Mỹ từng nhiều lần ra sức ngăn cản ý định sở hữu vũ khí hạt nhân của các đồng minh ở châu Á - Thái Bình Dương.
Tin thế giới đọc nhanh sáng 14-05-2016
- Cập nhật : 14/05/2016
Trung Quốc dịu giọng kêu gọi Mỹ giải quyết khác biệt về Biển Đông
Một quan chức quân đội cấp cao của Trung Quốc hôm nay nói rằng Trung Quốc và Mỹ nên giải quyết các bất đồng liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông theo hướng xây dựng, trong bối cảnh tàu chiến và máy bay hai nước vừa "gầm ghè" nhau ở vùng biển này.
Reuters dẫn lời ông Fang Fenghui, một thành viên của Quân ủy Trung ương Trung Quốc, với Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, rằng hai bên nên “kiềm chế các hành động gây tổn hại tới quan hệ giữa hai quân đội, hai nước”, hãng tin Xinhuahôm nay đưa tin.
Ông Fang và Tướng Dunford đã thảo luận về Biển Đông trong cuộc trao đổi qua video hôm 12/5.
Xinhua dẫn lời Tướng Dunford kêu gọi kiềm chế ở Biển Đông, và nói rằng Mỹ sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để thiết lập “một cơ chế hiệu quả về kiểm soát rủi ro nhằm duy trì sự ổn định ở Biển Đông bằng cách biện pháp hòa bình”.
Cuộc thảo luận trên diễn ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc sau khi hai bên cáo buộc nhau quân sự hóa Biển Đông. Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động cải tạo và xây dựng quy mô lớn trái phép ở Biển Đông, trong khi Mỹ tăng cường tập trận và tuần tra trong khu vực.
Hôm thứ Ba, Trung Quốc đã điều các máy bay chiến đấu bám đuổi một tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Hải quân Mỹ khi tàu này di chuyển gần một bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa, chỉ trích cuộc tuần tra là trái phép và đe dọa tới hòa bình.
Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng hoạt động tuần tra hàng hải mới nhất được tiến hành nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền hàng hải quá đáng mà Trung Quốc đang tìm cách hạn chế quyền đi lại ở Biển Đông.
Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull ngày 12/5 đã lên tiếng ủng hộ Mỹ về cuộc tuần tra mới nhất ở Biển Đông. Úc xưa nay vẫn ủng hộ các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở vùng biển này.
Giận dữ trước động thái trên của Úc, Trung Quốc nói rằng Biển Đông không và không nên là một vấn đề giữa Trung Quốc và Úc và rằng Úc không nên làm điều gì “làm tổn hại tới hòa bình và sự ổn định khu vực hay quan hệ Trung-Úc”.
Triều Tiên xuất khẩu súng ngắn sang Congo
Một nhóm chuyên gia do Liên hợp quốc cho biết Triều Tiên đã xuất khẩu súng ngắn sang CHDC Congo và cử 30 huấn luyện viên sang quốc gia Trung Phi này để giúp đào tạo.
Hãng tin Reuters ngày 12/5 dẫn báo cáo của các chuyên gia trên cho biết, các sĩ quan Congo đã xác nhận rằng số súng lục này đã được Triều Tiên chuyển đến cảng Matadi của Congo từ đầu năm 2014. Báo cáo còn chỉ rõ: "Nhóm (chuyên gia) cũng phát hiện các súng ngắn cùng loại này được bán ở chợ đen tại Kinshasa (thủ đô Congo)".
Cũng theo báo cáo trên, 30 huấn luyện viên của Triều Tiên đã được cử tới để huấn luyện cho các lực lượng đặc nhiệm và bảo vệ tổng thống Congo.
Theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, Triều Tiên bị cấm xuất khẩu vũ khí. Lệnh cấm vận vũ khí nhằm vào Congo cũng yêu cầu các nước thông báo cho ủy ban trừng phạt Hội đồng Bảo an LHQ về mọi vụ mua bán vũ khí hoặc huấn luyện sử dụng vũ khí.
Nga đang thử nghiệm vũ khí xuyên thủng mọi lá chắn tên lửa Mỹ
Mỹ kích hoạt hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu, nhưng ông Putin đã đi trước một bước chiến lược so với người đồng cấp Obama bằng siêu vũ khí U-71.
Theo chuyên gia quân sự Mike Billington đến từ tạp chí “Executive Intelligence Review”, việc Mỹ triển khai lá chắn tên lửa ở châu Âu là hành động không khôn ngoan vì nó đẩy thế giới tới một cuộc chiến tranh hạt nhân. Nhưng điều đó không khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin phải run sợ.
Trả lời trên kênh truyền hình Press TV, chuyên gia Billington cho rằng “không nghi ngờ, ông Putin là nhà chiến lược xuất sắc nhất của thời hiện đại, luôn đi trước một bước so với người đồng cấp phía Mỹ Barack Obama”.
Nguyên do là Nga chuẩn bị sở hữu loại vũ khí siêu thanh có thể khắc chế mọi hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Đó chính là phương tiện bay siêu thanh U-71 mà Nga đang thử nghiệm.
Tờ “Washington Times” cho hay lợi thế của U-71 là tốc độ và khả năng di chuyển. Có thông tin nói rằng U-71 có tốc độ gấp 10 lần vận tốc âm thanh (trên 12.000 km/giờ).
Đặc biệt, U-71 có thể mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân và được thiết kế để vượt qua hệ thống phòng thủ của Mỹ.
Các chuyên gia thuộc hãng thông tin tình báo Jane's dự đoán trong khoảng từ năm 2020-2025, Nga sẽ sở hữu loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới có khả năng mang theo U-71.
Khi đó, nhờ vào loại vũ khí mới, Nga sẽ nâng cao được vị thế của mình trong các cuộc đàm phán về vấn đề kiểm soát vũ khí.
Tướng Iran dọa đánh chìm tàu chiến Mỹ ở vịnh Ba Tư
"Bất cứ nơi nào người Mỹ có mặt tại vịnh Ba Tư, họ sẽ thấy chúng tôi. Hải quân Mỹ nên biết rằng nếu họ phạm bất cứ sai lầm nào, chúng tôi sẽ đánh chìm tàu chiến của họ", Sputnik dẫn lời Tư lệnh hải quân Iran chuẩn đô đốc Ali Fadavi cho biết.
Theo ông Fadavi, Mỹ và các đồng minh đang tìm mọi cách để tăng cường sự hiện diện hải quân tại vịnh Ba Tư, và đó là lý do khiến tình hình khu vực này luôn trong tình trạng bất ổn.
"Hiện có khoảng 60 tàu quân sự nước ngoài ở vịnh Ba Tư, hầu hết là của Mỹ, Pháp và Anh. Hải quân đang giám sát chặt chẽ các tàu này từng giờ. Sự hiện diện của Mỹ trong khu vực này là một tội ác", ông Fadavi nói.
Tư lệnh hải quân Iran cũng khẳng định vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz là một trong những vùng biển chiến lược quan trọng nhất của thế giới. Chúng đặc biệt quan trọng đối với Iran, quốc gia có đường biên giới biển dài nhất trong khu vực.
Quan hệ giữa Mỹ và Iran gần đây có xu hướng leo thang trở lại dù hai bên đã ký thỏa thuận hạt nhân giữa năm ngoái. Iran hồi đầu tháng 5 dọa sẽ cấm tàu của chiến Mỹ và các đồng minh Mỹ qua lại eo biển Hormuz do nước này kiểm soát.
Mỹ cách chức trung tá chỉ huy tàu chiến bị Iran bắt giữ
Hải quân Mỹ hôm qua cho biết đã "mất niềm tin" vào ông Rasch, người chỉ huy 400 thủy thủ trong Đội Tuần tra Duyên hải số 3, do đó ông bị cách chức và nhận nhiệm vụ khác, CBS News dẫn lại tuyên bố của lực lượng này cho hay.
Theo một quan chức Hải quân giấu tên, trung tá Rasch đã không thể hiện sự lãnh đạo hiệu quả, dẫn tới thiếu giám sát, cho thấy sự tự mãn, không thể duy trì các tiêu chuẩn của đơn vị.
Đáng chú ý, ông Rasch vừa được thăng chức từ cấp phó lên làm chỉ huy đơn vị này trong tháng 4, sau khi xảy ra vụ việc ở Iran.
Đại tá Gary Leigh, người phụ trách Đội Tuần tra Duyên hải số 3, quyết định cách chức ông Rasch sau khi kết quả điều tra sơ bộ về vụ Iran bắt giữ tàu chiến Mỹ được công bố.
Hai tàu tuần tra tốc độ cao của Mỹ cùng 9 nam thủy thủ và một nữ, hồi giữa tháng một bị Iran bắt và giam khi tàu dạt vào vùng biển của Iran ngoài khơi đảo Farsi, tiền đồn ở vịnh Ba Tư. Các thủy thủ khi đó đang trên đường từ Kuwait đến Bahrain.
Sau 15 tiếng bắt giữ, Iran đã thả 10 người này khi Washington thông báo việc hai tàu đi vào hải phận của Iran là sự nhầm lẫn, và các thủy thủ trên tàu đưa ra lời xin lỗi.