Tổng thống Obama: Châu Âu tự mãn về khả năng phòng thủ
Mafia Nhật tiên phong giúp nạn nhân động đất
Mối thâm tình hiếm có giữa tổng thống Mỹ và thủ tướng Đức
Indonesia lập trung tâm chống khủng bố, bảo vệ công dân ở nước ngoài
Trung Quốc “phủ đầu” phán quyết của PCA
Tin thế giới đọc nhanh chiều 25-04-2016
- Cập nhật : 25/04/2016
Mỹ không muốn xảy ra chạy đua vũ trang ở Biển Đông
Bà Amy E. Searight, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Nam và Đông Nam Á, nhấn mạnh Mỹ không mong muốn xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang tại Biển Đông.
Bà Amy E. Searight đã đưa ra câu trả lời trên trong cuộc phỏng vấn báo chí Việt Nam tại Lào khi Hội nghị quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN mở rộng (ADSOM+) được tổ chức tại thủ đô Vientiane vào ngày 24/4. Vấn đề an ninh khu vực được hội nghị đặc biệt chú trọng thảo luận.
Bà Amy E. Searight nói: “Chúng tôi thực sự quan ngại trước những căng thẳng đang tăng lên ở Biển Đông… Mỹ không mong muốn xảy ra việc chạy đua vũ trang ở Biển Đông và tôi nghĩ có thể ngăn ngừa được việc này, nhưng điều đó cần hành động có trách nhiệm của các bên liên quan".
Bà nói rõ: "Gần đây chúng tôi thấy Trung Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động bồi đắp và Trung Quốc là nước duy nhất tiến hành các hoạt động bồi đắp và các hoạt động khác. Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc không được tiến hành thêm các hoạt động bồi đắp cũng như không xây dựng thêm các cơ sở hạ tầng mang tính lưỡng dụng, tức là có thể phục vụ mục đích quân sự".
"Điều này có thể dẫn tới cuộc chạy đua vũ trang tại các điểm đảo và ở toàn bộ Biển Đông, đây là điều mà chúng tôi thực sự quan ngại. Nhưng nếu tất cả các nước cùng tham dự những diễn đàn như thế này và cùng trao đổi cả đa phương và song phương để tìm giải pháp cho vấn đề này thì tôi nghĩ chúng ta có thể từng bước giảm được chạy đua vũ trang và Mỹ ủng hộ điều này”, bà Searight bổ sung.
Tham dự hội nghị trên có các Trưởng ADSOM đến từ 10 nước thành viên ASEAN cùng đại diện của 8 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ, New Zealand, Nga và Mỹ.
Mới đây, ngày 12/4, Ủy ban đánh giá an ninh kinh tế Mỹ - Trung đã đệ trình một báo cáo lên Quốc hội Mỹ về hoạt động của Trung Quốc bồi đắp trái phép các đảo ở Biển Đông, trong đó nêu rõ các hoạt động của Trung Quốc có thể đã hủy hoại các rạn san hô, phá vỡ nguồn cá tại khu vực, đồng thời vi phạm luật quốc tế về bảo vệ môi trường.
Ủy ban còn cáo buộc Trung Quốc không công bố đầy đủ thông tin về việc đánh giá tác động môi trường của các kế hoạch khai hoang, bồi đắp đảo nhân tạo.
Liên quan tới các hoạt động trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã nhấn mạnh: “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi. Bất chấp sự phản đối và quan ngại của Việt Nam cũng như của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục có các hành động không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông mà còn đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực và an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông”.
Ông Lê Hải Bình khẳng định: "Chúng tôi kiên quyết phản đối những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc có những lời nói, hành động trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.
Thủ tướng Đức nợ hơn 10.000 USD đảng phí
Bild am Sonntag hôm nay cho biết Thủ tướng Đức Angela Merkel còn nợ đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) 9.500 euro (10.500 USD) tiền đảng phí.
Người phát ngôn của CDU ở bang Mecklenburg-Western Pomerania, miền bắc Đức, xác nhận với hãng thông tấn quốc gia DPA bà Merkel nợ đảng phí nhưng từ chối nêu số tiền. Ông cho biết Thủ tướng Merkel không có lỗi bởi đơn giản là bà chưa được thông báo về những thay đổi trong quy định đảng.
Sau khi sửa đổi có hiệu lực vào năm 2013, các thành viên chính phủ phải đóng 6% tiền trợ cấp quốc hội hàng tháng và lương cho đảng. Trước đó, đóng góp này là một số tiền cố định.
Theo CDU, bà Merkel sẽ thanh toán số tiền còn thiếu trong năm nay.
Phe Áo Đỏ và Áo Vàng Thái Lan đối đầu nhau về hiến pháp
Phe Áo Đỏ và Áo Vàng tại Thái Lan lại tiếp tục nảy sinh mâu thuẫn bởi quan điểm khác biệt về dự thảo hiến pháp mới của nước này.
Chủ tịch Ủy ban soạn thảo Hiến pháp Thái Lan Meechai Ruchupan giới thiệu bản dự thảo Hiến pháp mới tại Quốc hội ở Bangkok ngày 29/3. Ảnh: AFP/TTXVN
Sáng 24/4, Ủy ban Cải cách Dân chủ nhân dân (PDRC), lực lượng chính trị của phe Áo Vàng, đã tổ chức họp báo bày tỏ quan điểm ủng hộ dự thảo hiến pháp mới của Thái Lan.
Ngay sau đó, Mặt trận thống nhất vì Dân chủ chống độc tài (UDD), cánh chính trị của phe Áo Đỏ, đã đưa ra quan điểm phản bác văn kiện được chính quyền quân sự ở quốc gia Đông Nam Á này chỉ đạo soạn thảo và yêu cầu để cho Liên hợp quốc (LHQ), Liên minh Châu Âu (EU) cùng các tổ chức quốc tế giám sát cuộc trưng cầu dân ý về văn kiện này.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Câu lạc bộ Pacific City, thủ đô Bangkok, Chủ tịch PDRC Suthep Thuagsuban nói rằng phe này ủng hộ dự thảo hiến pháp mới bởi văn kiện này ghi nhận rõ tinh thần xây dựng một nền dân chủ với Nhà Vua là người đứng đầu quốc gia nhằm giúp Thái Lan vượt qua cuộc khủng hoảng kéo dài bấy lâu nay.
Ông Thuagsuban cho rằng dự thảo hiến pháp mới giúp giải quyết các cuộc khủng hoảng trong tương lai bằng cách thành lập một ủy ban 13 thành viên đứng đầu bởi Chủ tịch Tòa án Hiến pháp, và do đó không cần bất kỳ cuộc đảo chính nào để giải quyết khủng hoảng.
Chủ tịch PDRC cũng cho rằng các điều khoản về cải cách quốc gia chưa từng có tiền lệ trong dự thảo hiến pháp mới sẽ giúp Thái Lan phát triển hơn. Ông cũng bày tỏ tin tưởng dự thảo văn kiện này sẽ vượt qua cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 7/8.
Chủ tịch PDRC Suthep Thuagsuban chính là người dẫn đầu các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối chính phủ Thủ tướng Yingluck Shinawatra dẫn đến cuộc đảo chính hồi tháng 5/2014.
Ngay sau cuộc họp báo của phe Áo Vàng, phe Áo Đỏ ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra cũng đã tổ chức họp báo đưa ra yêu sách đòi phải để LHQ và EU cũng như các tổ chức quốc tế giám sát cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp mới.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Trung tâm thương mại Imperial Lat Phrao, Chủ tịch UDD Jatuporn Prompan nói rằng dự thảo hiến pháp mới và luật trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp mới khiến người dân hết sức lo ngại do Ủy ban soạn thảo hiến pháp (CDC) và Hội đồng Lập pháp quốc gia (NLA) đã đưa ra các giải thích dễ gây nhầm lẫn về các nội dung của dự thảo hiến pháp cũng như Điều 61 của Luật trưng cầu dân ý về hiến pháp mới.
Điều khoản này áp dụng chế tài phạt tù đến 10 năm và tước quyền bầu cử đối với những người có hành vi phá hoại cuộc trưng cầu dân ý, điều mà ông Jatuporn nói là rất mơ hồ và khiến người dân sợ hãi.
Thủ lĩnh UDD yêu cầu mời LHQ, EU và các tổ chức quốc tế giám sát cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 7/8 tới để đảm bảo sự minh bạch của kết quả. Ông Jatuporn cũng kêu gọi cử tri toàn Thái Lan đi bỏ phiếu để đảm bảo quan điểm của họ đối với dự thảo hiến pháp mới được thể hiện rõ ràng và chính xác nhất đồng thời tham gia cùng UDD giám sát các hành vi gian lận, làm sai lệch kết quả tại các điểm bỏ phiếu.
Cũng tại cuộc họp báo, một lãnh đạo khác của UDD, bà Thida Thavornseth, đã nói rõ phe Áo Đỏ phản đối dự thảo hiến pháp mới vì hệ thống bầu cử quy định trong văn kiện này sẽ tạo ra một chính phủ liên minh yếu ớt, dễ sụp đổ và đẩy đất nước một lần nữa rơi vào khủng hoảng.
Bà này cũng nhấn mạnh UDD phản đối việc trao cho Thượng viện các quyền bầu Thủ tướng và luận tội các thành viên của cơ quan lập pháp và hành pháp.
Lãnh đạo của UDD cho rằng theo hệ thống chính trị mà dự thảo hiến pháp mới xây dựng, các chính đảng dù có giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới cũng không thể thực hiện các chính sách mà họ đã cam kết với cử tri khi vận động tranh cử nếu các chính sách này không nhận được sự ủng hộ của Thượng viện và Tòa án Hiến pháp được chính quyền quân sự hiện nay chỉ định.
Tổng thống Obama: Đưa bộ binh lật đổ ông Assad là sai lầm
Tổng thống Mỹ Barack Obama bác bỏ việc triển khai bộ binh đến Syria và cho rằng những rắc rối của nước này không thể chỉ được giải quyết bằng nỗ lực quân sự.
Trả lời phỏng vấn đài BBC hôm 24-4, ông Obama nhận định: "Việc đưa bộ binh đến Syria và lật đổ chế độ Tổng thống Bashar al-Assad sẽ là một sai lầm của Mỹ hoặc Anh...".
Nhận xét về tình hình Syria hiện nay, ông chủ Nhà Trắng cho rằng đó là"tình trạng đau lòng của sự phức tạp quá lớn". "Tôi không nghĩ rằng sẽ có giải pháp nào đơn giản. Để giải quyết những vấn đề dài hạn ở Syria, chỉ giải pháp quân sự thôi - đặc biệt là việc triển khai bộ binh của Mỹ - là điều bất khả thi" – ông Obama nói.
Ông khẳng định cộng đồng quốc tế cần tăng cường tạo áp lực với tất cả các bên, trong đó có Nga, Iran, các phe phái đối lập ông hòa..., phải "ngồi vào bàn đàm phán và tìm cách nhất trí về một tiến trình chuyển tiếp chính trị". Dù vậy, ông Obama cũng phải thừa nhận rằng không dễ để đạt kết quả này.
Ngoài ra, ông chủ Nhà Trắng lên tiếng chỉ trích các quốc gia có quốc hội không tán thành hành động ở Syria nhưng vẫn "muốn Mỹ làm gì đó".
Ông Obama và Liên Hiệp Quốc lo ngại thỏa thuận ngừng bắn mong manh giữa chính phủ và phiến quân Syria, có hiệu lực từ tháng 2, đang có nguy cơ đổ vỡ khi nhiều cuộc đụng độ mới xảy ra.
Cuộc hòa đàm giữa chính phủ Syria và lực lượng đối lập tại TP Geneva – Thụy Sĩ sẽ tiếp tục trong tuần tới nhưng đã xảy ra mâu thuẫn.
Phái đoàn đối lập chính, gọi là Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC) cáo buộc chính phủ Syria liên tục vi phạm thỏa thuận do Mỹ và Nga lập ra. Trong khi đó, chính phủ Syria đáp trả bằng cách chỉ trích nhóm này "hay hờn dỗi"
Về tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, ông Obama nhận định nhóm khủng bố này khó có thể bị đánh bại trong 9 tháng cuối cùng của ông tại Nhà Trắng. Bù lại, ông Obama khẳng định: "Chúng ta có thể thu hẹp dần phạm vi hoạt động của chúng".
Theo ông, liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu sẽ tiếp tục "tấn công IS tại những nơi như Raqqa (ở Syria) và cố gắng cô lập cũng như ngăn chặn chúng đưa các tay súng nước ngoài đến châu Âu".
Hàn Quốc thừa nhận Triều Tiên tiến bộ về công nghệ SLMB
Ngày 24/4, quân đội Hàn Quốc thừa nhận công nghệ tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) của CHDCND Triều Tiên đã phần nào đạt tiến bộ.
Động thái trên được đưa ra sau khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công một tên lửa từ tàu ngầm. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang-kyun nhận định công nghệ SLBM của Triều Tiên đã tiến bộ một phần về khả năng phóng dưới nước, đồng thời cho rằng Triều Tiên đang đẩy nhanh chương trình phát triển SLBM.
Theo ông, Triều Tiên có thể sẽ triển khai các tên lửa phóng từ tàu ngầm trong vòng từ 3 đến 4 năm tới, song thời điểm đó có thể còn sớm hơn nếu Triều Tiên tập trung toàn bộ năng lực vào lĩnh vực này. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nêu rõ quân đội nước này sẽ tiếp tục hợp tác cùng Mỹ đưa ra một chiến lược ngăn chặn phù hợp nhằm bảo vệ đất nước trước các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Bên cạnh đó, quân đội Hàn Quốc cũng sẽ tăng cường khả năng phòng thủ SLBM bằng việc sử dụng tàu ngầm hải quân, máy bay tuần tra biển và tàu khu trục Aegis cũng như sử dụng thêm các radar cảnh báo sớm nhằm phát hiện và theo dõi các tên lửa đạn đạo.
Tuyên bố trên được ông Moon Sang-kyun đưa ra sau khi hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nước này đã phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm. Vụ phóng do nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chỉ huy. Theo KCNA, công nghệ SLBM của Triều Tiên đáp ứng tất cả yêu cầu kỹ thuật để có thể tiến hành một chiến dịch tấn công dưới nước nhằm vào Mỹ và Hàn Quốc. Đây là lần thứ 2 kể từ ngày 9/5/2015 Triều Tiên tuyên bố thử thành công SLBM.
Tuy nhiên, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) nhận định vụ thử có thể đã thất bại do tên lửa này chỉ bay được khoảng 30 km, khoảng cách quá ngắn so với yêu cầu của một vụ thử thành công là bay được 300 km.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã ra tuyên bố lên án mạnh mẽ việc Triều Tiên thử SLBM, đồng thời cho biết Hàn Quốc sẽ có “những bước đi cần thiết” tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) cùng với cộng đồng quốc tế đối với vụ phóng này.
Tuyên bố nêu rõ dù có thành công hay không thì vụ thử này rõ ràng đã vi phạm các nghị quyết của HĐBA LHQ, và diễn ra chỉ chưa đầy 10 ngày sau khi LHQ kêu gọi Triều Tiên kiềm chế sau khi phóng tên lửa đạn đạo Musudan hôm 15/4. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng bác bỏ yêu cầu của Triều Tiên về việc Hàn Quốc và Mỹ ngừng các cuộc tập trận chung hàng năm để đổi lấy việc Triều Tiên ngừng các vụ thử hạt nhân, đồng thời coi lời kêu gọi này là “lố bịch”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Hong Yong-pyo cho rằng hiện chưa phải là thời điểm để nói về đối thoại với Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh rằng cần phải duy trì sức ép và trừng phạt để buộc Triều Tiên phải đi theo con đường phi hạt nhân hóa.
Theo ông Hong Yong-pyo, Hàn Quốc cần những chiến lược và cách đối phó khác đối với Triều Tiên do Triều Tiên không còn hành xử như trước. Ông cũng nêu bật sự cần thiết phải khiến cho Triều Tiên "nhận ra rằng cái giá mà Triều Tiên phải trả sẽ lớn hơn nhiều so với những gì mà họ có thể thu được khi phát triển các loại vũ khí hạt nhân".
Trong một động thái được cho là nhằm phản ứng vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết nước này sẽ hạn chế sự đi lại của Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Su-yong - đang ở New York (Mỹ) tham dự cuộc họp của LHQ về phát triển bền vững.
Theo ông Kirby, do vụ phóng tên lửa này, Mỹ đã quyết định cần thiết phải giới hạn sự đi lại của Bộ trưởng Ngoại giao Ri Su-yong cùng phái đoàn Triều Tiên tại những địa điểm cần thiết khi tham dự các hoạt động tại LHQ.