Trong bối cảnh leo thang căng thẳng tại biên giới liên Triều, hôm nay 5-8, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye đã kêu gọi Triều Tiên đi theo con đường cải cách và mở cửa.
Tin thế giới đọc nhanh trưa 15-07-2016
- Cập nhật : 15/07/2016
Mỹ sẵn sàng vào cuộc nếu ngoại giao Biển Đông bất thành
Các quan chức Mỹ cho biết Washington đang thực hiện chiến dịch ngoại giao thầm lặng nhằm ngăn các nước trong khu vực Biển Đông hành động quyết liệt sau phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA).
Mong muốn vấn đề được giải quyết theo lý trí
“Điều chúng tôi muốn là làm lắng dịu tình hình để những vấn đề như thế này được giải quyết một cách lý trí thay vì theo cảm xúc” - Reuters ngày 14-7 dẫn lời một quan chức ngoại giao Mỹ xác nhận.
Nguồn tin này cũng cho biết chiến dịch diễn ra âm thầm nhằm tránh hiểu lầm rằng Mỹ dẫn đầu một liên minh đối phó với Bắc Kinh.
Các nguồn tin khác cho biết thông điệp này được chuyển đến các nước ASEAN như Philippines, Indonesia, Việt Nam thông qua các lãnh sự quán, phái đoàn ngoại giao.
Các quan chức cấp cao của Mỹ như Bộ trưởng quốc phòng Ashton Carter, ngoại trưởng John Kerry cũng tham gia trao đổi trực tiếp với quan chức cấp cao của các nước.
Chiến dịch được triển khai ngay sau phán quyết của PCA hôm 12-7, theo đó bác bỏ tuyên bố chủ quyền lịch sử của Trung Quốc bên trong đường chín đoạn mà Bắc Kinh tham vọng độc chiếm trên Biển Đông.
Các quan chức Mỹ hi vọng nỗ lực ngoại giao này sẽ thành công ở Indonesia, trong bối cảnh Jakarta chuẩn bị đưa hàng trăm ngư dân ra vùng biển Natuna để khẳng định chủ quyền, và ở Philippines, nước thường xuyên bị các tàu cá và tàu hải quân Trung Quốc quấy phá.
Trung Quốc nói một đằng làm một nẻo
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines mới đây tiết lộ rằng trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Ashton Carter sau phán quyết, ông Carter đã nói rằng phía Trung Quốc sẽ kiềm chế và kêu gọi Mỹ cũng làm vậy.
Nhưng theo Reuters, Trung Quốc hôm 13-7 đã đưa hai máy bay dân sự hạ cánh ở hai sân bay mà nước này xây dựng trên các bãi đá chiếm đóng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Điều này khiến Mỹ lo ngại sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. “Chúng tôi không có lợi lộc gì trong chuyện này ngoài niềm tin vào sự tự do đi lại - người phát ngôn Mark Toner của Mỹ nói - Điều chúng tôi muốn thấy ở khu vực đang rất căng này là sự lắng dịu căng thẳng và muốn các bên dành thời gian nghĩ về việc làm sao để tìm một cách tiến tới trong hòa bình”.
Tuy nhiên một quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng trong trường hợp vận động ngoại giao thất bại và căng thẳng tiếp tục leo thang, hải quân và không quân Mỹ sẵn sàng vào cuộc để gìn giữ tự do đi lại trên biển và trên không ở Biển Đông.
Nghị sĩ dân chủ Ben Cardin, thành viên cấp cao của Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, cho biết khả năng đối đầu trên Biển Đông sẽ giảm xuống nếu các nước như Philippines, Việt Nam, Indonesia phối hợp với Mỹ thay vì hành động riêng rẽ.
“Tôi nghĩ Trung Quốc không muốn đối đầu với Mỹ" - ông Cardin nói.(TT)
Mỹ bỏ tù doanh nhân Trung Quốc trộm bí mật quân sự
Một doanh nhân Trung Quốc bị kết án gần 4 năm tù ở Mỹ hôm 14-7 vì âm mưu tuồn thông tin quân sự nhạy cảm cho Trung Quốc.
Ông Su Bin bị kết án 46 tháng tù ở tòa án liên bang Los Angeles vì tham gia chương trình dài hạn của quân đội Trung Quốc về việc đánh cắp thông tin quân sự nhạy cảm của Mỹ.
Bản án trên được đưa ra sau khi các luật sư của ông Su Bin đề nghị mức án tù 2 năm rưỡi cho thân chủ. Ngoài ra, người đàn ông này còn bị phạt 10.000 USD. Người này từng đối mặt với mức án tù 30 năm trước khi nhận tội với các công tố viên hồi tháng 3.
Ông John Carlin, trợ lý Bộ trưởng Tư pháp về an ninh quốc gia Mỹ, cho biết: “Su đã hỗ trợ tin tặc Trung Quốc xâm nhập trái phép và đánh cắp những mẫu thiết kế về máy bay quân sự tiên tiến được dùng để bảo vệ quốc gia Mỹ”.
Theo bản cáo trạng, người đàn ông 51 tuổi này thừa nhận đã cùng với 2 tin tặc khác ở Trung Quốc lấy cắp thông tin quân sự Mỹ cho chính quyền Bắc Kinh từ giữa năm 2008-2014. Mục tiêu của họ là các dòng máy bay chiến đấu như F-22 và F-35, cũng như chương trình máy bay vận tải quân sự C-17 của Boeing và bán chúng cho các công ty Trung Quốc.
Theo các công tố viên, ông Su là doanh nhân thuộc lĩnh vực hàng không vũ trụ và bị bắt tại tỉnh British Columbia - Canada vào tháng 7-2014, sau đó bị dẫn độ đến Mỹ vào tháng 2-2016.
Các công tố viên cho biết ông Su đã gửi email cho các tin tặc ở Trung Quốc để giải thích các mục tiêu tiềm năng, từ cá nhân, công ty đến loại công nghệ nào đó. Khi dữ liệu bị đánh cắp, ông Su sẽ dịch chúng từ tiếng Anh sang tiếng Trung và gửi số thông tin giá trị cho những người hưởng lợi từ phi vụ này.
Báo cáo của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung hồi năm ngoái cho thấy cáchoạt động gián điệp của Trung Quốc ngày càng gia tăng, gây tổn thất hàng chục tỉ USD cho các công ty Mỹ. Trong nhiều trường hợp, những bí mật thương mại bị đánh cắp được chuyển cho các công ty nhà nước Trung Quốc.
FBI bị tố thử nghiệm thu thập quét võng mạc
Trang công nghệ The Verge ngày 13-7 tiết lộ Cục Tình báo liên bang Mỹ (FBI) đã thử nghiệm thu thập gần 430.000 lượt quét võng mạc trong ba năm qua.
FBI bị cáo buộc bắt đầu kế hoạch từ năm 2013 để phát triển một cơ sở dữ liệu mà không có sự giám sát hay đưa ra tranh luận công khai.
"Có một mối quan ngại rằng dữ liệu võng mạc của hàng trăm ngàn người được thêm vào cơ sở dữ liệu sinh trắc học mà không được đưa ra tranh luận công khai" - Tổ chức giám sát nhân quyền Privacy International nhận định.
BBC cho biết FBI đã hợp tác với các cơ quan chức năng tại Texas, Missouri và California để tiến hành dự án từ tháng 9-2013.
Dữ liệu võng mạc từ những người bị bắt đã được quét trong vòng chưa đầy một giây.
Theo dữ liệu của The Verge, từ đầu năm 2016 đến nay trung bình FBI thu thập khoảng 189 lượt quét võng mạc mỗi ngày tại California.
Trang mạng của FBI cho biết cơ quan này tiến hành chương trình để "đánh giá công nghệ, giải quyết những thách thức quan trọng và phát triển một hệ thống có khả năng tiến hành dịch vụ nhận dạng võng mạc".
FBI tranh luận rằng những công nghệ như quét võng mạc là cần thiết để theo dõi tội phạm và nhanh chóng bắt giữ những kẻ vi phạm hoặc những người tình nghi đang cố gắng che giấu nhân dạng.
Lựa chọn bất ngờ của tân thủ tướng Anh
Tân Thủ tướng Anh Theresa May đã bổ nhiệm cựu thị trưởng London, ông Boris Johnson, làm ngoại trưởng dù ông này là người dẫn đầu chiến dịch ủng hộ Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu).
Ông Johnson thay thế ông Philip Hammond, người được chỉ định làm Bộ trưởng Tài chính trong nội các mới thay thế ông George Osborne.
Đài BBC nhận định việc bổ nhiệm ông Johnson được xem là lựa chọn gây ngạc nhiên nhất.
Trong khi đó, việc ông Osborne, một nhân vật thân tín với cựu thủ tướng David Cameron không có tên trong nội các của bà May là một dấu hiệu cho thấy bà muốn đoạn tuyệt với quá khứ.
Bà May là nữ thủ tướng thứ hai trong lịch sử nước Anh, sau "bà đầm thép” Margaret Thatcher, người lãnh đạo chính phủ từ năm 1979-1990.
Sinh năm 1956, bà May trở Bộ trưởng Nội vụ vào năm 2010 và là người giữ chức vụ này lâu năm nhất trong suốt nửa thế kỷ qua của Anh.
Cựu Bộ trưởng Năng lượng Amber Rudd được cất nhắc làm Bộ trưởng Nội vụ và nhân vật theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu David Davis làm “Bộ trưởng Brexit” - một vị trí mới được lập ra.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Michael Fallon vẫn giữ nguyên chức vụ. Ông Liam Fox, người từ chức Bộ trưởng Quốc phòng năm 2011, trở thành Bộ trưởng Ngoại thương.
Thủ lĩnh Đảng Vương quốc Anh Độc lập (UKIP) Nigel Farage đăng tải trên Twitter rằng sự bổ nhiệm hai ông Fox và Davis là “sự lựa chọn đầy cảm hứng”, đồng thời chia sẻ ông cảm thấy rất lạc quan.
Khi tới tòa nhà số 10 phố Downing, bà May tuyên bố sẽ lãnh đạo một chính phủ phục vụ tất cả mọi người, không phải một số ít mang đặc quyền.
Khẳng định ông David Cameron là một thủ tướng “vĩ đại” của thời hiện đại, bà May cho rằng người tiền nhiệm đã giúp ổn định nền kinh tế Anh nhưng di sản lớn nhất mà ông để lại là công bằng xã hội.
Tối 13-7, tân thủ tướng Anh nói chuyện qua điện thoại với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande. Bà cho biết Anh cần thời gian để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán về tiến trình rút khỏi Liên minh châu Âu (EU), hy vọng nó sẽ diễn ra trên tinh thần xây dựng và tích cực.
Mỹ tố chính phủ Trung Quốc đứng sau các vụ tin tặc
Báo cáo của quốc hội Mỹ ngày 13-7 tố cáo chính phủ Trung Quốc đứng sau các vụ tấn công tin tặc Công ty bảo hiểm ký thác liên bang Mỹ (FDIC) trong 3 năm 2010, 2011 và 2013.
Báo cáo dẫn cuộc điều tra nội bộ của FDIC xác định Trung Quốc chính là thủ phạm của hàng loạt vụ tấn công nhắm vào cơ quan này. Báo cáo này đã bị chủ tịch FDIC Martin Gruenberg - nhậm chức năm 2011 - che giấu thời gian qua vì sợ mất việc.
“Cuộc điều tra nội bộ hé lộ nỗ lực an ninh mạng lỏng lẻo của FDIC - Reuters dẫn lời ông Lamar Smith, chủ tịch ủy ban khoa học, không gian và công nghệ Hạ viện Mỹ, nói - Ý đồ của FDIC nhằm che mắt quốc hội là một sai lầm nghiêm trọng”.
Các vụ tấn công nhắm vào FDIC đã được tiết lộ từ tháng 5-2016 nhưng báo cáo mới nhất trích dẫn một ghi chú của tổng thanh tra FDIC chỉ đích danh Trung Quốc. Báo cáo thậm chí tiết lộ máy tính người tiền nhiệm của ông Gruenberg là Sheila Bair cũng từng bị xâm nhập.
Tổng cộng có 12 sở của FDIC và 10 máy chủ bị tấn công. Một nhân chứng nói rằng lãnh đạo bộ phận công nghệ thông tin của FDIC khi đó là Russ Pittman đã chỉ thị các nhân viên giữ kín thông tin này để tránh ảnh hưởng đến việc nhậm chức của ông Gruenberg.
Báo cáo được công bố giữa lúc lo ngại về khả năng phòng vệ mạng của các hệ thống ngân hàng quốc tế ngày một tăng cao. Trước đó, tổng thống Mỹ Barack Obama cũng thừa nhận chính phủ Mỹ gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ thông tin mật.
Đây cũng là trường hợp mới nhất mà Mỹ tin rằng Trung Quốc đứng sau các vụ tấn công tin tặc nhắm vào chính quyền Washington. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington không bình luận gì về vụ việc.
FDIC là cơ quan quản lý ngân hàng quan trọng của chính phủ Mỹ, nắm giữ dữ liệu mật về các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ. Ông Gruenberg dự kiến sẽ ra điều trần trước quốc hội về vấn đề này trong ngày 14-7, giờ Mỹ.(TT)