tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 16-04-2016

  • Cập nhật : 16/04/2016

Sách Xanh Ngoại giao Nhật Bản quan ngại Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông

hinh anh ve tinh chup duong bang phi phap trung quoc xay tren da chu thap thuoc quan dao truong sa cua viet nam - anh: csis/reuters

Hình ảnh vệ tinh chụp đường băng phi pháp Trung Quốc xây trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: CSIS/Reuters

Nhật Bản quan ngại về sự quân sự hóa nhanh chóng của Trung Quốc, bao gồm hoạt động xây dựng tiền đồn và sử dụng quân đội trên Biển Đông.
Đó là một trong những nội dung quan trọng được đề cập trong sách Xanh Ngoại giao Nhật Bản năm 2016, được Ngoại trưởng Fumio Kishida trình lên nội các nước này ngày 15.4, theo báo The Mainichi (Nhật Bản).

Quan ngại hành động đơn phương của Trung Quốc
Sách Xanh Ngoại giao năm 2016 nêu rõ Nhật Bản phải "phối hợp với cộng đồng quốc tế để bảo vệ hàng hải tự do, rộng mở và hòa bình", trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có hành động quyết liệt và hung hăng trên Biển Đông. 
The Mainichi dẫn sách Xanh Ngoại giao khẳng định nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại về các hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Các hành động của Trung Quốc gồm cải tạo đất với quy mô lớn và nhanh chóng thành các đảo nhân tạo, xây dựng các tiền đồn phục vụ cho mục đích quân sự.
Đối với Nhật Bản, vấn đề tranh chấp trên Biển Đông và những hành động của Bắc Kinh khiến nước này cũng "vô cùng quan ngại" bởi Tokyo đang tìm kiếm sự an toàn cho tuyến đường biển, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông vì nước này phụ thuộc vào nhập khẩu nguồn năng lượng qua đường biển.
Sách Xanh Ngoại giao Nhật Bản được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc thời gian qua liên tục khiến tình hình Biển Đông thêm phức tạp khi xây dựng đường băng, bố trí rada, tên lửa phòng, những hành động được coi là quân sự hóa rất rõ ràng. Trung Quốc không chỉ phớt lờ những chỉ trích của dư luận mà còn coi những nước như Mỹ, Nhật Bản là những "kẻ ngoài cuộc".
ngoai truong fumio kishida trinh len noi cac nhat ban sach xanh ngoai giao nam 2016 vao ngay 15.4 - anh: reuters

Ngoại trưởng Fumio Kishida trình lên nội các Nhật Bản sách Xanh Ngoại giao năm 2016 vào ngày 15.4 - Ảnh: Reuters

Bên cạnh vấn đề Biển Đông, sách Xanh Ngoại giao Nhật Bản cũng nhắc tới vấn đề tranh chấp trên biển Hoa Đông, khẳng định nước này quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải, đồng thời chỉ trích việc tàu thuyền Trung Quốc thường xuyên xâm nhập lãnh hải gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Mặc dù vậy, Nhật Bản vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối thoại với Trung Quốc, nói rằng quan hệ với Bắc Kinh là "một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất" của Nhật Bản. Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với Trung Quốc thông qua đối thoại và hợp tác ở các cấp độ khác nhau và cả hai nước chia sẻ trách nhiệm đối với sự hòa bình, ổn định của khu vực và quốc tế.

Quan hệ với Nga, Hàn Quốc, Triều Tiên
Sách Xanh Ngoại giao Nhật Bản cũng không quên đề cập đến mối quan hệ với nước láng giềng Hàn Quốc, Nga cũng như mối đe dọa từ phía Triều Tiên.
Cụ thể, trong quan hệ với Hàn Quốc, sách Xanh nêu rõ quan hệ này sẽ bước sang một "kỷ nguyên mới"  "theo định hướng tương lai" sau khi hai nước ký thỏa thuận song phương năm 2015 nhằm giải quyết vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị ép mua vui cho quân đội Nhật Bản trong thời chiến. Nhật Bản coi Hàn Quốc là "nước láng giềng quan trọng nhất", cùng chia sẻ những lợi ích chiến lược và mối quan hệ hữu nghị Nhật - Hàn là cần thiết đối với sự hòa bình, ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
quan dao dokdo/takeshima tranh chap giua han quoc va nhat ban - anh: reuters

Quần đảo Dokdo/Takeshima tranh chấp giữa Hàn Quốc và Nhật Bản - Ảnh: Reuters

Mặc dù vậy, Nhật Bản vẫn giữ nguyên lập trường đối với quần đảo đang tranh chấp với Hàn Quốc rằng Takeshima/Dokdo là phần lãnh thổ của Nhật Bản “dựa trên bằng chứng lịch sử và luật pháp quốc tế".
Liên quan đến quan hệ với Nga, sách Xanh nhấn mạnh Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe mong muốn thúc đẩy các cuộc đàm phán nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ kéo dài hàng chục năm nay về quần đảo tranh chấp Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phía bắc. Nhật Bản cho rằng việc thiết lập quan hệ với Nga góp phần củng cố lợi ích của Nhật Bản và thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng tại khu vực. Nhật Bản cũng mong muốn được đón tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào một ngày thích hợp nhất.
Đề cập đến vấn đề Triều Tiên, Nhật Bản coi sự phát triển hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng là nguồn cơn của mối đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng đối với sự an toàn của Tokyo. Nhật Bản sẽ "hối thúc mạnh mẽ để Triều Tiên cụ thể hóa các hành động nhằm hướng tới phi hạt nhân hóa".(TN)

Thêm 52 người Đài Loan ở Malaysia sẽ bị trục xuất về Trung Quốc

nhung nguoi dai loan bi bat o kenya bi dua ve trung quoc - anh: reuters

Những người Đài Loan bị bắt ở Kenya bị đưa về Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Sau Kenya, Malaysia có thể sẽ trục xuất 52 người Đài Loan đang bị giam giữ ở nước này về Trung Quốc, bất chấp sự can thiệp của Đài Bắc.
Hãng thông tấn Đài Loan CNA ngày 15.4 dẫn nguồn tin từ ông David Lin, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan, cho biết chính quyền Đài Loan đang cố tìm mọi cách để Malaysia thay đổi quyết định đưa những nghi phạm Đài Loan liên quan đến đường dây lừa gạt qua điện thoại về Trung Quốc.
Trước đó, 45 người Đài Loan bị bắt ở Kenya trong một đường dây lừa gạt qua điện thoại đã bị đưa về Trung Quốc.
Bắc Kinh giải thích những nghi phạm này liên quan đến một vụ lừa đảo, số tiền lên đến hàng trăm triệu nhân dân tệ, các nạn nhân là người Trung Quốc; vì vậy các nghi phạm phải bị đưa về Trung Quốc xét xử.
me cua mot nghi pham dai loan bi truc xuat phan doi dua con ba ve trung quoc - anh: reuters

Mẹ của một nghi phạm Đài Loan bị trục xuất phản đối đưa con bà về Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Chưa rõ 52 người Đài Loan đang bị giam giữ ở Malaysia có liên quan đến những người bị bắt ở Kenya hay không.

Người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan nói rằng Đài Bắc đã đưa yêu cầu đến chính quyền Malaysia sau khi có thông tin từ một nghị sĩ ở Đài Loan nói rằng 52 người Đài Loan ở Malaysia sẽ bị trục xuất về Trung Quốc như Kuala Lumpur từng làm trước đây.
“Chúng tôi sẽ làm mọi cách để việc đó không lặp lại”, ông Lin nói. Tuy nhiên điều này là không dễ khi chính phủ Malaysia lâu nay có mối quan hệ khá thân thiết với Trung Quốc.

Tổng thống Putin: Nga, Nhật sẽ sớm giải quyết tranh chấp lãnh thổ

tong thong putin noi se som giai quyet van de tranh chap lanh tho voi nhat - anh: reuters

Tổng thống Putin nói sẽ sớm giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Nhật - Ảnh: Reuters

Nhật Bản và Nga sẽ sớm giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ kéo dài nhiều năm nay, hãng tin Kyodo dẫn phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp với báo chí ngày 14.4.
Nga gọi quần đảo tranh chấp là Kuril trong khi Nhật Bản gọi đây là Vùng lãnh thổ phía bắc. Tổng thống Putin cho biết sẽ đề cập vấn đề này với Thủ tướng Shinzo Abe vào tháng 5.2016 trong chuyến công du của ông Abe đến Nga.
Người đứng đầu Điện Kremlin còn nói rằng ông có kế hoạch tổ chức nhiều cuộc đàm phán ở các cấp với Nhật.
“Chúng tôi hiểu rằng bất chấp áp lực từ các đồng minh, đặc biệt là từ Mỹ, người bạn Nhật vẫn duy trì quan hệ với chúng tôi”, hãng tin Nikkei dẫn lời Tổng thống Putin nói với các nhà báo.
"Nhật Bản từng quyết định hạn chế tiếp xúc với chúng tôi", ông Putin nói. "Tôi không nghĩ việc này giúp ích cho Nhật Bản hay người dân nước này", theo Tổng thống Nga.
quan dao kuril/vung lanh tho phia bac dang bi nga va nhat tranh chap - anh: reuters

Quần đảo Kuril/Vùng lãnh thổ phía bắc đang bị Nga và Nhật tranh chấp - Ảnh: Reuters

Dù vậy, Tổng thống Putin cho biết ông không kỳ vọng vấn đề tranh chấp sẽ được dàn xếp trước hội nghị thượng đỉnh nhóm G7, được Nhật đăng cai tổ chức vào tháng 5.2016. Thay vào đó, ông Putin hy vọng sẽ "chuyển hóa" được nhiều nước khác như Nhật gần gũi và hòa giải với Nga.


Trung Quốc lên tiếng vụ phóng tên lửa của Triều Tiên

Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung ở bờ biển phía Đông nước này vào sáng 15-4 nhưng thất bại.

Theo Yonhap, loại tên lửa được dùng trong vụ phóng trên dường như là một tên lửa Musudan với tầm bắn hơn 3.000 km. Hãng tin Yonhap cho biết loại tên lửa tầm trung mới của Triều Tiên trong một ngày có thể trạm đất các căn cứ quân sự của Mỹ ở châu Á.

Ngày 15-4 đánh dấu kỷ niệm ngày sinh của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành. Hồi năm 2012, cũng trong một sự kiện như vậy, Triều Tiên đã cho bắn một tên lửa tầm xa nhưng thất bại.

Động thái này có thể liên quan đến việc chuẩn bị của ông Kim Jong Un trước thềm đại hội đảng Lao động vào tháng tới nhằm củng cố quyền lực của mình, theo AP.

Trung Quốc ngay lập tức đã phản ứng giận dữ trước động thái của Bình Nhưỡng. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã đưa ra quan điểm rất rõ ràng về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.

bat chap cong dong quoc te len an, trieu tien van phat trien ten lua.( anh: reuters)

Bất chấp cộng đồng quốc tế lên án, Triều Tiên vẫn phát triển tên lửa.( Ảnh: REUTERS)

“Hiện tình hình trên bán đảo Triều Tiên khá phức tạp và nhạy cảm. Chúng tôi hy vọng tất cả các bên có thể tôn trọng triệt để các quyết định của Hội đồng Bảo an và tránh bất kỳ động thái nào mà có thể làm gia tăng căng thẳng” - ông Lục tuyên bố.

Trong khi đó, phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc lại lên tiếng một cách “trực diện” hơn nhiều.

“Việc CHDCND Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung vào ngày 15-4 mặc dù thất bại nhưng đánh dấu sự kiện mới nhất trong chuỗi hành động phô trương sức mạnh. Nếu không được kiểm soát, nó sẽ dẫn tới sự diệt vong của nước này” -  một phần nội dung trong bài xã luận của Tân Hoa xã.

Hãng tin nhà nước Trung Quốc sau đó tiếp tục cảnh báo rằng: “Vũ khí hạt nhân sẽ không làm Bình Nhưỡng an toàn hơn. Ngược lại, những nỗ lực quân sự tốn kém sẽ tiếp tục bóp nghẹt nền kinh tế của nước này”.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã gia tăng từ đầu năm nay khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân thứ tư vào đầu tháng 1 và một vụ phóng tên lửa tầm xa trong tháng 2. Hiện nước này đang chịu lệnh trừng phạt gắt gao từ Liên Hiệp Quốc.


Thổ Nhĩ Kỳ ‘cấm cửa’ hãng thông tấn nhà nước Nga

Bộ Viễn thông Thổ Nhĩ Kỳ cho hay quyết định cuối cùng sẽ được tòa án Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra.

Đại diện Bộ Viễn thông Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15-4 cho hay trang web của hãng tinSputnik (Nga) tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang bị chặn tạm thời cho đến khi tòa án nước này ra quyết định cuối cùng. “Chúng tôi đã quyết định chặn trang web và vụ việc đã được đệ trình lên tòa án”.

“Thủ tục này được quy định trong luật pháp. Theo đó, một trang web bị chặn nếu có một số loại thông tin trên trang web đó trái với luật pháp. Sau đó, vụ việc được đệ trình lên tòa án, nơi đưa ra quyết định cuối cùng về việc đóng hoặc cho trang web tiếp tục hoạt động” - hãng RIA Novosti dẫn thông tin từ Bộ Viễn thông Thổ Nhĩ Kỳ.

Trang web Sputnik của Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ đã bị chặn vào tối 14-4 với lý do nhằm thực thi “các biện pháp hành chính”. Sputnik cho hay không được chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thông báo về quyết định này trước đó.  Tuy nhiên, hiện chưa rõ Sputnik đã đăng tải các thông tin gì dẫn đến việc trang tin này bị cấm cửa tại thổ Nhĩ Kỳ.

website cua sputnik tai tho nhi ky da bi chan toi 14-4. (anh: sputnik)

Website của Sputnik tại Thổ Nhĩ Kỳ đã bị chặn tối 14-4. (Ảnh: SPUTNIK)

Đáp lại thông tin trên, Tổng Biên tập báo Sputnik Margarita Simonyan ngày 15-4 nói rằng quyết định của Bộ Viễn thông Thổ Nhĩ Kỳ là dấu hiệu rõ ràng của sự kiểm duyệt quá tay và thiếu tự do ngôn luận trong Thổ Nhĩ Kỳ.

Liên quan đến quyền đóng các trang web, hồi tháng 1-2015, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ và các bộ trưởng khác của nước này đã được hưởng quyền đóng bất kỳ loại tài nguyên nào trên Internet mà không cần lệnh của tòa án.

Các bộ trưởng có quyền yêu cầu Bộ Viễn thông Thổ Nhĩ Kỳ và các nhà cung cấp mạng nước này đóng các trang web hoặc xóa nội dung trong vòng bốn giờ sau khi nhận được thông báo liên quan đến “an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự xã hội hoặc phòng, chống tội phạm”.

Sputnik là một mạng lưới thông tấn và phát thanh nhà nước Nga. Sputnik có các trung tâm tin tức đa phương tiện ở hàng chục quốc gia, phát sóng thông qua hệ thống website với hơn 30 ngôn ngữ. 


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục