Philippines bác đề nghị đối thoại có điều kiện của Trung Quốc
Máy bay tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ từng bị F-16 phe đảo chính ngắm bắn
Mỹ cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về chiến dịch thanh trừng hậu đảo chính
Nga phát triển chiến đấu cơ thế hệ 6 trang bị vũ khí điện từ
Lào lần đầu bày tỏ quan điểm về Biển Đông sau phán quyết của PCA
Tin thế giới đọc nhanh trưa 16-07-2016
- Cập nhật : 16/07/2016
Philippines sẽ không nhân nhượng Trung Quốc
Philippines sẽ không nhân nhượng Trung Quốc trong quá trình thực hiện phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) về vụ kiện của Philippines với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông, hãng tin AFP (Pháp) dẫn lời luật sư trưởng chính phủ Philippines Jose Calida ngày 15-7.
Ngày 12-7, PCA ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông. Trung Quốc bác bỏ phán quyết, cảnh cáo sẽ có phản ứng mạnh đối với mọi hành động gây hại đến quyền lợi an ninh của Trung Quốc vì phán quyết.
Ngày 14-7, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết sẽ đề nghị cựu Tổng thống Fidel Ramos sang Trung Quốc đối thoại về phán quyết. Ông Fidel Ramos chưa nhận lời.
Bình luận về điều này, ông Jose Calida khẳng định: “Chúng tôi đánh giá cao phán quyết của PCA và Philippines sẽ không nhân nhượng Trung Quốc về bất cứ nội dung nào trong phán quyết.”
“Chúng tôi sẽ sử dụng kênh ngoại giao. Tôi tin rằng đây là biện pháp hòa bình nhất để giải quyết vấn đề này.”
Theo ông Jose Calida, Tổng thống Rodrigo Duterte không đặt ra khung thời gian phải đạt được kết quả đối thoại với Trung Quốc.
“Chúng tôi dĩ nhiên sẽ kiên nhẫn và hy vọng Trung Quốc cũng sẽ thể hiện sự kiên nhẫn tương tự” - AFP dẫn lời ông Jose Calida.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ đề nghị cựu Tổng thống Fidel Ramos sang Trung Quốc đối thoại về phán quyết. (Ảnh: AFP)
Tổng thống Rodrigo Duterte nhậm chức từ ngày 30-6, có quan điểm muốn có quan hệ tốt hơn với Trung Quốc để thu hút đầu tư của Trung Quốc vào các dự án hạ tầng lớn của Philippines.
Tổng thống Fidel Ramos cầm quyền từ 1992-1998, vốn ủng hộ Philippines có quan hệ thân thiết với Trung Quốc.
Trong ngày 15-7, Thẩm phán Tòa tối cao Philippines Antonio Carpio cảnh báo việc hợp tác giữa Philippines với Trung Quốc hay bất cứ nước nào khác khai thác tài nguyên ở các vùng biển là vùng đặc quyền kinh tế của Philippines theo luật pháp quốc tế là bất hợp pháp.
Thẩm phán Antonio Carpio là thành viên trong nhóm lập đơn kiện Trung Quốc trình lên PCA.(PLO)
Trung Quốc lại đưa tin về nhà máy điện hạt nhân nổi ở Biển Đông
Trung Quốc có thể xây nhà máy điện hạt nhân trên Biển Đông để cung cấp nước ngọt cho các cấu trúc mà nước này chiếm của Việt Nam.
Mô hình hoạt động của nhà máy điện hạt nhân di động của Trung Quốc dự tính xây dựng ở Biển Đông. Ảnh: Global Times.
Tờ Global Times, ấn phẩm phụ của People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm nay dẫn bản tin của Tổng Công ty hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC) cho biết Bắc Kinh dự tính xây nhà máy điện hạt nhân di động trên Biển Đông. Giới quan sát cho rằng đây là động thái phản ứng với việc Tòa Trọng tài ở The Hague, Hà Lan, hôm 12/7 ra phán quyết bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc.
CNNC cho biết các nhà máy điện hạt nhân di động sẽ "hỗ trợ kiểm soát hiệu quả" với các cấu trúc Bắc Kinh chiếm của Việt Nam ở Trường Sa. Nhà máy di động sẽ cung cấp năng lượng để sản xuất nước ngọt cho binh lính Trung Quốc tại các cấu trúc ở Trường Sa và cả các giàn khoan trên biển.
Bản tin của CNNC được đăng trên mạng xã hội WeChat nhưng bị xóa sau đó. Nhân viên của CNNC nói với AFP rằng cần thời gian để kiểm chứng độ chính xác thông tin.
Hồi tháng 4, tờ Global Times cũng đăng tin về kế hoạch xây dựng nhà máy này. Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc (CSIC) là đơn vị chịu trách nhiệm thiết kế và xây dựng.
"Trong quá khứ, nước được chuyển tới Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) bằng các tàu tiếp tế, không đáp ứng đủ nhu cầu. Trung Quốc sẽ đẩy mạnh thương mại trên Biển Đông khi có điện từ các nhà máy hạt nhân", Global Times viết và thêm rằng Trung Quốc dự tính xây khoảng 20 nhà máy điện hạt nhân di động, đặt quanh khu vực Hoàng Sa và Trường Sa, tổng vốn đầu tư 40 tỷ Nhân dân tệ (gần 6 tỷ USD).
Trung Quốc vài năm gần đây đẩy nhanh tốc độ bồi lấp đảo nhân tạo, xây đường băng, trạm radar, hải đăng tại Trường Sa, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Tòa Trọng tài khẳng định các cấu trúc này không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý như yêu sách của Trung Quốc. Hành động bồi lấp của Trung Quốc cũng bị tòa tuyên bố gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển.
Trung Quốc ngăn ngư dân Philippines, cảnh báo Úc
Hãng tin Kyodo ngày 14-7 đưa tin bất chấp phán quyết PCA mới được công bố cách đây ít ngày, lực lượng hải giám Trung Quốc tiếp tục chặn ngư dân Philippines tiến vào bãi cạn Scarborough.
Phóng viên của đài ABS-CBN có mặt trên tàu cá Philippines ở đảo Luzon cách vùng tranh chấp 120 hải lý nói rằng có nhiều tàu hải giám Trung Quốc chờ sẵn ở xung quanh bãi cạn chiều 14-7.
Có một tàu hải giám đuổi theo các tàu cá, một tàu khác chặn ngang lối vào bãi cạn. Sau đó, hai chiếc tàu tốc độ cao tiếp cận và bao vây thuyền cá của phóng viên.
Các nhân viên chấp pháp của Trung Quốc trên chiếc tàu tốc độ cao nói qua loa bằng tiếng Anh và tiếng Trung Quốc, tự xưng là lực lượng hải giám của nước này. Họ nói rằng mình đang tiến hành các hoạt động thực thi pháp luật và ra lệnh cho người lẫn tàu Philippines rời khỏi khu vực.
Trước đó, hôm 12-7, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc trên biển Đông, trong đó công nhận bãi cạn Scarborough là “ngư trường truyền thống của ngư dân nhiều dân tộc”. Đồng thới, phán quyết tuyên bố việc Trung Quốc cản trở ngư dân Philippines đến bãi cạn là bất hợp pháp.
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay ngày 13-7 khẳng định rằng “không có cơ sở cho bất cứ ai ngăn cản ngư dân tự do đánh cá” ở Scarborough sau phán quyết từ PCA. Dù vậy, ông lưu ý ưu tiên của Manila ngay lúc này là “có một thỏa thuận với các bên liên quan trong việc cùng chia sẻ lợi ích một cách chừng mực trong các ngư trường ở bãi cạn”.
Song song với thông tin trên, đài phát thanh ABC cho biết Trung Quốc cảnh báo Úc rằng hoặc tránh xa vấn đề biển Đông hoặc quan hệ song phương gánh chịu thiệt hại.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn nói nước này "bị sốc" trước những nhận xét Ngoại trưởng Úc Julie Bishop vào sáng 13-7. Khi đó bà Bishop nhấm mạnh Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết của tòa và Úc sẽ tiếp tục thực thi quyền tự do hàng hải trong khu vực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lục Khảng, nói: “Thực lòng mà nói, tôi hơi sốc trước bình luận của bà Bishop” . Trung Quốc đã chính thức phản đối phát biểu của Úc và cảnh báo hành động thực thi quyền tự do hàng hải ở biển Đông sẽ làm tổn hại đến quan hệ song phương. Bắc Kinh còn nói rằng hy vọng Úc sẽ không hành động làm tổn hại tới hòa bình và ổn định trong khu vực.(NLĐ)
LHQ lên án vụ tấn công "tàn bạo và hèn hạ" ở Nice
Hội đồng bảo an LHQ ngày 14-7 lên án mạnh mẽ "vụ tấn công khủng bố tàn bạo và hèn hạ" xảy ra trong dịp kỷ niệm Ngày Bastille tại thành phố Nice (Pháp).
Ít nhất 80 người, trong đó có trẻ em, đã bị sát hại và hàng trăm người bị thương khi một kẻ tấn công lái chiếc xe tải lao vào đám đông đang xem bắn pháo hoa trong dịp lễ trọng đại của người Pháp.
Hội đồng bảo an LHQ đã nhất trí thông qua nội dung bản tuyên bố do Pháp soạn thảo, trong đó lên án mạnh mẽ vụ tấn công và gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân.
Hội đồng khẳng định chủ nghĩa khủng bố đã trở thành một trong những nguy cơ nghiêm trọng nhất đe dọa hòa bình và an ninh thế giới. Thông cáo viết: "Mọi hành động khủng bố đều là tội ác và không thể biện bạch".
Vụ tấn công ở Nice là vụ tấn công đẫm máu thứ 3 xảy ra tại Pháp trong gần 18 tháng qua.
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 14-7 lên án gay gắt sự việc theo ông rõ ràng là "một vụ tấn công khủng bố kinh hoàng" ở Nice.
Cùng với đề xuất sẽ hỗ trợ Pháp trong quá trình điều tra vụ tấn công, tổng thống Obama cam kết sẽ giúp nước Pháp đưa những kẻ gây ra vụ việc ra trừng trị trước pháp luật.
Ông Obama nói: "Chúng ta sẽ đoàn kết và hợp tác với nước Pháp, một đồng minh lâu đời nhất của chúng ta, trong quá trình họ giải quyết cũng như vượt qua cuộc tấn công này".
"Trong Ngày Bastille này, chúng ta lại nhớ tới sự kiên cường phi thường và những giá trị dân chủ đã khiến nước Pháp trở thành niềm cảm hứng với toàn thế giới".
Cùng với đó ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết đại sứ quán Mỹ ở Paris đang xác minh tình hình công dân Mỹ tại Nice.
Trong thông cáo của Bộ ngoại giao Mỹ, ông Kerry cho biết: "Nước Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh bên nhân dân Pháp trong thời khắc bi kịch này. Chúng tôi sẽ hỗ trợ mọi vấn đề cần thiết".
Thủ tướng Canada Justin Trudeau viết: "Canada sửng sốt trước vụ tấn công đêm nay ở Nice. Xin chia buồn cùng các nạn nhân và bày tỏ tinh thần đoàn kết với nhân dân Pháp".
Trong khi đó phát ngôn viên của tân Thủ tướng Anh Theresa May gọi cuộc tấn công này là "vụ việc kinh hoàng" và bày tỏ "chúng tôi rất sốc và lo lắng".
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói đó là "một ngày buồn với nước Pháp, với châu Âu". Ông Tusk cho rằng thật trớ trêu và bi kịch khi "những nạn nhân của cuộc tấn công lại là những người đang chúc mừng ngày của tự do, bình đẳng và bác ái".
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng gửi lời chia buồn tới các nạn nhân và cho biết Trung Quốc phản đối mọi hình thức khủng bố.
Cuộc tấn công ở Nice cũng đã phủ bóng lên Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu tại Mông Cổ khai mạc hôm nay, 15-7.(TT)
UNESCO thêm 4 địa danh vào danh sách di sản thế giới
Hệ thống tưới tiêu cổ ở Iran, núi đá Huashan ở Trung Quốc, Đại học Phật giáo Nalanda ở Ấn Độ và thành phố đá cổ Nan Madol ở Micronesia là 4 danh thắng mới được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) đưa vào Danh sách Di sản Thế giới.
Công trình được xây dựng từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên với hai con kênh chính cung cấp nước cho các cối xay trên sông Karun cấp nước tưới cho diện tích lên đến 40.000 ha. Hệ thống là minh chứng cho một tầm nhìn tổng thể và khả năng sáng tạo các kênh dẫn dòng, đập tràn, đập lớn, thể hiện sự sáng tạo tuyệt vời của con người. Tới nay hệ thống vẫn còn sử dụng được. Địa đanh tại Trung Quốc được vinh danh lần này là khu văn hóa nghệ thuật trên đá Huashan, một di sản của văn hóa thời kỳ đồ đồng từng thịnh hành ở khắp miền Nam nước này với 38 điểm tham quan các hình khắc của người cổ đại trên đá.
Di sản được vinh danh của Ấn Độ là Đại học Mahavihara Nalanda, một trong những trường đại học lâu đời nhất trên thế giới, được cho là trường Đại học Phật giáo đầu tiên trên thế giới. Dù không phải là thánh địa tâm linh quan trọng như những thánh tích liên quan đến cuộc đời Đức Phật, Đại học Mahavihara Nalanda là nơi sản sinh ra các bậc thánh tăng thời đức phật và các bậc cao tăng có công truyền bá Phật giáo.
Nổi bật trong các di sản được vinh danh lần này là Nan Madol, thành phố cổ duy nhất của thế giới xây dựng trên rạn san hô, nằm ngay ngoài khơi bờ biển phía Đông của đảo Pohnpei, Micronesia. Nan Madol bao gồm 99 hòn đảo nhỏ nhân tạo liên kết với nhau bằng một mạng lưới kênh rạch do đó thường được gọi là "Venice của Thái Bình Dương". Bao quanh thành phố là một con đê biển. Các đảo nhỏ này được xây dựng gần như hoàn toàn bằng các bức tường đá bazzan (hình thành từ dung nham núi lửa) hình lăng trụ cao ừ 5,5m đến 7,6m và dày trên 5m. Điều khiến các nhà khảo cổ bị thu hút tới đây là để giải thích câu hỏi vì sao các bức tường này có thể xây cao đến vậy bằng cách xếp chồng lên nhau khi mà mỗi khúc đá bazan nặng tới 50 tấn.
Trước đó, ngày 13/7, UNESCO cũng liệt một loạt di sản thế giới vào danh sách bị đe dọa gồm thị trấn cổ Djenne ở Mali, thành phố cổ Shakhrisyabz ở Uzbekistan, cũng như toàn bộ 5 di sản của Syria.(BTT)