Triều Tiên diễn tập kịch bản tấn công thành phố Seoul
Trung Quốc tuyên bố xả nước xuống hạ lưu sông Mekong
Lịch sử Myanmar sang trang
Pakistan: đánh bom xe chở công chức, 50 người thương vong
Malaysia cần phải hành động hơn nữa đối với Trung Quốc
Tin thế giới đọc nhanh trưa 16-03-2016
- Cập nhật : 16/03/2016
Trung Quốc né tòa án quốc tế
Ý định thành lập trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế (TPHHQT) của Trung Quốc (TQ) có thể nhằm mục đích chuyển địa điểm giải quyết các vấn đề tranh chấp hàng hải ở London (Anh) và nhiều trung tâm khác ở châu Âu sang TQ.
Bên TQ tham gia vụ kiện tranh chấp hàng hải cũng sẽ được hưởng lợi thế hơn vì quen thuộc với cách thức giải quyết tranh chấp của luật pháp TQ.
Báo The Straits Times (Singapore) dẫn lời chuyên gia Susan Finder ở đặc khu Hong Kong nhận xét như trên.
Cậy thế sân nhà
Chuyên gia Susan Finder ghi nhận với ý định thành lập trung tâm TPHHQT, TQ còn nhằm mục đích khác như bảo đảm thẩm quyền về phát triển và sử dụng vùng biển mà TQ đòi yêu sách chủ quyền.
Báo cáo do Chánh án TAND Tối cao Chu Cường trình bày tại kỳ họp Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc TQ hôm 13-3 cho rằng TQ thành lập trung tâm TPHHQT “nhằm bảo vệ tốt hơn chủ quyền quốc gia, quyền lợi hàng hải và các lợi ích cốt lõi”.
Chánh án Chu Cường đưa ra các số liệu biện minh cho ý định thiết lập trung tâm TPHHQT rằng TQ đứng đầu thế giới về số vụ án hàng hải. Năm 2015, 10 tòa án hàng hải của TQ đã xử lý 16.000 vụ so với 12.000 vụ năm 2014 và 11.000 vụ năm 2013.
Ông Chu Cường dẫn chứng trường hợp một tàu cá TQ va chạm với tàu chở hàng mang cờ Panama ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9-2014. Chủ tàu cá TQ đòi xử ở tòa án hàng hải TP Hạ Môn (TQ). Cuối cùng hai bên giải quyết bằng thương lượng.
Từ vụ đó, ông bao biện rằng tòa án TQ có thẩm quyền đối với các vụ tranh chấp xảy ra trên vùng biển Senkaku/Điếu Ngư (Nhật và TQ đang tranh chấp).
Báo The Straits Times ghi nhận TQ công bố ý định thành lập trung tâm TPHHQT vào thời điểm căng thẳng trong tranh chấp liên quan đến biển Hoa Đông và biển Đông đang leo thang.
Ngoài ra còn có lo ngại về cách thức TQ đối phó với phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye (Hà Lan) có thể sẽ được công bố trong vài tháng tới về vụ Philippines kiện “đường chín đoạn” của TQ. TQ đã từ chối tham gia vụ kiện này.
Tránh né tòa án quốc tế
Chuyên gia Ian Storey nhận định TQ muốn thành lập trung tâm TPHHQT vì cho rằng các định chế tư pháp hiện nay là thân phương Tây và có thành kiến với TQ. Ông nói: “Có thể TQ muốn lập tòa án hàng hải riêng để tránh né các tòa án các nước khác”.
Trong khi đó, báo Japan Times (Nhật) dẫn lời các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh sử dụng trung tâm TPHHQT riêng chỉ để củng cố yêu sách chủ quyền ở biển Hoa Đông và biển Đông.
Chuyên gia Richard Javad Heydarian ở ĐH De La Salle tại Manila (Philippines) nhận định ý tưởng thành lập trung tâm TPHHQT là một thủ đoạn của TQ.
Ông ghi nhận: “Dù động thái này có thể tạo ra phản ứng với chủ nghĩa dân tộc tại TQ thì cũng không có bất kỳ liên quan đến dư luận quốc tế về giá trị pháp lý của thái độ ứng xử của TQ tại các vùng biển lân cận”.
Chuyên gia Sebastian Maslow ở Trường Luật Sendai thuộc ĐH Tohoku (Nhật) nhận xét: “Chiến thuật của các nhà lãnh đạo TQ là nếu không thể thừa nhận yêu sách của đối thủ trên cơ sở quy định thiết lập từ luật pháp quốc tế, vậy phản bác luôn các quy định đó đi”.
Ông khẳng định trung tâm TPHHQT được lập ra chỉ nhằm củng cố yêu sách chủ quyền của TQ.
Chuyên gia Euan Graham, Giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Viện Nghiên cứu Lowy ở Sydney (Úc), nhận định TQ dường như muốn làm thay cho các định chế như Tòa án Công lý quốc tế và Tòa án quốc tế về Luật Biển.
Ông cho rằng điều này không thể chấp nhận được bởi TQ chính là một bên tranh chấp trong nhiều vụ tranh chấp hàng hải trong khu vực, vì vậy không thể “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Trợ thủ của bà Suu Kyi trở thành tổng thống Myanmar
Ngày 15-3, quốc hội Myanmar bầu ông Htin Kyaw - trợ thủ thân cận của Chủ tịch Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) Aung San Suu Kyi - làm tổng thống.
Ông Htin Kyaw, 69 tuổi, giành được 360/652 phiếu bầu từ hạ viện và thượng viện, qua đó trở thành tổng thống dân sự đầu tiên của Myanmar kể từ những năm 1960.
Bà Suu Kyi đã dẫn dắt NLD giành thắng lợi vang dội trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 11-2015 song hiến pháp Myanmar không cho người có chồng, con mang quốc tịch nước ngoài (Anh) như bà làm tổng thống.
Do đó, bà Suu Kyi từng tuyên bố sẽ ở vị trí “trên cả tổng thống” và việc ông Htin Kyaw trở thành người đứng đầu đất nước sẽ tạo điều kiện cho bà. “Kết quả ngày hôm nay là nhờ vào tình yêu mà nhân dân dành cho bà ấy. Đây là thắng lợi của người chị Aung San Suu Kyi của tôi” - ông Htin Kyaw nói vớiReuters sau cuộc bỏ phiếu.
Trong suốt 15 năm bà Suu Kyi bị quản thúc tại gia, ông Htin Kyaw là một trong một số ít các phụ tá thân cận được phép gặp bà. Trong những lần bà Suu Kyi được ra ngoài, ông Htin Kyaw trở thành lái xe riêng của bà.
Phi công sẽ bị buộc giám định tâm thần thường xuyên
Cơ quan Điều tra và phân tích an toàn hàng không Pháp (BEA) vừa công bố kết luận điều tra cuối cùng về vụ máy bay của Germanwings đâm xuống núi là do phi công cố ý gây ra.
Từ đó, các nhà điều tra Pháp đã đưa ra khuyến cáo với Cơ quan An toàn hàng không châu Âu và các nước thành viên của Liên minh châu Âu phải tăng cường kiểm tra sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần của giới phi công; yêu cầu bãi bỏ việc bảo mật thông tin y tế của những phi công có biểu hiện rối loạn tâm thần...
Đài CNN cho biết vài tuần trước khi xảy ra thảm họa đối với chuyến bay số hiệu 9525 của Hãng Germanwings, bác sĩ đã yêu cầu phi công phụ Andreas Lubitz phải đến bệnh viện tâm thần để khám bệnh. Nhưng giới quản lý của Germanwings đã bỏ qua khuyến cáo này.
Hậu quả là chuyến bay chở 150 hành khách đi từ Barcelona (Tây Ban Nha) đến Dusseldorf (Đức) ngày 24-3-2015 đã đâm vào một vách núi nằm trong dãy Alps của Pháp khiến không ai còn sống sót. Sau này người ta mới biết Lubitz đã phải “gặp 41 bác sĩ trong 5 năm” và thậm chí gặp đến 7 bác sĩ trong tháng trước khi xảy ra vụ việc.
Báo cáo dày 87 trang của BEA cũng chỉ trích việc Lubitz bị chứng trầm cảm nặng nhưng các bác sĩ đã không thể tiết lộ điều này. Giới điều tra Pháp chỉ trích việc các hãng hàng không để cho phi công “tự tuyên bố tình hình sức khỏe”. Nguyên tắc này vô hình trung cho họ quyền giấu nhẹm thông tin sức khỏe của bản thân.
Liên đoàn đại diện phi công Đức đánh giá cao khuyến cáo này của BEA và cho rằng đó là “gói các biện pháp cân bằng”. Nhưng tổ chức này nói các quy định nghiêm ngặt về việc bảo vệ dữ liệu cá nhân cần được kết hợp với tiêu chuẩn trong việc dừng các quy định bảo mật đối với thông tin sức khỏe của phi công.
Tại Đức, chuyện bảo mật thông tin cá nhân là vấn đề nhạy cảm. Các quốc gia như Canada, Israel và Na Uy đều có những luật đặc biệt dành cho việc bảo mật thông tin của phi công.
Ông Alain Martin Saint-Laurent, cựu bác sĩ trưởng của Trung tâm khám nghiệm phi công thuộc Ban tổng giám đốc hàng không dân dụng của Pháp, khẳng định với Đài France Info rằng yêu cầu mới của BEA “là sự cải thiện so với trước đây. Từ nay khi có cảnh báo nguy hiểm với tính mạng hành khách, đội bay thì việc xem xét hồ sơ y tế của phi công phải được xem là chuyện bình thường”.
Ông cũng khẳng định rằng “có sự chệch choạc vào lúc nào đó trong quá trình bác sĩ theo dõi sức khỏe của Lubitz”
Nga thêm khu trục hạm cho hạm đội Biển Đen
Ngày 11/3, hải quân Nga đã làm lễ thượng cờ cho khu trục hạm tên lửa mới nhất mang tên "Đô đốc Grigorovich" tại nhà máy đóng tàu Yantar thuộc tỉnh Kalinigrad, theo Tass.
Theo ông Sergei Mikhailov, phát ngôn viên nhà máy đóng tàu Yantar, cuộc chạy thử nghiệm chính thức của Đô đốc Grigorovich sẽ được tiến hành vào cuối tháng ba, sau đó tàu sẽ được biên chế cho Hạm đội Biển Đen.
Đô đốc Grigorovich là khu trục hạm tên lửa đầu tiên thuộc dự án 11356 của Bộ Quốc phòng Nga nhằm nâng cấp, hiện đại hóa trang bị cho hạm đội Biển Đen. Lớp tàu tuần tra 11356 này dài 124,8 m, rộng 15,2 m, lượng choán nước 4.000 tấn, tốc độ tối đa 55 km/h, có thể hoạt động liên tục 30 ngày trên biển.
Về vũ khí, tàu được trang bị tên lửa chống hạm siêu âm Kalibr NK kiểu 3M-54E/3M-54E1, có tầm bắn 220-300km hoặc tên lửa chống hạm P-800 Oniks; tên lửa phòng không tầm trung 3S-90M Shtil-1 phóng từ ống phóng thẳng đứng, sử dụng tên lửa phòng không 3M917 (SA-N-12) với tầm bắn 50 km.
Nếu máy bay địch vượt qua được hệ thống tên lửa tầm trung sẽ vấp phải sự tấn công của hai tổ hợp pháo - tên lửa phòng không tầm gần cao tốc Kashtan-M. Mỗi tổ hợp Kashtan-M được trang bị 2 pháo phòng không 6 nòng cỡ 30 mm (tầm bắn 5 km) và 8 tên lửa 9M311 đạt tầm bắn 10 km.
Đối với khả năng chống ngầm, Đô đốc Grigorovich được trang bị hai bệ phóng bom phản lực chống ngầm RBU-6000, 4 ống phóng ngư lôi hạng nặng 533 mm, một trực thăng chống ngầm Ka-28 hoặc Ka-31.
Theo Sputnik, khi đi vào hoạt động Đô đốc Grigorovich có khả năng theo dõi đồng thời hàng chục mục tiêu trên không, mặt đất hoặc trên biển ở khoảng cách xa, do đó có thể bảo vệ toàn bộ khu vực hải phận mà nó có mặt. Sự có mặt của Đô đốc Grigorovich sẽ cải thiến đáng kể sức mạnh cho Hạm đội Biển Đen vốn đã "già nua"của hải quân NgaNgoài Đô đốc Grigorovich, hai tàu khu trục khác gồm Đô đốc Essen hiện trong quá trình thử nghiệm, và tàu Đô đốc Makarov đang trong giai đoạn hoàn tất, cũng sẽ được biên chế cho hạm đội này trong thời gian sớm nhất.
Tân Hoa Xã “đắc tội” với ông Tập Cận Bình
Hãng tin nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã phải vội vàng đính chính sau khi gọi Chủ tịch Tập Cận Bình là “nhà lãnh đạo cuối cùng” của nước này.
Tuy nhiên, trước khi nhận ra sai sót trên, bài viết hôm 13-3 của Tân Hoa Xãđã được các cơ quan truyền thông khác dẫn lại rộng rãi. Thay vì sửa “nhà lãnh đạo cuối cùng” (tối hậu) thành “nhà lãnh đạo cao nhất” (tối cao) theo đề nghị của Tân Hoa Xã, nhiều tờ báo chỉ đơn giản là gỡ bỏ toàn bộ bản tin.
Những sai sót như vậy cực kỳ hiếm, theo đài BBC, bởi thông tin liên quan đến ông Tập thường được “soi” nghiêm ngặt. Hai chữ “tối hậu” và “tối cao” chỉ khác nhau một từ nhưng có nghĩa hoàn toàn khác biệt.
Trước đây, những sai sót như vậy thường lãnh hậu quả nghiêm trọng. Tháng 12 năm ngoái, 4 nhà báo bị đình chỉ sau khi hãng tin China News Service đưa tin chuyến công du châu Phi của ông Tập, trong đó nhầm “bài phát biểu” (zhi ci) thành “từ chức” (ci zhi).
Theo BBC, có 29 nhà báo bị ngồi tù ở Trung Quốc trong năm 2015, với nhiều tội danh khác nhau. Mới đây, ông Tập đi thăm nhiều cơ quan báo chí ở Bắc Kinh và nhấn mạnh sự cần thiết phải “trung thành tuyệt đối”.