Theo một báo cáo được công bố ngày 16/3, năm nay, Đan Mạch đã vươn lên hai bậc và “soán ngôi” quốc gia hạnh phúc nhất thế giới của Thụy Sĩ.
Tin thế giới đọc nhanh 17-03-2016
- Cập nhật : 17/03/2016
Cảnh sát biển Argentina bắn chìm tàu cá Trung Quốc
Tàu Trung Quốc Lu Yan Yuan Yu 010 (ảnh cắt từ clip) trước khi bị cảnh sát biển Argentina bắn chìm. Ảnh: Getty Images
Báo Buenos Aires Herald (Argentina) ngày 16-3 cho biết vào ngày 14-3, sau một cuộc rượt đuổi kịch tính, cảnh sát biển Argentina (PNA) đã bắn chìm một tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép ở ngoài khơi bờ biển thành phố Puerto Madryn của Argentina.
Đây là lần đầu tiên trong 15 năm qua, PNA bắn chìm một tàu cá nước ngoài đánh bắt trái phép ở vùng biển Argentina.
PNA cho biết chiếc tàu cá Trung Quốc Lu Yan Yuan Yu 010 đã không tuân thủ các mệnh lệnh của PNA và định đâm vào tàu của PNA.
Tuyên bố của PNA diễn giải chi tiết vụ việc như sau: Đầu tiên, tàu của PNA cố gắng liên lạc với tàu Trung Quốc bằng những cuộc gọi tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh qua sóng vô tuyến cũng như các tín hiệu bằng âm thanh và hình ảnh. Tuy nhiên, tàu cá Trung Quốc đã tắt điện trên tàu, tiếp tục hoạt động đánh bắt và phớt lờ các cuộc gọi liên tục từ tàu của PNA. Sau đó, một cuộc rượt đuổi đã diễn ra và tàu Trung Quốc đã nhiều lần di chuyển nhằm đâm vào tàu của PNA buộc các cảnh sát biển Argentina phải nổ súng cảnh cáo.
Tuy nhiên, trong một lần như vậy, tàu của PNA đã quyết định bắn chìm tàu cá của Trung Quốc nhằm tránh các nguy hiểm tính mạng cho các cảnh sát biển Argentina lẫn các thuyền viên Trung Quốc. Tàu của PNA đã cứu sống bốn thuyền viên của tàu cá Trung Quốc nhảy xuống biển khi tàu chìm; 28 thuyền viên còn lại được một một tàu cá Trung Quốc khác ở gần đó cứu sống.
PNA cho biết cơ quan chức trách địa phương đang tạm giữ một số thuyền viên của tàu Lu Yan Yuan 010. PNA cũng thông báo cho lãnh sự quán Trung Quốc ở Argentina về vụ việc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc và đại sứ quán Trung Quốc ở Argentina đã gửi công hàm phản đối cho phía Argentina, trong đó bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về sự việc, yêu cầu Argentina điều tra và báo cáo ngay lập tức chi tiết vụ việc cho Trung Quốc.
Tuần trước, PNA cũng bắn cảnh cáo nhằm ngăn chặn các tàu cá Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển của Argentina để đánh bắt trái phép.
Triều Tiên kết án sinh viên Mỹ 15 năm lao động khổ sai
Otto Warmbier, 21 tuổi, sinh viên Đại học Virginia, bị bắt hồi tháng 1 vì tìm cách lấy trộm một khẩu hiệu tuyên truyền tại khách sạn ở Bình Nhưỡng trước khi anh lên chuyến bay đến Trung Quốc.
Tòa án Tối cao Triều Tiên kết án 15 năm lao động khổ sai đối với Warmbier, hãng thông tấn quốc gia Trung Quốc Xinhua hôm nay đưa tin.
Warmbier, đến từ thành phố Wyoming, bang Ohio, thừa nhận tội của mình là "rất nghiêm trọng và đã được chuẩn bị từ trước" trong một buổi họp báo ở Bình Nhưỡng tháng 2.
Warmbier cho biết một người quen tại một nhà thờ đề nghị cho anh chiếc xe hơi đã qua sử dụng trị giá 10.000 USD nếu anh có thể mang về "chiến lợi phẩm" là khẩu hiệu từ Triều Tiên. Người này còn cam kết nhà thờ sẽ trả 200.000 USD cho mẹ Warmbier nếu anh không trở về.
Cựu thống đốc bang New Mexico Bill Richardson hôm qua đã gặp đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc, kêu gọi thả Warmbier, tờ New York Timesđưa tin.
"Tôi kêu gọi thả Otto theo tinh thần nhân đạo và họ đồng ý xem xét đề nghị này", Richardson nói.
Thái Lan xét xử vụ án buôn người lớn nhất lịch sử
Ngày 15-3, Tòa án Hình sự Bangkok (Thái Lan) bắt đầu xét xử vụ án buôn người quy mô lớn nhất Thái Lan với 92 bị cáo, trong đó có nhiều tướng lĩnh quân đội nước này, theo báo ChiangRai Times (Thái Lan).
Vụ việc bắt đầu khi cảnh sát phát hiện một số nấm mồ tập thể chôn 36 người ở nam Thái Lan, gần biên giới với Myanmar hồi tháng 5-2015.
Từ đây hé lộ một mạng lưới buôn người thiểu số Hồi giáo Rohingya rời bỏ Myanmar. Đường dây buôn người này trị giá hàng triệu USD, những tay buôn người đã cầm giữ họ trong các cánh rừng trước khi đưa họ qua Malaysia.
Ít lâu sau, cảnh sát tiếp tục phát hiện 139 nấm mồ tập thể gần biên giới với Myanmar.
Chiến dịch trấn áp buôn người của Thái Lan sau đó đã khiến những kẻ buôn người bỏ mặc nhiều con thuyền chở người di cư trên biển. Từ đó gây ra một cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Á khi nhiều nước châu Á như Indonesia, Thái Lan, Myanmar, Bangladesh từ chối tiếp nhận họ.
Vụ việc càng được chú ý khi trưởng ban điều tra, Thiếu tướng cảnh sát Paween Pongsirin bỏ trốn sang Úc và nói với truyền thông là ông lo sợ cho sinh mạng mình sau khi ông phát hiện một số quan chức cấp cao Thái Lan liên quan đến vụ việc. Tướng Paween Pongsirin quyết định không về lại Thái Lan và xin tị nạn chính trị ở Úc.
92 bị cáo đối mặt với các cáo buộc buôn người và nhiều tội danh khác. Tất cả đều không nhận tội. Ngoài 92 bị cáo xuất hiện trước tòa ngày 15-3 vẫn còn khoảng 50 nghi phạm liên quan vụ việc chưa bị bắt, một số chạy sang các nước Myanmar, Malaysia.
Trong số các quan chức cao cấp có mặt tại tòa ngày 15-3 với tư cách bị cáo có Trung tướng quân đội Manas Kongpaen ở miền nam Thái Lan, một số cảnh sát, một thị trưởng và nhiều quan chức địa phương.
Nhân chứng đầu tiên khai trước tòa ngày 15-3 là một người đàn ông Rohingya. Ông cho biết những kẻ buôn người nói dối ông về một công việc xây dựng và tương lai tươi sáng ở Malaysia. Ông sẽ đến Malaysia từ quê nhà là bang Rakhine (Myanmar) trên một con thuyền lớn, có phòng riêng được trang bị tivi, máy điều hòa, ngày được phục vụ ba bữa ăn.
Thực tế sau đó ông phải chen chúc với 270 con người khác trên một con thuyền nhỏ với các quy định khắc nghiệt, không được đi lại, mỗi ngày chỉ được ăn một bữa chỉ có cơm và một quả ớt, lúc nào cũng bị các tay súng vũ trang giám sát.
Quá trình xét xử có thể mất đến một năm. Các tổ chức quốc tế lo ngại về sự an toàn của khoảng 400 nhân chứng trong vụ án và kêu gọi Thái Lan chú trọng hơn công tác bảo vệ nhân chứng.
Bạo lực đẫm máu bùng phát tại Thổ Nhĩ Kỳ
Cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ và các tay súng người Kurd đã lan rộng hôm 15-3 khi xe tăng, trực thăng và xe bọc thép được triển khai.
Đụng độ đẫm máu nhất diễn ra tại Diyarbakir, thành phố lớn nhất ở khu vực Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có nhiều người Kurd sinh sống. sau vụ đánh bom tự sát làm 37 người thiệt mạng ở thủ đô Ankara hôm 13-3.
Các nhân chứng cho biết những tay súng Đảng Công nhân người Kurd (PKK) tại đây đã phong tỏa các con đường và đụng độ với lực lượng an ninh suốt đêm trong khi trực thăng cảnh sát bay phía trên.
Theo nguồn tin an ninh, một cảnh sát và 3 tay súng thiệt mạng tại Diyarbakir trong khi một cảnh sát khác bị giết chết ở thị trấn Nusaybin.
Trước đó, lệnh giới nghiêm được áp đặt tại Diyarbakir khoảng 3 giờ (giờ địa phương) ngày 15-3 sau khi các tay súng PKK thiết lập rào chắn, đào mương và đặt chất nổ. Cuộc đụng độ giữa hai bên vẫn tiếp tục vào buổi sáng 15-3 khi tiếng súng và các vụ nổ được nghe thấy tại khắp thành phố này.
Cảnh sát cùng xe bọc thép được triển khai tại các góc đường, đồng thời người dân được khuyến cáo nên ở trong nhà.
Tại thị trấn Sirnak, cũng ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, xe tăng tại các căn cứ quân sự nã đạn vào những con mương và rào chắn của PKK.
Nhằm đáp trả vụ đánh bom ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều 11 chiến đấu cơ tiến hành các cuộc không kích nhằm vào căn cứ chính của PKK ở vùng núi Qandil, miền Bắc Iraq ngày 14-3, đồng thời tiêu diệt 45 tay súng thuộc nhóm này, phá hủy hai kho vũ khí và hai cứ điểm tên lửa Katyusha.
Mặc dù chưa có ai lên tiếng nhận trách nhiệm vụ đánh bom xe ở Ankara hôm 13-3 nhưng giới chức an ninh cáo buộc hai thành viên của PKK đã thực hiện vụ tấn công.
Bạo lực đã bùng phát trở lại ở khu vực Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ sau khi thỏa thuận ngừng bắn 2 năm rưỡi sụp đổ hồi tháng 7-2015. Đến nay, các tay súng PKK đã tiến hành những vụ tấn công nhằm vào lực lượng an ninh ở các thị trấn trong khu vực bất chấp lệnh giới nghiêm được ban hành tại một số nơi.
TQ xây trung tâm cảnh báo sóng thần ở Biển Đông
Bắc Kinh đã thành lập một trung tâm cảnh báo sóng thần ở Biển Đông, một động thái được cho là nhằm cố ý phục vụ cho mưu đồ củng cố quyền tài phán của nước này ở khu vực trên.
Đường băng sân bay Trung Quốc xây dựng trái phép ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh:AFP
Hãng tin Reuters dẫn lời Cục trưởng Cục hải dương Trung Quốc, ông Vương Hồng xác nhận trung tâm này đang trong giai đoạn xây dựng nhưng cũng đã bắt đầu đi vào những hoạt động đầu tiên.
“Chúng tôi đã bắt đầu gửi những cảnh báo sóng thần đầu tiên đến cộng đồng quốc tế, bao gồm cả những nước ở ngoại vi của Biển Đông” - ông Hồng trả lời báo chí bên lề cuộc họp Quốc hội hàng năm đang diễn ra ở Bắc Kinh.
Tuy nhiên, quan chức này không cho biết chi tiết trung tâm cảnh báo sóng thần này được đặt ở đâu. Washington đã lên tiếng quan ngại về những động thái đòi chủ quyền mang tính khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông, tuyến đường thương mại biển sầm uất nhất thế giới.
Cùng với những động thái hiện đại hóa hải quân, Bắc Kinh đang tăng cường nhiều động thái đòi chủ quyền phi lý ở khu vực Biển Đông, gây căng thẳng trong khắp khu vực này.
Song, giới chức Trung Quốc luôn ngụy biện rằng những hoạt động hiện nay của họ ở tuyến đường biển quan trọng này, bao gồm cả việc bồi đắp xây dựng đảo trái phép ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam “đơn thuần là để củng cố nghiên cứu dân sự, tìm kiếm cứu nạn và an ninh biển”.
Bằng chứng, dù đã triển khai tên lửa đất đối không HQ-9 và máy bay chiến đấu đến đảo Phú Lâm, Bắc Kinh còn khẳng định khó hiểu rằng tất cả những hành động của họ cũng sẽ “có lợi cho các nước khác!?”.