Quân đội Mỹ đang xây dựng một phi đội máy bay robot mà có thể thả ra để trinh sát đối phương sau thu hồi lại bằng máy bay vận tải C-130.
Tin thế giới đọc nhanh 15-07-2016
- Cập nhật : 15/07/2016
Chiến lược âm thầm của Mỹ trên biển Đông
Các quan chức Mỹ hôm 13-7 tiết lộ nước này đang âm thầm thuyết phục các nước châu Á, như Philippines, Indonesia...tránh có động thái quá khích sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về biển Đông.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết: “Chúng tôi muốn mọi thứ lắng xuống để vấn đề được giải quyết theo lý trí chứ không phải cảm tính”.
Thông điệp ngoại giao trên được Washington gửi đi thông qua các đại sứ quán Mỹ ở nước ngoài và các phái bộ nước ngoài ở Washington. Một số thông điệp khác được đích thân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và các quan chức ngoại giao cấp cao khác truyền đạt.
Quan chức trên nói thêm: “Đây là một lời kêu gọi đơn thuần về sự kiềm chế, không phải nỗ lực vận động khu vực chống lại Trung Quốc, tránh gây hiểu lầm rằng Washington đang dẫn đầu một liên minh kiềm chế Bắc Kinh”.
Nỗ lực này đang gặp khó sau khi Đài Loan hôm 13-7 phái tàu chiến đếnbiển Đông để phản đối phán quyết của PCA.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ hy vọng sáng kiến ngoại giao này sẽ thành công hơn ở Philippines và Indonesia, quốc gia có ý định đưa hàng trăm ngư dân đến quần đảo Natuna để khẳng định chủ quyền vùng biển xung quanh.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết ông đã cam kết Manila sẽ kiềm chế trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Carter trước khi PCA ra phán quyết.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner hôm 13-7 nhấn mạnh: “Điều mà chúng tôi muốn thấy ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là sự hạ nhiệt căng thẳng và chúng tôi muốn tất cả các bên có tranh chấp chủ quyền tìm kiếm giải pháp hòa bình”.
Theo một quan chức quốc phòng Mỹ, nếu nỗ lực ngoại giao nói trên bất thành và các tranh chấp leo thang thành cuộc đối đầu, lực lượng hải quân và không quân Mỹ sẽ thực thi quyền tự do đi lại trong khu vực.(NLĐ)
Tổng thống Putin sa thải toàn bộ chỉ huy hạm đội Baltic
Tờ Express (Anh) ngày 12-7 cho hay Bộ Quốc phòng Nga tiết lộ Tổng thống Putin đã sa thải toàn bộ chỉ huy cấp cao của hải quân Nga ở biển Baltic vào cuối tháng 6. Nguyên nhân vì “thiếu năng lực và tham nhũng” trong các hoạt động của hải quân.
Theo tờ báo, vụ việc trên cho thấy hải quân Nga đang đối mặt với khủng hoảng lớn nhất kể từ những năm 1950.
Điện Kremlin đã tiến hành điều tra trong suốt một tháng để xác định nguyên nhân dẫn đến những sai lầm trong hoạt động của hải quân kể từ sau khi tàu ngầm Krasnodar của Nga va chạm với tàu tuần tra Ba Lan trong một cuộc tập trận.
Truyền thông địa phương loan tin rằng các chỉ huy của hạm đội Baltic đã cố gắng giấu nhẹm vụ việc, khiến Tổng thống Putin và giới chức Bộ Quốc phòng Nga nổi giận.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng vụ các chiến đấu cơ Su-24 Nga khiêu khích chiến hạm USS Donald Cook của Mỹ mới là căn cớ của vụ “thanh trừng” này.
Theo đó, các chỉ huy của hạm đội Baltic đã từ chối thực hiện yêu cầu đối đầu với các tàu chiến NATO mà thay vào đó đã sử dụng chiến đấu cơ để khiêu khích phương Tây, điển hình là vụ việc trên.
Trong khi đó, hãng tin The Moscow Times cho rằng “lục đục” trong cấu trúc nhân sự hạm đội Baltic là do các quan chức xao lãng nhiệm vụ.
“Ngày 29-6, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã cách chức toàn bộ chỉ huy cấp cao và cấp trung của hạm đội Baltic. Tổng cộng 50 quan chức, trong đó có chỉ huy hạm đội Phó Đô đốc Viktor Kravchuk và chỉ huy lực lượng Phó Đô đốc Sergei Popov", tờ The Moscow Times cho biết.
Tình cảnh trên khiến Nga lo ngại rằng Hạm đội Baltic sẽ không chuẩn bị tốt cho cuộc xung đột có thể xảy ra với tàu chiến phương Tây.
Biển Baltic là một điểm nóng tiềm tàng giữa châu Âu, tàu hải quân Mỹ và hạm đội Nga. Khu vực này tiếp giáp Nga, Estonia, Latvia và Lithuania - nơi mà NATO đã tăng cường hiện diện quân sự cùng với Thụy Điển, Phần Lan và Ba Lan.(PLO)
IS bắn rơi máy bay quân đội Syria
Một máy bay Syria hôm nay bị các phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) bắn rơi ở thành phố phía đông Deir al-Zor.
Hãng tin Amaq có liên kết với nhóm phiến quân công bố đoạn video cho thấy xác một máy bay bốc khói nằm rải rác trên nền đất đá cằn cỗi. Các mảnh thi thể cùng quân phục và mũ bảo hiểm trắng cũng xuất hiện gần đó. Hãng cho hay đó là thi thể của phi công.
Reuters dẫn tin từ tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria cho biết IS đã nhắm vào máy bay và bắn rơi nó ở đồi Thardah, cách sân bay quân sự Deir al-Zor 5 km về phía tây nam.
IS kiểm soát hầu hết tỉnh Deir al-Zor, dù lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad nắm giữ sân bay trên và một phần của thành phố Deir al-Zor ở sông Euphrates.
Hiện chưa rõ các phiến quân đã tấn công máy bay như thế nào.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria cho hay đây là chiếc thứ hai bị bắn hạ trong phần lãnh thổ mà IS chiếm đóng kể từ tháng 4. IS cũng đã bắn rơi hai trực thăng trong những tháng gần đây.
Ông Assad: Chỉ người dân Syria mới quyết định ai làm tổng thống
Trong cuộc phỏng vấn với đài NBC News ngày 14-7, Tổng thống Syria Bashar al-Assad khẳng định nhà chức trách Nga chưa bao giờ nói về việc ông từ bỏ quyền lực.
“Nga không bao giờ nói một lời nào về vấn đề này. Chỉ có người dân Syria mới có quyền quyết định khi nào (tổng thống) đến và đi” – ông Assad nhấn mạnh.
Phát biểu của nhà lãnh đạo Syria được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chuẩn bị bay tới Nga để đàm phán về tình hình Syria.
Tổng thống Assad cho biết ông không cảm thấy lo ngại về một thỏa thuận giữa Washington và Moscow, trong đó đề cập khả năng ông phải từ bỏ quyền lực để làm tiền đề cho một cuộc chuyển tiếp chính trị.
Mỹ cáo buộc nhà lãnh đạo Syria chịu trách nhiệm cho nhiều hành vi tàn bạo, đồng thời đề nghị Tổng thống Assad phải ra đi để chấm dứt hoàn toàn cuộc nội chiến kéo dài hơn 5 năm qua.
Trong khi đó, Nga ủng hộ Syria mạnh mẽ về ngoại giao và quân sự trong cuộc chiến chống lại quân nổi dậy nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng chỉ có một giải pháp chính trị mới có thể giải quyết cuộc xung đột.
Nhắc tới vai trò của Mỹ trong chiến dịch chống khủng bố, đặc biệt là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, ông Assad nói Washington “không nghiêm túc”.
“Quân khủng bố ở Syria chỉ bị đẩy lui khi Nga can thiệp. Chúng tôi muốn đánh bại những kẻ khủng bố, còn Mỹ muốn lợi dụng họ để lật đổ chính phủ Syria” - Tổng thống Assad nói. Nhà lãnh đạo Syria còn tuyên bố: “Chỉ cần vài tháng nữa là Damascus sẽ kiểm soát hoàn toàn lãnh thổ ở Syria”.
Bình luận về cái chết của phóng viên Marie Colvin của tờ Sunday Times, ông Assad cho rằng bà này phải chịu trách nhiệm về chính cái chết của mình. “Đó là một cuộc chiến tranh và bà ấy đến Syria bất hợp pháp. Bà ấy làm việc với những kẻ khủng bố, vì vậy phải chịu trách nhiệm về tất cả mọi thứ xảy ra với mình” – ông Assad quy kết.
Năm 2012, bà Colvin thiệt mạng tại khu vực do phiến quân kiểm soát ở Baba Amr, tỉnh Homs do trúng đạn pháo của quân chính phủ. Gia đình nữ phóng viên gần đây cho biết họ đã kiện chính phủ Syria tại Mỹ về cái chết tức tưởi của người thân họ.
Google Maps xóa tên Trung Quốc ở bãi cạn tranh chấp với Philippines
Google vừa xóa tên tiếng Trung của một bãi cạn tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông khỏi dịch vụ bản đồ của mình.
Google Maps sử dụng tên quốc tế của bãi cạn tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines là Scarborough. Ảnh: Telegraph
Trang Google Maps hôm 12/7 đề cập đến bãi cạn trên bằng tên quốc tế là Scarborough. Trước đó, Google Maps xác định bãi cạn là một phần thuộc quần đảo Trung Sa của Trung Quốc. Bắc Kinh gọi nơi này là Hoàng Nham.
Người dân Philippines đã mở một chiến dịch kiến nghị trang dịch vụ bản đồ trực tuyến này thay đổi tên gọi, ngừng xem Scarborough là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Đơn kiến nghị trực tuyến thu hút gần 2.000 người ủng hộ.
"Chúng tôi đã cập nhật Google Maps để khắc phục vấn đề này. Chúng tôi hiểu rằng những địa danh có thể gây tác động tâm lý sâu sắc, đó là lý do chúng tôi nhanh chóng xử lý ngay khi được biết về vấn đề này", Inquirerdẫn thông cáo của văn phòng Google tại Manila cho biết.
Bãi cạn Scarborough nằm cách đảo lớn Luzon của Philippines 220 km, nhưng cách đảo Hải Nam, vùng lãnh thổ Trung Quốc gần nhất, tới 650 km. Từ năm 2012, Bắc Kinh giành quyền kiểm soát bãi cạn này sau một vụ đụng độ với Manila.
Philippines cáo buộc tàu tuần duyên Trung Quốc thường xuyên quấy rối ngư dân Philippines tại đây, trong đó có vụ chĩa súng, cướp cá của họ hồi đầu năm nay.
Ngư trường dồi dào này là một đối tượng trong vụ kiện của Philippines lên Tòa Trọng tài quốc tế về "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc tự vạch ra để áp đặt chủ quyền.
Động thái trên của Google Maps diễn ra khi Tòa Trọng Tài ra phán quyết kết luận yêu sách "đường lưỡi bò" là không có cơ sở pháp lý, trái với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Tòa khẳng định Trung Quốc không có "tư cách lịch sử" đối với các vùng biển ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "các quyền lịch sử" đối với nguồn tài nguyên trong "đường 9 đoạn".
Phán quyết cũng nhấn mạnh Trung Quốc đã can thiệp vào các quyền đánh bắt truyền thống của Philippines tại bãi Scarborough, làm trầm trọng thêm những tranh chấp với Philippines trong lúc đang các bên nỗ lực để giải quyết vấn đề.