Giáo sư Carl Thayer (Australia) cho rằng chuyến thăm của Ngoại trưởng Nhật đến Việt Nam là một phần nỗ lực của Tokyo muốn tăng cường quan hệ với ASEAN để đối phó Trung Quốc.
Tin thế giới đọc nhanh trưa 04-05-2016
- Cập nhật : 04/05/2016
Báo Anh đưa tin Đức tìm cách lập quân đội châu Âu
Theo tờ "Thời báo Tài chính" (Anh) ngày 2/5, Đức đang tìm cách thúc đẩy kế hoạch thành lập quân đội châu Âu bằng các đề xuất về việc chia sẻ nguồn lực quân sự và xây dựng sở chỉ huy hỗn hợp.
Từ trước đến nay, Đức không mấy mặn mà với việc hình thành "liên minh quốc phòng châu Âu". Vì vậy, những điều chỉnh về chính sách chứng tỏ ảnh hưởng của Đức đang ngày càng gia tăng tại châu Âu.
Bên cạnh đó, Đức cũng thể hiện niềm tin vào việc theo đuổi chính sách đối ngoại được sức mạnh cứng hậu thuẫn. Đề xuất của Đức bao gồm các biện pháp tăng cường khả năng tác chiến mạng, giảm bớt rào cản thời hậu chiến...
Những người ủng hộ việc Anh ra khỏi EU (Brexit) có thể tranh thủ văn bản này để tiếp tục vận động cử tri rằng Đức đang tìm cách "lái" EU theo đường hướng và ảnh hưởng riêng của họ. Trong khi đó, Đức cũng hiểu việc họ kêu gọi châu Âu tăng cường hợp tác về quốc phòng sẽ tác động đến cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 23/6 tại Anh.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Liam Fox, người ủng hộ Brexit, cáo buộc Đức không sẵn sàng tăng chi tiêu quân sự, dù hối thúc châu Âu hợp tác quốc phòng. Theo tờ "Thời báo Tài chính", Đức có kế hoạch công bố Sách trắng Quốc phòng vào tháng 7/2016.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hối thúc Quốc hội phê chuẩn TPP
Trong một bước đi nhằm gây sức ép với Quốc hội do phe Cộng hòa toàn quyền kiểm soát, ngày 2/5, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng việc Trung Quốc đang thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) làm nổi bật sự cấp bách của việc Quốc hội Mỹ phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trong một bài xã luận được đăng tải trên trang mạng của tờ Washington Post cùng ngày, Tổng thống Obama cho rằng việc Trung Quốc đang đàm phán RCEP sẽ khiến Mỹ bất lợi khi bị cô lập với một số thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới và đặt việc làm, hoạt động kinh doanh và hàng hóa của Mỹ vào thế nguy hiểm.
Trong khi đó, Tổng thống Obama khẳng định TPP sẽ cho phép Mỹ "nắm quyền chi phối" về thương mại với châu Á và đó là lý do Chính phủ Mỹ chủ trương phối hợp chặt chẽ với các nhà lãnh đạo Đồi Capitol để TPP nhận được sự phê chuẩn của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Trên thực tế, Tổng thống Obama đã đẩy nhanh các nỗ lực nhằm hoàn tất TPP trước khi ông rời nhiệm sở vào ngày 20/1/2017. Tuy nhiên, Nhà Trắng cần phải vượt qua được quan điểm phản đối của nhóm nghị sỹ cánh tả trong đảng Dân chủ và các nghị sỹ cánh hữu bên đảng Cộng hòa.
Tâm lý lo lắng của cử tri Mỹ về sự ảnh hưởng của TPP đối với việc làm và môi trường cũng là một chủ đề trọng tâm trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ 2016.
Trong bài xã luận trên, Tổng thống Obama nói rằng ông thấu hiểu sự hoài nghi của cử tri, song "việc xây các bức tường tự cô lập chúng ta với nền kinh tế thế giới" sẽ gây phản tác dụng đối với chính nền kinh tế Mỹ.
Tháng Hai vừa qua, Bộ trưởng Thương mại của 12 nước tham gia đàm phán TPP gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam đã tham dự lễ ký kết để xác thực lời văn của TPP tại Auckland (New Zeland).
Sau lễ ký chính thức, các nước sẽ tiến hành thủ tục phê chuẩn hiệp định này theo quy định của pháp luật nước mình.
Hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo bằng văn bản về việc các bên đã hoàn thành thủ tục pháp lý nội bộ. Theo các nhà kinh tế, TPP chiếm 40% kinh tế toàn cầu và bổ sung cho GDP của thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.
Trong khi đó, RCEP gồm 10 nước thành viên ASEAN và 6 nước đối tác - gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Tiến trình đàm phán RCEP được khởi động từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn tất, do những bất đồng liên quan đến vấn đề về quy mô và phương thức đàm phán.
Nếu được thành lập, RCEP sẽ tạo ra một "sân chơi" mới, chiếm 45% dân số thế giới với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chiếm khoảng 1/3 tổng GDP của toàn cầu hiện nay, giúp thúc đẩy mạnh tăng trưởng thương mại và đầu tư trong khu vực.
Hồi tháng Ba vừa qua, phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2016, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã kêu gọi các nước liên quan hoàn tất đàm phán về RCEP ngay trong năm nay.
Rơi trực thăng ở Viễn Đông Nga
Toàn bộ 3 người trên chiếc trực thăng tư nhân Robinson R44 được xác nhận đã thiệt mạng sau khi máy bay này rơi ở vùng Viễn Đông của Nga.
Những người trượt tuyết ở đây đã gọi báo cho cơ quan khẩn cấp về vụ việc. Thời điểm xảy ra sự cố, chiếc trực thăng không hề phát bất cứ tín hiệu khẩn cấp nào.
Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân vụ tai nạn.
Odessa căng thẳng vì lo thảm kịch tái diễn
Hôm nay đánh dấu mốc hai năm kể từ ngày xảy ra thảm kịch ở Nhà Công đoàn Odessa. Ngày 2/5/2014, bàn tay của những phần tử cực đoan đã giết chết 48 người và làm hàng chục người khác bị thương.
Các thành viên những tổ chức dân tộc chủ nghĩa khác nhau đã tuyên cáo mục đích kỷ niệm mốc này theo kiểu của họ. Nhiều ngày nay thành phố bên bờ Biển Đen sống trong cảnh chờ đợi bất an căng thẳng.
Odessa đã chuyển sang "tình trạng phong tỏa". Theo lệnh của chính quyền địa phương, từ ngày 30/4 đến 3/5, nhân viên công lực tăng cường biện pháp kiểm soát. Xe cộ ở tất cả các lối vào thành phố đều phải qua khám xét. Các đường phố trung tâm của thành phố bị chặn lưu thông từ 7 giờ sáng đến nửa đêm. Giao thông công cộng cũng sẽ ngừng.
Trong thành phố duy trì liên tục những đợt tuần tra của gần ba nghìn nhân viên bảo vệ trật tự pháp lý, như tuyên bố của ban chỉ huy cảnh sát địa phương. Đã điều thêm lực lượng bổ sung từ các vùng lân cận. Thiết lập chế độ bảo vệ đặc biệt với các chủ thể Nhà nước, tòa Thị chính và trụ sở chính quyền khu vực. Quảng trường Sabornaya và địa bàn Kulikovo, nơi sẽ diễn ra lễ cầu siêu cho những người thiệt mạng, bị phong tỏa hoàn toàn.
Nhưng chính quyền vẫn lo ngại là toàn bộ lực lượng cảnh sát thành phố có thể không đủ sức, do vậy, Tòa án Khu vực Hành chính Odessa đã sớm phán quyết hạn chế tổ chức các hoạt động quần chúng ở địa bàn quảng trường Dumskaya
Mỹ từ chối viện trợ F-16 cho Pakistan
Mỹ ngày 2/5 đã thông báo với Pakistan rằng quốc gia Nam Á này phải tự chi khoản kinh phí mua các máy bay tiêm kích F-16 của Mỹ sau khi Quốc hội Mỹ phản đối sử dụng nguồn ngân sách chính phủ để chi trả cho thương vụ này.
Hồi tháng 2, Chính quyền Tổng thống Barack Obama cho biết Nhà Trắng đã phê chuẩn vụ bán 8 máy bay tiêm kích hiện đại F-16 cho Pakistan, trong một gói vũ khí bao gồm cả các hệ thống radar và thiết bị có tổng giá trị khoảng 700 triệu USD.
Ban đầu, Nhà Trắng dự kiến sử dụng nguồn ngân sách từ Quĩ hỗ trợ tài chính quân sự nước ngoài (FMFA) của Chính phủ Mỹ cho thương vụ trên. Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Bob Corker tuyên bố ông sẽ sử dụng quyền hạn Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện để ngăn chặn việc sử dụng bất kỳ nguồn ngân sách nào của Mỹ trong trường hợp này.
Theo ông Corker, quyết định đó nhằm phát đi một thông điệp tới Pakistan rằng nước này cần hành động nhiều hơn nữa trong cuộc chiến chống khủng bố.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby thừa nhận sự phản đối từ phía các nghị sĩ Quốc hội đồng nghĩa với việc Chính phủ Mỹ không thể sử dụng nguồn kinh phí từ FMFA để mua các máy bay F-16 và chuyển giao cho Pakistan.