Cảnh sát biển Argentina bắn chìm tàu cá Trung Quốc
Triều Tiên kết án sinh viên Mỹ 15 năm lao động khổ sai
Thái Lan xét xử vụ án buôn người lớn nhất lịch sử
Bạo lực đẫm máu bùng phát tại Thổ Nhĩ Kỳ
TQ xây trung tâm cảnh báo sóng thần ở Biển Đông
Tin thế giới đọc nhanh 16-03-2016
- Cập nhật : 16/03/2016
Malaysia sẽ 'phản đòn' nếu Trung Quốc quân sự hóa Trường Sa
Theo trang tin The Diplomat, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia ông Hishammuddin Hussein ngày 14-3 tuyên bố, nếu thật sự Trung Quốc có trang thiết bị quân sự trên quần đảo Trường Sa, quốc gia này sẽ buộc phải “phản đòn”.
Trả lời họp báo tại Kuala Lumpur, ông Hussein cho biết: “Nếu các báo cáo mà phía chúng tôi nhận được, về việc tăng cường và bố trí các trang thiết bị quân sự tại Trường Sa, là chính xác, điều này sẽ buộc chúng tôi vào vị thế phải ‘phản đòn’ chống lại Trung Quốc”.
Tuyên bố này, cùng nhiều phát biểu tương tự trước đó của các quan chức Malaysia, khiến giới quan sát hoài nghi liệu Malaysia đã thay đổi lập trường của họ đối với vấn đề Biển Đông hay chưa.
Chuyên gia của tờ The Diplomat ghi nhận, Malaysia đã dần bắt đầu có những phản ứng cứng rắn trước vấn đề Biển Đông những năm gần đây. Phát ngôn về ý định “phản đòn” của Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia có thể xem là không quá bất ngờ hay mơ hồ.
Các quan chức của Malaysia cũng thường xuyên lên tiếng về những động thái hung hăn trên Biển Đông, có hoặc không đề cập đích danh Trung Quốc. Các lãnh đạo quốc phòng của nước này cũng đã kêu gọi tăng cường năng lực quân sự đối với những hành vi xâm phạm vùng lãnh hải. Malaysia cũng đã bắt đầu đối thoại với Mỹ về việc xây dựng một căn cứ không quân Mỹ tại nước này, tờThe Diplomat cho biết.
Tuyên bố “phản đòn” mà ông Hussein đưa ra, theo The Diplomat, là một phần trong cả một chiến lược đối phó mà Malaysia đang theo đuổi trong thời gian qua, hơn là một bước ngoặc bất ngờ trong lập trường của nước này. Malaysia đang tăng sự chủ động trong vấn đề Biển Đông, thay cho cách tiếp cận đối thoại thông qua cá nhân lãnh đạo.
Nước này trong thời gian quan cũng đã nhiều lần lên tiếng đòi Trung Quốc cam kết không quân sự hóa quần đảo Trường Sa. Malaysia cũng mở rộng phối hợp với cả Việt Nam và Philippines trong vấn đề Biển Đông. Những phản ứng cứng rắn và thiết thực hơn trong tương lai cũng sẽ không quá bất ngờ.
Tuy nhiên, The Diplomat cũng cho rằng Malaysia vẫn theo đuổi quan điểm “an toàn” đối với vấn đề Biển Đông, vừa bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của họ vừa không làm phương hại đến mối quan hệ quan trọng Kuala Lumpur – Bắc Kinh. Những yếu tố mang tính truyền thống như lịch sử quan hệ với Trung Quốc, vị trí địa lý, và tiềm lực quân sự hạn hẹp khiến nước này không dám từ bỏ hoàn toàn cách tiếp cận “an toàn” trước kia.
Chính vì điều này, bên cạnh tuyên bố cứng rắng của mình, ông Hussein vẫn nhấn mạnh yếu tố hành động tập thể và sự ổn định khu vực, thay vì đáp trả bằng vũ lực như điều động trang thiết bị quân sự đối đầu với Trung Quốc. Ông cũng cẩn thận “nhắc nhở” rằng Malaysia vẫn có thể sử dụng kênh ngoại giao để giải quyết các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Tổng thống Putin đột ngột tuyên bố rút quân khỏi Syria
Cũng bất ngờ như khi bắt đầu không kích tại Syria, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 14-3 thông báo “phần chủ chốt” của lực lượng vũ trang Nga tại đất nước Trung Đông này sẽ rút quân.
Quyết định rút quân được ông Putin đưa ra trong cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng và ngoại trưởng Nga, ngay sau khi vòng đàm phán mới tại TP Geneva – Thụy Sĩ khai mạc vào ngày 14-3 và hoàn toàn không đánh tiếng trước với Mỹ lời nào.
Theo ông Putin, lực lượng Nga đã hoàn thành phần lớn mục tiêu tại Syria và "phần chủ chốt" bắt đầu rút đi từ ngày 15-3 (giờ địa phương). Tuy vậy, ông chưa nói rõ thời điểm kết thúc việc rút quân trong khi lưu ý lực lượng Nga tiếp tục ở lại cảng biển Tartus và căn cứ không quân Latakia ở tỉnh Latakia của Syria.
Song song đó, ông Putin chỉ đạo các nhà ngoại giao Nga đẩy mạnh nỗ lực tại các cuộc đàm phán hóa bình do Liên Hiệp Quốc làm trung gian nhằm chấm dứt 5 năm nội chiến ở Syria.
Nga bắt đầu can thiệp quân sự vào Syria từ tháng 9-2015 và từ đó đảo chiều cuộc chiến. Được sự yểm trợ của máy bay Nga, quân đội Syria từ thế thua đã lần lượt giành lại nhiều vùng đất ở miền Tây từ tay quân nổi dậy.
"Quân đội của chúng ta đã hoạt động hiệu quả để tạo điều kiện cho tiến trình đàm phán khởi động. Tôi tin là nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng và lực lượng vũ trang Nga đã được hoàn thành về mặt tổng thể" - tổng thống Nga tuyên bố, đồng thời đánh giá "với sự tham gia của quân đội Nga, quân đội Syria đã thay đổi cục diện trận chiến với chủ nghĩa khủng bố quốc tế".
Chính quyền Damascus nhanh chóng bác bỏ bất cứ rạn nứt nào với Moscow. Họ nhấn mạnh Tổng thống Bashar al-Assad đã đồng ý với việc“cắt giảm lực lượng Nga” trong một cuộc điện đàm với ông Putin.
Người phát ngôn của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, xác nhận ông Putin đã gọi điện cho ông Assad để thông báo quyết định rút quân. Hai nhà lãnh đạo không bàn về tương lai của ông Assad, theo ông Peskov.
"Mọi diễn biến là sự hợp tác toàn diện giữa Nga và Syria và động thái rút quân đã được nghiên cứu cẩn thận trong một thời gian" - thông cáo của chính phủ Syria nêu rõ và cho biết thêm Nga đã hứa sẽ tiếp tục ủng hộ Syria "chống khủng bố". (Damascus xem mọi nhóm nổi dậy chống ông Assad là "khủng bố").
Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitaly Churkin xác nhận một bộ phận lực lượng Nga tiếp tục trụ lại Syria để đảm bảo lệnh ngừng bắn được duy trì. "Song chúng tôi đã được lệnh đẩy mạnh nỗ lực để đạt được giải pháp chính trị ở Syria" - ông nói với các phóng viên.
Mỹ khẳng định chỉ huy cấp cao IS Omar Shishani đã chết
Lầu Năm Góc ngày 14-3 xác nhận một chỉ huy cấp cao của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu tại phía đông bắc Syria.
BBC đưa tin các quan chức quốc phòng Mỹ khẳng định đánh giá mới nhất của Lầu Năm Góc là Omar Shishani đã chết vì các vết thương trong cuộc không kích nhắm vào đoàn xe chở y.
Một báo cáo trước đó cho rằng Shishani có thể sống sót sau cuộc tấn công trên trong khi nhiều vệ sĩ đi cùng Shishani thiệt mạng
Năm 2015, Mỹ đã treo giải thưởng 5 triệu USD cho ai có thể cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ hoặc tiêu diệt Shishani. Mỹ cho biết Shishani từng giữ nhiều vị trí quân sự cao cấp trong tổ chức Hồi giáo cực đoan này, bao gồm chức vụ "bộ trưởng chiến tranh".
Lực lượng không kích do Mỹ dẫn đầu tiến hành cuộc không kích hôm 4-3 gần thị trấn Shaddadi khi có thông tin báo cáo việc Shishani được cử đến đây để củng cố lực lượng do một loạt thất bại của IS tại khu vực này.
Ngày 13-3, Đài Quan sát Nhân quyền Syria cho biết lãnh đạo cấp cao Shishani của tổ chức khủng bố IS đã "chết lâm sàng" trong nhiều ngày.
Tuần trước giám đốc Đài quan sát nhân quyền Syria Rami Abdul trích dẫn các nguồn tin cho biết Shishani bị thương nặng trong cuộc không kích và được đưa đến một bệnh viện ở tỉnh Raqqa.
Tại bệnh viện này Shishani được "một bác sĩ thánh chiến có nguồn gốc châu Âu" điều trị.
Cùng ngày, Reuters đưa tin các cán bộ thuộc đơn vị chống khủng bố Bangladesh bắt giữ 5 thành viên nghi ngờ thuộc tổ chức Hồi giáo cực đoan Jamaat ul Mujahideen đang lên kế hoạch thực hiện các vụ tấn công bằng bom nhằm vào các lễ kỷ niệm năm mới của Bangladesh vào tháng tới.
Phát ngôn viên Tiểu đoàn Đột kích Bangladesh là Mizanur Bhuiya cho biết 5 nghi can bị bắt giữ trong một cuộc đột kích ở ngoại ô thủ đô Dhaka. Nhóm đột kích đã thu giữ một số lượng lớn thuốc nổ và các vật liệu chế tạo bom khác trong căn hộ của các nghi can.
Cộng đồng Hồi giáo Bangladesh đã gia tăng các vụ bạo lực Hồi giáo trong những tháng qua với mục tiêu là các nhà hoạt động tự do, các thành viên thuộc các giáo phái Hồi giáo thiểu số và các nhóm tôn giáo khác.
Đồng rúp tăng giá sau khi Putin lệnh rút quân khỏi Syria
Vào lúc 19h GMT, tương đương 2h sáng nay theo giờ Việt Nam, đồng rúp tăng 0,07%, ở mức 69,83 so với đồng USD, tăng 0,6% lên mức 77,50 so với đồng euro, Reuters cho hay.
Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng Nga bắt đầu rút phần lớn quân khỏi Syria từ hôm nay. Ông Putin bày tỏ hy vọng rằng quyết định này sẽ khuyến khích tất cả bên liên quan trong cuộc xung đột Syria theo đuổi một giải pháp hòa bình.
Quyết định rút quân của Nga được công bố vào ngày cuộc đàm phán do Liên Hợp Quốc làm trung gian giữa các phe tham chiến tại Syria nối lại ở Geneva, Thụy Sĩ.
Tuy nhiên, Moscow vẫn sẽ duy trì hiện diện quân sự ở Syria, và thời hạn rút quân hoàn toàn chưa được công bố. Ông Putin cũng chỉ ra rằng lực lượng Nga sẽ tiếp tục đồn trú tại cảng Tartus và căn cứ không quân Hmeymim ở Latakia. Nhóm quân sự này đã có mặt tại Syria suốt nhiều năm qua, hiện sẽ phải đảm đương chức năng rất quan trọng trong việc giám sát lệnh ngừng bắn và tạo điều kiện cho tiến trình hòa bình
Tính chung trong tuần đồng tiền của Nga đã tăng 3% so với USD khi giá dầu thô Brent tăng thêm hơn 4%. Thị trường được cho là sẽ tập trung chú ý tới cuộc họp về chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương Nga vào 18/3 tới. Trong khi phần lớn các nhà kinh tế tham gia cuộc điều tra củaReuters hồi đầu tháng cho biết họ trông đợi ngân hàng sẽ không điều chỉnh lãi suất, việc lạm phát giảm dần và đồng rúp mạnh lên khiến một số người cho rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ xảy ra.
Moscow bắt đầu chiến dịch không kích tại Syria vào ngày 30/9 năm ngoái, theo yêu cầu chính thức từ Tổng thống Syria Assad. Giới quan sát cho rằng vẫn còn nhiều thắc mắc về tác động thực tế từ thông báo của ông Putin. Hiện không rõ liệu Nga có dừng không kích tại Syria hay không. Nga vẫn có khả năng tiến hành những đợt tấn công từ căn cứ tại Latakia
Tòa đòi Iran bồi thường 10,5 tỉ USD vì vụ khủng bố 11-9
Một tòa án liên bang ở New York đã yêu cầu Iran chi trả 10,5 tỉ USD tiền bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân trong vụ tấn công khủng bố 11-9-2001, sau khi Tehran từ chối tuân theo một đơn kiện cáo buộc “sự dính líu bí ẩn” của nước này với al-Qaeda.
Phóng viên Brian Becker của Sputnik đã thảo luận với nhà phân tích chính trị Trung Đông Gareth Porter về hậu quả dự kiến của phán quyết này.
Ông Porter trả lời Sputnik rằng khi bối cảnh này diễn ra, “tất cả đều rất quen thuộc với tôi - cùng một quan tòa, cùng phòng xử án Manhattan - nơi mà vào năm 2011 thẩm phán đã đưa ra một phán quyết cho phép trường hợp này được tiếp tục, một phán quyết “tiếp tay” cho âm mưu đưa Iran ra tòa trên cơ sở ý tưởng rằng họ đã đồng lõa với al-Qaeda trong vụ tấn công 11-9”.
Tuy nhiên, ông Porter giải thích rằng việc tuyên bố Iran phải chịu bất cứ trách nhiệm nào cho vụ 11-9 chỉ là hư cấu, nếu không muốn nói là hoàn toàn hoang tưởng.
Tòa án Liên bang của Mỹ cho rằng Iran chịu một phần trách nhiệm trong vụ khủng bố kinh hoàng năm 2001
Porter nói rằng: “Mục đích bề ngoài của vụ án được đưa ra bởi các gia đình có nạn nhân trong vụ khủng bố 11-9 là được bồi thường thiệt hại từ những người chịu trách nhiệm cho vụ việc”. Tuy nhiên, điều ông nghi ngờ là lý do thực sự đằng sau những vụ việc này.
Ông giải thích: “Hiện có hàng chục trường hợp liên quan đến các cuộc tấn công khủng bố đưa lên các tòa án ở Mỹ trong những năm qua. Tại đó, những bản án mặc định đã được thực hiện để chống lại Iran sau những cuộc tấn công khác nhau. Tuy nhiên, các gia đình chẳng có cơ hội nhận được bất cứ khoản tiền nào”.
Mục đích thực sự đằng sau những vụ việc, theo ý kiến của Porter là “để kích động những tư tưởng thiên hữu về vấn đề Iran". Ông giải thích rằng việc thiếu một quá trình tranh tụng thích hợp khiến Iran không bao giờ tự nộp mình cho một tòa án chiếu lệ như thế.
Porter nhận định: “Đây là vụ án chính trị, được thúc đẩy bởi những người muốn bôi nhọ chính phủ Iran bằng cách lập luận rằng họ là thế lực đằng sau, hoặc ít nhất là đồng lõa với mọi cuộc tấn công khủng bố lớn trong 20 năm qua”.
Ông cho rằng các nguồn tài trợ cho các vụ kiện cũng đến từ các nguồn chống Hồi giáo mà đã thực hiện các nỗ lực công khai chống lại Iran và bây giờ đang sử dụng các tòa án như một công cụ để uy hiếp.
Mặc dù các công tố viên Mỹ không truy lại các vụ kiện, Porter vẫn lưu ý rằng trong những năm gần đây Bộ Tài chính Mỹ đã tung ra một câu chuyện hư cấu rằng Iran đã đồng lõa với al-Qaeda xung quanh khoảng thời gian diễn ra vụ 11-9.
Chính quyền của Tổng thống Bush cũng cho lan truyền những câu chuyện không có thực về việc Iran cho phép al-Qaeda tiến hành các hoạt động chống lại lợi ích của Mỹ. Nhìn chung, trong chính sách của Mỹ thập kỷ qua, Iran được xem là một kẻ thù đáng sợ, trong khi Ả Rập Saudi là một đồng minh đáng tin cậy.