Bất chấp Trung Quốc, Mỹ-Hàn đàm phán hệ thống đánh chặn
Philippines bắt tàu Triều Tiên sau lệnh trừng phạt của LHQ
Tàu Trung Quốc lởn vởn gần tàu sân bay Mỹ ở biển Đông
Ngân sách quốc phòng Trung Quốc sẽ tăng 7,6%
Nhật Bản cho Philippines thuê máy bay tuần tra biển Đông
Tin thế giới đọc nhanh trưa 05-03-2016
- Cập nhật : 05/03/2016
Dân Nga ủng hộ ông Putin tiếp tục làm tổng thống
Hãng Reuters cho biết một thăm dò cấp nhà nước được tiến hành mới đây chứng tỏ sự ủng hộ to lớn người dân dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin. Khảo sát này dự đoán vị tổng thống sẽ tiếp tục giành được sự tín nhiệm cho vị trí tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa, với tỉ lệ ủng hộ hiện đạt ngưỡng cao nhất trong vòng bốn năm qua.
Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu dư luận xã hội toàn Nga (VTsIOM), 74% người Nga bỏ phiếu cho ông Putin tái đắc cử tổng thống.
Ông Putin hoàn toàn thống trị truyền thông nhà nước ở Nga và được cho là sẽ tiếp tục tham gia tranh cử tổng thống vào năm 2018. Nếu đắc cử, đây sẽ là lần thứ tư ông giữ cương vị tổng thống Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì một cuộc họp tại điện Kremlin ở Moscow, Nga tháng 3-2016. (Ảnh: Reuters)
Ông Putin đã tận dụng cuộc xung đột ở Ukraine và Syria để gia tăng mức độ phổ biến của mình, với thông điệp rằng Nga sẽ tiếp tục là lực lượng được nhắc đến trên đấu trường thế giới được nhiều cử tri ủng hộ.
Theo VTsIOM, t lệ ủng hộ ông Putin đã tăng lên trong nhiều nhóm xã hội, trong đó có những người trẻ. Đồng thời, mức độ ủng hộ ông cũng tăng dần trong những năm gần đây. Hồi năm 2012, một cuộc thăm dò cho thấy chỉ 40% dân Nga bỏ phiếu cho ông Putin tái đắc cử.
“Ngay cả khi có nhiều người nghĩ rằng tổng thống chưa hoàn thành được lời hứa trước khi đắc cử của mình, 70% dân Nga vẫn sẵn sàng ủng hộ ông Putin” - VTsIOM cho biết.
Nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm 2018, ông Putin sẽ tiếp tục đảm nhiệm chức vị tổng thống cho đến năm 2024. Đến thời điểm đó, ông đã hơn 70 tuổi và sẽ không được tiếp tục tranh cử do quy định của hiến pháp về việc đương nhiệm hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Sau hai nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, năm 2008 ông Putin nhường chức tổng thống cho thủ tướng Nga Dmitry Medvedev trước khi tiếp tục ngồi vào vị trí chủ điện Kremlin vào năm 2012.
Kim Jong-un yêu cầu quân đội sẵn sàng dùng vũ khí hạt nhân
"Chúng ta phải luôn sẵn sàng bắn đầu đạn hạt nhân bất cứ lúc nào", hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA dẫn lời ông Kim Jong-un, tuyên bố khi ông giám sát một cuộc diễn tập hệ thống phóng đa tên lửa mới. KCNAkhông nêu rõ ngày tổ chức cuộc tập trận nhưng nói rằng vũ khí mới có thể bắn đến Hàn Quốc.
Ông Kim Jong-un nói rằng Triều Tiên nên "tăng cường lực lượng hạt nhân cả về chất lượng và số lượng". "Bây giờ là lúc chúng ta phải chuyển chế độ phòng ngự thành tấn công phủ đầu kẻ thù", ông nói.
Triều Tiên trước đó đã đe dọa tấn công phủ đầu đối thủ gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Triều Tiên chưa phát triển được khả năng bắn tên lửa tầm xa với đầu đạn thu nhỏ.
Triều Tiên hôm qua phóng một số tên lửa tầm ngắn ra vùng biển ngoài khơi phía đông nước này, không lâu sau khi bị Liên Hợp Quốc áp đặt thêm trừng phạt vì vụ thử hạt nhân ngày 6/1 và phóng vệ tinh ngày 7/2.
Hải quân bốn nước tuần tra biển Đông?
Đô đốc Harry B. Harris Jr., tư lệnh bộ chỉ huy Thái Bình Dương (Mỹ), đã đề nghị thiết lập liên minh hải quân bốn nước Mỹ, Úc, Nhật và Ấn Độ. Đề nghị trên được đưa ra tại cuộc hội thảo Đối thoại Raisina tại New Delhi (Ấn Độ) tối 2-3.
Đối thoại Raisina do Bộ Ngoại giao Ấn Độ và Quỹ Nghiên cứu nhà quan sát (Ấn Độ) tổ chức theo mô hình tương tự Đối thoại Shangri-La ở Singapore.
Ông Harry Harris đề nghị bốn nước đã nêu và các nước khác có cùng quan điểm có thể tiến hành tuần tra tự do hàng hải ở bất kỳ nơi nào.
Theo báo The Hindu (Ấn Độ), ông Harry Harris tiết lộ năm ngoái, tại hội nghị ba bên Ấn Độ-Nhật-Úc đầu tiên, các bên đã thảo luận về an ninh hàng hải, trong đó có tuần tra tự do hàng hải và hợp tác ba bên ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Ông đề nghị nay cần xem xét ý tưởng mở rộng hợp tác ba bên thành bốn bên, trong đó có thêm Mỹ.
Ông khẳng định mục đích tăng cường hợp tác quân sự nhằm cải thiện tình hình an ninh và thịnh vượng khu vực.
Binh sĩ Mỹ từ tàu USS Antietam quan sát tàu sân bay Ấn Độ INS Viraat trong cuộc tập trận đầu năm 2016. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Ông ám chỉ đến Trung Quốc khi phát biểu: “Trong khi một số nước tìm cách dọa nạt các nước nhỏ bằng dọa dẫm và ép buộc, tôi nhận thấy Ấn Độ tiêu biểu cho cách thức giải quyết hòa bình các tranh chấp với các nước láng giềng ở Ấn Độ Dương”.
Phía Mỹ cũng thông báo chuẩn bị ký kết thỏa thuận về hậu cần để hải quân hai nước có thể sử dụng tài nguyên của nhau trong quá trình tiếp liệu và sửa chữa.
Báo New York Times ghi nhận đề nghị thiết lập liên minh hải quân bốn nước là đề nghị mới nhất trong hàng loạt đề nghị Mỹ nêu với Ấn Độ nhằm đối phó với chiến lược bành trướng trên biển của Trung Quốc.
Năm 2007, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã từng đưa ra ý tưởng hợp tác hải quân bốn nước. Trung Quốc đã có phản ứng ngoại giao gay gắt và gọi đó là “NATO thu nhỏ”. Sau đó, Úc tuyên bố rút khỏi liên minh.
Báo Washington Post ghi nhận tại Ấn Độ, từ khi Thủ tướng Narendra Modi cầm quyền hồi tháng 5-2014, Ấn Độ đã gia tăng hợp tác hải quân với Mỹ.
Năm 2014, Ấn Độ đã bày tỏ giận dữ khi tàu ngầm Trung Quốc cập cảng Colombo (Sri Lanka). Ấn Độ cũng thận trọng quan sát dự án “con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc nhằm nối liền cảng Gwadar (Pakistan) với cảng Chittagong (Bangladesh).
Năm ngoái, khi Tổng thống Obama đến thăm Ấn Độ, hai nước đã công bố Tuyên bố chung về khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Tuy nhiên, báo New York Times nhận xét dù Mỹ hồ hởi nhưng đến giờ Ấn Độ chưa mặn mà với ý định tuần tra chung với Mỹ dù với danh nghĩa không đụng chạm đến ai như tuần tra chống hải tặc.
Dự kiến Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter và Thứ trưởng Quốc phòng Frank Kendall sẽ đến Ấn Độ vào tháng tới. Đây là chuyến thăm Ấn Độ lần thứ hai trong vòng một năm của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
Cấm vận sẽ bóp nghẹt kinh tế Triều Tiên
Hãng tin Yonhap dẫn nguồn từ quân đội Hàn Quốc ghi nhận đây là lần đầu tiên trong năm nay Triều Tiên bắn tên lửa tầm ngắn. Quân đội Hàn Quốc lo ngại sẽ có thêm nhiều hành động khiêu khích tiếp theo và đang giám sát chặt chẽ động thái của Triều Tiên.
Trước đó, toàn bộ 15 nước Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua Nghị quyết 2270 trừng phạt CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ tư (ngày 6-1) và sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo (ngày 7-2). Đây là nghị quyết thứ tư về vấn đề hạt nhân Triều Tiên sau ba nghị quyết năm 2006, năm 2009 và năm 2013.
Nghị quyết 2270 yêu cầu phong tỏa các phương tiện giao thông đường bộ, đường biển và đường hàng không nhằm làm kiệt quệ nguồn thu nhập của Triều Tiên. Nội dung nghị quyết gồm các điểm chủ yếu như sau:
- Giám sát toàn diện mọi tàu bè ra vào Triều Tiên. Lần đầu tiên cấm Triều Tiên xuất khẩu than đá, thép và các loại quặng khác. Cấm các chuyến bay Triều Tiên bị nghi ngờ chở hàng cấm.
- Bổ sung 12 doanh nghiệp, tổ chức và 16 cá nhân vào danh sách cấm vận (phong tỏa tài sản, cấm ra nước ngoài). Như vậy đã có 32 doanh nghiệp, tổ chức và 28 cá nhân bị cấm vận, trong đó có chính phủ Triều Tiên và đảng Lao động Triều Tiên.
- Nghị quyết 2270 đưa ra danh sách 31 tàu thuộc Công ty Quản lý đường biển (OMM) của Triều Tiên. Số hàng cao cấp bị cấm tăng từ bảy lên 12 mặt hàng.
- Cấm Triều Tiên nhập khẩu vũ khí hạng nhẹ. Cấm điều động, tiếp nhận sĩ quan và cố vấn quân sự nhằm mục đích huấn luyện.
Song song đó, Mỹ đã đơn phương áp đặt lệnh trừng phạt. Mỹ đã đưa năm chủ thể và 11 cá nhân Triều Tiên vào danh sách cấm vận, trong đó năm chủ thể gồm Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên, Học viện Quốc phòng, Bộ Công nghiệp năng lượng nguyên tử, Tổng cục Phát triển hàng không-vũ trụ và Quân ủy trung ương.
Yonhap ghi nhận Nghị quyết 2270 là biện pháp trừng phạt nặng nề nhất từ trước đến nay và chắc chắn sẽ tác động đến kinh tế Triều Tiên.
Than anthracite (than hoạt tính) và quặng sắt là mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất của Triều Tiên. 45% xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc là than anthracite (1,05 tỉ USD) và quặng sắt (72 triệu USD). Dự kiến khi quặng mỏ Triều Tiên bị cấm xuất khẩu, GDP sẽ giảm 4,3% so với năm 2014. Công tác kiểm soát hàng hóa Triều Tiên qua đường biển, đường bộ và đường hàng không sẽ làm phí tăng lên.
Ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm 2016 tăng 7-8%
Dự kiến mức tăng ngân sách quốc phòng năm 2016 của Trung Quốc chỉ khoảng 7-8% so với năm 2015 do ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế nước này - Ảnh: Reuters
Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2016 sẽ tăng khoảng 7-8% so với năm 2015, hãng tin RIA (Nga) dẫn thông báo hôm 4.3 của phát ngôn viên Đại hội Đại biểu Nhân dân (Quốc hội) Trung Quốc, bà Phó Oánh.
"Ngân sách quân sự của Trung Quốc trong năm nay vẫn sẽ tăng, nhưng mức tăng thấp hơn so với năm ngoái, năm nay sẽ tăng khoảng 7-8%", bà Phó Oánh phát biểu tại cuộc họp báo trước kỳ họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc, cơ quan lập pháp cao nhất ở Trung Quốc, sẽ bắt đầu diễn ra vào ngày thứ bảy 5.3.
Bà Phó Oánh cho biết rằng con số chính xác sẽ được công bố vào ngày 5.3, khi dự thảo ngân sách được trình lên Quốc hội.
Ngân sách quân sự của Trung Quốc lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ. Năm 2015, chi tiêu quân sự của Trung Quốc lên tới 135 tỉ USD, tăng 10,1% so với năm 2014, là mức tăng thấp nhất trong 5 năm. Năm 2014, ngân sách quân sự của Trung Quốc tăng 12,2%, năm 2013 là 10,7%, năm 2012 là 11,2% và năm 2011 tăng 12,7% so với năm trước đó.