tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh trưa 17-03-2016

  • Cập nhật : 17/03/2016

Triều Tiên diễn tập kịch bản tấn công thành phố Seoul

Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời một nhà lập pháp Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đang tiến hành cuộc tập trận quân sự với mục tiêu là các cơ sở công cộng trọng điểm ở Seoul (Hàn Quốc). Cuộc tập trận này được cho là nằm trong kế hoạch được gọi là “hoạt động giải phóng Seoul”.

Thông tin này được đưa ra sau cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc với quy mô lớn chưa từng có ở ngoài khơi bờ biển TP Pohang, Hàn Quốc.

Nguồn tin trên cho biết Triều Tiên có thể tiến hành các hành động khiêu khích quân sự ở biên giới hai miền và có thể gửi máy bay không người lái tới Hàn Quốc.

trieu tien phong thu ten lua co nong lon tai mot dia diem khong xac dinh (anh: kcna)

Triều tiên phóng thử tên lửa cỡ nòng lớn tại một địa điểm không xác định (Ảnh: KCNA)

Người này nói thêm rằng chính quyền Kim Jong Un có thể thực hiện các cuộc tấn công khủng bố ở Seoul và những khu vực khác gần đó. Việc phóng tên lửa hay làm tắc nghẽn mạng lưới GPS cũng có thể nằm trong cuộc tập trận trên của Triều Tiên.

“Quân đội Hàn Quốc đang chuẩn bị luyện tập ứng phó trước mọi khả năng” -nguồn tin trên nói.

Trước đó hôm 15-3, Hãng thông tấn KCNA đưa tin lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ sớm thử đầu đạn hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo có khả năng mang loại đầu đạn này.

Phát biểu này được đưa ra trong cuộc thị sát quá trình thử nghiệm mô phỏng công nghệ đưa tên lửa đạn đạo quay trở lại bầu khí quyển, yếu tố quan trọng để tấn công mục tiêu ở tầm xa.

Tuy nhiên, một quan chức quân sự Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên chưa thẻ đạt được công nghệ nói trên và nói rằng tuyên bố đó của Bình Nhưỡng chỉ nhằm phô trương sức mạnh quân sự, theo Yonhap.


Trung Quốc tuyên bố xả nước xuống hạ lưu sông Mekong

Trung Quốc hôm qua tuyên bố nước này sẽ xả nước từ một đập ở tỉnh Vân Nam xuống hạ lưu sông Mekong đến ngày 10/4 để cứu hạn ở các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. 
trung-quoc-tuyen-bo-xa-nuoc-xuong-ha-luu-song-mekong

Vị trí thủy điện Cảnh Hồng. Đồ họa: Michael Buckley

"Chúng tôi sẽ xả nguồn cung cấp nước khẩn cấp từ Nhà máy Thuỷ điện Cảnh Hồng từ ngày 15/3 tới ngày 10/4", Xinhua dẫn lời phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua nói. Lưu lượng xả nước đạt 2.190 m3/giây.

Trước đó, Việt Nam đề nghị Trung Quốc xả nước từ con đập tại nhà máy thuỷ điện ở tỉnh Vân Nam, phía tây nam Trung Quốc, để giúp vượt qua hạn hán tại các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long. 

Sông Mekong bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Kể từ cuối năm 2015, các nước dọc sông Mekong đã chịu hạn hán do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và tình hình thời gian gần đây trở nên trầm trọng hơn, đe doạ sinh kế của người dân, ông Lục nói. 

Phát ngôn viên Trung Quốc cho rằng nước này sẵn sàng tăng cường điều phối và hợp tác với các nước liên quan theo cơ chế về quản lý nguồn nước và đối phó thiên tai để đem đến lợi ích cho người dân khu vực.

Do tác động của El Nino, lượng mưa trong khu vực giảm mạnh khoảng 20-30% so với trung bình nhiều năm, trong khi đó lượng nước sông Mekong về Việt Nam giảm 50%, dẫn đến tình trạng mặn lấn sâu vào đất liền đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều nơi nước mặn vào sâu đất liền tới 70-90 km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 15 đến 20 km.

Kinh tế và đời sống dân sinh của 10/13 tỉnh thành phố như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh Sóc Trăng... chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của xâm nhập mặn. Theo báo cáo Bộ Nông nghiệp, diện tích lúa thiệt hại từ cuối năm 2015 đến nay gần 160.000 ha, trong đó phần lớn là không có thu hoạch. Các tỉnh bị thiệt hại nhiều là Kiên Giang hơn 54.000 ha, Cà Mau gần 50.000 ha, Bến Tre gần 14.000 ha.


Lịch sử Myanmar sang trang

Lưỡng viện quốc hội Myanmar hôm 15-3 bỏ phiếu bầu ông Htin Kyaw - 69 tuổi, trợ thủ đắc lực và cũng là bạn thân hơn 60 năm của Chủ tịch Đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) Aung San Suu Kyi - làm tổng thống dân cử đầu tiên kể từ năm 1962.

Hai vị trí phó tổng thống thứ nhất và thứ hai lần lượt thuộc về tướng về hưu Myint Swe (64 tuổi, ứng viên phe quân đội) và ông Henry Van Thio (58 tuổi, do NLD đề cử).

Ngay sau khi phát ngôn viên quốc hội Mann Win Khaing Than thông báo ông Htin Kyaw trở thành tổng thống thứ chín của Myanmar, bà Suu Kyi vỗ tay và mỉm cười nhưng không đưa ra bình luận. Phát biểu ngắn gọn tại họp báo, ông Htin Kyaw nói: “Đây là chiến thắng cho người dân của quốc gia này. Tôi đã trở thành tổng thống nhờ sự thiện chí và lòng nhân hậu của người chị Aung San Suu Kyi”.

tong thong myanmar dac cu htin kyaw (thu hai tu trai qua) va ba aung san suu kyi roi tru so quoc hoi hom 15-3anh: reuters

Tổng thống Myanmar đắc cử Htin Kyaw (thứ hai từ trái qua) và bà Aung San Suu Kyi rời trụ sở quốc hội hôm 15-3Ảnh: Reuters

Giới phân tích nhận định quyền lực thực sự sẽ nằm trong tay bà Suu Kyi một khi chính phủ mới tiếp quản nhiệm vụ từ tổng thống sắp mãn nhiệm Thein Sein vào ngày 1-4 tới. Các chuyên gia cảnh báo nhà lãnh đạo và chính phủ các nước có thể liên lạc trực tiếp với bà Suu Kyi khiến vai trò của ông Htin Kyaw bị lu mờ.

Theo Reuters, bà Suu Kyi muốn phi quân sự hóa chính trường Myanmar song muốn làm vậy, bà lại phải nhận được sự hỗ trợ từ chính quân đội. Lực lượng này vẫn nắm 1/4 số ghế (tương đương 166 ghế, thêm 41 ghế do Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển được quân đội hậu thuẫn nắm giữ) tại quốc hội trong khi Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar - ông Min Aung Hlaing - có quyền chỉ định và kiểm soát trực tiếp các bộ trưởng Bộ Nội vụ, Quốc phòng và An ninh biên giới. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp và tập đoàn quốc phòng có quan hệ gần gũi với chính quyền ông Thein Sein vẫn có tầm ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế Myanmar.

Theo giới phân tích, để thực sự làm chủ chính trường, bà Suu Kyi trước mắt phải cho người dân, đặc biệt là bộ phận công chức, thấy tương lai của Myanmar thuộc về NLD. Từ đó, bà dần thay đổi nhận thức của quân đội, trấn an họ rằng chính phủ mới sẽ không trả thù để họ chấp nhận giảm vai trò trong các vấn đề quốc gia.

Song song đó, bà Suu Kyi cùng ông Htin Kyaw phải giải quyết tình trạng thu nhập thấp và quản lý dòng vốn đầu tư sau nhiều thập kỷ tăng trưởng trì trệ, kèm theo vấn đề xung đột vũ trang ở các khu vực biên giới.


Pakistan: đánh bom xe chở công chức, 50 người thương vong

Sáng 16-3, chiếc xe buýt chở 50 công chức tại thành phố Peshsawar, Pakistan đã phát nổ khi đang chạy làm 15 người chết và 35 người bị thương.

hien truong chiec xe buyt bi danh bom ngay 16-3 - anh: reuters

Hiện trường chiếc xe buýt bị đánh bom ngày 16-3 - Ảnh: Reuters

Ngày 16-3, xe buýt này vẫn làm nhiệm vụ như hằng ngày là đón công chức từ ngoại ô Peshawar để đưa vào làm việc ở thành phố. Nhưng khi đến Saddar, một quận mua sắm nhộn nhịp của thành phố Peshawar, xe buýt đã nổ tung. Khu vực này cũng có nhiều tòa nhà quân đội và nhà dân.

Tại hiện trường, lực lượng cứu hộ phải cắt vào thân xe buýt để lôi những nạn nhân, cả chết lẫn bị thương ra ngoài. Rất nhiều người bị thương nặng được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Hãng tin Reuters dẫn lời Jamil Shah, người phát ngôn của bệnh viện Lady Reading: "Tất cả bác sĩ tại bệnh viện đã được điều động. Nhiều người bị thương đang trong tình trạng nguy kịch và con số tử vong có thể sẽ còn tăng".

Mohammad Kashif, viên chức cảnh sát cao cấp của thành phố Peshawar, trả lời báo chí: "Vẫn còn quá sớm để nói về bản chất vụ nổ nhưng dường như gói thuốc nổ đã được giấu sẵn trên xe".

Theo thông tin ban đầu, có khoảng 4 đến 10kg chất nổ kèm thiết bị kích nổ từ xa đã được giấu trên xe buýt. Công tác điều tra vẫn đang được tiến hành.

Vụ tấn công này diễn ra khi cảnh sát Pakistan tại thành phố Peshawar tăng cường chiến dịch chống Taliban và các nhóm vũ trang hồi giáo ở biên giới Pakistan - Afghanistan. Đây là cuộc tấn công đẫm máu nhất tại Peshawar kể từ sau sự kiện 134 học sinh ở một trường quân đội tại đây bị bắn chết dã man hồi tháng 11-2015.


Malaysia cần phải hành động hơn nữa đối với Trung Quốc

Hôm 14-3, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein phát biểu với báo giới:

“Nếu các báo cáo mà chúng tôi nhận được từ nhiều nguồn liên quan đến sự việc Trung Quốc xây dựng và bố trí thiết bị quân sự ở biển Đông là thật thì chúng tôi bắt buộc phải khiến Trung Quốc lùi bước”. Phát biểu nêu trên có phải là bước ngoặt báo hiệu Malaysia sắp sửa thực hiện quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc hay không?

Tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 15-3 đã làm rõ hai vấn đề. Đầu tiên, trong những năm qua, Malaysia đã dần dần trở nên cứng rắn hơn về vấn đề biển Đông đến mức quan điểm đối phó với Trung Quốc ngày càng lộ rõ.

Các quan chức Malaysia đã công khai tuyên bố đến vấn đề Trung Quốc xâm nhập vùng biển Malaysia cho dù không trực tiếp nêu đích danh Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Malaysia đã đề nghị cần phải khẩn cấp hành động trước các hành vi xâm phạm chủ quyền Malaysia. Malaysia cũng đã thương lượng với Mỹ để đưa máy bay Mỹ đến Malaysia.

Có một số động thái Malaysia chưa từng làm trước khi Trung Quốc ngang nhiên thực hiện yêu sách chủ quyền trái phép ở biển Đông. Bởi thế, tạp chíThe Diplomat nhận định phát biểu nêu trên của Bộ trưởng Quốc phòng Hishammuddin Hussein phải được xem thuộc khuôn khổ duy trì quan điểm liên tục chứ không phải “đùng một cái” thay đổi quan điểm.

Các đề nghị của Bộ trưởng Hishammuddin Hussein như yêu cầu Trung Quốc giữ cam kết không quân sự hóa ở biển Đông hay Malaysia sẽ phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN như Việt Nam và Philippines đã chứng tỏ Malaysia trở nên tích cực hơn đối với vấn đề tranh chấp ở biển Đông. Do đó trong tương lai gần, không có gì ngạc nhiên khi Malaysia hành động mạnh mẽ hơn.

Điều thứ hai cũng không kém quan trọng là động thái của Malaysia thật ra vẫn chưa đủ so với tính chất phức tạp của tình hình toàn cục. Malaysia luôn theo đuổi giải pháp an toàn khi tiếp cận vấn đề tranh chấp ở biển Đông, có nghĩa là vẫn bảo vệ chủ quyền nhưng theo cách thức không làm phương hại đến mối quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Malaysia.

Tạp chí The Diplomat nhận định ngay cả khi Bộ trưởng Hishammuddin Hussein tuyên bố cứng rắn, Malaysia cũng chưa chắc từ bỏ hoàn toàn phương thức tiếp cận nêu trên do nhiều nguyên nhân: Vị trí địa lý trong yêu sách chủ quyền của Malaysia, lịch sử quan hệ giữa Malaysia với Trung Quốc, hạn chế về năng lực quân sự của Malaysia.

Vì lẽ đó, khi Bộ trưởng Quốc phòng Hishammuddin Hussein nêu lên mối lo ngại của Malaysia về tình hình quân sự hóa của Trung Quốc ở biển Đông, ông phải thòng thêm một vế nữa rằng Malaysia cần hợp tác khu vực và Malaysia sẽ tiếp tục thực hiện giải pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề tranh chấp.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục