tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 05-03-2016

  • Cập nhật : 05/03/2016

Trung Quốc lo lắng trước kho nguyên liệu hạt nhân dư thừa của Nhật

Ngày 3/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã hối thúc Nhật Bản có những bước đi nhằm giải tỏa những quan ngại của quốc tế về lượng dự trữ nguyên liệu hạt nhân dư thừa của Tokyo.

nguoi phat ngon bo ngoai giao trung quoc hong loi. (anh: thx/ttxvn)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi. (Ảnh: THX/TTXVN)

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Hồng Lỗi cho biết cộng đồng quốc tế luôn quan ngại về lượng dự trữ nguyên liệu hạt nhân dư thừa của Nhật Bản, cũng như các nguy cơ liên quan tới an ninh và phổ biến hạt nhân.

Theo ông Hồng Lỗi, Bắc Kinh hy vọng Tokyo sẽ có hành động cụ thể để giải tỏa những quan ngại này của quốc tế.

Những bình luận của ông Hồng Lỗi được đưa ra sau khi ông James Acton, Giám đốc chương trình hạt nhân của Quỹ hòa bình quốc tế Carnegie, có bài phát biểu tại Nhật Bản về các nguy cơ nêu trên.

Ông Acton cảnh báo rằng các quốc gia khác trong khu vực có thể học theo Nhật Bản và tích trữ nhiều nguyên liệu hạt nhân hơn.

Theo các nhà vật lý, sản lượng plutoni của một nước không nên vượt quá nhu cầu của các nhà máy điện hạt nhân của nước đó. Ước tính, Nhật Bản hiện đang dự trữ tới 48 tấn plutoni.

Theo truyền thông Nhật Bản, trong tháng Ba này, Nhật Bản dự kiến sẽ gửi 330kg plutoni đến một trung tâm nghiên cứu ở Mỹ theo một thỏa thuận song phương được ký năm 2014.

Nhật Bản và Mỹ đã thỏa thuận với nhau về việc chuyển chất plutoni nói trên trong khuôn khổ chính sách không phổ biến hạt nhân.


Ngoại trưởng Mỹ hủy thăm Cuba vì bất đồng vấn đề nhân quyền

ngoai truong my john kerry dao pho o khu old havana nhan dip mo lai dai su quan my o cuba hoi thang 8.2015 - anh: reuters

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry dạo phố ở khu Old Havana nhân dịp mở lại Đại sứ quán Mỹ ở Cuba hồi tháng 8.2015 - Ảnh: Reuters


Ngoại trưởng John Kerry được cho đã hủy thăm Cuba vì không thống nhất được về nhóm người bất đồng chính kiến ở Cuba mà Tổng thống Barack Obama dự kiến gặp trong chuyến thăm Cuba vào cuối tháng này.
Chuyến thăm tiền trạm vào giữa tháng 3.2016 của ông Kerry để chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức của Tổng thống Obama đến Cuba đã bị hủy vì những bất đồng về vấn đề nhân quyền, Reuters ngày 4.3 dẫn 2 nguồn tin từ quan chức Mỹ.
Hồi tháng 2.2016, ông Kerry nói trong một cuộc họp của quốc hội rằng sẽ đến thăm Cuba để bàn về vấn đề được cho là "đáng quan ngại" - nhân quyền tại Cuba, trước khi Tổng thống Obama công du từ ngày 21 đến 22.3. Đây là chuyến công du đầu tiên tổng thống Mỹ sau hơn nửa thế kỷ gián đoạn quan hệ giữa 2 nước.
Theo tiết lộ của các nguồn tin, chuyến đi bị hủy vì giới chức Mỹ và Cuba tranh cãi nhiều vấn đề, trong đó liên quan đến nhóm bất đồng chính kiến mà ông Obama dự kiến sẽ gặp tại Havana.
Chưa rõ chuyến đi tiền trạm của ông Kerry bị hủy có ảnh hưởng gì đến chuyến công du của Tổng thống Obama hay không.
Tổng thống Obama tuyên bố muốn gặp những nhà hoạt động dân chủ trong chuyến thăm Cuba của ông và đây là điều kiện để có chuyến đi này. “Chúng tôi (là người) quyết định sẽ gặp ai trong chuyến đi đến nước khác”, ông Ben Rhodes, Phó trợ lý an ninh quốc gia của ông Obama nói hồi tháng 2.2016, theo tờ Los Angeles Times.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby không bình luận về thông tin chuyến đi của ông Kerry bị hủy, nói rằng không có thông tin mới về chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ. 
“Ngoại trưởng vẫn mong muốn được thăm (Cuba) trong tương lai gần và chúng tôi đang phối hợp với phía Cuba với hy vọng chuyến đi sẽ thành hiện thực trong thời gian thích hợp nhất”, ông Kirby phát biểu trong một thông cáo.
Chủ tịch Cuba Raul Castro từng tuyên bố nước này mở cửa, cải cách kinh tế nhưng không thay đổi hệ thống chính trị. Trong khi đó, ông Josefina Vidal, người phụ trách quan hệ với Mỹ của Bộ Ngoại giao Cuba, mô tả việc Mỹ chăm chăm vào vấn đề nhân quyền là “đạo đức giả”, theo Los Angeles Times.
Hồi tháng 2.2016, chính phủ Cuba cho phép 7 nhà bất đồng chính kiến đã được trả tự do đi du lịch nước ngoài; đây được xem là một động thái “cởi mở” mà Havana muốn thể hiện trước chuyến thăm lịch sử của ông Obama.

Sai lầm chí mạng khiến Trung Quốc đánh mất "thời cơ vàng"

Ảo tưởng lớn nhất của Trung Quốc là tin rằng họ có thể dùng sức mạnh "nền kinh tế số 2 thế giới" để chia tách khối đồng minh Washington và qua mặt Mỹ.

Ảo tưởng của Bắc Kinh

Chính phủ Australia mới đây đã công bố sách trắng quốc phòng, trong đó bao gồm "kế hoạch nâng cấp hải quân toàn diện nhất kể từ Thế chiến II".

Đồng thời, Canberra cũng thẳng thừng chỉ trích hoạt động xây dựng đảo nhân tạo mà tiến hành phi pháp trên biển Đông, khiến Bắc Kinh tức giận.

Chuyên gia Vasily Kashin thuộc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga hôm 1/3 đã đăng tải bài phân tích trên mạng Sputnik (Nga), đánh giá về khả năng diễn biến của tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện nay.

Không cần nghi ngờ gì, Australia có ý định xây dựng lực lượng hải quân hiện đại và mạnh mẽ hơn, về lý thuyết ngoại trừ mục đích đối trọng với Trung Quốc thì không còn lý do nào phù hợp hơn.

Theo ông Kashin, trọng điểm chính sách quốc phòng của Australia không nằm ở đối phó mối đe dọa địa chính trị đến từ Trung Quốc, mà tập trung vào chính sách "hợp tác, hỗ trợ Mỹ" cùng kiềm chế Trung Quốc.

Australia nâng cao sức mạnh quân sự không tách rời mối quan hệ liên minh giữa nước này với Washington.

"Nguồn lực của Canberra có hạn, trong khi Mỹ nợ nần nhiều và bị sa lầy trong cuộc khủng hoảng Ukraine cũng như xung đột Syria.

Vì vậy, vai trò của Australia trong liên minh với Mỹ được nâng cao một cách tự nhiên. Sức mạnh quân sự của họ sẽ được tăng cường, cũng như phạm vi mà sức mạnh đó được sử dụng," ông Kashin nói.

Quá trình này sẽ không chỉ giới hạn ở việc phát triển sức mạnh quân sự của đồng minh của Mỹ trong khu vực.

Học giả Kashin chỉ ra, các cụm từ như "tự do hàng hải" và "mối đe dọa Trung Quốc" sẽ ngày càng được nghe thấy một cách thường xuyên. Đây là luồng quan điểm được cho là có thể ảnh hưởng đến cả một thế hệ chính khách mới ở châu Á-Thái Bình Dương.

"Bất chấp Australia là nhà cung cấp tài nguyên khoáng sản quan trọng nhất cho Trung Quốc, còn Bắc Kinh đóng vai trò 'đầu tàu' trong sự phát triển kinh tế của khu vực châu Đại Dương, điều này cũng không ngăn cản được xu thế liên minh kiềm chế Trung Quốc.

Sức mạnh kinh tế sẽ không tự động chuyển hóa thành sức mạnh chính trị vì còn thiếu rất nhiều điều kiện cần."

ke hoach nang cap quan doi australia duoc danh gia la nham tang cuong muc do kiem che trung quoc cua lien minh my-australia. (anh minh hoa)

Kế hoạch nâng cấp quân đội Australia được đánh giá là nhằm tăng cường mức độ kiềm chế Trung Quốc của liên minh Mỹ-Australia. (Ảnh minh họa)

Ông Vasily Kashin nhận định: "Hàng chục năm qua, Trung Quốc đã quá ảo tưởng về hiệu quả của ngoại giao bằng kinh tế mà đánh giá thấp ảnh hưởng của chính trị, ý thức hệ, quân sự cùng nhiều nhân tố khác.

Trong suốt một thời gian dài, người Trung Quốc vẫn nhận định rất ngây thơ rằng chỉ cần gia tăng quy mô đầu tư và thương mại là đủ để tranh giành sức ảnh hưởng với Mỹ trong khu vực."

Trong cuộc trưng cầu đăng trên Thời báo Hoàn Cầu sáng nay (3/3), hơn 80% người tham gia khảo sát đồng ý với quan điểm của Vasily Kashin rằng Trung Quốc không thể thắng Mỹ nếu chỉ dựa vào sức mạnh kinh tế.

"Thời cơ vàng" đã trôi qua

Bắc Kinh vốn tin rằng "núi tiền" của họ sẽ tác động phần nào đến chính sách của các đồng minh với Mỹ như Hàn Quốc hay Australia.

Thế nhưng trong tình hình khu vực hiện nay, Trung Quốc không có chính sách ngoại giao linh hoạt và tích cực, không có ý thức hệ "ăn khách" như Hàn Quốc, không cơ chế đối thoại trực tiếp thích hợp với nhiều tầng lớp dân chúng của các nước láng giềng.

Đó là những nguyên nhân chính khiến Bắc Kinh dù "rót" nhiều tiền cũng khó đạt được mục đích của mình trong cuộc cạnh tranh địa vị với Washington.

trong nhieu thap ky, trung quoc da tuan thu chinh sach ngoai giao dung kinh te de gia tang anh huong chinh tri. (anh minh hoa)

Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã tuân thủ chính sách ngoại giao dùng kinh tế để gia tăng ảnh hưởng chính trị. (Ảnh minh họa)

 

Trong quá khứ, Trung Quốc đã thành công với chiến lược"taoguangyanghui" (kiềm chế và mềm mỏng với các nước lớn) của Đặng Tiểu Bình và đạt được những đột phá về chính trị, kinh tế, quân sự trong 3 thập kỷ qua.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, ở Trung Quốc đã xuất hiện những điều kiện để thay đổi chiến lược này, đồng thời thúc đẩy chuyển biến chính sách phát triển mô hình kinh tế.

Thế nhưng, chuyên gia người Nga chỉ ra, đáng tiếc là Bắc Kinh đã tuột mất "thời cơ vàng", cả trên lĩnh vực kinh tế lẫn chính trị, để bắt đầu một thời đại mới.

"Những cải tổ cần thiết thì tiến hành quá muộn và quy mô bị hạn chế, nguyên nhân bởi sức cản khổng lồ đến từ tầng lớp tinh anh của Trung Quốc vốn đã quá quen với lối sinh hoạt cũ.

Mặc dù vài năm qua Bắc Kinh giành được một vài lợi thế về chiến lược trong vấn đề biển Đông, thúc đẩy được quan hệ với một số nước láng giềng Đông Nam Á.

Nhưng Bắc Kinh đồng thời trao cho Mỹ cơ hội củng cố mạnh mẽ quan hệ với các đồng minh truyền thống về quân sự, hay kinh tế thông qua Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP)," ông Kashin phân tích.

Khối đồng minh của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương trở nên hùng mạnh hơn đã là thực tế diễn ra trước mắt.

"Nếu Bắc Kinh không thể xây dựng liên minh cho mình, không chế định được mô hình quan hệ đồng minh đủ lôi cuốn thì họ không có cơ hội níu chân Mỹ," Kashin kết luận. 


Ukraine kháng kiện vụ nợ tiền của Nga

ukraine cho biet se khang kien vu no tien cua nga tai toa toi cao anh - anh: bloomberg

Ukraine cho biết sẽ kháng kiện vụ nợ tiền của Nga tại tòa tối cao Anh - Ảnh: Bloomberg


Ukraine đã nhận được thông báo về vụ kiện của Nga đòi khoản nợ 3 tỉ USD và cho biết sẽ kháng kiện tại Tòa án tối cao của Anh, RIA dẫn tuyên bố của Bộ Tài chính của Ukraine ngày 3.3.

Ngày 17.2, Nga đã đệ đơn kiện tại Tòa án Tối cao Anh để thu hồi nợ đối với trái phiếu của Ukraine, với tổng trị giá 3,075 tỉ USD. Kiev đã được thông báo đến ngày 4.3 phải cung cấp cho tòa toàn bộ hồ sơ chống lại đơn kiện của Nga. Sau đó, quá trình xét xử sẽ chính thức bắt đầu.

"Ukraine đã đệ trình hồ sơ lên Tòa án tối cao của nước Anh, xác nhận đã nhận được các văn bản tố tụng, đồng thời thông báo ý định sẽ phản bác tất cả các đòi hỏi mà Công ty The Law Debenture Trust Corporation đưa ra để yêu cầu Ukraine trả nợ cho Nga. Ukraine khẳng định cương quyết bảo vệ lập trường quan điểm của mình trong vụ kiện này", Bộ Tài chính Ukraine cho biết trong tuyên bố.

Bộ Tài chính Ukraine cũng thông báo đã mời công ty luật quốc tế Quinn Emanuel Urquhart & Sullivan tham gia làm đại diện cho Ukraine tại phiên tòa.


Quỹ đầu tư châu Á: 'Nên mua chứng khoán Việt Nam'

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM - Ảnh: Bloomberg
Một quỹ đầu tư châu Á từng đánh bại các quỹ khác khi bán tháo cổ phiếu Trung Quốc trong đợt lao dốc chứng khoán năm qua cho rằng Việt Nam và Philippines là hai thị trường đem lại cơ hội tốt nhất ở châu Á.
Theo Bloomberg, nhà điều hành quỹ FengHe Asia Fund Deng Jiewen và người đồng sáng lập hãng F&H Fund Management Matt Hu cho biết trong một buổi phỏng vấn rằng các nền kinh tế Đông Nam Á đang thể hiện tốt hơn Trung Quốc trong việc thúc đẩy tiêu dùng trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài.
Hai nhà đầu tư tiếp tục bi quan về nền kinh tế lớn nhất châu Á và cho hay những cơ hội tốt nhất trong khu vực hiện nằm ở Việt Nam, Philippines.
Ông Deng cho rằng chứng khoán Trung Quốc đang đối mặt với con đường khó khăn phía trước. FengHe Asia Fund là một trong số ít các quỹ đầu tư đổ tiền vào những thị trường nhỏ hơn ở châu Á khi triển vọng kinh tế Trung Quốc xấu đi.
John Foo, nhà điều hành quỹ đầu tư Kingsmead Asset Management ở Singapore, từng gọi Việt Nam là “ngôi sao sáng trong đêm tối” ở châu Á hồi năm 2015.
“Chúng tôi vẫn còn khá lạc quan về kinh tế Việt Nam và tăng trưởng trong lợi nhuận công ty ở đây. Philippines thì có cơ cấu nhân khẩu học và kinh tế mạnh mẽ. Đất nước này ngày càng thân thiện hơn với nguồn vốn nước ngoài”, ông Deng nói.
Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2016 nhờ tăng nhu cầu trong nước và đầu tư nước ngoài. Đây là số liệu tăng trưởng mục tiêu thuộc hàng cao nhất thế giới. Giới đầu tư ngoại tăng thêm 100 triệu USD vào lượng cổ phần Việt Nam mà họ nắm giữ trong năm 2015, trong khi các thị trường châu Á khác chứng kiến dòng vốn thoái.
Ở Philippines, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 16,4% trong tháng 11.2015 đến mức 464 triệu USD, nâng tổng tiền đầu tư trong 11 tháng đầu năm 2015 lên 5,5 tỉ USD, theo số liệu ngân hàng trung ương nước này.

 


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục