tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 16-07-2016

  • Cập nhật : 16/07/2016

Nga đề xuất biện pháp diệt khủng bố sau vụ thảm sát bằng xe tải

Các quan chức Moscow khẳng định chỉ có hợp tác với Nga, phương Tây mới có thể loại trừ nguy cơ từ chủ nghĩa khủng bố.

mot nguoi dat hoa tuong niem cac nan nhan thiet mang trong vu tan cong o nice, phap. anh: reuters

Một người đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công ở Nice, Pháp. Ảnh: Reuters

Ngày 15/7, các nghị sĩ cấp cao của Nga cho rằng vụ tấn công thảm sát bằng xe tải khiến ít nhất 84 người chết ở thành phố Nice, Pháp là một minh chứng nữa cho thấy tầm quan trọng sống còn của hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố, theo RT.

Nghị sĩ Konstantin Kosachev, chủ tịch ủy ban quan hệ quốc tế Thượng viện Nga, cho rằng vụ tấn công cho thấy các nước phương Tây cần phải bắt đầu quan hệ gần gũi hơn với Nga và các đơn vị đặc nhiệm của nước này để chống lại mối đe dọa chung từ khủng bố.

"Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các tổ chức khủng bố khác muốn kiểm soát thế giới bằng nỗi sợ hãi vẫn có thể ngóc đầu dậy vì thế giới đã không tìm ra cơ hội để đoàn kết và cùng đối phó với mối đe dọa này", ông Kosachev nói.

Chủ tịch Ủy ban An ninh Duma Quốc gia Nga Irina Yarovaya cũng nhấn mạnh rằng Nga đã nhiều lần đề xuất các nước cùng nỗ lực đánh bại chủ nghĩa khủng bố, và sẽ tiếp tục ủng hộ điều này. "Thế giới phải chấm dứt thói đạo đức giả và hành động quyết liệt, dứt khoát. Cuộc chiến chống khủng bố phải dựa trên luật quốc tế cũng như luật pháp quốc gia", bà Yarovaya khẳng định.

Phó chủ tịch Ủy ban Quan hệ Quốc tế Duma Quốc gia Nga Roman Khudyakov tin rằng vụ tấn công ở Nice có thể ngăn chặn được nếu nhà chức trách Pháp chấp nhận đề xuất của Nga cùng chung sức chống lại chủ nghĩa khủng bố.

"Mọi thứ có thể đã được ngăn chặn nếu họ hợp tác với các cơ quan đặc biệt của chúng tôi, nếu họ chấp nhận đề xuất của Tổng thống Vladimir Putin cùng hợp lực chống lại IS", ông Khudyakov nhấn mạnh.

Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm nay, ông Putin nói rằng nước Nga thấu hiểu nỗi đau thương do chủ nghĩa khủng bố gây ra, và chia sẻ những mất mát trong vụ khủng bố ở Nice. "Tội ác nhắm vào dân thường ở Nice – trong đó có cả công dân Nga – là đặc biệt tàn ác", ông Putin nói, đồng thời khẳng định rằng chỉ có nỗ lực chung mới có thể xóa bỏ được chủ nghĩa khủng bố.

Phát biểu sau cuộc họp an ninh khẩn cấp hôm nay, Tổng thống Pháp Francois Hollander cho hay ngoài 84 người thiệt mạng trong vụ khủng bố, khoảng 50 nạn nhân nữa cũng đang ở lằn ranh giữa sự sống và cái chết. Nghi phạm thực hiện vụ tấn công – một công dân Pháp gốc Tunisia – đã bị cảnh sát tiêu diệt.


Kế hoạch Brexit của tân Thủ tướng Anh

Bà Theresa May đã chính thức trở thành Thủ tướng mới của Anh sau khi ông David Cameron từ chức do thất bại trong việc vận động cử tri bỏ phiếu giữ Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU). Tân Thủ tướng sẽ gánh vác trọng trách thực hiện nguyện vọng của đa số cử tri trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-6 vừa qua, trước hết là bắt đầu tiến trình pháp lý rời khỏi EU.

london co the chiu tac dong manh nhat do brexit.

London có thể chịu tác động mạnh nhất do Brexit.

Để khởi động tiến trình Anh rời khỏi EU, còn gọi là “Brexit”, tân Thủ tướng Anh phải áp dụng Điều 50 của Hiệp ước Lisbon. Bà May cho biết sẽ khởi động tiến trình này vào năm tới, nhưng có thể bà sẽ đối mặt với sức ép lớn buộc phải đẩy nhanh kế hoạch này. Một số nhà lãnh đạo chiến dịch vận động cho Brexit muốn tiến trình pháp lý này được bắt đầu ngay lập tức. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo EU cũng hối thúc Anh hành động nhanh hơn. Tuy nhiên, bà May tuyên bố Anh không cần vội vã và bà muốn London cân nhắc các nội dung ưu tiên trong đàm phán trước khi thực hiện Điều 50, chính thức bắt đầu thời hạn hai năm tiến hành các cuộc đàm phán về Brexit. Bà May vốn không ủng hộ chiến dịch rời EU, nhưng bà nhấn mạnh “Brexit là Brexit” và rằng nguyện vọng của các cử tri phải được tôn trọng.

Bà May cho biết bà sẽ bổ nhiệm một “bộ trưởng chuyên trách về Brexit” tương đương chức bộ trưởng khác trong nội các và thành lập “Bộ Brexit” để chỉ đạo các cuộc đàm phán với các quốc gia châu Âu khác. Tuy nhiên, mọi chuyện không hề đơn giản, bởi hàng nghìn hiệp ước và thỏa thuận hiện hành sẽ bị hủy bỏ. Anh cũng sẽ phải tìm kiếm các thỏa thuận thương mại mới với các đối tác trước đây của EU. Rất nhiều bộ phận trong hệ thống kinh tế và tư pháp của Anh có sự liên hệ chặt chẽ với EU trong suốt nhiều thập kỷ qua nhưng các mối quan hệ giờ đây sẽ trở nên rất căng thẳng. Chỉ riêng việc tách Anh khỏi bộ máy tổ chức của EU cũng sẽ dẫn đến việc phải thiết lập một bộ máy tổ chức mới. Tuy nhiên, tương lai chính trị của bà May phụ thuộc vào sự thành bại của thỏa thuận “ly hôn” và bà có thể sẽ lựa chọn việc can thiệp trực tiếp, nhất là trong các cuộc đàm phán nhạy cảm với giới lãnh đạo EU.

Liệu bà May có giữ được Anh ở lại thị trường chung châu Âu hay không sau khi Anh rời khỏi EU cũng đang là ẩn số lớn. Bà May từng nói bà muốn các công ty Anh được tiếp tục giữ quyền tiếp cận tự do các thị trường sinh lợi lớn ở châu Âu, nhưng bà nhấn mạnh rằng Anh có thể sẽ không chấp nhận điều khoản đi lại tự do của EU, cho phép các công dân EU được tới Anh mà không gặp hạn chế nào. Các nhà lãnh đạo châu Âu, với các nguyên tắc cơ bản của EU, có thể sẽ không trao cho Anh quyền tiếp cận tự do các thị trường châu Âu nếu nước này không chấp nhận điều khoản này. Đây thực sự là điểm mấu chốt của vấn đề, và nó sẽ gây ra nhiều trở ngại cho cả hai bên trên con đường tìm kiếm sự đồng thuận.

Bà May lên nắm quyền không qua bầu cử và phe đối lập đang kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử sớm. Cuộc bầu cử này nếu được tiến hành chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các kế hoạch thực thi Brexit của bà May. Cuộc tổng tuyển cử sắp tới theo kế hoạch được tổ chức vào năm 2020 nhưng Nghị viện Anh có quyền sắp xếp một cuộc bầu cử sớm. Khi bắt đầu tham gia cuộc chạy đua giành vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ hồi tháng 6 vừa qua, bà May tuyên bố không thấy cần thiết phải tổ chức tổng tuyển cử sớm. Một khi lên nắm quyền, có khả năng bà May sẽ yêu cầu Nghị viện tổ chức bầu cử sớm nếu bà cảm thấy cuộc bầu cử này sẽ giúp gia tăng số ghế của đảng Bảo thủ trong Nghị viện. Nếu cuộc tổng tuyển cử được tổ chức, và nếu một ứng cử viên ủng hộ mạnh mẽ việc Anh ở lại EU giành chiến thắng, điều này sẽ có tác động thực sự tới kế hoạch Brexit. Tuy nhiên, bà May khó có khả năng “liều lĩnh” chấp nhận một cuộc bầu cử sớm trừ phi bà tự tin vào việc sẽ giành chiến thắng.(HQ)


Phán quyết của PCA có thể tác động đến tranh chấp biên giới Ấn-Trung

Phán quyết của PCA bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh liên quan đến “đường 9 đoạn” có thể tác động đến tranh chấp biên giới Arunachal Pradesh giữa Ấn Độ-Trung Quốc.

binh si an do tai khu bien gioi tranh chap arunachal pradesh.

Binh sĩ Ấn Độ tại khu biên giới tranh chấp Arunachal Pradesh.

Ngày 14/7, báo “The Economic Times” đưa tin phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) có trụ sở ở La Hay (Hà Lan) bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh liên quan đến yêu sách “đường 9 đoạn” có thể tác động đến tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ-Trung Quốc ở khu vực Arunachal Pradesh.

Báo trên lập luận, không chỉ tuyên bố chủ quyền lịch sử trên biển, Trung Quốc còn tuyên bố chủ quyền lịch sử đối với bang Arunachal Pradesh, nhất là ở Tawang (lãnh thổ thuộc Ấn Độ), mà Trung Quốc gọi là Nam Tây Tạng. Tuyên bố yêu sách này là trung tâm của cuộc tranh chấp biên giới kéo dài hàng thập kỷ giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Nhà phân tích chiến lược về Trung Quốc Claude Arpi nói: "Lần đầu tiên, một phán quyết quốc tế đã bác bỏ một trong vô số yêu sách của Trung Quốc. Điều này có thể quan trọng đối với Ấn Độ. Phán quyết quan trọng nhất của PCA là bác bỏ yêu sách 'đường 9 đoạn'".

Trong khi đó, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học JNU (Ấn Độ), Giáo sư Srikanth Kondapalli cho rằng yêu sách lịch sử của Trung Quốc không được áp dụng đối với Arunachal Pradesh.  Ông Kondapalli cho biết thêm, Hội nghị Simla năm 1914 đã thảo luận và nhất trí phân định biên giới Ấn –Trung theo đường MacMahon, nhưng ý định này đã không được thúc đẩy thành một hiệp ước theo luật pháp quốc tế. Vì vậy, lập luận lịch sử không thể được mở rộng đến Arunachal Pradesh. Điều này là cơ sở để Ấn Độ đấu tranh với Trung Quốc về vấn đề thị thực và giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với khu vực Arunachal Pradesh.


Philippines cử phái viên tới Trung Quốc để đàm phán về tranh chấp biển

Cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos sẽ là phái viên được cử sang Trung Quốc để đàm phán sau phán quyết của PCA về tranh chấp Biển Đông.

cuu tong thong philippines fidel ramos.

Cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos.

Ngày 14/7, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thông báo sẽ cử cựu Tổng thống Fidel Ramos tới Trung Quốc để đàm phán sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) có trụ sở ở La Hay (Hà Lan) hôm 12/7 ra phán quyết phản đối những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với hầu hết khu vực Biển Đông.

Tổng thống Duterte cho biết sẽ đề nghị ông Ramos "tới Trung Quốc để khởi động đàm phán" với Bắc Kinh sau khi PCA ra phán quyết trên. Tuy nhiên, ông Duterte không thông báo cụ thể thời gian diễn ra hoạt động này.

Ngày 14/7, Giám đốc Chương trình Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington (Mỹ), ông Gregory Poling, cho rằng việc Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông là không thể tránh khỏi, sau khi PCA ra phán quyết về vụ kiện của Philippines.

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Poling đánh giá, phán quyết của PCA đang tạo ra ảnh hưởng sâu rộng và điều này có thể sẽ buộc Trung Quốc phải phản ứng và khi đó Bắc Kinh có trong tay khá nhiều lựa chọn. Theo ông Poling, việc Trung Quốc thiết lập ADIZ tại Biển Đông là không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, ông Poling nhận định Trung Quốc sẽ chưa có những động thái quyết liệt và cứng rắn trước thềm các hội nghị quan trọng sắp tới như Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Hội nghị Bộ trưởng ASEAN, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và nhất là Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) được tổ chức tại Trung Quốc.


IS lặng lẽ chuẩn bị cho tương lai sụp đổ

Dù tiến hành nhiều cuộc tấn công trên khắp thế giới, Nhà nước Hồi giáo vẫn đang lặng lẽ chuẩn bị cho một tương lại sụp đổ không xa.

cac tay sung nha nuoc hoi giao tai thanh pho raqqa, syria. anh: zuma press

Các tay súng Nhà nước Hồi giáo tại thành phố Raqqa, Syria. Ảnh: Zuma Press

Trong những thông điệp đưa ra gần đây, các lãnh đạo Nhà nước Hồi giáo (IS) đã thừa nhận vận may trên chiến trường của tổ chức này đang suy giảm nhanh chóng, đồng thời cảnh báo về khả năng các thành trì nhóm nắm giữ sẽ thất thủ, theo Washington Post.

Cùng lúc, IS thề sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chiến dịch tấn công bạo lực dù nhóm đang phải chịu sức ép từ nhiều chiều khác nhau. Giới chuyên gia chống khủng bố tin rằng IS đứng sau các vụ đánh bom thảm sát ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, và thủ đô Baghdad, Iraq, hồi tháng trước.

Các hành động khủng bố  sẽ tiếp tục gia tăng cường độ, ít nhất là trong ngắn hạn khi IS dần chuyển đổi từ một nhà nước tự xưng nắm giữ nhiều phần đất đai thành một mạng lưới ẩn dật hơn với chân rết lan rộng trên nhiều châu lục.

Việc đánh mất các vùng đất chiếm đóng tạo ra cú sốc lớn đối với IS. Lúc này, khả năng kiếm tiền, huấn luyện chiến binh hay lên các kế hoạch tấn công phức tạp của nhóm sẽ bị hạn chế. Tuy nhiên, với bản chất phân cấp, IS vẫn sẽ là một mối nguy hiểm trong một khoảng thời gian nữa, theo các quan chức và chuyên gia về khủng bố Mỹ.

Những thủ lĩnh IS liên tục khẳng định nhà nước Hồi giáo sẽ đứng vững nhưng cũng công nhận thất bại về quân sự buộc nhóm phải thay đổi chiến lược.

"Dù những cơ sở thiết yếu của ta ở Iraq và Syria bị tấn công, chúng ta vẫn có thể mở rộng và đưa tài sản, phương tiện cũng như các chỉ huy sang nước khác", một thành viên IS lâu năm, tuyên bố.

Thế nhưng, những dấu hiệu tuyệt vọng đang gia tăng hàng tuần ngay trong lòng IS, bình luận viên  Joby Warrick và Souad Mekhennet từWashington Post cho hay.

Viễn cảnh thất bại

Tờ báo al-Naba do IS phát hành tháng trước đăng một bài xã luận cho thấy cái nhìn ảm đạm về tương lai của tổ chức, thừa nhận rằng rất có thể tất cả những diện tích đất nhóm đang chiếm đóng ở Iraq và Syria sẽ bị mất.

Bài viết cố gắng thuyết phục các thành phần cảm tình với IS tin vào tổ chức bằng cách nhấn mạnh rằng IS vẫn sẽ tồn tại ngay cả khi tất cả các thành phố rơi vào tay "những kẻ thánh chiến" - các lực lượng chống IS do Nga và phương Tây hậu thuẫn.

"Những kẻ thánh chiến đang ảo tưởng rằng chúng có thể một lúc xóa bỏ hết các tỉnh lỵ của IS", bài báo viết. Nhưng thực tế, kẻ thù "không thể xóa sổ IS chỉ bằng việc phá hủy hay chiếm giữ các thành phố, hoặc bằng cách giết hại một chiến binh, một tiểu vương hay một lãnh tụ Hồi giáo nào đó".

Luận điệu tương tự được lặp lại trong một bài thuyết giáo của Abu Muhammad al-Adnani, người phát ngôn chính thức của IS.

Những thông điệp mà Adnani đưa ra thu hút nhiều sự chú ý bởi lời kêu gọi tấn công khủng bố quy mô trên toàn cầu trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. Song, Adnani dường như cũng vẽ nên viễn cảnh IS phải hứng chịu các thất bại nặng nề trong tâm trí những kẻ ủng hộ.

Adnani nhắc tới chương đen tối nhất trong lịch sử IS, khi mà nhóm vào năm 2008, lúc ấy còn mang tên Nhà nước Hồi giáo Iraq, phải hứng chịu hàng loạt tổn thất dưới áp lực từ nhiều lực lượng khác nhau, bao gồm các binh sĩ Mỹ và phong trào nổi dậy Anbar Awakening chống lại người Hồi giáo do các bộ tộc Arab Sunni khởi xướng.

"Chúng ta có bị đánh bại không khi để mất những thành phố tại Iraq và phải lang bạt trên sa mạc. Ta có bị đánh bại không và chúng có chiến thắng không nếu chúng chiếm được Mosul, Sirte, Raqqa hay thậm chí là tất cả các thành phố", Adnani đặt câu hỏi, nhắc tới các đầu não của IS ở Iraq, Libya và Syria. "Chắc chắn không!".

Ôn lại quá khứ

Câu chuyện về việc nhóm suýt sụp đổ vào năm 2008 nhưng vẫn có thể vươn lên mạnh mẽ mấy tuần gần đây xuất hiện dày đặc trên các tài khoản mạng xã hội của IS. Giới phân tích suy đoán thông qua việc làm này, các thủ lĩnh IS có lẽ muốn hạn chế những thiệt hại không thể tránh khỏi đối với danh tiếng của nhóm khi phải hứng chịu hàng loạt thất bại liên tiếp.

"Chúng không muốn mất đất", Cole Bunzel, chuyên gia thuộc khoa Cận Đông, Đại học Princeton, Mỹ, nhận định. "Nhưng chúng đang cố gắng để gợi nhớ lại rằng IS có lịch sử lâu dài và sẽ sống sót, giống như trước đây".

Những cuộc tấn công đẫm máu ở sân bay Ataturk, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hay ở quận mua sắm Karrada, thủ đô Baghdad, Iraq, thời gian qua dường như là một phần trong nỗ lực tương tự của IS nhằm trấn an những kẻ ủng hộ rằng IS vẫn sẽ tồn tại, Will McCants, nhà nghiên cứu tại Viện Brookings, nhận xét.

"Thành công của những cuộc tấn công ở nước ngoài là dấu hiệu cho thấy nỗi lo lắng sâu sắc" bên trong IS, ông McCants đánh giá.

Theo McCants, sau nhiều năm khoe khoang về thành tích bách chiến bách thắng, các thủ lĩnh IS đang bắt đầu thừa nhận những thất bại trên chiến trường theo một cách tích cực nhất có thể.

McCants cho rằng IS rõ ràng đang cố gắng chuẩn bị tâm lý cho những kẻ ủng hộ đối mặt với một sự thật là tham vọng xây dựng caliphate (Nhà nước Hồi giáo) sẽ không bao giờ thành hiện thực.(VNEX)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục