Bộ Phát triển Viễn đông Nga chấp thuận việc chuyển các xí nghiệp đóng tàu, nhà máy công nghiệp hóa chất, luyện kim và một số ngành sản xuất khác từ Trung Quốc sang vùng Viễn Đông.
Tin thế giới đọc nhanh tối 16-04-2016
- Cập nhật : 16/04/2016
Ông Obama sẽ khuyên Anh nên ở lại EU
Theo tờ Guardian, tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đến thăm Anh vào tuần tới. Trong chuyến thăm này, tổng thống Obama sẽ đưa ra quan điểm của mình như là "một người bạn” rằng Anh cần phải ở lại EU và Mỹ ủng hộ 'một Vương quốc Anh mạnh trong lòng EU'. Tổng thống Obama cũng sẽ có buổi nói chuyện với thanh niên của xứ sở xương mù này.
Mặc dù đã bày tỏ quan điểm này của mình từ trước, song tổng thống Obama có nguy cơ hứng chịu nhiều sự chỉ trích vì gây tác động đến Brexit, cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của Anh trong EU dự kiến diễn ra vào ngày 23/6 tại Anh.
Tổng thống Obama sẽ phải tìm cách đạt được sự cân bằng tế nhị về Brexit trong chuyến thăm Anh vào tuần tới.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 14/4, các quan chức Nhà Trắng cho biết tổng thống Obama sẽ chỉ tham gia vào tranh luận sâu nếu được đề nghị. Phó cố vấn An Ninh quốc gia Nhà Trắng, Ben Rhodes, nói: "Tổng thống Obama sẽ nói rõ rằng đây là vấn đề người dân Anh cần phải quyết định khi đi bỏ phiếu vào tháng 6. Chúng tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có lợi nếu EU có thể nói một tiếng nói chung và mạnh mẽ cũng như khi EU có thể hợp tác với Mỹ để tăng cường các mối quan tâm chung dù về an ninh hay thịnh vượng. Chúng tôi tin rằng Anh có lợi từ thị trường trung châu Âu vì nó tốt cho cả kinh tế Anh và Mỹ'.
Đối với Nhà Trắng sẽ là điều không bình thường nếu can thiệp vào những vấn đề liên quan đến bầu cử ở nước khác và chính quyền Mỹ thường cố gắng tránh làm điều đó khi lên kế hoạch các chuyến công du tại nước ngoài hay mời các nhà lãnh đạo nước ngoài đến Washington. Song trong chuyến thăm Anh lần này, tổng thống Obama cũng sẽ tổ chức một cuộc họp báo chung với thủ tướng Anh, David Cameron để chia sẻ một liên minh vững chắc. Thủ tướng Cameron đã ví việc Anh rời khỏi EU như là "một canh bạc của cả nước”.
Các quan chức Mỹ lập luận về lợi ích kinh tế của Mỹ nếu Anh tiếp tục trụ lại EU bằng việc dùng những lời lẽ tương tự mà Tổ chức tiền tệ Quốc tế đã đưa ra vào tuần này. Đó là: 'nguy cơ gián đoạn về thương mại, kinh doanh và mất việc làm cả ở Anh và châu Âu'.
Charlie Kupchan, trợ lý đặc biệt của Tổng thống Obama kiêm Giám đốc phụ trách những vấn đề châu Âu của Nhà Trắng cho hay: 'Vương quốc Anh có tầm ảnh hưởng vô cùng to lớn trên thế giới trong nhiều thập kỷ qua và đây là một trong những nước đã có đóng góp lớn trong việc kiến tạo nên một thời đại văn minh. Chúng tôi hy vọng rằng, Anh sẽ duy trì được tầm ảnh hưởng này và chúng tôi nghĩ rằng trong thế giới ngày nay hình thức ảnh hưởng đó được đạt được tốt nhất thông qua các câu lạc bộ, thuyết hỗ sinh và làm việc nhóm. Về phương diện này, theo dự đoán của chúng tôi Anh sẽ tiếp tục đóng vai trò đó một cách hiệu quả nhất nếu tiếp tục là một phần của EU.'
Người phụ nữ này là "cánh tay phải" của Tổng thống Nga Putin
Trên cương vị là Thống đốc NHTW Nga, bà Elvira Nabiullina đã giúp kinh tế Nga vững vàng trước "sóng to gió lớn".
Elvira Nabiullina lần đầu tiên biết đến chủ nghĩa tư bản khi còn là sinh viên và tham dự một khóa học có tên “Nghệ thuật phê bình học thuyết kinh tế phương tây”. Đây là một khởi đầu khá đặc biệt đối với một Thống đốc NHTW thời hiện đại. Ngày nay, bà lại đang ở trong một cuộc đối đầu khác.
Mấy năm gần đây, kinh tế Nga đang rơi vào trạng thái trì trệ với nguyên nhân là tham nhũng, giá dầu lao dốc và các lệnh trừng phạt của phương Tây. NHTW Nga (CBR) đi theo chính sách điều hành nặng tính hành chính và kỹ trị. Tuy nhiên, kể từ khi Nabiullina trở thành Thống đốc năm 2013, CBR đã làm khá tốt vai trò hỗ trợ nền kinh tế Nga, dù chặng đường còn rất nhiều chông gai.
Người phụ nữ có giọng nói nhỏ nhẹ này có xuất thân rất bình dị. Mẹ của bà là công nhân nhà máy, trong khi người cha là một lái xe. Khi ông Putin trở thành Tổng thống năm 2000, ông đã làm được nhiều điều tốt cho nước Nga, giải quyết tốt những bất ổn của thời kỳ những năm 1990. Tuy nhiên, theo lời cựu Bộ trưởng Kinh tế Yevgeny Yasin, ông “không có những ý tưởng rõ ràng về điều hành kinh tế”. Do vậy Tổng thống Nga giao phó việc hoạch định chính sách kinh tế cho một nhóm các chuyên gia kinh tế, trong đó có bà Nabiullina. Năm 2000 bà trở thành Thứ trưởng Kinh tế và 7 năm sau lên chức Bộ trưởng.
Cuộc khủng hoảng 2008-09 đã lộ rõ điểm yếu của nền kinh tế Nga là bị phụ thuộc vào các quỹ đầu tư ngoại và cả nhà đầu tư nhỏ lẻ. Khi họ rút tiền tháo chạy, CBR phải nỗ lực vực dậy giá trị của đồng ruble và đã mất hơn 200 tỷ USD dự trữ ngoại hối chỉ trong vài tháng. Năm 2009 GDP suy giảm 8%.
Điều này buộc Nga phải ngay lập tức thực hiện hai cuộc cải cách lớn để chuẩn bị cho cú sốc giá dầu tiếp theo. Đầu tiên, Nga tiến hành đa dạng hóa nguồn vốn. Ví dụ, năm 2013, Nga cho phép Euroclear và Clearstream (là hai trung tâm lưu ký quốc tế) xử lý một số loại trái phiếu Nga. Chính sách này giúp thu hút các nhà đầu tư tổ chức – những người muốn mua tài sản khi giá ở mức thấp.
Dưới sự quản lý của bà Nabiullina, thị trường vốn nội địa cũng phát triển sâu rộng hơn. Riêng trong năm 2013 tỷ lệ nhà đầu tư trong nước nắm giữ nợ công của Nga đã tăng từ mức 66% lên 70%. Ngân hàng Goldman Sachs cũng nhận định tài sản của các quỹ hưu trí Nga sẽ tăng từ mức 60 tỷ USD hiện nay lên khoảng 200 tỷ USD vào năm 2020.
Sự đa dạng hóa giúp nền kinh tế Nga không bị “đói” vốn như trong quá khứ. Xét trên quy mô nền kinh tế, dòng vốn rút ra trong giai đoạn 2014-15 nhỏ hơn so với 2008-09. Mức suy giảm 4% của GDP năm 2015 cũng tốt hơn so với thời kỳ 2008-09.
Sự thay đổi thứ hai là về dự trữ ngoại hối. Nhờ giá dầu cao, con số tăng từ mức 140 tỷ USD giai đoạn 2009-13 lên hơn 500 tỷ USD (tương đương 20% GDP). Đây cũng là một trong những lý do giải thích tại sao Nga có thể theo đuổi chính sách ngoại giao cứng rắn với phương Tây. Nước này không còn phải cầu cứu IMF như năm 1998.
Để duy trì dự trữ ngoại hối khi giá dầu bắt đầu giảm, bà Nabiullina đã thúc đẩy kế hoạch cho phép thả nổi nội tệ. Chỉ trong năm 2015 đồng Rúp đã giảm giá 40% so với USD. Nếu bảo vệ đồng Rúp như trong quá khứ, Nga sẽ bảo tồn được sức mua của đồng nội tệ nhưng lại khiến dự trữ ngoại hối giảm mạnh. Vì thế Nga đã chọn cách chuyển USD sang các ngân hàng và tập đoàn năng lượng bị phương Tây cấm vận để giúp họ trả nợ nước ngoài.
Nga cũng dùng dự trữ ngoại hối để tài trợ cho thâm hụt ngân sách. Đến nay giá dầu đã hồi phục chút ít và CBR đang quay lại tích lũy dự trữ ngoại hối.
Đà giảm giá của đồng Rúp khiến lạm phát tăng mạnh vì hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ. Kết quả là, kể từ năm 2014 đến nay tiền lương thực tế (đã điều chỉnh theo lạm phát) đã giảm hơn 10%.
Nga chỉ sử dụng duy nhất lãi suất cơ bản để ngăn đồng Rúp lao dốc và lạm phát. Năm 2014 lãi suất lên tới 17%.
Bà Nabiullina khẳng định những bước đi này là cần thiết dù gây ra nhiều đau đớn. Để “xoa dịu nỗi đau”, Chính phủ Nga bỏ ra 3% GDP để tái cấu trúc các ngân hàng được quản lý tốt và đền bù cho người dân. Thêm vào đó, các ngân hàng tạm thời được phép định giá lại các khoản nợ nước ngoài với mức tỷ giá của thời kỳ trước khủng hoảng. Điều này giúp tạo ra lượng tín dụng dồi dào. Kết quả là tỷ lệ nợ xấu đã giảm xuống mức thấp hơn thời kỳ 2008-09.
Cùng lúc đó bà Nabiullina tăng cường công tác giám sát hệ thống ngân hàng. Tổng thống cho phép bà thanh tra cả những ngân hàng trước đây là “bất khả xâm phạm”. Kể từ năm 2014 đã có khoảng 200 ngân hàng đã bị thu hồi.
Dẫu vậy bà Nabiullina vẫn phải nhận những lời chỉ trích. Một số người cho rằng chính sách thắt chặt tiền tệ là một tội đồ vì khiến doanh nghiệp không muốn đầu tư. Tuy nhiên, lợi nhuận của các doanh nghiệp Nga đã tăng 50% trong năm ngoái vì lợi nhuận thu được ở nước ngoài tăng lên khi đổi sang đồng Rúp. Thêm vào đó các công ty có rất nhiều tiền mặt để đầu tư.
Khảo sát cho thấy các công ty cho rằng bất ổn chính trị (chứ không phải lãi suất cao) mới là rào cản lớn nhất. Bà Nabiullina cũng đồng tình với điều này. “Kinh tế suy thoái là hệ quả tất yếu của công cuộc tái cấu trúc”, bà nói.
Điều khiến Nabiullina lo lắng nhất không phải là giá dầu còn lao dốc đến đâu mà Nga có thể nhanh chóng cải thiện môi trường kinh doanh hay không. Còn ở thời điểm hiện tại, CBR vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình vận hành của nền kinh tế Nga.
Trung Quốc "bịa" chuyện được ủng hộ về vấn đề biển Đông
Chính phủ Fiji hôm 15-4 bác bỏ thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, theo đó nước này ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về vấn đề biển Đông.
Theo đó, Fiji theo đuổi chính sách không liên kết, đồng thời duy trì mối quan hệ hữu nghị với tất cả các quốc gia tiếp giáp biển Đông, trong đó có Trung Quốc.
Fiji ủng hộ việc tuân thủ nghiêm ngặt và thực thi luật quốc tế, đồng thời kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế.
Trước đó hôm 13-4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo báo chí, trong đó nhấn mạnh Fiji "ủng hộ lập trường biển Đông" của Bắc Kinh sau cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng nước chủ nhà Vương Nghị và người đồng cấp Fiji Ratu Inoke Kubuabola tại Bắc Kinh.
Cũng theo thông cáo báo chí này, "hai nước kêu gọi các bên liên quan trực tiếp giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, quyền hàng hải và lợi ích thông qua sự tham vấn và thương thảo phù hợp với các thỏa thuận song phương và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)".
Indonesia tiếp tục cứng rắn với các tàu cá vi phạm lãnh hải
Trong năm 2016, Indonesia chủ trương tiếp tục đối xử cứng rắn với các tàu đánh bắt cá vi phạm vùng biển của nước này.
Một tàu đánh cá của Malaysia bị đánh chìm tại khu vực ngoài khơi Belawan, phía đông đảo Sumatra, Indonesia ngày 18/8/2015. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tuyên bố trên các phương tiện truyền thông, Bộ trưởng Hàng hải và Nghề cá Indonesia Susi Pudjiastuti nêu rõ Jakarta muốn bảo vệ chủ quyền, do đó mọi tàu thuyền vi phạm lãnh hải đều sẽ bị xử lý theo luật pháp nước này, bất kể tàu thuyền đó thuộc quốc gia nào.
Tính từ đầu năm đến nay, Indonesia đã bắt giữ 10 tàu của Việt Nam (gồm 1 tàu Bình Định, 2 tàu Bình Thuận, 4 tàu Bà Rịa - Vũng Tàu, 1 tàu Tiền Giang và 2 tàu Kiên Giang) với gần 100 ngư dân.
Trong khoảng thời gian này, Indonesia đã hai lần đánh chìm tàu Việt Nam. Lần thứ nhất là ngày 23/2, Việt Nam có 11 tàu trong tổng số 30 tàu nước ngoài bị đánh chìm. Lần thứ hai là ngày 5/4, Việt Nam có 13 tàu trong tổng số 23 tàu nước ngoài bị đánh chìm.
Tính đến tháng Tư này, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã phối hợp với các bộ ngành nước sở tại, giải quyết các thủ tục và tiến hành 9 đợt đưa công dân về nước. Theo đó, 77 ngư dân đã được hồi hương, trong đó có các ngư dân mới bị bắt và ngư dân bị bắt trong năm 2015 mãn hạn tù.
Đặc biệt, 14 ngư dân bị bắt và bị phạt tù tại Papua New Guinea cũng được Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia can thiệp và hỗ trợ đưa về nước. Phía Indonesia cũng chủ trương thắt chặt các quy trình, quy định xét thả và xét phạt tù đối với ngư dân, đặc biệt là với vị trí thuyền trưởng, máy trưởng. Mức án Indonesia đang áp dụng đối với thuyền trưởng và máy trưởng là từ 6 tháng đến 4 năm tù giam.
Trong 3 tháng qua, số ngư dân Việt Nam bị bắt không giảm mà thậm chí còn tăng lên. Trong bối cảnh chính quyền Indonesia chủ trương tiếp tục thi hành những biện pháp mạnh mẽ đối với tàu, thuyền vi phạm vùng biển của mình, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh hơn việc khuyến cáo ngư dân nâng cao hiểu biết về pháp luật của Indonesia, thông tin đến bà con ngư dân về chủ trương cứng rắn của nước này đối với tàu thuyền vi phạm vùng biển.
Hàng loạt cấp dưới của Tập Cận Bình xin từ chức vì "quá khó sống"
Tập Cận Bình đang "loay hoay" xử lý những hành vi tiêu cực của quan chức Trung Quốc do quyền lợi của họ bị ảnh hưởng nặng nề sau chiến dịch "đả hổ diệt ruồi".
Truyền thông Trung Quốc hôm 11/4 vừa tiết lộ, một huyện phía Tây Trung Quốc đã có liên tiếp 10 cục trưởng và phó cục trưởng xin đề xuất chuyển từ vị trí lãnh đạo sang làm.. nhân viên hành chính trong năm 2015.
Trong đó có thể kể đến Cục trưởng Cục Tư pháp, An ninh và Nông nghiệp. Đặc biệt hơn, những lãnh đạo này đều đề xuất xin từ chức bằng lời với hàm ý thăm dò thái độ của cấp trên.
Có bình luận cho rằng, chính trường Trung Quốc xảy ra sự việc trên do những quan chức này cảm thấy "hiện tại quá khó sống". Dư luận nước này đã đưa ra ba lí do để giải thích cho hiện tượng này.
Thứ nhất, ngay sau đại hội XVIII của đảng Cộng sản Trung Quốc (2012) kết thúc, Chủ tịch đã mạnh tay thực thi chiến dịch "đả hổ diệt ruồi ", xóa bỏ hàng loạt lợi ích cá nhân của quan chức nước này.
Thứ hai, do những cán bộ này đã "quen tay" tiêu tiền ngân sách nên khi chính sách chống tham nhũng của ông Tập được thông qua, họ khó thích ứng với "môi trường liêm khiết".
Thứ ba, để tránh việc bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương Trung Quốc "sờ gáy" do công tác tắc trách nên họ chấp nhận xin từ chức để "bảo toàn tính mạng".
Chính thái độ tiêu cực của quan chức nước này đã ảnh hưởng đến hiệu suất công việc của cả Trung Nam Hải.
Đơn cử như ngày 7/4 vừa qua, một nguồn tin cho biết, từ 21/8/2015, không một doanh nghiệp Trung Quốc nào được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu với lý do "hết giấy" từ Cục thương hiệu Trung Quốc, thuộc Tổng cục Công thương Trung Quốc.
Cục này đã không cấp giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp trong 7 tháng liên tiếp.
Vì chưa nhận được giấy chứng nhận nên các công ty Trung Quốc đang phải đối mặt với một loạt khó khăn như: Bị gỡ bỏ thương hiệu trên các trang bán hàng trực tuyến nổi tiếng, lùi thời hạn bán ra thị trường hay quyền bảo hộ thương hiệu bị xóa bỏ.
Sự việc này khiến dư luận Trung Quốc liên tưởng đến việc hơn 10 quan chức tham nhũng số tiền thuế cá nhân trong vòng 7 tháng khiến bộ máy chính phủ Trung Quốc gần như tê liệt.
Đây là minh chứng cho việc các quan chức nước này công khai chống đối chính sách của ông Tập.
Trước đó, truyền thông Trung Quốc đã từng chỉ trích chính sách chống tham nhũng của ông Tập sẽ dẫn đến sự suy giảm của nền kinh tế nước này, bởi chính những cán bộ quản lý kinh tế do không còn được "kiếm chác" nên sẽ xảy ra tình trạng "làm việc biếng nhác".
Dư luận Trung Quốc cho rằng, dù Tập Cận Bình vây bắt được vô số "hổ lớn" nhưng tư tưởng tham ô đã ăn vào máu của cán bộ nước này thì không phải một sớm một chiều có thể thay đổi được.
Để đáp trả lại ảnh hưởng nặng nề từ chiến dịch "đả hổ diệt ruồi", những quan chức này đã dùng "vũ khí hiệu quả nhất" của bản thân là "không làm việc", khiến nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị sụt giảm, mục đích gây áp lực buộc trung ương ngừng "đả hổ".
"Bầu không khí tiêu cực trong nội bộ Trung Quốc đang tạo thành 'làn khói mù' vây quanh Tập Cận Bình", Đa chiều nhận xét.