Trung Quốc đang ra sức lôi kéo sự ủng hộ từ một số nước Đông Nam Á nhằm tạo tiền đề thuận lợi cho các tuyên bố về vấn đề Biển Đông mà nước này muốn đưa ra.
Tin thế giới đọc nhanh sáng 05-05-2016
- Cập nhật : 05/05/2016
Trung Quốc sẽ diễn tập tàu ngầm, chiến hạm tiên tiến ở Biển Đông
Xinhua cho biết các tàu, bao gồm một tàu khu trục tên lửa dẫn đường, sẽ tham gia diễn tập chống ngầm, chống tên lửa và các bài tập khác.
Họ không nói chính xác nơi các cuộc tập trận sẽ diễn ra, nhưng nhấn mạnh rằng đây là hoạt động thường xuyên và đã được lên kế hoạch cho năm nay.
Theo Reuters, Trung Quốc thỉnh thoảng công bố các cuộc diễn tập như vậy ở Biển Đông, khi nước này cố gắng chứng minh họ minh bạch về việc triển khai quân sự.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối quốc tế. Nước này tìm cách hiện thực hóa yêu sách chủ quyền bằng các hoạt động cải tạo và xây dựng trên một số bãi đá ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. Bắc Kinh hôm 2/5 còn điều một tấn công đổ bộ 20.000 tấn, đưa đội văn nghệ tới phục vụ lực lượng đồn trú phi pháp tại đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam,
Việt Nam có chủ quyền không thể chối cãi với Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam khẳng định mọi hoạt động xây dựng của nước ngoài tại hai quần đảo này, mà không được phép của Hà Nội, đều phi pháp và vô giá trị.
Nga trì hoãn nghị quyết lên án Triều Tiên thử tên lửa
Ngày 3/5, một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhằm lên án các vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên, đã bị hoãn sau khi Nga sửa đổi một tuyên bố được 14 thành viên còn lại nhất trí.
HĐBA LHQ ngày 29/4 đã nhóm họp (ảnh) để thảo luận về một dự thảo tuyên bố tăng cường trừng phạt Triều Tiên liên quan đến các vụ thử tên lửa đạn đạo của nước này. Ảnh: EPA/TTXVN
Triều Tiên đã bắn thử 2 vật thể được cho là tên lửa đạn đạo tầm trung hôm 28/4, song đều thất bại. Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lưu Kết Nhất cho biết HĐBA đang làm việc nhằm nhất trí về một biện pháp phản hồi các vụ thử này.
Tuy nhiên, theo Reuters, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin hôm 2/5 nói rằng Moskva đã thêm vào "một số điểm rất giá trị" vào dự thảo tuyên bố của HĐBA, song phía Mỹ lại đang xem xét "một cách không vui vẻ". Ông Churkin nêu rõ: "Chúng ta cần phải nói thẳng vào vấn đề, và chúng tôi cho rằng việc yêu cầu các bên liên quan giảm quy mô hoạt động quân sự trong khu vực là rất quan trọng". Ông Churkin ám chỉ các động thái của Mỹ và Hàn Quốc, sau khi Nga và Trung Quốc hôm 29/4 kêu gọi Mỹ chớ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa mới ở Hàn Quốc.
Một nhà ngoại giao giấu tên trong HĐBA nhận định: "Triều Tiên rõ ràng đang hành động một cách nguy hiểm và khiêu khích, và mọi thành viên của HĐBA đều quan ngại về điều này, trừ Nga. Đáng nói là các sửa đổi được Nga đề xuất không nhằm vào Triều Tiên, mà lại nhằm vào các quốc gia tìm cách tự vệ trước mối đe dọa này".
Trong động thái phản ứng, Phó Đại sứ Anh tại LHQ Peter Wilson cho hay: "HĐBA cần phản hồi nhanh chóng, chúng tôi không hiểu lý do Nga trì hoãn trong khi tất cả các thành viên khác của HĐBA, trong đó có Trung Quốc, có thể nhất trí".
Iran doạ "cấm cửa" Mỹ ở eo biển Hormuz
Iran sẽ đóng cửa eo biển Hormuz chiến lược (ở Vịnh Persia) đối với Mỹ và các đồng minh của Washington nếu họ "đe doạ" nước Cộng hoà Hồi giáo này.
Ngày 4/5, Quyền Tư lệnh Quân đoàn Vệ binh Cách mạnh Hồi giáo Iran, Tướng Hossein Salami đã đưa ra tuyên bố trên.
Truyền thông Iran dẫn lời ông Salami nhấn mạnh: "Nếu người Mỹ và các đồng minh của họ trong khu vực muốn đi qua eo biển Hormuz và đe doạ chúng tôi, thì chúng tôi sẽ không cho phép họ đi vào".
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei hôm 2/5 chỉ trích các cuộc tập trận của Mỹ ở Vịnh Persia. Hiện gần 1/3 tổng khối lượng dầu mỏ giao dịch bằng đường biển được vận chuyển qua eo biển Hormuz.
Mỹ ra hạn chót buộc Tổng thống Assad "chuyển tiếp chính trị"
Ngày 1/8 sẽ là thời hạn chót để chính quyền Damascus khởi động tiến trình chuyển tiếp chính trị, Ngoại trưởng Mỹ John Kery nói.
Trung Quốc đưa tàu đổ bộ 20.000 tấn đến Trường Sa
Theo Sina, Trung Quốc tối 2/5 tổ chức buổi liên hoan văn nghệ trên đá Chữ Thập phục vụ binh lính và công nhân đồn trú phi pháp tại các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trang mạng đăng kèm hình ảnh tàu đổ bộ 20.000 tấn Côn Lôn Sơn 998 neo tại cầu cảng ở đá Chữ Thập.
Côn Lôn Sơn 998 là tàu tấn công đổ bộ Type 071, do Trung Quốc tự chế tạo, được biên chế cho Hạm đội Nam Hải năm 2007. Tàu có lượng giãn nước toàn tải khoảng 25.000 tấn, dài 210 m, rộng 28 m, cao 7 m, tốc độ 45 km/giờ.
Tàu có thể vận chuyển một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ, 15 - 20 xe bọc thép, 4 trực thăng Z-8 và tàu đổ bộ đệm khí. Vũ khí trên Côn Lôn Sơn 998 gồm pháo hạm AK-176 76 mm, pháo hạm H/PJ-26, thiết bị phóng tên lửa. Trung Quốc sử dụng tàu Type 071 vận chuyển binh sĩ, xe bộ binh, xe tăng, để triển khai tác chiến đổ bộ, và máy bay, nhằm thực hiện đánh chiếm đảo, mục tiêu trên biển.
Côn Lôn Sơn 998 từng tham gia hộ tống giàn khoan Hải Dương 981 hồi tháng 5/2014 khi giàn khoan này tiến vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Trung Quốc hiện có 4 tàu đổ bộ Type 071, trong đó đã đưa vào sử dụng cho Hạm đội Nam Hải ba tàu mang tên Côn Lôn Sơn 998, Tĩnh Cương Sơn 999, Trường Bạch Sơn 989. Tàu Nghi Mông Sơn 988 đang trong quá trình thử nghiệm và tương lai tiếp tục được biên chế cho Hạm đội Nam Hải, phụ trách hoạt động tại khu vực Biển Đông.