Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đã nắm quyền lực, nhưng Tổng thống Tayyip Erdogan quả quyết rằng âm mưu đảo chính sẽ bị dập tắt. Chiến đấu cơ F-16 của chính phủ bắn trực thăng phe đảo chính, tòa nhà quốc hội bị ném bom, súng nổ trên đường phố Ankara.
Tin thế giới đọc nhanh sáng 15-07-2016
- Cập nhật : 15/07/2016
Trung Quốc tức giận vì Australia ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài
Trung Quốc hôm nay cho hay đã có động thái phản đối chính thức với Australia sau khi nước này kêu gọi các bên tuân thủ phán quyết về "đường lưỡi bò" và tuyên bố sẽ tiếp tục thực thi quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.
Ngoại trưởng Australia Julie Bishop và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị trong một cuộc gặp hồi đầu năm nay. Ảnh: AFP
Sau khi Tòa Trọng tài ở The Hague, Hà Lan, công bố phán quyết về yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc ở Biển Đông, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop đã kêu gọi tất cả các bên liên quan giải quyết tranh chấp theo cách hòa bình. Bà cho biết Australia sẽ tiếp tục thực thi các quyền quốc tế của nước này về tự do hàng hải và hàng không, đồng thời ủng hộ các nước khác làm tương tự.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm nay cho biết Trung Quốc đã chính thức phản đối những phát ngôn của Australia, gọi chúng là "sai trái" và hy vọng Canberra "không gây tổn hại đến hòa bình và ổn định khu vực".
"Chân thành mà nói, tôi khá sốc về những bình luận của bà Bishop",Reuters dẫn lời ông Lục nói.
Ông này ngang nhiên nói rằng Australia không nên xem "kết quả bất hợp pháp" của vụ kiện là luật pháp quốc tế, "không xem nó là một trò chơi", đồng thời biện bạch rằng Trung Quốc tôn trọng tự do hàng hải và hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Dù Trung Quốc và Australia có mối quan hệ thương mại khăng khít, Canberra là một đồng minh an ninh lớn của Mỹ.
Hôm qua, phát biểu trên đài ABC, bà Bishop còn nhận định rằng danh tiếng của Trung Quốc sẽ bị tổn hại sau phán quyết của Tòa Trọng tài, khẳng định quan hệ với cộng đồng quốc tế là rất quan trọng khi Trung Quốc nổi lên như một siêu cường.
"Việc làm ngơ sẽ là một sự vi phạm quốc tế nghiêm trọng", bà nói.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Australia cũng đã ra thông cáo báo chí kêu gọi Philippines và Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài, "vì đây là phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc đối với cả hai bên".
Tuy nhiên, Trung Quốc một mực tuyên bố không chấp nhận phán quyết trên, cho rằng nó "vô hiệu" và "không có sự ràng buộc" với nước này.
Ấn Độ hưởng lợi từ phán quyết biển Đông?
Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về vụ kiện Philippines - Trung Quốc liên quan đến vấn đề biển Đông có thể tác động đến tranh chấp lãnh thổ Trung - Ấn tại Arunachal Pradesh.
Arunachal Pradesh là một trong 28 bang của Ấn Độ. Tuy nhiên, Trung Quốctuyên bố chủ quyền với hầu hết lãnh thổ bang này và gọi đây là Nam Tây Tạng, dẫn đến mâu thuẫn trong quan hệ 2 nước.
Chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc Claude Arpi nhận định: “Lần đầu tiên, một tòa án quốc tế đã bác bỏ một trong những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Đây có thể là điều quan trọng với Ấn Độ”.
Ông Srikanth Kondapalli, giáo sư bộ môn Trung Quốc Học tại Trường ĐH Jawaharlal Nehru ở thủ đô Delhi - Ấn Độ, nói: “Các quyền lịch sử của Trung Quốc không có hiệu lực ở bang Arunachal. Ấn Độ chưa bao giờ đưa ra những lập luận lịch sử đối với Tây Tạng”.
Theo ông Kondapalli, kết quả vụ kiện, theo đó "đường chín đoạn" của Trung Quốc ở biển Đông bị phán quyết là không có cơ sở pháp lý, có thể giúp Ấn Độ bẻ gãy luận điệu của Bắc Kinh khi đòi chủ quyền tại Arunachal Pradesh,
Các chuyên gia tin rằng trong lúc Trung Quốc vẫn duy trì lập trường cứng rắn trong các yêu sách chủ quyền, các quốc gia khác sẽ nghĩ rằng phán quyết của PCA thể hiện sự ủng hộ dành cho các tuyên bố chủ quyền của họ.
Tại sao ASEAN không có tuyên bố chung sau phán quyết PCA?
Mười nước thành viên ASEAN đã được Lào thông báo vào đêm 13-7 rằng hiệp hội này sẽ không ra một tuyên bố chung
Sau khi Tòa trọng tài thường trực tại The Hague (Hà Lan) ra phán quyết Trung Quốc không có quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên bên trong "đường chín đoạn" hôm 12-7, Lào vốn là chủ tịch luân phiên hiện nay của ASEAN đã gởi thư tới các nước thành viên về việc có nên công bố tuyên bố ASEAN về phán quyết này hay không. Phía Lào cũng đưa ra hạn chót là trưa 13-7 để các nước ASEAN quyết định.
Tuy nhiên, hạn chót đã qua nhưng không có tuyên bố chung nào từ ASEAN.
Hội nghị Ngoại trưởng Trung Quốc – ASEAN 2016 diễn ra ở TP Côn Minh mới đây cũng gây nhiều chú ý về chuyện tuyên bố chung. Ảnh: CHINA DAILY
Phía Philippines – nước đưa vụ kiện ra PCA theo Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) - đã ra tuyên bố lập tức sau khi tòa công bố phán quyết.
Trong khi đó, Malaysia phát tuyên bố 7 giờ sau đó, đề nghị các bên, trong đó có Trung Quốc tìm những cách thức mang tính chất xây dựng để tiến hành đối thoại tích cực, cũng như đàm phán và tham vấn. Việt Nam cũng lên tiếng hoan nghênh việc PCA đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12-7. “Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết" - ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết hôm 12-7.
Theo Straits Times, quay lại với tuyên bố ASEAN do Lào đề xuất, giới chức ASEAN tiết lộ họ vẫn đang tiến hành cho tuyên bố này. Trong khi đó, trang Kyodo news (Nhật) ngày 14-7 dẫn nguồn tin từ ASEAN cho biết khối này đã quyết định không đưa ra bất cứ tuyên bố chung nào về phán quyết ngày 12-7 của PCA. Theo đó, 10 nước thành viên ASEAN đã được Lào thông báo vào đêm 13-7 rằng hiệp hội này sẽ không ra một tuyên bố chung do thiếu sự đồng thuận.
Tuy nhiên, nguồn tin này từ chối tiết lộ chi tiết những nước nào phản đối tuyên bố chung này. Trước khi PCA ra phán quyết, Thủ tướng Campuchia Hun Sen từng tuyên bố phản đối bất cứ tuyên bố nào của ASEAN trong việc ủng hộ quyết định của PCA.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn hàn gắn quan hệ với Syria
hổ Nhĩ Kỳ bất ngờ tuyên bố muốn tái thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với Syria song vẫn giữ lập trường cứng rắn về tương lai chính trị của Tổng thống Bashar al-Assad.
Đến nay vẫn chưa có phản ứng công khai nào từ phía chính phủ Syria trước lời đề nghị trên. Nhưng đã có một số thông tin về việc các nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang tiến hành thảo luận.
Phát biểu trên ít nhiều đánh dấu sự chuyển hướng so với chính sách lâu nay của Ankara đối với quốc gia láng giềng. Dù vậy, lập trưởng của họ đối với số phận của ông Assad dường như vẫn giữ nguyên.
Ông Yildirim nhấn mạnh bất kỳ sự thay đổi chính sách nào của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Syria đều phụ thuộc vào động thái của Tổng thống Assad. Lãnh đạo này khẳng định: “Có một số thứ cần thay đổi ở Syria nhưng trước tiên ông Assad cần phải thay đổi. Nếu ông Assad không thay đổi, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ không thay đổi”.
Ông Yildirim cáo buộc chính ông Assad đã tạo điều kiện cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lớn mạnh và kiểm soát phần lớn lãnh thổ ở Syria và Iraq. Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng: “Khi nào ông Assad còn ở đó, vấn đề sẽ không được giải quyết. Sẽ còn xuất hiện thêm các tổ chức khủng bố khác bởi chính thái độ của chính quyền Syria”.
Không lâu sau những phát biểu của ông Yildirim, một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định hiện vẫn không có sự thay đổi nào trong chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Syria. "Thổ Nhĩ Kỳ không muốn có vấn đề với bất kỳ quốc gia nào trong khu vực và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chấm dứt khủng bốcũng như hợp tác chặt chẽ vì sự ổn định của khu vực. Dĩ nhiên là Thổ Nhĩ Kỳ muốn bình thường hóa quan hệ với Syria nhưng chính sách của chúng tôi đối với một Syria do ông Assad lãnh đạo vẫn không thay đổi" - quan chức này cho biết.
Mỹ kêu gọi kiềm chế ở biển Đông
Trao đổi với báo giới châu Á-Thái Bình Dương qua điện thoại hôm 14-7, Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ Colin Willett nhấn mạnh Mỹ kêu gọi các bên tranh chấp ở biển Đông kiềm chế tất cả các hành động gây hấn và không sử dụng vũ lực.
Trong cuộc họp báo, Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ Willett khẳng định Tòa trọng tài Thường trực (PCA) hôm 12-7 đã có phán quyết rõ ràng và trả lời cho nhiều câu hỏi trong tranh chấp biển Đông. Trong đó, nổi bật nhất là PCA tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường chín đoạn". Đồng thời, PCA cũng kết luận về các cấu trúc ở biển Đông, cũng như chỉ rõ những hành động hủy hoại môi trường, cản trở ngư dân Philippines (của Trung Quốc)…
Đối với tất cả các bên, Mỹ khuyến khích việc mở ra các cuộc thảo luận thiết thực giữa các bên ở biển Đông, về việc thu hẹp địa lý của các tranh chấp, bà Willer nói. Đồng thời, Mỹ kêu gọi các bên kiềm chế tất cả các hành động gây hấn, không sử dụng vũ lực, tất cả các bên phải tôn trọng luật pháp quốc tế và rõ ràng trong các tuyên bố.
Theo lời nhà ngoại giao Mỹ, phán quyết do Tòa trọng tài Thường trực (PCA) đưa ra hôm 12-7 có tính chất ràng buộc với tất cả các bên. Bà cũng cho rằng các bên cần dành thời gian xem xét kỹ phán quyết này.
Trước đó, hôm 13-7, bà Willet nói với VOA rằng cuộc họp sắp tới của ASEAN sẽ là cơ hội để các nước thảo luận về “con đường phía trước”. Trong khi đó, cùng ngày, một cựu chỉ huy Mỹ nói với các nhà lập pháp nước này rằng phán quyết của PCA đã cung cấp cơ sở pháp lý rõ ràng cho Washington để thực hiện vị trí trong cuộc tranh chấp. Cựu chỉ huy lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương Dennis Blair nói rằng Washington nên tuyên bố sẵn sàng sử dụng lực lượng quân sự để chống lại sự gây hấn của Trung Quốc tại các cấu trúc nổi tranh chấp bên bờ biển Philippines.
“Nên thể hiện rõ rằng Mỹ sẽ ủng hộ Philippines chống lại sự gây hấn của Trung Quốc ở đây, và nếu cần có thể dùng lực lượng quân sự”- ông Blair nói tại Tiêu ban Đối ngoại Thượng viên về Đông Á, Thái BÌnh Dương và Chính sách an ninh mạng quốc tế.
Tại Nhà Trắng, Người phát ngôn Josh Earnest nhấn mạnh rằng Mỹ khuyến khích các giải pháp hòa bình với tranh chấp thông qua ngoại giao.