tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh trưa 14-05-2016

  • Cập nhật : 14/05/2016

Mỹ muốn một cơ chế kiểm soát nguy cơ ở biển Đông

Trung Quốc và Mỹ cần quản lý nguy cơ xung đột trên biển Đông một cách xây dựng.

Ngày 12-5 (giờ địa phương), tướng tổng tham mưu trưởng Phùng Phong Huy, ủy viên Quân ủy trung ương Trung Quốc, đã phát biểu như trên qua cầu truyền hình với tướng bốn sao Joseph Dunford (ảnh), Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân Mỹ.

Tân Hoa xã đưa tin tướng Phùng Phong Huy cho rằng “Trung Quốc đánh giá tự do hàng hải còn hơn bất kỳ nước nào trên thế giới” và khẳng định Bắc Kinh không gây ra căng thẳng hiện nay ở biển Đông. Ông đề nghị hải quân hai nước phải tránh những hành động có thể làm phương hại đến quan hệ hai nước và hai quân đội, quân đội hai nước cũng phải cải thiện thông tin liên lạc và hợp tác để quản lý nguy cơ.

 

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân Joseph Dunford đáp lời rằng Mỹ sẵn sàng làm việc với Trung Quốc về tăng cường trao đổi thông tin. Ông nói hai bên cần thiết lập một cơ chế kiểm soát nguy cơ để bảo đảm ổn định trong khu vực tranh chấp trên biển Đông.

Cuộc điện đàm được thực hiện sau sự kiện Trung Quốc điều máy bay tiêm kích trong khi tàu khu trục Mỹ USS William P. Lawrence (DDG 110) đang tiến hành tự do hàng hải trong 12 hải lý quanh đá Chữ Thập hôm 10-3.

Trong khi đó, tại cuộc họp báo ngày 12-5, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố tiến hành tự do hàng hải trên biển Đông không phải là hành động khiêu khích, hoạt động tự do hàng hải của tàu USS William P. Lawrence là công tác tương đối thường xuyên và đây chỉ là hành động nhằm chứng tỏ nguyên tắc Mỹ bay qua, hoạt động và đi tàu đến bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.

Ông tiếp tục khẳng định cộng đồng quốc tế và nhất là các nước trong khu vực đều phản đối hành động của Trung Quốc ở biển Đông. Ông nói: “Quan tâm của chúng tôi chủ yếu là cần thiết các bên có liên quan đến tranh chấp phải giải quyết tranh chấp bằng ngoại giao. Và chắc chắn chúng tôi không muốn nhìn thấy căng thẳng gia tăng do nguy cơ có thể dẫn đến cho thương mại mở rộng tại khu vực”.

Đối với Úc, người phát ngôn Josh Earnest khẳng định Úc là một trong những đồng minh thân cận nhất với Mỹ và Mỹ để cho Úc bày tỏ quan tâm nếu cảm thấy căng thẳng ở biển Đông có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Úc. Ông ghi nhận Mỹ vẫn có thể tiếp tục trao đổi với Trung Quốc về nhiều vấn đề hai bên cùng nhất trí liên quan đến CHDCND Triều Tiên và Iran.


Thủ lĩnh cấp cao Hezbollah thiệt mạng ở Syria

Cộng đồng người đạo Hồi dòng Shi’ite ở Lebanon hôm 13-5 thông báo thủ lĩnh cấp cao của nhóm vũ trang Hezbolla Mustafa Badreddine thiệt mạng trong một vụ tấn công ở Syria.

Đây là thiệt hại lớn nhất của tổ chức này kể từ năm 2008.

Ông Badreddine, 55 tuổi, là một trong những thủ lĩnh cao cấp nhất của nhóm Hồi giáo vũ trang do Iran chống lưng. Theo chính phủ Mỹ, người đàn ông này chịu trách nhiệm cho các hoạt động quân sự của Hezbollah ở Syria khi nhóm này chiến đấu bên cạnh lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Cái chết của Badreddin là mất mát lớn thứ 2 của tổ chức Hezbollah và Iran tại Syria bất chấp Nga ra tay can thiệp quân sự để giúp đỡ ông Assad và các đồng minh.

Kể từ tháng 1-2015, Hezbollah bị mất ít nhất 4 nhân vật nổi bật. Ngoài ra, một số sĩ quan cao cấp của Iran cũng thiệt mạng khi đối đầu với quân nổi dậy Syria hoặc trong các cuộc chiến với Israel.

Tổ chức này cho hay Badreddine thiệt mạng trong một vụ nổ lớn nhắm vào một trong những căn cứ gần sân bay Damascus. Thời điểm tử vong của nhân vật này không được tiết lộ. Hiện một cuộc điều tra đang được tiến hành để tìm hiểu nguyên nhân gây ra vụ nổ.

 Mustafa Badreddin - thủ lĩnh cấp cao của nhóm Hồi giáo vũ trang Hezbollah. Ảnh: REUTERS

Mustafa Badreddin - thủ lĩnh cấp cao của nhóm Hồi giáo vũ trang Hezbollah. Ảnh: REUTERS

Trước đó, theo thông tin từ đài truyền hình Lebanon al-Mayadeen, Israel là nước đứng đằng sau vụ tấn công khiến Badreddin thiệt mạng. Phía Israel chưa đưa ra bất cứ bình luận gì về thông tin này.

Israel vốn xem Hezbollah là kẻ thù mạnh nhất và lo ngại tổ chức này đang dần mạnh lên cũng như sở hữu nhiều vũ khí hiện đại ở mặt trận Syria.

Hezbollah – phong trào chính trị, quân sự hàng đầu Lebanon – đang dần bành trướng sức mạnh kể từ khi buộc Israel từ bỏ 22 năm chiếm đóng khu vực phía nam Lebanon năm 2000.

Khi được hỏi về khả năng liên quan của phía Israel với cái chết của thủ lĩnh cấp cao Hezbollah, Bộ trưởng Nội các Zeev Elkin – một người thân cận với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu – từ chối đưa ra bình luận.

Bộ Tài chính Mỹ hồi năm 2015 cho biết Badreddin là người dẫn dắt quân đội Hezbollah trong các trận chiến ở Syria từ năm 2011. Ông ta thường tháp tùng thủ lĩnh Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah trong các cuộc gặp với ông Assad ở thủ đô Damascus.

Khi công bố cái chết của Badreddine, Hezbollah trích dẫn một câu nói của nhân vật này rằng ông ta sẽ quay về trong chiến thắng hoặc trở thành “người tử vì đạo”.

Kênh truyền hình al-Manar của nhóm này cho biết Badreddin được chôn cất ở vùng ngoại ô phía nam của thủ đô Beirut – Lebanon.


Trung Quốc khởi tố ông Lệnh Kế Hoạch

Ông Lệnh Kế Hoạch, cựu phụ tá cấp cao của nguyên Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, bị cáo buộc với các tội danh nhận hối lộ, đánh cắp bí mật quốc gia và làm dụng chức quyền.

Công tố viên nhà nước Trung Quốc hôm nay (13-5) đã khởi tố ông Lệnh Kế Hoạch, cựu phụ tá cấp cao của nguyên Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, với các tội danh nhận hối lộ, đánh cắp bí mật quốc gia và lạm dụng quyền lực, theo kênh Channel News Asia (Singapore).

Trung Quốc đã mở cuộc điều tra nhằm vào ông Lệnh Kế Hoạch vào tháng 12-2014. Trước đó, tháng 9-2012, ông này đã bị giáng chức từ một vị trí cấp bộ, chỉ vài tháng sau khi con trai ông thiệt mạng trong một vụ tai nạn. Ông này bị khai trừ khỏi Đảng từ tháng 7-2015.

Việc chính thức công bố khởi tố các tội danh là bước phát triển mới nhất trong vụ điều tra. Trung Quốc nói rằng vụ việc của ông Lệnh Kế Hoạch gây thiệt hại lớn tới hình ảnh quốc gia.

ong lenh ke hoach, cuu phu ta cap cao cua nguyen chu tich trung quoc ho cam dao. (anh: reuters)

Ông Lệnh Kế Hoạch, cựu phụ tá cấp cao của nguyên Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. (Ảnh: REUTERS)

Theo cáo buộc, ông Lệnh Kế Hoạch đã lợi dụng nhiều vị trí cấp cao của mình trong chính phủ để ăn hối lộ, tìm kiếm lợi ích cho bạn bè và nắm giữ bí mật quốc gia bất hợp pháp. Tuy nhiên, công tố viên không nêu chi tiết bản chất của những bí mật này.

Các tội danh của ông Lệnh Kế Hoạch là “cực kỳ nghiêm trọng”, kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc dẫn lại thông cáo của công tố viên. Vụ kiện chống lại ông Lệnh Kế Hoạch được trình lên một một tòa án ở TP cảng Thiên Tân, đồng nghĩa với việc ông sẽ bị xét xử tại đây.

Hiện báo giới không thể liên lạc với ông này và không rõ liệu ông được phép thuê luật sư hay không.

Reuters cho biết vụ kiện chống lại ông Lệnh Kế Hoạch gây tình thế khó xử cho chính phủ. Vị trí của ông được xem là nhạy cảm bởi sự gần gũi của ông với nguyên Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, người tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình hiện nay.

Năm ngoái, người phát ngôn chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ thông tin ông Hồ Cẩm Đào có dính dáng trong vụ điều tra. Các tội danh chính thức sẽ mở đường cho một phiên tòa hình sự, nhưng vì ông Lệnh Kế Hoạch bị cáo buộc đánh cắp bí mật quốc gia nên quá trình xét xử có thể không công khai.

Hiện chưa rõ khi nào phiên xét xử sẽ diễn ra. Nếu được tổ chức kín, truyền thông nhà nước chỉ có thể công bố bản án.

Kể từ khi lên năm quyền hồi năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát động chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi”. Từ đây, hàng loạt quan chức cấp cao nước này đã sa lưới, trong đó có cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang. Ông Chu cũng đã bị đưa ra xét xử tại TP Thiên Tân.


Các ngân hàng lớn Úc tìm cách "nghỉ chơi" khách Trung Quốc

Giữa năm 2013, 4 ngân hàng lớn của Úc đẩy mạnh cho khách hàng Trung Quốc vay tiền để mua bất động sản tại quốc gia này. Tuy nhiên, gần đây, họ thắt chặt quy định, dường như để kiềm chế các công dân đại lục sở hữu bất động sản mới.

Trong tuần này, Ngân hàng Quốc gia Úc (NAB) tiếp bước 3 ngân hàng ANZ (Úc và New Zealand), Commonwealth và Westpac thắt chặt các khoản vay dành cho khách hàng nước ngoài, trong đó có một bộ phận lớn là công dân Trung Quốc.

Tạp chí Financial Review cho biết 4 ngân hàng Úc nhiều năm qua cho khách hàng đại lục vay tiền mua bất động sản, bùng nổ vào giai đoạn giữa năm 2013. Lúc đó, dòng tiền từ Trung Quốc ào ạt đổ vào Úc khiến các ngân hàng nội địa cũng nhảy vào thị trường béo bở và đầy tiềm năng này.

Song chỉ được một thời gian, nợ xấu của các ngân hàng tăng vọt buộc họ phải đề ra biện pháp hạn chế khoản vay đối với công dân nước ngoài, đặc biệt là công dân Trung Quốc. Điều này dẫn đến nguy cơ khách hàng đại lục là những người chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi quy định vay tiền và sở hữu nhà ở cá nhân sẽ bị siết chặt.

sap toi, cong dan trung quoc se kho so huu them bat dong san tai uc. anh: financial review

Sắp tới, công dân Trung Quốc sẽ khó sở hữu thêm bất động sản tại Úc. Ảnh: FINANCIAL REVIEW

Ngân hàng Westpac hiện đã chặn tất cả các khoản vay dành cho khách hàng nước ngoài. ANZ thắt chặt quy định cho vay, còn Commonwealth rụt rè, không có ý định mở rộng trong lĩnh vực này. Giới phân tích tài chính nghi ngờ sự bùng nổ bất động sản của người Trung Quốc mua tại Úc đã đến hồi kết thúc.

Theo một nhà môi giới thế chấp chủ yếu giao dịch với các khách hàng Trung Quốc, khách hàng đại lục muốn mua bất động sản tại Úc phải cần một số lượng lớn tiền mặt. Tuy nhiên, để chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc, sau đó vào Úc lại không phải chuyện dễ trong thời gian gần đây. Phương án tối ưu là vay tiền các ngân hàng nội địa bằng việc thế chấp tài sản nhưng con đường này hiện tại không còn dễ đi như trước.

Vào năm tới, nhà môi giới trên dự đoán người Trung Quốc sẽ khó sở hữu thêm các căn hộ nội thành đắt tiền và bất động sản sang trọng ở Úc. Nhà kinh tế trưởng Jason Anderson của Công ty tư vấn Macro Plan cũng tin rằng số lượng người Trung Quốc mua căn hộ tại Úc sẽ bị chững lại.

“Trước đây, các nhà đầu tư bán cả dự án mới trong lễ khai trương. Còn bây giờ, họ chỉ bán 1/3 dự án trong khi vẫn nổ ra tranh cãi” – ông Anderson cho biết.

Cũng theo ông Anderson, có một sự tương quan rõ rệt giữa sự suy giảm giá bất động sản mà người Trung Quốc mua và dòng tiền lớn vào Úc. Một trong những nguyên nhân có thể đến từ giá bất động sản tại Thượng Hải – Trung Quốc tăng 20% trong năm nay. Vì vậy, người dân đại lục chuyển hướng đầu tư trong nước thay vì ra nước ngoài.

Nhưng ông Anderson nhận định xu hướng này sẽ sớm dừng lại một khi giá nhà đất ở Trung Quốc bão hòa. Khi ấy, làn sóng bất động sản một lần nữa sẽ lại chuyến hướng sang Úc.


Đánh bom tự sát quán café Baghdad, 16 người chết

Thủ phạm nghi là IS. Vụ việc xảy ra chỉ hai ngày sau khi xảy ra hàng loạt vụ đáng bom ở Baghdad làm gần 100 người chết, gần 200 người bị thương mà IS nhận là thủ phạm.

Sáng sớm 13-5, một nhóm phần tử vũ trang trong đó có hai kẻ đánh bom đã càn quét một quán café ở một thị trấn Balad cách thủ đô Baghdad (Iraq) 80 km về phía bắc làm ít nhất 16 người chết và 15 người bị thương, theo hãng tinABC News (Mỹ).

Ba phần tử trang bị súng máy đã nổ súng vào khách quán cà phê. Khi cảnh sát tới hiện trường, hai trong số các kẻ tấn công đã cho nổ áo khoác có bom tự sát.

Chưa nhóm nào nhận trách nhiệm nhưng có dấu hiệu của nhóm cực đoan Takfiri thuộc tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), ABC News dẫn nhận định của cảnh sát Iraq.

Vụ việc xảy ra chỉ hai ngày sau khi xảy ra hàng loạt vụ đáng bom ở Baghdad làm gần 100 người chết, gần 200 người bị thương mà IS nhận là thủ phạm.

Các vụ đánh bom của IS tuần này đã phơi bày lỗ hổng lâu năm trong an ninh Baghdad, bắt nguồn từ sự hợp tác kém của cảnh sát và quân đội.

hien truong mot vu danh bom o tp ramadi (iraq) ngay 12-5 ma is duoc cho la thu pham. (anh: afp)

Hiện trường một vụ đánh bom ở TP Ramadi (Iraq) ngày 12-5 mà IS được cho là thủ phạm. (Ảnh: AFP)

Tối 12-5, hàng trăm người đã biểu tình trên các dường phố ở vùng Sard (Baghdad) yêu cầu chính phủ giải trình trách nhiệm yếu kém về an ninh, kêu gọi các bộ trưởng nội vụ, quốc phòng và thủ tướng Haider al-Abadi phải từ chức.

Từ mùa hè nặm 2015 tại Iraq đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình chống chính phủ vì đời sống dân sinh khó khăn. Hàng loạt cải cách chính phủ al-Abadi đề ra từ tháng 8-2015 để chống tham nhũng đã không được thực hiện. Sự trì hoãn thường xuyên của nghị viện đã châm ngòi cho một làn sóng chống đối nữa do linh mục có ảnh hưởng của người hồi giáo dòng Shiite Muqtada al-Sadr dẫn dắt.

Giới chức Iraq và các nhà phân tích cảnh báo khủng hoảng chính trị đang lan rộng có thể làm xao nhãng cuộc chiến chống IS của Iraq.

Bạo lực đã tràn ngập các TP phía Bắc và phía Tây Iraq kể từ tháng 6-2014 khi IS bắt đầu đánh chiếm lãnh thổ Iraq. Số liệu mới nhất của LHQ cho biết tháng 4 vừa qua có 741 người Iraq bị giết và 1.374 người bị thương do hoạt động khủng bố, bạo lực và xung đột vũ trang. Baghdad là thành phố bị thiệt hại nặng nề nhất.

Chính phủ Iraq cho rằng lãnh thổ bị IS chiếm đóng đã giảm từ 40% còn 14% sau hàng loạt thất bại của phe khủng bố, tuy nhiên các khu vực biên giới chính giữa Iraq, Syria và thành phố lớn thứ hai Iraq, Mosul vẫn còn nằm trong tay nhóm cực đoan này.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục