởn vởn. Lực lượng an ninh chính phủ bảo vệ nghiêm ngặt các địa điểm trọng yếu trong thành phố.
Các nhân chứng cho biết chắc chắn có nhiều hơn ba tên khủng bố đã tấn công khách sạn Splendid. Do đó nhà chức trách vẫn đang mở chiến dịch săn lùng bọn tội phạm. Nhà chức trách đã bắt giữ 29 nghi can có khả năng đã dính líu tới vụ tấn công.
Đến thăm Burkina Faso, Tổng thống Benin Thomas Yayi, đại diện 15 quốc gia thành viên Cộng đồng Kinh tế Tây Phi, khẳng định: “Chúng tôi sẽ không ngồi yên chịu đựng. Chúng tôi sẽ phản ứng chống lại khủng bố”. Ông cho biết vấn đề lớn nhất hiện tại là AQIM sẽ tấn công quốc gia nào khác sau Burkina Faso.
Trong khi đó, Burkina Faso và Mali tuyên bố lập liên minh chống khủng bố. Thủ tướng hai nước đã nhóm họp ở Ouagadougou để thảo luận kế hoạch này. Dự kiến hai bên chia sẻ thông tin tình báo, tổ chức tuần tra an ninh chung. Giới quan sát nhận định đây là động thái cần thiết để Burkina Faso và Mali chống lại mối đe dọa từ AQIM.
Mới đây Tổng thống Pháp Francois Hollande đã gọi điện cho người đồng cấp Burkina Faso Roch Marc Christian Kabore, cam kết sẽ hỗ trợ tối đa để nhà nước trách điều tra vụ thảm sát tại khách sạn Splendid. Hiện một đội điều tra hiện trường Pháp gồm 18 thành viên đã có mặt ở khách sạn Splendid để cùng lực lượng an ninh địa phương tìm kiếm manh mối của bọn khủng bố.
Tận dụng sự hỗn loạn
Giới chuyên gia nhận định việc AQIM hùng bá ở Tây Phi nhờ tận dụng rất hiệu quả sự yếu kém của các chính quyền khu vực. Trong những năm qua, AQIM tăng cường tấn công ở các nước có nhiều bất ổn. AQIM đã tổ chức các vụ giết chóc và bắt cóc tại Algeria, Niger, Mali… Tất cả đều nhằm mục tiêu quét sạch ảnh hưởng của phương Tây tại châu Phi.
Năm 2012, AQIM thực hiện chiến dịch quân sự táo bạo, chiếm đóng miền bắc Mali và thực thi luật Hồi giáo Sharia hà khắc tại đây. Dù sau đó quân đội Pháp hỗ trợ lực lượng Mali giành lại vùng lãnh thổ này, vụ việc vẫn cho thấy sự nguy hiểm đáng sợ của AQIM.
Tướng David Rodriguez, lãnh đạo Bộ Chỉ huy Mỹ tại châu Phi (AFRICOM), đánh giá AQIM rất giỏi tận dụng sự hỗn loạn của khu vực để hoạt động. Sau khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ ở Libya, nước này trở thành hang ổ để AQIM và Nhà nước Hồi giáo (IS) thu mua vũ khí, lên kế hoạch tấn công các nước.
“Libya trở thành thiên đường để khủng bố AQIM và IS đào tạo, huấn luyện, xây dựng lực lượng” - tướng Rodriguez mô tả. Burkina Faso là một trường hợp gần tương tự. Nước này trước đây khá ổn định về chính trị, khủng bố không hoạt động. Tuy nhiên hai năm qua Burkina Faso rơi vào biến động chính trị nghiêm trọng với các cuộc lật đổ và đảo chính.
Chính quyền Tổng thống Roch Marc Christian Kabore mới chỉ lên nắm quyền được một tháng. Và đây là cơ hội lý tưởng để AQIM xâm nhập Burkina Faso. “Các chính phủ yếu kém và sự hỗn loạn luôn là thức ăn nuôi dưỡng khủng bố” - điều phối viên LHQ Jakob Schindler nhận định.
Iran chỉ trích lệnh cấm vận mới của Mỹ
Hôm qua, chính quyền Tehran đã lên tiếng chỉ trích lệnh cấm vận mới của Mỹ đối với chương trình tên lửa đạn đạo của Iran là phi pháp, đồng thời tuyên bố tiếp tục phát triển vũ khí quân sự thông thường.
“Iran sẽ đáp trả các biện pháp cấm vận này bằng việc theo đuổi chương trình tên lửa hợp pháp này mạnh mẽ hơn trước và tiếp tục phát triển khả năng quốc phòng” - Bộ Ngoại giao Iran nêu trong một tuyên bố.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Hossein Jaberu Ansari cũng đã chỉ trích việc Washington bán vũ khí cho các đồng minh ở Trung Đông trị giá hàng chục tỉ USD mỗi năm được sử dụng để thực hiện các “tội ác chiến tranh chống lại người Palestine, Libăng và gần đây là Yemen”.
“Việc Mỹ cấm vận chương trình tên lửa đạn đạo của Iran không có tính chính đáng về luật pháp và đạo đức” - ông nói.
Theo Reuters, hôm 17-1 Mỹ đã áp đặt lệnh cấm vận đối với 11 công ty và cá nhân vì hỗ trợ chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, một động thái vốn bị trì hoãn hơn hai tuần để tránh gây ảnh hưởng đến việc Tehran trả tự do cho các tù nhân Mỹ hồi cuối tuần qua.
Các lệnh cấm vận mới cũng được đưa ra sau khi lệnh cấm vận đối với chương trình hạt nhân của Iran được dỡ bỏ.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Iran đã thử tên lửa đạn đạo, việc mà Liên Hiệp Quốc tuyên bố là vi phạm nghị quyết cấm Tehran phát triển tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Iran khẳng định tên lửa được thiết kế để mang đầu đạn thông thường.
Đài Loan đối mặt với tình trạng bế tắc của nội các
Người đứng đầu nội các Đài Loan Mao Trị Quốc cùng các thành viên của nội các ngày 18-1 đã từ chức hàng loạt sau thất bại của Quốc Dân đảng cầm quyền (KMT) trước đảng Dân Tiến (DPP).
Channel NewsAsia cho biết dù động thái này được xem là thủ tục nhưng người đứng đầu chính quyền Đài Loan Mã Anh Cửu vẫn chưa chấp thuận việc từ chức và yêu cầu các thành viên nội các ở lại trong khoảng thời gian hiện tại.
Ông Mã Anh Cửu lo ngại rằng động thái này có thể để lại một khoảng trống chính trị cho đến khi bà Thái Văn Anh nhậm chức vào 20-5.
Ông Mã đã kêu gọi bà Thái thành lập một nội các mới với người đứng đầu nội các được hỗ trợ bởi KMT nhưng đề xuất của ông đã bị từ chối. Nếu bế tắc vẫn tồn tại, chính quyền Đài Loan sẽ ở trong tình trạng bế tắc này trong vòng 4 tháng tới.
Mặc khác ông Mao có vẻ đã quyết tâm từ chức mà không cần sự chấp thuận của ông Mã Anh Cửu khi ông Mao lập tức đã rời khỏi văn phòng.
Người đứng thứ hai trong nội các Đài Loan Chang San Cheng tạm thời tiếp quản vị trí của ông Mao cho đến khi có thông báo mới.