Tỷ phú này đã chi hoặc cam kết chi 13 triệu USD cho đảng Dân chủ trong năm nay. 11 năm kể từ ngày góp phần đưa Tổng thống George W. Bush ra khỏi Nhà Trắng, George Soros đang quay trở lại và “lợi hại hơn xưa”.
Nước cờ chiến lược của Nga trên chiến trường Syria
- Cập nhật : 16/03/2016
(Tin kinh te)
Bằng tuyên bố rút quân khỏi Syria, Nga chứng tỏ được rằng, không giống Mỹ, cách hành xử của họ tại khu vực chiến lược ở Trung Đông rất minh bạch.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) đón tiếp người đồng cấp Syria Bashar al-Assad tại Điện Kremlin hồi tháng 10 năm ngoái. Ảnh: Ria Novosti
Khi Nga bắt đầu chiến dịch dội bom ở Syria vào mùa thu năm ngoái, giới chuyên gia nhận định, từng bước đi của Moscow ở đây sẽ dần hé lộ chính sách ngoại giao mà chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin theo đuổi. Giả định này đúng ở hiện tại khi ông Putin thông báo rút các lực lượng nòng cốt khỏi Syria, theo National Interest.
Ba nền tảng chiến lược của Nga
Học giả Nikolay Pakhomov từ Hội đồng Đối ngoại Nga, trụ sở ở Moscow, cho rằng hành động của Nga ở Syria trong gần 6 tháng qua đã làm sáng tỏ đường lối đối ngoại của chính quyền Putin cũng như cách mà nước này tham gia hỗ trợ giải quyết các vấn đề phức tạp ở Trung Đông.
Trước hết, tại sao Nga phát động chiến dịch oanh kích ở Syria? Theo Pakhomov, nhiều câu trả lời cho vấn đề này đã được đưa ra nhưng đáp án chính xác nhất vẫn là điều mà Moscow tuyên bố bấy lâu nay: Nga can thiệp vào Syria để chống khủng bố theo lời đề nghị chính thức từ chính quyền Syria. Sau khi ông Putin thông báo rút quân, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã gửi lời cảm ơn đến Nga vì những hỗ trợ trong thời gian qua.
Những tranh cãi về mục đích thực sự của Nga đằng sau các chiến dịch không kích ở Syria sẽ vẫn tiếp diễn song điều quan trọng hơn cả là Moscow đã tuân thủ các quy trình luật pháp trong nước và quốc tế khi tiến hành can thiệp vào Syria, ông Pakhomov nhấn mạnh. Luật chống khủng bố của Nga cho phép tổng thống điều động các đơn vị quân đội bên ngoài quốc gia nhằm ngăn chặn hoạt động khủng bố. Hành động của Nga ở Syria cũng cho thấy rằng họ thực sự hành xử với các quốc gia khác theo đúng những chuẩn mực quốc tế.
Thứ hai, động thái can thiệp quân sự ở Syria đã giúp Nga chứng tỏ sức mạnh quân sự của nước này là một yếu tố quan trọng, không thể bị gạt bỏ khi giải quyết các vấn đề quốc tế. Những người chủ trương quyền lực mềm và ngoại giao công chúng có thể đưa ra các lý lẽ bảo vệ lập trường của họ nhưng rõ ràng một lực lượng quân đội hiệu quả là rất cần thiết để tiếng nói của một cường quốc trở nên có trọng lượng trên trường quốc tế, Pakhomov nhận xét.
Tổng thống Mỹ Barack Obama từng nói Nga là một cường quốc khu vực nhưng không nêu chính xác đó là khu vực cụ thể nào. Ý tưởng về việc Nga trở thành một cường quốc ở Trung Đông, nơi cách họ hàng nghìn km, là điều ít ai dám nghĩ tới. Nhưng những gì diễn ra ở Syria là minh chứng rõ nét nhất cho thấy giả định này đang dần trở thành hiện thực.
Điện Kremlin có khả năng triển khai lượng lớn binh sĩ cùng hàng loạt khí tài hiện đại đến đây. Số lần xuất kích một ngày của các chiến đấu cơ Nga ở Syria thậm chí còn nhiều hơn số lượt ném bom mà máy bay liên quân do Mỹ dẫn đầu thực hiện trong một tháng.
Nhiều người không tin Nga có thể hoàn thành tất cả các mục tiêu đặt ra ở Syria như lời Tổng thống Putin tuyên bố nhưng thật khó để bác bỏ ý kiến cho rằng chiến dịch oanh kích của Moscow đã tạo điều kiện thuận lợi để dẫn đến lệnh ngừng bắn tạm thời cho khu vực, ông Pakhomov đánh giá.
Thứ ba, những quyết định của Tổng thống Putin trong từng thời điểm khác nhau ở Syria đã thể hiện rõ Nga rất coi trọng các lợi ích quốc gia và rằng Moscow hành động không dựa trên những mơ mộng hão huyền về một thế giới tốt đẹp hơn, không xảy ra bất đồng, xung đột. Thay vào đó, họ tính đến những gì được coi là cần thiết đối với sự tồn tại và phát triển của một quốc gia.
Giữa việc hành động để gây tiếng vang về lý tưởng và hành động vì lợi ích quốc gia, Nga đã chọn vế thứ hai. Lúc đồng minh cần, ông Putin không ngần ngại kề vai sát cánh cùng chính quyền Assad. Nhưng khi nhận thấy đã cung cấp đủ hỗ trợ cho Syria, Tổng thống Nga lập tức dừng chiến dịch can thiệp quân sự. Quyết định nhanh chóng và dứt khoát của ông cho thấy Nga sẵn sàng điều chỉnh các lợi ích quốc gia tương ứng khi tình thế thay đổi.Theo Pakhomov, ba nền tảng trên chính là cốt lõi trong chiến lược của Nga ở Trung Đông.
Mục tiêu mập mờ của Mỹ
Mỹ sẽ tiếp tục là nước can dự rất quan trọng và có tiếng nói chi phối ở Trung Đông. Tuy nhiên, chiến lược của Washington là gì? Câu hỏi này vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Pakhomov nhận định hành động của Washington ở Syria đang gây khó hiểu cho hầu hết các cơ quan truyền thông tự do ở cả Mỹ và một số đồng minh châu Âu. Kể từ khi nội chiến Syria nổ ra, Mỹ đã bày tỏ thiện cảm đối với các lực lượng chống đối Tổng thống Assad nhưng không rõ vì lý do gì mà Washington lại không hết lòng ủng hộ các lực lượng này trước khi Nga can thiệp quân sự vào Syria.
Nhiều ý kiến cho rằng Mỹ đã hành động cẩn trọng nhờ những kinh nghiệm rút ra ở Iraq và Libya, nơi Washington lật đổ các nhà lãnh đạo độc tài nhưng rồi sau đó lại phải đối mặt với các vấn đề an ninh mới và nghiêm trọng hơn. Nhưng, mấu chốt nằm ở chỗ lập trường của Mỹ tại Syria không rõ ràng.
Cả Washington và Moscow đều có vai trò tiên quyết ảnh tưởng tới cuộc hòa đàm giữa các bên ở Syria sau khi thỏa thuận "chấm dứt thù địch" được áp dụng hồi cuối tháng trước. Nga ngay từ đầu thể hiện rõ mục tiêu của họ là tập trung hỗ trợ về ngoại giao và quân sự cho ông Assad. Nhưng đồng minh Mỹ ở Syria là ai thì đến nay vẫn chưa thống nhất. Bên cạnh đó, chiến lược dài hạn của Mỹ ở Trung Đông cũng còn rất tù mù, Pakhomov nhận xét.
Chính sự thiếu rõ ràng này sẽ khiến Washington gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển chính sách ở Trung Đông. Sự thiếu rõ ràng trong chiến lược, đặt trong bối cảnh hiện nay, hoàn toàn không có lợi cho vị thế quốc tế của Mỹ cũng như sự ổn định trong các mối quan hệ toàn cầu nói chung, Pakhomov nhấn mạnh.Ngược lại, Nga với sự nhất quán của mình đã thúc đẩy mạnh các mối giao thiệp và hợp tác giữa nước này với các quốc gia ở Trung Đông. Nhờ nhận thức được chính xác động cơ, lợi ích, năng lực và mục tiêu mà Nga theo đuổi, những nước lớn trong khu vực có thể đưa ra các hành động thích ứng.
Người Kurd ở Syria được xem là đồng minh chủ chốt của Mỹ trong cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS). Nhưng sau khi Nga phát động chiến dịch oanh kích ở Syria, quan hệ giữa người Kurd với Moscow đã cải thiện rõ rệt bởi đôi bên đều nắm rõ động cơ của nhau và sẵn sàng nói chuyện để hướng tới các thỏa thuận. Dù hậu thuẫn Assad, Moscow vẫn ủng hộ người Kurd ở Syria tham gia hòa đàm ở Geneva, Thụy Sĩ.
Bên cạnh đó, cách tiếp cận rõ ràng của Nga đối với các mục tiêu và lợi ích cũng góp phần khai thông thêm nhiều kênh đối thoại quốc tế. Dù Arab Saudi không ủng hộ Tổng thống Assad hay những hành động hậu thuẫn của Nga đối với lãnh đạo Syria nhưng Tổng thống Putin và Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud của Arab Saudi vẫn có thể ngồi chung bàn để thảo luận về tình hình khu vực.
Điện Kremlin thông báo hai nước sẵn sàng gác lại các bất đồng. Quốc vương Salman trong khi đó bày tỏ thiện chí phối hợp với Nga để thực hiện lệnh ngừng bắn cho Syria.
Trung Đông chắc chắn vẫn là một khu vực đầy biến động và còn quá sớm để xác định kẻ thua, người thắng trong cuộc chiến ở Syria. Tuy nhiên, theo học giả Pakhomov, với quyết định rút quân khỏi Syria, Tổng thống Putin một lần nữa chứng tỏ rằng ông vẫn là người làm chủ cuộc chơi.
Hồng Vân
Theo Vnexpress