DF-21D được coi là "sát thủ diệt tàu sân bay" nhưng khả năng thực sự của tên lửa này vẫn còn gây tranh cãi.
Tin thế giới đọc nhanh chiều 03-07-2016
- Cập nhật : 03/07/2016
Mỹ thừa nhận 116 dân thường thiệt mạng vì các cuộc không kích
Mỹ hôm qua thừa nhận khoảng 64 - 116 dân thường đã thiệt mạng trong các cuộc không kích bằng máy bay không người lái của nước này từ năm 2009 đến 2015.
Một thiết bị bay không người lại của quân đội Mỹ cất cánh từ căn cứ ở Herat, Afghanistan, hồi năm 2012. Ảnh: US Department of Defense
Trong cùng khoảng thời gian này, từ 2.372 đến 2.581 tay súng cũng đã bị tiêu diệt, theo CNN. Việc công bố thông tin trên là một phần trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Mỹ để mang đến sự minh bạch cho chiến thuật quân sự gây tranh cãi mà ông Barack Obama cho rằng là cần thiết để chống khủng bố.
Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền tỏ ra không hài lòng với con số mà chính phủ đưa ra. Theo họ, số liệu này thấp hơn rất nhiều so với ước tính từ các tổ chức độc lập. Dữ liệu vừa được công bố bao gồm cả số người chết bên ngoài các vùng chiến sự.
Giới chức cho hay việc công bố số liệu, được thực hiện vào những tháng cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama, là nhằm thể chế hóa một quy trình báo cáo nghiêm ngặt cho tổng tư lệnh nước Mỹ kế tiếp.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest tiết lộ quân đội Mỹ và CIA đã tiến hành 473 cuộc không kích bằng máy bay không người lái trong quãng thời gian 6 năm nói trên.
Theo AP, các quốc gia mà Mỹ không kích gồm Pakistan, Yemen, Somalia và Libya, những địa điểm bị nghi là nơi trú ẩn của các phần tử khủng bố.
Liên quân không kích do Mỹ dẫn đầu tiêu diệt 2 lãnh đạo IS
Ngày 1-7, Lầu Năm Góc cho biết một cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu gần thành phố Mosul, Iraq đã tiêu diệt hai lãnh đạo quân sự cấp cao của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook, cái chết của hai lãnh đạo IS là kết quả của một "cuộc tấn công chính xác" ngày 25-6.
Một trong hai kẻ bị tiêu diệt là thứ trưởng Bộ chiến tranh của IS Basim Muhammad Ahmad Sultan al-Bajari. Al-Bajari cũng là người giám sát các tay súng thánh chiến chiếm giữ Mosul hồi năm 2014.
Ông Cook cho biết al-Bajari là một cựu thành viên al-Qaeda, từng dẫn đầu một tiểu đoàn IS chuyên sử dụng chất nổ tự chế, tuyển dụng các tay súng đánh bom tự sát và khí mù tạt trong các cuộc tấn công của IS.
Người còn lại là chỉ huy quân sự cấp cao Hatim Talib al-Hamduni của tổ chức khủng bố Hồi giáo này tại Mosul. Al-Hamduni cũng là người đứng đầu cảnh sát quân đội trong khu vực này.
"Cái chết của chúng, cùng với các cuộc không kích chống lại các lãnh đạo IS khác trong thời gian qua, đã loại bỏ nhiều lãnh đạo có kinh nghiệm của IS tại Mosul và miền bắc Iraq" - ông Cook thông tin thêm.
Các cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu gần đây đã giúp quân đội Iraq và các đồng minh đẩy lùi IS ra khỏi một số thành trì quan trọng như Fallujah và Ramadi.
Trận chiến tiếp theo của quân đội Iraq nhằm chiếm lại thành trì Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq, từ tay IS.
Nhật mua 100 chiến đấu cơ đối phó Trung Quốc
Chính phủ Nhật vừa quyết định chi 40 tỷ USD mua khoảng 100 máy bay chiến đấu trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc ngày càng leo thang ở biển Hoa Đông.
Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết Tokyo sẽ tiếp xúc đồng thời với các tập đoàn vũ khí Nhật và nước ngoài vào đầu tháng 7 để bàn bạc về hợp đồng mua hơn 100 máy bay chiến đấu của nước này, theo Reuters.
Theo các nguồn tin quân sự giấu tên, hai công ty của Mỹ là Boeing và Lockheed Martin cùng tập đoàn công nghiệp Mitsubishi của Nhật Bản đã được mời tham gia vào dự án, có tên gọi chương trình máy bay chiến đấu F-3, với mục tiêu trang bị cho quân đội Nhật các chiến đấu cơ thuộc loại hiện đại nhất.
Các chiến đấu cơ này sẽ thay thế các máy bay chiến đấu đa năng F-2 của Mitsubishi hiện nay để phối hợp hoạt động cùng các tiêm kích F-35 của Lockheed mà Nhật đã đặt hàng và tiêm kích F-15J mà nước này đang nâng cấp.
Ngoài Boeing và Lockheed, các tập đoàn như Eurofighter, BAE Systems PLC và Leonardo Finmeccanica SpA vốn chế tạo máy bay chiến đấu Typhoon, và Saab AB của Thụy Điển, cũng là những đối tác tiềm năng.
Với giá trị lên tới 40 tỷ USD, chương trình F-3 là hợp đồng máy bay quân sự đắt giá nhất của Nhật gần đây, được khởi động trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng tỏ ra quyết đoán trên biển. Hiện, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc vẫn tụt hậu so với các máy bay của Mỹ và đồng minh, nhưng các chuyên gia quân sự cho rằng việc Bắc Kinh tăng cường sức mạnh hải quân là nguyên nhân dẫn đến một chính sách an ninh mạnh mẽ hơn của Nhật dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe.
Báo Mỹ: Trung Quốc đang sợ
Chỉ còn mười ngày trước khi Tòa trọng tài thường trực ở The Hague (PCA) ra phán quyết vụ kiện của Philippines với Trung Quốc tại Biển Đông, Bắc Kinh tiếp tục cho thế giới thấy họ hoàn toàn không có cách phản ứng nào khác ngoài kêu than bị xử ép và tố Philippines cùng Mỹ.
Hôm qua 1-7, tờ Thời Báo Hoàn Cầu có bài xã luận với cùng kịch bản trên khi than rằng Trung Quốc “luôn nằm ở thế bất lợi” trong vụ kiện của Philippines, và rằng “Manila chỉ giả vờ là nạn nhân”.
Thời Báo Hoàn Cầu lặp lại luận điệu cũ rích rằng truyền thông phương Tây vẫn tiếp tục tuyên truyền sai lệch về vụ kiện. Bài viết kết luận hình ảnh vụ kiện đã bị làm méo mó bởi “một cái bẫy do Mỹ dựng lên, do Philippines dẫn đầu và được PCA hưởng ứng”.
Cùng ngày, tạp chí Forbes của Mỹ có bài bình luận bài viết nói trên của Thời Báo Hoàn Cầu cho thấy Bắc Kinh đang lo sợ khó khăn trước “ngày phán quyết”.
Giới phân tích quốc tế dự đoán PCA sẽ phán quyết có lợi cho Manila và nếu điều đó thật sự xảy ra, “Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc đối phó với dư luận trong nước”, theo Forbes.
Nếu đổi ý công nhận phán quyết về Biển Đông, trái với các tuyên bố trước đó, hòng tránh mất thể diện trên trường quốc tế, Bắc Kinh sẽ phải đối diện với phản ứng từ nhóm chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
“Chính phủ Trung Quốc đã tạo ra tình huống không thể thắng trên Biển Đông mà lại cũng khó có đường lui” - tờ Forbes nhận định.
Trong khi đó theo báo Manila Bulletin của Philippines, nguồn tin từ ngoại giao Mỹ hôm 30-6 cho biết Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cảnh báo với các quan chức Trung Quốc rằng Washington sẽ thực thi các biện pháp đáp trả nếu Bắc Kinh thực thi những hành động khiêu khích thêm nữa ở Biển Đông.(TT)
Nhắc nhở của Tòa trọng tài
Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague đã ra thông cáo ấn định ngày tuyên định vụ tài phán của Philippines chống lại Trung Quốc là vào thứ ba 12-7.
Người dân Philippines biểu tình trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Makati, thủ đô Manila, đòi tôn trọng phán quyết của Tòa PCA - Ảnh: AFP
Thông cáo ngày 29-6 của PCA là nhằm chấm dứt: (1) mọi cãi cọ phi lý và phi luật pháp, cụ thể là phi-UNCLOS (Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển); (2) mọi trò chiêu dụ nước này, nước kia nghe theo cách hiểu Luật biển một cách “đạp đổ” tòa cùng luật pháp quốc tế.
Trên một bình diện khác, qua thông cáo này, tòa còn nhằm giới thiệu sơ lược các nội dung mà tòa sẽ đưa ra trong phán quyết:
1- Về tính thẩm quyền hợp pháp của tòa: Tòa được thành lập ngày 21-6-2013 phù hợp với các thủ tục quy định tại phụ lục VII của UNCLOS để phân xử vụ tranh chấp được Philippines đưa ra.
2- Tòa lần đầu tiên chính thức nhắc đến một thực tế rất phi-UNCLOS là “Trung Quốc liên tục nhắc lại lập trường của mình là không chấp nhận thủ tục tố tụng trọng tài và không tham gia”.
Và tòa trả lời một lần cuối rằng “phụ lục VII của công ước (đã) quy định việc thành lập một tòa án cho dù thiếu sự tham gia của một bên và (đã) tuyên cáo rằng sự vắng mặt của một bên hay việc một bên không tự biện hộ không hề ngăn trở diễn biến tố tụng”.
Còn về việc Trung Quốc không tham gia, tòa cũng dẫn phụ lục VII quy định rằng trong trường hợp một bên không tham gia quá trình tố tụng, tòa án “phải tự mình trả lời không phải chỉ mỗi việc có thẩm quyền đối với vụ tranh chấp mà còn cả với việc xét xem đơn kiện có hội đủ nền tảng thực tế và pháp luật hay không”.
Chính vì vậy mà PCA đã mở phiên điều trần sơ bộ trong thời gian từ ngày 7 đến 13-7-2015, và tòa đã tuyên định có thẩm quyền cũng như chấp nhận các kiện cáo của Philippines.
PCA cũng cho biết tòa có thẩm quyền thụ lý 7/15 kiện cáo của Philippines; 7 kiện cáo khác, không thể chỉ xem xét qua một phiên điều trần sơ bộ, sẽ được thụ lý sau khi được xem xét tỉ mỉ hơn; còn 1 kiện cáo còn lại, tòa đã yêu cầu Philippines gom làm một cùng với một kiện cáo khác.
PCA cũng nhấn mạnh cho cả thế giới hiểu cũng như các bên trong cuộc rằng tòa không hề thụ lý bất cứ điều gì liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và cũng sẽ không phân định bất cứ đường biên giới trên biển nào giữa các bên.
Việc tòa đặc biệt nhấn mạnh chi tiết này để vạch trần âm mưu của bên từ chối công nhận tính thẩm quyền của tòa vốn rêu rao lập luận về “chủ quyền lịch sử” nhằm đánh lạc hướng dư luận!
Có thể thấy tòa đã đi trước một bước “chiến lược” qua thông cáo công bố 13 ngày trước ngày tuyên định: Luật pháp quốc tế là như thế đấy, tốt hơn hết hãy chấp hành; còn nếu nhất định không nghe, sẽ là tự đào thải khỏi cộng đồng nhân loại.
Lịch sử, nhất là lịch sử chiến tranh và hòa bình, đã từng trải qua những thách thức tương tự: Hội Quốc Liên, ra đời sau Thế chiến thứ nhất, đã phải tan rã do không ngăn cản được phe Trục khởi động Thế chiến thứ hai.
Nay đến lượt Liên Hiệp Quốc phải có trách nhiệm ngăn cản hành vi xé bỏ UNCLOS để dẫn đến những nguy cơ rối loạn khó lường.(TT)