tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh trưa 13-05-2016

  • Cập nhật : 13/05/2016

Mối đe dọa IS đối với Đông Nam Á

Trang mạng "Diễn đàn Đông Á" số mới ra nhận định chủ nghĩa khủng bố không phải là một hiện tượng mới ở khu vực Đông Nam Á mà có từ thời kỳ đấu tranh chống thực dân.

vu tan cong o thu do jakarta vao ngay 14-1-2016.

Vụ tấn công ở thủ đô Jakarta vào ngày 14-1-2016.

Khủng bố ở khu vực này chỉ thực sự gia tăng sau sự kiện 11-9 ở Mỹ với một loạt vụ tấn công do tổ chức Jemaah Islamiyah có liên quan đến nhóm khủng bố al-Qaeda tiến hành. Chủ nghĩa khủng bố tiếp tục gây ra mối đe dọa cho các nước Đông Nam Á, đáng chú ý là những vụ tấn công gần đây ở thủ đô Jakarta (Indonesia) và miền Nam Philippines bởi những nhóm có "cảm tình" với tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng ở Trung Đông. Mối đe dọa IS đối với Đông Nam Á thể hiện qua 3 hình thức sau:

Thứ nhất là các cuộc tấn công gây ra bởi các nhóm địa phương hoặc những cá nhân lấy cảm hứng từ IS. Những nhóm hoặc cá nhân này có thể không có sự liên kết trực tiếp với trung tâm đầu não của IS mà có động cơ nảy sinh ban đầu từ những sự bất bình ở trong nước, sau đó lấy ý tưởng của IS làm động lực (thường thông qua mạng Internet).

Thứ hai là mối đe dọa của những phần tử trở về từ Iraq và Syria. Những người này được cho là có khả năng, kinh nghiệm chiến trường và kiến thức hoạt động để lên kế hoạch tổ chức các cuộc tấn công khủng bố trong khu vực, dù kịch bản này vẫn chưa diễn ra. Đến nay, những phần tử trở về đang bị giam giữ thuộc diện thất bại khi tìm cách đến Trung Đông.

Thứ ba là mối đe dọa của các phiến quân-những đối tượng sẽ sớm được ra tù. Vấn đề đặt ra là do hệ thống nhà tù yếu kém ở Indonesia và nạn "cực đoan hóa" đang diễn ra trong các nhà tù ở đất nước vạn đảo này. Bên cạnh đó, một thực tế là không phải tất cả những phiến quân sớm được ra tù đều ủng hộ hay có cảm tình với IS, mà phần lớn trong đó lại là thành viên của các nhóm phiến quân phản đối IS. Mối đe dọa của IS ở Đông Nam Á là có thật, dù có lẽ không lớn như người ta nghĩ. Ở khu vực này hiện chưa xuất hiện những tổ chức tương tự như "Chi nhánh IS ở Đông Nam Á” hay giới thủ lĩnh IS tuyên bố về một cuộc Cách mạng Hồi giáo ở bất kỳ nước Đông Nam Á nào. Phần lớn các nước Đông Nam Á đang phải đối phó với các nhóm Hồi giáo cấp tiến và cá nhân thề trung thành với IS. Số người đến từ Đông Nam Á tham gia hàng ngũ của IS ở Iraq và Syria tương đối ít, với khoảng 700 người, trong khi châu Âu có hàng nghìn người ủng hộ IS tìm cách đến Iraq và Syria.

Để đối phó với mối đe dọa khủng bố, các Chính phủ khu vực phải được trang bị tốt hơn, luôn trong tâm thế sẵn sàng và điều quan trọng là không được tự mãn.


CNN thừa nhận quân đội Nga đang ở đỉnh cao sức mạnh

Lễ diễu binh diễn ra trên quảng trường Đỏ ngày 9/5 vừa qua đã chứng minh rằng các Lực lượng Vũ trang Nga đang ở đỉnh cao sức mạnh trong thời gian một phần tư thế kỷ qua, bình luận viên Matthew Chance của CNN nhận xét.

quan nhan nga tai le duyet binh dieu hanh mung 71 nam ngay chien thang tai quang truong do o thu do moskva ngay 9/5. anh: epa/ttxvn

Quân nhân Nga tại lễ duyệt binh diễu hành mừng 71 năm Ngày Chiến thắng tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva ngày 9/5. Ảnh: EPA/TTXVN

Ông Chance lưu ý rằng trong một thập kỷ gần đây, chính phủ Nga đã phân bổ nguồn lực kinh phí đáng kể để hiện đại hóa và tái đào tạo quân lực.

"Những nguồn vốn khổng lồ đã được đầu tư vào các thế hệ tên lửa hạt nhân mới, xe tăng và máy bay chiến đấu. Ngay cả quân phục cũng trải qua những thay đổi", phóng sự lập luận.

Nhà bình luận của CNN lưu ý rằng, vị trí trung tâm trong cuộc diễu binh được ưu ái trao cho kho vũ khí hạt nhân, các tên lửa đạn đạo liên lục địa mới được nâng cấp. 

Theo như quan điểm của tác giả điều này nhằm mục đích đối đầu với hệ thống phòng thủ tên lửa NMD của Mỹ. Ngoài ra, có cả các hệ thống phóng tên lửa phòng không và máy bay chiến đấu kịp thể hiện hiệu quả tham chiến ở Syria.

"Nhưng điều làm cho nước Nga trở thành một lực lượng quân sự đáng gờm không chỉ đơn giản bởi kho vũ trang mà là sự sẵn sàng phô trương nó ở cấp độ quốc tế", Chance nhận xét và lưu ý rằng các sự kiện quốc tế gần đây đã chỉ ra nước Nga theo đuổi một đường lối đối ngoại độc lập.


Triều Tiên trảm tướng thử tên lửa thất bại

Tướng phụ trách các vụ thử tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng đã bị loại khỏi Quân ủy Trung ương Triều Tiên.
tu lenh luc luong phong ve ten lua trieu tien, dai tuong kim rak-gyom. anh:yonhap

Tư lệnh lực lượng Phòng vệ tên lửa Triều Tiên, đại tướng Kim Rak-gyom. Ảnh:Yonhap

Tướng Kim Rak-gyom, Tư lệnh lực lượng Phòng vệ tên lửa, cùng một số một số quan chức khác đã không có tên trong danh sách mới của Ủy ban quân sự Trung ương của đảng đảng Lao động Triều Tiên, cơ quan quân sự được cho là quan trọng nhất của quân đội nước này, Yonhapngày 10/5 dẫn kết quả của Đại hội đảng mới kết thúc ở Triều Tiên.

Các quan chức quân sự Hàn Quốc cho biết động thái này của Bình Nhưỡng có thể là hình phạt cho những thất bại của các vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan.

"Chúng ta cần nghiên cứu việc loại bỏ ông Kim khỏi danh sách quân ủy trung ương và các quyết định nhân sự kỹ hơn nữa, nhưng nhiều khả năng là ông Kim đã phải chịu trách nhiệm cho các vụ phóng tên lửa thất bại", một quan chức Hàn Quốc cho biết.

Ngày 15/4, nhân kỷ niệm sinh nhật cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, Triều Tiên tiến hành thử nghiệm các tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan được triển khai từ năm 2007 với tầm bắn được công bố từ 3.000 - 4.000 km. Tuy nhiên, tên lửa này đã nổ tung chỉ vài giây sau khi rời bệ phóng.

Ngày 23/4, cuộc thử nghiệm phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm của Bình Nhưỡng tiếp tục không thành công. Tên lửa phát nổ thành ba mảnh sau khi vọt lên trên mặt nước 30 km. Ngày 28/4, Triều Tiên bắn thêm hai tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan nhưng đều thất bại.


Bhutan - nước đi đầu trong chống biến đổi khí hậu

Tại một chương trình phi lợi nhuận dành cho các diễn giả chia sẻ về góc cạnh khác nhau của cuộc sống, Thủ tướng Bhutan Tshering Tobgay đã có bài phát biểu lay động cả thế giới về nỗ lực bảo vệ môi trường khi giữ cam kết duy trì là nước xả khí thải ở mức âm trong bối cảnh Trái Đất đang bị đe doạ nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu.

Cam kết tham vọng

Với dân số chỉ vỏn vẹn 700.000 người, quốc gia nằm trên dãy núi Himalaya rất coi trọng bảo vệ môi trường và được đánh giá là một trong những quốc gia xanh nhất Trái Đất, cũng như hạnh phúc nhất khi lấy chỉ số tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) làm thước đo sự thịnh vượng thay vì tổng sản phẩm quốc nội (GDP). 
 
 
thu tuong bhutan tshering tobgay phat bieu tai ted talk.

Thủ tướng Bhutan Tshering Tobgay phát biểu tại TED talk.

 

Trong bài phát biểu tràn đầy cảm hứng, Thủ tướng Bhutan nhấn mạnh “đất nước hạnh phúc nhất thế giới” không chỉ là quốc gia cân bằng khí thải mà là “không phát thải”. Cả Bhutan chỉ tạo ra hơn 2 triệu tấn CO2/năm nhưng rừng ở nước này hấp thu được lượng CO2 nhiều gấp ba lần. Như vậy, Bhutan còn hấp thu “hộ” khoảng 4 triệu tấn CO2 của các nước xung quanh

Như vậy, Bhutan không gây ra biến đổi khí hậu, nhưng lại phải gánh chịu hậu quả nặng nề như băng tan gây lũ, sạt lở đất. Tuy nhiên, vương quốc này không hề đứng yên trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Nhắc lại sự kiện năm 2009, tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP 15 ở Copenhagen (Đan Mạch), Thủ tướng Tshering Tobgay kể rằng Bhutan đã cam kết không phát thải khí CO2 nhưng chưa nhận được sự chú ý. Phải đến tháng 12/2015, tại COP 21 diễn ra ở Paris (Pháp), cam kết không bao giờ phát thải khí CO2 của Bhutan mới được lắng nghe và công nhận. 

Tại COP21, Liên minh châu Âu (EU) đã công nhận vai trò đầu tàu và "tham vọng phi thường" của Bhutan trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu khi nước này đã ký kết "Liên minh Tuyên ngôn châu Âu" để phối hợp hành động trong lĩnh vực khí hậu và năng lượng. 

Nỗ lực chống biến đổi khí hậu

Từ năng lượng gió cho tới khí sinh vật, sử dụng xe đạp và xe buýt điện, Bhutan đang từng ngày tìm tới các biện pháp mới để góp phần ngăn chặn biến đổi khí hậu. Đầu năm 2016, hai tuabin gió đầu tiên của nước này được khánh thành tại làng Rubesa ở quận Wangduephodrang. Nếu dự án này thành công, Bhutan sẽ lắp đặt thêm 24 trang trại gió để giải quyết tình trạng thiếu điện trong mùa khô. Bộ Năng lượng tái tạo Bhutan cũng đang dự định lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời tạo ra 1mw điện năng, cung cấp 13.500 bếp nấu ăn bằng năng lượng mặt trời và 2.800 hầm khí sinh vật ở 20 quận trước cuối năm nay. 

Để thực hiện mục tiêu cắt giảm khí thải từ giao thông gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu, Bhutan đang nỗ lực đưa Thimphu thành thủ đô thân thiện với xe đạp. Xe ô tô chạy điện cũng được giới thiệu ở Bhutan cách đây 2 năm, với 4 trạm sạc điện được lắp đặt trong tháng 2 vừa qua, đưa tổng số trạm sạc điện lên 10 trạm. Theo hãng tin Thomson Reuters, Thủ tướng Bhutan đã có cuộc đàm phán với Ashok Leyland, hãng sản xuất ôtô thương mại hàng đầu của Ấn Độ, để thử nghiệm xe buýt điện ở Bhutan. 

Một trong số những nỗ lực được đánh giá cao nhất và gây ấn tượng của Bhutan có lẽ là chiến dịch trồng cây gây rừng. Bhutan luôn cố gắng duy trì độ che phủ rừng tới 60% diện tích lãnh thổ, một mục tiêu mà nước này đã vượt qua với 72% diện tích đất nước được che phủ bởi rừng. Chiến dịch trồng rừng đã giúp bảo vệ các cộng đồng dân cư ở vùng núi tránh được các tác động của biến đổi khí hậu, trong đó có nguy cơ sạt lở và lũ quét cao. 

Cùng với việc huy động có hệ thống các nguồn lực, Bhutan cũng hy vọng sẽ truyền đi tinh thần chung tay giữ gìn và trân trọng Trái Đất, ngôi nhà duy nhất của thế giới như lời Thủ tướng nước này: “Chúng ta ở đây để mơ cùng nhau, hành động cùng nhau, chiến đấu chống biến đổi khí hậu cùng nhau, cùng bảo vệ hành tinh của chúng ta”. 

Thông điệp của Tổng thống Mỹ khi có chuyến thăm lịch sử Hiroshima

Ông Obama sẽ không bình luận về quyết định của người tiền nhiệm khi tới Hiroshima mà tập trung vào “củng cố hợp tác trong tương lai” Mỹ - Nhật.

cong vien tuong niem cac nan nhan thiet mang vi bom nguyen tu o hiroshima. anh: getty.

Công viên tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng vì bom nguyên tử ở Hiroshima. Ảnh: Getty.

Ngày 27-5 sắp tới, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tới thành phố Hiroshima, Nhật Bản, đánh dấu  chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ đương nhiệm tới thăm thành phố từng bị bom nguyên tử Mỹ phá hủy cách đây 71 năm (năm 1945).

Đây là một phần trong nỗ lực thực hiện mục tiêu “Một thế giới không có vũ khí hạt nhân” mà ông Obama đặt ra từ năm 2009- năm đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống.

Thông cáo của Chính phủ Mỹ nêu rõ: Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tới thành phố Hiroshima khi ông đến Nhật Bản vào cuối tháng 5 này để tham dự Hội nghị cấp cao Nhóm  7 nước công nghiệp phát triển  (G7).

Người phát ngôn Nhà trắng Josh Earsnet nhấn mạnh, mục đích của chuyến thăm không phải là để đưa ra lời xin lỗi cho quyết định của Tổng thống Harry Truman cách đây 71 năm, mà là nhằm tạo ra “một cái nhìn bước ngoặt hướng tới tương lai”.

Theo lịch trình dự kiến, ngày 27-5, Tổng thống Obama sẽ tới Công viên tưởng niệm hòa bình, một địa điểm được xem là khá đặc biệt với cả người Mỹ và Nhật Bản khi gợi nhớ tới vụ ném bom nguyên tử của Mỹ xuống thành phố này trong Chiến tranh thế giới thứ 2 cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người vô tội.

Theo Người phát ngôn Nhà trắng Josh Earsnet, Mỹ là quốc gia duy nhất từng sử dụng vũ khí hạt nhân và nước này có trách nhiệm đặc biệt phải thúc đẩy những nỗ lực toàn cầu nhằm phi hạt nhân hóa.

 “Tổng thống  dự định sẽ tới thăm Hiroshima để gửi đi một thông điệp về quyết tâm đạt được mục tiêu một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Đây cũng là cơ hội để làm nổi bật sự chuyển đổi đáng kể trong các mối quan hệ giữa Nhật Bản và Mỹ”, ông Earsnet nói.

Trên thực tế, ngay trong năm cầm quyền đầu tiên, Tổng thống Obama đã thể hiện mong muốn tới thăm Hiroshima và Nagasaki. Trong chuyến thăm Nhật Bản hồi cuối năm 2009, ông Obama từng tuyên bố, đây là điều rất quan trọng đối với ông, chính vì thế có thể nói chuyến thăm Hiroshima vào cuối tháng 5 này là nhằm hiện thực hóa mong muốn sau 7 năm.

Khi được hỏi về khả năng một cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ với những người còn sống sót sau vụ ném bom nguyên tử năm 1945, Chính phủ Mỹ khẳng định, lịch trình cụ thể của chuyến thăm vẫn chưa được xác định. 

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ngay lập tức hoan nghênh chuyến thăm, nhấn mạnh, đây sẽ là dịp để cả Nhật Bản và Mỹ tưởng niệm tất cả các nạn nhân. Theo ông, đối với một Tổng thống Mỹ, đây là một quyết định quan trọng.

“Tôi tin rằng, với chuyến thăm Hiroshima, chứng kiến những hậu quả mà vụ ném bom nguyên tử năm 1945 để lại và thể hiện những cảm xúc của ông trước toàn thế giới, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang cho thấy quyết tâm mạnh mẽ xây dựng một thế giới phi hạt nhân. Tổng thống Obama nhiều lần nói rằng, Mỹ quốc gia duy nhất sử dụng bom nguyên tử có trách nhiệm phải hành động nhằm đạt được mục tiêu một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng hoan nghênh thông báo của Chính phủ Mỹ. Theo ông Ban, một trong những bài học lớn của sự kiện Hiroshima là sự cần thiết phải chấm dứt hoàn toàn sự tồn tại của vũ khí hạt nhân.

Quyết định thăm Hiroshima của người đứng đầu nước Mỹ trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống này được đánh giá là mang tính lịch sử, nhất là khi đây lại là một vấn đề nhạy cảm trong quan hệ Mỹ và Nhật Bản.

Chính vì thế khi được yêu cầu giải thích về chuyến thăm này, ông Ben Rhodes, cố vấn thân cận của Tổng thống Obama khẳng định, nhân dân và đất nước Mỹ sẽ mãi tự hào về các nhà lãnh đạo của mình, về những người từng phục vụ trong quân đội trong giai đoạn Chiến tranh thế giới thứ 2.

Chuyến thăm Hiroshima của Tổng thống Mỹ sẽ là dịp để tưởng niệm tất cả những người vô tội đã thiệt mạng trong cuộc chiến tranh này.  Còn về  sự đúng sai trong quyết định của Tổng thống Harry Truman, Tổng thống Mỹ sẽ không có bất kỳ phát biểu nào liên quan, mà thay vào đó, ông sẽ tập trung vào “củng cố hợp tác trong tương lai” giữa Mỹ và Nhật Bản.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục