Ả Rập Xê Út cảnh báo có thể theo đuổi vũ khí hạt nhân
Trung Quốc sẽ quân sự hoá tại Trường Sa tuỳ mức độ 'bị đe doạ'
Chính phủ Mỹ cho phép không kích IS ở Afghanistan
EU kêu gọi Trung Quốc giúp giải quyết khủng hoảng tị nạn
23.971 người tự tử trong năm 2015 tại Nhật Bản
Tin thế giới đọc nhanh trưa 26-12-2015
- Cập nhật : 26/12/2015
Nga - Ấn ký thỏa thuận quốc phòng
Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong cuộc gặp tại Moscow hôm qua. Ảnh: Reuters
Theo AFP, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm qua cho biết Moscow và Delhi sẽ sản xuất chung trực thăng Kamov-226 theo sáng kiến Make in India, trong đó, các công ty nước ngoài sản xuất sản phẩm của họ tại Ấn Độ. Ông Modi tuyên bố trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow, sau cuộc gặp và lễ ký kết.
Modi ca ngợi thỏa thuận chế tạo trực thăng hạng nhẹ do Nga thiết kế ở Ấn Độ là kết quả của quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt với nhiều ưu tiên giữa hai nước. Thủ tướng Ấn Độ đang vận động để xây dựng một căn cứ công nghiệp nội địa và giảm sự phụ thuộc của quân đội nước này vào việc nhập khẩu sản phẩm đắt đỏ từ phương Tây.
Tuy nhiên, Nga - Ấn hôm qua không thông báo về một số dự án quốc phòng được đặt nhiều kỳ vọng, như tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Akula 2 thứ hai, hay 5 tên lửa đất đối không S-400.
Theo VOA, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hai nước đã hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực quân sự và công nghệ. Nga và Ấn Độ đã thành công khi sản xuất các tên lửa Brahmos và dự định cùng chế tạo chiến đấu cơ do Nga thiết kế và máy bay vận tải.
Nga và Ấn Độ hôm qua cũng ký thỏa thuận về năng lượng. Ông Putin cho biết Nga sẽ giúp xây ít nhất 6 đơn vị sản xuất điện hạt nhân nước tại Ấn Độ trong vòng 20 năm tới. "Đã đạt được thỏa thuận về việc Ấn Độ cung cấp một địa điểm nữa để xây dựng các đơn vị sản xuất điện do Nga thiết kế, trong đó sử dụng công nghệ hiện đại và an toàn nhất", ông nói.
6 lò phản ứng với sản lượng 1.200 megawatt điện mỗi lò dự kiến được xây dựng ở bang Andhra Pradesh, miền nam Ấn Độ. Nga đang xây 6 lò ở bang Tamil Nadu kế cận.
Ông Modi đang trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Nga kể từ khi giữ chức thủ tướng năm 2014, nhưng ông và ông Putin đã gặp vài lần tại các sự kiện quốc tế và thậm chí còn nói về tác dụng của yoga tại hội nghị thượng đỉnh ở thành phố Ufa, Nga hồi tháng 7.
Hé lộ cuộc nói chuyện bị nghe lén giữa sĩ quan Thổ Nhĩ Kỳ và IS
Việc nghe lén diễn ra vào năm ngoái, trong một cuộc điều tra 6 công dân Thổ Nhĩ Kỳ mất tích, nhật báo Thổ Nhĩ Kỳ Cumhuriyet đưa tin. Các thân nhân của những người này tin rằng họ có thể đã gia nhập hàng ngũ nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).
Thổ Nhĩ Kỳ đã điều tra khoảng 27 nghi phạm trong vụ việc, một số trong đó ở Syria. Văn phòng Trưởng công tố viên được phép nghe trộm điện thoại của 19 người được cho là đã giúp 6 người nói trên liên lạc với IS. Cuộc điều tra hé lộ rằng những người muốn gia nhập hàng ngũ IS nhận được một số hình thức "đào tạo tư tưởng".
Trong bản chép lại nội dung nghe lén, có một chú thích viết rằng người được ký hiệu là X2 là một thành viên của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
X2: "Chúng tôi đang ở khu đất đặt mìn, nơi tôi đã đưa xe đến. Chúng tôi đã bật đèn lên rồi và có mang theo tài liệu, hãy đến đây với người của anh từ bên đó", một trong những cuộc trò chuyện diễn ra như vậy.
Ankara gần đây đối mặt với một số cáo buộc là đã mua dầu từ IS và nhắm mắt làm ngơ để cho những kẻ khủng bố tự do đi lại qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria. Hồi đầu tháng, Bộ Quốc phòng Nga công bố bằng chứng mà họ nói rằng cho thấy hầu hết các vụ buôn bán dầu bất hợp pháp của IS đều đến Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara đã bác bỏ cáo buộc này.
Mỹ từng có kế hoạch ném bom hạt nhân hủy diệt Liên Xô
Trung tâm Lưu trữ An ninh Quốc gia (NSA), một tổ chức phi chính phủ, đã yêu cầu giải mật danh sách các thành phố của những quốc gia thuộc khối Cộng sản mà Bộ Tư lệnh Không quân Chiến lược (SAC) định hủy diệt bằng vũ khí hạt nhân những năm 50. Tài liệu này được công bố hôm 22/12, tiết lộ lý do vì sao chiến tranh hạt nhân giữa Nga và Mỹ không nổ ra.
"SAC lên một danh sách hơn 1.200 thành phố trong khối Xô Viết, trải từ Đông Đức tới Trung Quốc, cùng với các ưu tiên", theo NSA.
"Moscow và Leningrad lần lượt có mức độ ưu tiên 1 và 2. Moscow có 179 mục tiêu được chỉ định ném bom bình địa (Designated Ground Zero – DGZ), con số này của Leningrad là 145, bao gồm cả các mục tiêu nhắm vào người dân".
Theo National Interest, ưu tiên của SAC là tiêu diệt không quân Liên Xô trước khi máy bay ném bom Liên Xô có thể tấn công Mỹ và các nước Tây Âu. Khoảng 1.100 sân bay Liên Xô đã được đưa vào tầm ngắm, với ưu tiên hàng đầu là máy bay ném bom Tu-16 của Liên Xô ở Orsha và Bykhov (Belarus).
SAC nhận định rằng các cơ sở hạ tầng không lực Liên Xô khá rộng, gồm bất kỳ trung tâm chỉ huy và cơ sở công nghiệp nào có thể hỗ trợ một chiến dịch Không quân. Do đó, Moscow bị xếp là mục tiêu số 1, vì có nhiều cơ sở chỉ huy quân sự, nhà máy sản xuất máy bay và tên lửa, phòng thí nghiệm vũ khí nguyên tử và các cơ sở lọc dầu.
Sau khi đã vô hiệu hóa thành công Không quân, nếu tiếp tục chiến tranh, mục tiêu ném bom tiếp theo của Mỹ sẽ là các ngành công nghiệp của Liên Xô.
Theo kế hoạch trên, đợt tấn côgn tiếp theo sẽ là một loạt "đòn cuối cùng", được thực hiện bởi những quả bom hạt nhân có sức công phá gấp 8 lần quả đã hủy diệt thành phố Hiroshima của Nhật, và cũng lớn gấp nhiều lần mức cần thiết để phá hủy một hay một số mục tiêu cụ thể. Điều đó cho thấy các nhà hoạch định đã tính cả đến mục đích gây thiệt hại lây lan, theo CNN.
Như vậy, sẽ có rất nhiều người vô tội phải chết. Danh sách mục tiêu này của SAC (biên soạn năm 1956 và công bố như một phần của nghiên cứu kế hoạch xây dựng vũ khí hạt nhân năm 1959) có tính đến việc các cuộc tấn công có thể gây ra cái chết cho dân thường.
"Kế hoạch của SAC có tính đến 'sự hủy diệt hệ thống' các mục tiêu thành thị – công nghiệp của khối Xô Viết, mà cụ thể và rõ ràng là dân cư ở tất cả các thành phố gồm Bắc Kinh, Moscow, Leningrad, Đông Berlin và Warsaw", theo các nhà nghiên cứu của NSA. "Cố tình tấn công vào người dân sẽ mâu thuẫn trực tiếp với các chuẩn mực quốc tế về quy định cấm tấn công dân thường".
Hầu hết 800 trang tài liệu được giải mật là danh sách các mục tiêu tiềm năng bị tấn công. Năm 1959, các nhà lên kế hoạch của SAC cho rằng họ có thể tấn công bằng 2.130 chiếc máy bay ném bom B-52 và B-47, máy bay do thám RB-47 và chiến đấu cơ hộ tống F-101. Ngoài ra, SAC còn dự định sử dụng 376 tên lửa hành trình gắn đầu đạn hạt nhân và tên lửa phóng từ máy bay ném bom, cùng các tên lửa tầm trung.
SAC thậm chí còn đã tính đến phương án sử dụng bom nhiệt hạch (bom H). Họ dự định sẽ cho nổ quả bom trên mặt đất, thay vì trên không để nhanh chóng hủy diệt các cơ sở Không quân Liên Xô, dù có thể có các tác dụng phụ không mong muốn.
"Các phản đối cách dùng bom đến từ việc chúng có thể phá hủy mặt đất, hay xác suất bụi phóng xạ từ vụ nổ có thể ảnh hưởng tới các lực lượng đồng minh và dân thường đã được xem xét đến, nhưng yêu cầu giành chiến thắng trong cuộc chiến Không lực là tối quan trọng, trên tất cả mọi cân nhắc khác", SAC tính toán.
Tuy nhiên, theo SAC, các loại tên lửa nêu trên (trước khi tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM được phát minh vào những năm 1960) ít cơ hội đánh trúng mục tiêu, nên máy bay ném bom có người lái được coi là vũ khí chủ lực, giống như máy bay không người lái cũng không được tin cậy bằng máy bay có người lái ngày nay. Do đó, chiến lược này của SAC đã trở thành một chiến lược chiến tranh lâu dài, đủ thời gian cho Liên Xô sản xuất hàng loạt máy bay ném bom và vũ khí hạt nhân, sau chương trình trao đổi hạt nhân ban đầu. Đây có thể coi là một may mắn cho loài người, vì nhờ đó mà chiến tranh hạt nhân không nổ ra.
Trung Quốc huấn luyện chiến đấu cơ trên tàu sân bay Liêu Ninh
Hải quân Trung Quốc tổ chức diễn tập phối hợp giữa chiến đấu cơ J-15 với tàu sân bay Liêu Ninh tại khu vực biển Bột Hải, tờ Hải quân Trung Quốc đưa tin. Tư Lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi và Chính ủy Hải quân Miêu Hoa đã đến tham dự và chỉ đạo cuộc diễn tập.
Các chiến đấu cơ J-15, mới được bố trí trên tàu sân bay Liêu Ninh, tham gia huấn luyện cất cánh và hạ cánh, ứng phó tình huống bất trắc khi hãm tốc độ.
Trung Quốc từ đầu năm thường xuyên tổ chức các đợt huấn luyện cho tàu sân bay Liêu Ninh nhằm nhanh chóng hình thành sức chiến đấu. Theo tờ báo, Bắc Kinh hiện đã có đột phá trong kỹ thuật cất cánh và hạ cánh cho máy bay trên tàu sân bay.
J-15 là loại tiêm kích hoạt động trên tàu sân bay do tập đoàn máy bay Thẩm Dương và Viện 601 của Trung Quốc phát triển. Phi cơ dài gần 22 m, sải cánh hơn 14,5 m, vận tốc cực đại Mach 2,4, tức nhanh gấp 2,4 lần vận tốc âm thanh, tầm bay 3.500 km.
J-15 được trang bị pháo GSh-30-1 30 mm, 12 giá treo vũ khí, bao gồm 8 tên lửa đối không PL-12 hoặc R-77, cùng 4 tên lửa PL-9 hoặc R-73.
Nhật điều tra vụ nhà báo bị bắt cóc ở Syria
IS hồi tháng một tung video hành quyết phóng viên chiến trường Kenji Goto (trái) và nhà thầu tự do Haruna Yukawa. Ảnh: IBTimes
Jumpei Yasuda, nhà báo tự do, được cho là bị bắt cóc hồi tháng 7 khi anh này đang vượt qua biên giới để vào Syria, AFP dẫn thông tin từ tổ chức Phóng viên không Biên giới, đồng thời thêm rằng Yasuda hiện vẫn nằm trong tay một nhóm vũ trang.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga từ chối xác nhận trực tiếp thông tin trên nhưng cho hay chính phủ phải có nghĩa vụ đảm bảo an toàn cho các công dân ở nước ngoài.
"Chúng tôi đang cố gắng hết sức và tận dụng tối đa các mạng lưới tình báo", ông nói.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi đầu tháng thành lập một đơn vị mới có nhiệm vụ thu thập và phân tích thông tin về chủ nghĩa khủng bố toàn cầu, tập trung vào 4 khu vực, trong đó có vùng Trung Đông.
Phóng viên không Biên giới hôm 22/12 cho hay nhóm vũ trang trên đã bắt đầu đếm ngược để đòi tiền chuộc. Nếu không được đáp ứng, nhóm này đe dọa sẽ hành quyết Yasuda hoặc bán anh cho một tổ chức khủng bố.
Yasuda từng thường xuyên đăng tải các dòng bình luận trên mạng xã hội Twitter, bày tỏ nỗi thất vọng trước việc nhiều nhà báo giờ đây cố tình tránh xa khu vực chiến sự Syria. Tuy nhiên, bình luận đột ngột ngừng lại từ ngày 21/7.
Trong bài đăng cuối cùng, Yasuda nói anh "sẽ đưa tin những gì đang xảy ra thông qua blog và Twitter mà không tiết lộ vị trí của mình". Yasuda cũng thêm rằng có những thế lực chưa xác định được đang gia tăng "can thiệp" vào việc đưa tin của anh đến mức anh có thể sẽ không thể tiếp tục công việc.
Hồi tháng một, Nhà nước Hồi giáo (IS) tung ra đoạn video hành quyết chặt đầu phóng viên chiến trường Kenji Goto của Nhật Bản, một tuần sau khi tổ chức này tuyên bố nhận trách nhiệm gây ra cái chết cho người bạn của anh là nhà thầu tư nhân Haruna Yukawa.
Trong thời gian IS chuẩn bị hành quyết các nạn nhân, chính quyền Nhật Bản gặp không ít khó khăn trong việc liên lạc với các tay súng, chủ yếu chỉ dựa vào những quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ hay lãnh đạo tôn giáo địa phương.