tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 13-05-2016

  • Cập nhật : 13/05/2016

Phản ứng của một số quốc gia sau công bố mới của “Hồ sơ Panama”

 Ngay sau khi các tư liệu trong “Hồ sơ Panama” được công khai với tầm ảnh hưởng không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn tới các nhân vật thuộc lĩnh vực chính trị, xã hội, văn hóa..., các quốc gia liên quan đã có những phản ứng từ mềm mỏng cho đến mạnh mẽ và quyết liệt.

con bao "ho so panama" lam chao dao the gioi.

Cơn bão "Hồ sơ Panama" làm chao đảo thế giới.

Tại châu Âu, Thụy Điển, một trong những quốc gia mạnh tay nhất với các đối tượng trốn thuế, ngay lập tức cung cấp đường dây nóng để các tổ chức, cá nhân "nhúng chàm" có thể thú tội trước khi điều trần. Còn ở Vương quốc Anh, Thủ tướng David Cameron đã phải có một phiên giải trình trước Quốc hội về việc ông và vợ mình sở hữu một công ty nước ngoài tại quần đảo Virgin thuộc Anh để che giấu những khoản đầu tư lớn. Tại quốc gia Bắc Âu Na Uy, cảnh sát thậm chí đã thiết lập một đường dây nóng để những đối tượng có hành vi trốn thuế và xuất hiện trong “Hồ sơ Panama” có thể gọi tới và thú nhận những sai phạm của mình để được hưởng sự khoan hồng.

Trong số các quốc gia châu Mỹ, Mexico là quốc gia mạnh tay nhất sau khi thông tin về vụ bê bối Panama xuất hiện. Cơ quan Quản lý thuế Mexico (SAT) đang tiến hành điều tra 33 cá nhân có tên trong “Hồ sơ Panama”, trong đó bao gồm chính trị gia, doanh nhân và diễn viên. Còn tại Ecuador, Tổng chưởng lý nước này Galo Chiriboga cho biết, sẽ đề xuất phối hợp Panama điều tra các hành vi sai trái khi ông gặp người đồng cấp Panama vào cuối tháng 5. Trong khi đó, Tổng thống Panama Juan Carlos Varela tuyên bố, nước này sẽ chia sẻ thông tin và hợp tác với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác trong vấn đề này.

Tại châu Á, trong “Hồ sơ Panama”, người ta ngay lập tức thấy được rất nhiều thông tin liên quan tới Trung Quốc, một trong những nền kinh tế hàng đầu khu vực. Trước việc hàng loạt quan chức cấp cao Trung Quốc “nhúng chàm”, Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đã tiến hành điều tra trong nội bộ đảng đối với các quan chức cấp tỉnh, cấp bộ trở lên. Theo đó, Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung Quốc sẽ xem các quan chức nói trên hoặc người dân của họ có các công ty ở nước ngoài hay không. Để phục vụ cho công tác này, Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương, ông Vương Kỳ Sơn đã đích thân đưa ra quy định mới với nội dung cốt lõi là tuyệt đối không đưa vào danh sách đề bạt, bổ nhiệm đối với những quan chức cấp tỉnh, cấp bộ trở lên (hoặc người thân của họ) có tài sản ở nước ngoài nhưng chưa báo cáo rõ với tổ chức. Hiện quy định mới này đã được chuyển đến tận tay các quan chức cấp tỉnh, cấp bộ trở lên.

Tại Nhật Bản, phát ngôn viên Chính phủ nước này cho biết, Tokyo dự định đề xuất một kế hoạch hành động chống tham nhũng tại Hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức vào ngày 26 và 27-5 ở Ise, Nhật Bản. Theo Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, Nhật  Bản hy vọng có các đề xuất chống trốn thuế, tăng yêu cầu công bố thông tin, đính kèm trong tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo G7 khi kết thúc hội nghị.

Còn tại Ấn Độ, Chính phủ nước này cũng đã ngay lập tức vào cuộc với các đối tượng bị nghi ngờ trốn thuế bị công bố. Cơ quan thuế Ấn Độ đã gửi trát đòi các công ty được nêu tên giải trình phục vụ cho quá trình điều tra. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ra lệnh tiến hành một cuộc điều tra liên cơ quan về những thông tin được Hồ sơ Panama đưa ra, trong đó có tên của hơn 500 người Ấn Độ. Ông Modi cũng cam kết sẽ truy lùng những người trốn thuế và mang về hàng tỷ USD tiền bất hợp pháp được gửi tại những nơi an toàn không bị đóng thuế.

Không lâu sau khi “Hồ sơ Panama” được tiết lộ lần đầu, Việt Nam cũng nằm trong danh sách “đen” với 189 người được "điểm mặt chỉ tên". Phản ứng trước thông tin này, hầu hết các đại gia Việt đều khẳng định việc mình xuất hiện trong danh sách “Hồ sơ Panama” chưa đủ chứng minh rằng họ phạm tội. Còn phía cơ quan chức năng Việt Nam cũng đã có những thông tin cho thấy, sẵn sàng vào cuộc để minh bạch vụ việc. Trên cơ sở kiểm tra dữ liệu nộp thuế cũng như đối chiếu với các quy định của Việt Nam, ngành thuế sẽ xác định cá nhân, tổ chức có dấu hiệu trốn thuế hay lách thuế... 


Trung Quốc khai trừ đảng cựu quan chức ngoại giao cấp cao

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo việc khai trừ một cựu quan chức ngoại giao vì tham nhũng, nhận hối lộ và trao đổi quyền lực lấy tình dục.

Reuters ngày 12/5 dẫn nguồn tin cho biết ông Zhang Kunsheng, cựu trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc vừa bị khai trừ khỏi đảng. Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đã điều tra Zhang vì hàng loạt vi phạm.

zhang kunsheng, tro ly ngoai truong trung quoc, bi cach chuc hoi thang 1. anh: bbc

Zhang Kunsheng, trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc, bị cách chức hồi tháng 1. Ảnh: BBC

Theo Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, trường hợp của Zhang đã được chuyển giao cho cơ quan tư pháp để điều tra hình sự.

Cuối tháng 1, Zhang bị cách chức trợ lý ngoại trưởng và vụ trưởng vụ lễ tân. Báo chí Trung Quốc nói, Zhang là quan chức ngoại giao có hàm cao nhất bị điều tra tham nhũng.

Năm ngoái ngành ngoại giao Trung Quốc cũng vướng phải một bê bối, trong đó đại sứ nước này tại Iceland biến mất trong lúc báo chí nói rằng ông đã bị bắt giữ vì bán bí mật quốc gia cho Nhật Bản. Chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc đã nhằm tới hàng nghìn quan chức kể từ khi bắt đầu được khởi xướng năm 2012.

Trung Quốc đã bắt giam hàng chục quan chức cấp cao kể từ khi chủ tịch Trung Quốc phát động chiến dịch chống tham nhũng trên quy mô cả nước sau khi nhậm chức 3 năm trước. Ông Tập thề loại trừ "những kẻ tham nhũng lớn như con hổ hay nhỏ như con ruồi".

Một trong những "con hổ" mới bị hạ gục của Trung Quốc là Thượng tướng Quách Bá Hùng, cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Ông này bị buộc tội nhận 12,3 triệu USD hối lộ hồi đầu tháng 4.

SCMP dẫn các nguồn tin thân cận với giới chức quân sự cấp cao Trung Quốc cho biết ông Quách bị phát hiện nhận số tiền 80 triệu nhân dân tệ, tương đương 12,3 triệu USD. Trước đó, ông này bị điều tra về tham nhũng và bị khai trừ khỏi đảng Cộng sản Trung Quốc trong tháng 7/2015.

Vụ việc của ông Quách đã được đệ trình lên tòa án. Tuy nhiên, các công tố viên quân sự đã làm giảm số tiền phi pháp thực tế mà ông Quách đã nhận. Nó chỉ bằng một phần nhỏ so với thực tế, nguồn tin của SCMP tiết lộ.


Báo Mỹ: Lầu Năm Góc có thể mở chiến dịch chống IS ở Libya

Theo Sputniknews.com, tờ Washington Post ngày 13/5 đưa tin nếu Mỹ tiến hành một chiến dịch chống lực lượng thánh chiến thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Libya thì quy mô của nó sẽ nhỏ hơn các chiến dịch của Mỹ ở Iraq và Syria.

luc luong is. (nguon: afp)

Lực lượng IS. (Nguồn: AFP)

Theo nguồn tin, giới chức Lầu Năm Góc đã xác định hàng chục mục tiêu có thể bị tấn công nếu Mỹ tiến hành một chiến dịch mở rộng chống IS ở Libya.

Cho đến nay, Washington mới chỉ tiến hành hai cuộc không kích nhằm vào IS ở Libya.

Trước đó, báo trên cho biết hai "nhóm tiếp xúc" thuộc lực lượng Chiến dịch Đặc biệt Mỹ, có quân số chưa đến 25 người, đã đồn trú ở miền Đông và miền Tây Libya kể từ năm 2015./.


Tình nghi tội phạm xuyên quốc gia, lãnh sự Ukraina bị bắt ở Hy Lạp

Ngày 12.5, cảnh sát Hy Lạp tiến hành chiến dịch đặc nhiệm truy quét tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, bắt giữ một số tội phạm thuộc nhóm xuyên quốc gia, trong đó có lãnh sự danh dự của Ukraina tại Síp.

canh sat hy lap.

Cảnh sát Hy Lạp.

Chưa có công bố chính thức về danh tính vị "lãnh sự" nhưng theo tin đưa của các phương tiện truyền thông địa phương, đó có thể là Ioannis Litinas. Được biết, người này bị nghi có hoạt động bất hợp pháp trong tổ chức của cộng đồng tội phạm.

Các đối tượng tội phạm này đã tạo lập một "kim tự tháp tài chính", và trong mười năm tồn tại nó đã gây thiệt hại hàng triệu USD cho các nhà đầu tư ở nhiều nước.

Bản thân vị "Lãnh sự danh dự" phủ nhận tất cả các cáo buộc và tuyên bố rằng ông ta không hề biết việc có người lợi dụng ảnh hưởng của ông ta để thu hút các nhà đầu tư Ukraina.

Trước đó Ioannis Litinas từng bảo vệ luận án "Điều phối quan hệ pháp lý giữa Ukraina và EU trong lĩnh vực thực hiện đầu tư" và nhận học vị Tiến sĩ Luật.


Nga chế tạo máy bay chở khách không người lái đầu tiên

Công ty Aviaton của Nga đang lên kế hoạch phát triển máy bay chở khách không người lái đầu tiên tại Nga, tờ Izvestia hôm nay 13/5 đưa tin.

mot may bay khong nguoi lai cua nga (anh: sputnik)

Một máy bay không người lái của Nga (Ảnh: Sputnik)

Máy bay không người lái sẽ khởi động từ mặt đất và có thể sẽ cất cánh theo đường thẳng đứng, giống máy bay trực thăng.

Tờ Izvestia dẫn lời ông Avtandil Khachapuridze, Giám đốc điều hành công ty Aviaton, cho biết trong giai đoạn đầu, máy bay không người lái sẽ bay thử nghiệm với hàng hóa, nhưng sau một số chuyến bay thử, nó sẽ được sử dụng với đúng mục đích ban đầu là máy bay chở khách không người lái.

Cũng theo Izvestia, công ty Aviaton dự tính sẽ phải chi tới 23 triệu USD để chế tạo mẫu máy bay chở khách không người lái đầu tiên.

Việc đưa vào sử dụng các phương tiện hàng không không người lái bên cạnh các máy bay có người lái sẽ được hợp pháp hóa tại Nga từ năm 2020, Izvestia cho biết thêm.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục