Mỹ không muốn xảy ra chạy đua vũ trang ở Biển Đông
Thủ tướng Đức nợ hơn 10.000 USD đảng phí
Phe Áo Đỏ và Áo Vàng Thái Lan đối đầu nhau về hiến pháp
Tổng thống Obama: Đưa bộ binh lật đổ ông Assad là sai lầm
Hàn Quốc thừa nhận Triều Tiên tiến bộ về công nghệ SLMB
Tin thế giới đọc nhanh chiều 24-04-2016
- Cập nhật : 24/04/2016
Biển Đông: Trung Quốc tuyên bố đạt thỏa thuận với Lào, Campuchia, Brunei
Tân Hoa Xã đưa tin, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố nước này đã đạt được đồng thuận với Brunei, Campuchia, và Lào trong vấn đề Biển Đông.
Theo đó, sau chuyến thăm tới 3 nước nói trên, Vương Nghị tuyên bố đã đạt được đồng thuận với các nước này rằng, tranh chấp trên một số đảo đá, bãi cạn trên Biển Đông không phải vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, và do đó không ảnh hưởng tới sự phát triển quan hệ giữa Bắc Kinh và ASEAN.
Cụ thể, ông Vương cho biết Trung Quốc cùng Brunei, Lào, và Campuchia đã nhất trí về 4 điểm trong vấn đề Biển Đông, bao gồm:
- Các nước có quyền tự chọn giải quyết tranh chấp theo cách của mình, tôn trọng luật pháp quốc tế.
- Phản đối tất cả các hành động đơn phương áp đặt một chương trình nghị sự nhất định lên các nước khác
- Các tranh chấp phải được giải quyết thông qua đàm phán giữa các bên liên quan trực tiếp đến Điều 4, Tuyên bố Ứng xử trên Biển Đông (DoC).
- Trung Quốc và ASEAN cần chung tay đảm bảo hòa bình và ổn định trên Biển Đông thông qua hợp tác. Các quốc gia bên ngoài khu vực cần đóng vai trò xây dựng trong vấn đề này.
Như vậy, có thể thấy qua tuyên bố nói trên cũng như chuyến công du 3 nước vừa qua của Vương Nghị rằng, Trung Quốc đang đẩy mạnh các hành động chia rẽ, ngăn không để ASEAN có được tiếng nói chung trong vấn đề Biển Đông.
Một điều đáng chú ý khác, theo phân tích của The Diplomat, là trong các cuộc họp bộ trưởng các nước thành viên ASEAN (AMM) dự kiến sẽ diễn ra trong hè năm nay, cả Campuchia, Lào và Brunei đều có Ngoại trưởng mới tham dự.
Không những vậy, nước chủ nhà của AMM năm nay sẽ là Lào, quốc gia không liên quan trực tiếp tới tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Có thể thấy, chẳng phải ngẫu nhiên khi Trung Quốc cử Ngoại trưởng của họ tới các nước này trước thềm AMM.
Báo chí 3 nước Lào, Campuchia, Brunei đều đã đưa tin về chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị, song hiện chưa có thông tin gì từ các nước này liên quan đến 4 điểm đồng thuận mà ông Vương tuyên bố.
Cảnh báo âm mưu đánh bom thành phố lớn nhất miền Nam Thái Lan
Nhà chức trách Thái Lan từ chiều 23/4 đã thắt chặt kiểm soát an ninh tại thành phố Hat Yai thuộc tỉnh Songkhla, đô thị lớn nhất miền Nam nước này sau khi nhận được thông tin tình báo về khả năng xảy ra các vụ tấn công của những phần tử Hồi giáo nổi loạn ly khai.
Các lực lượng an ninh và rà phá bom mìn đã được huy động tuần tra 24/24 giờ trên toàn thành phố. Các máy rà sóng kích nổ bom mìn cũng được lắp đặt tại nhiều khu vực. Những khu vực được tập trung kiểm soát là các trung tâm thương mại và giao thông công cộng ở Hat Yai.
Các biện pháp trên được áp dụng sau khi Bộ Chỉ huy các chiến dịch an ninh nội địa Thái Lan nhận được thông tin rằng một nhóm nổi loạn tại tỉnh Songkhla có âm mưu tiến hành các vụ đánh bom ở Hat Yai trong hai ngày 23-24/4. Một cảnh báo tương tự cũng được chuyển đến nhà chức trách tỉnh Pattani.
Kể từ khi bùng phát làn sóng bạo lực do cuộc nổi loạn hồi năm 2004 của các phiến quân Hồi giáo miền Nam Thái Lan, đã có ít nhất 6500 người thiệt mạng, phần lớn ở các tỉnh cực Nam như Yala, Pattani và Narathiwat.
Tại tỉnh Songkhla cũng xảy ra một số vụ tấn công trong đó Hat Yai đã từng hứng chịu các vụ đánh bom đẫm máu hồi tháng 9/2006, tháng 5/2007 và tháng 5/2004.
Tổng thống Syria từ chối đưa gia đình sang Iran
Phát biểu với kênh truyền hình Liban "Al-Mayadin" ngày 23/5, Bộ trưởng An ninh Iran Mahmoud Alavi cho biết họ đã đề nghị Tổng thống Syria Bashar al-Assad đưa gia đình tới nước này, song ông Assad đã từ chối.
Bộ trưởng Allavi còn tuyên bố Tehran sẽ tiếp tục nỗ lực để bảo vệ các đồng minh của mình.
Đây là đề nghị của Tư lệnh lực lượng Quds tinh nhuệ thuộc Quân đoàn vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC) của Iran, Thiếu tướng Qassem Soleimani. Ông Soleimani giải thích về đề nghị của mình rằng nếu làm theo cách này, ông Assad sẽ "tiếp tục cuộc đấu tranh" dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Syria nhấn mạnh gia đình của mình, cũng như các gia đình Syria khác, sẽ ở lại Damascus.
Hiện chính phủ Chính phủ Syria chưa đưa ra bình luận nào về thông tin trên.
Trong diễn biến liên quan, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cùng ngày khẳng định nước này không bàn với bất kỳ ai về số phận của ông Assad. Hôm 1/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tố cáo Mỹ có ý định chuyển thông tin sai lệch cho truyền thông về nội dung các cuộc đàm phán với Nga về Syria, kể cả số phận của ông Assad. Trước đó cuối tháng 3, báo liên Arab "Al-Hayat" dẫn một nguồn tin ngoại giao cho biết Moskva và Washington đã đạt được thỏa thuận về tiến trình chính trị tương lai tại quốc gia Trung Đông này. Thoả thuận bao gồm cả việc ông Assad phải từ chức và "chuyển tới nước khác". Nguồn tin khẳng định Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thông báo cho các nhà lãnh đạo Arab về điều này.
Vụ lừa đảo khổng lồ khiến Trung Quốc - Đài Loan bất đồng
Căng thẳng ngoại giao gần đây giữa Đài Loan và Trung Quốc làm hé lộ vụ lừa đảo viễn thông khổng lồ ở tầm quốc tế. Vụ việc được cho là gồm hàng ngàn kẻ lừa đảo, nhiều người trong số đó giả làm quan chức chính quyền nhằm lấy tiền của nạn nhân.
Hồi đầu tháng này, một nhóm nghi phạm, trong đó có người Đài Loan, bị dẫn độ từ Kenya về Trung Quốc, khiến Đài Loan giận dữ.
Hôm 22.4, quan chức Trung Quốc nói có 45 nghi phạm người Đài Loan sẽ phải ra tòa ở Trung Quốc, bác bỏ yêu cầu đưa những người này về Đài Loan theo yêu cầu của phía Đài Loan.
Cả Trung Quốc và Đài Loan trong nhiều năm đã truy bắt các nghi phạm trong một chiến dịch lừa đảo khổng lồ về cả mức độ và phương diện.
Trong một bình luận với truyền thông nhà nước, Bộ Công an Trung Quốc cho rằng những kẻ lừa đảo hoạt động chủ yếu bên ngoài vùng Đông Nam Á, châu Phi và quần đảo Thái Bình Dương.
Ngoài trường hợp ở Kenya cũng đã xảy ra bắt giữ ở Malaysia gần đây.
Những quan chức này nói trong bảy năm qua ở Đông Nam Á, đã có 7.700 nghi phạm lừa đảo bị bắt giữ, trong đó khoảng 4.600 người là người Đài Loan – kể từ khi Trung Quốc ký thỏa thuận chính thức với Đài Loan cùng chống tội phạm.
Rất nhiều nghi phạm khác được cho là người Trung Quốc.
Những kẻ lừa đảo thu được số tiền khổng lồ - một trong những vụ tồi tệ nhất xảy ra với nạn nhân ở Quý Châu, bị lừa tới 180 triệu USD hồi tháng 12 năm ngoái.
Nhiều nạn nhân là người lớn tuổi, cùng với đó là giáo viên, nông dân, người lao động và sinh viên. Quan chức Trung Quốc nói thêm rằng lừa đảo khiến nhiều gia đình và doanh nghiệp phá sản, “nhiều nạn nhân” tự vẫn.
Rất khó để xác định chắc chắn rằng liệu những kẻ lừa đảo thuộc cùng một mạng lưới hay là những tổ chức riêng biệt, tuy kỹ xảo được sử dụng gần giống nhau.
Nạn nhân thường được liên hệ bằng điện thoại hay qua ứng dụng phổ biến như WeChat và QQ, và phương thức lừa đảo chính là giả vờ làm cán bộ công an, nói với nạn nhân rằng họ bị nghi liên quan tới một vụ rửa tiền và cần phải chuyển tiền để thực hiện điều tra.
Các cách khác được cho là gồm có kẻ lừa đảo giả làm nhân viên công ty bảo hiểm hoặc các trang mua bán hàng trên mạng.
Hồi tháng Hai, Bộ Công an Trung Quốc cảnh báo với người dân về 48 kiểu lừa đảo viễn thông, trong đó có tấn công tin tặc vào tài khoản tin nhắn của nạn nhân để lấy thông tin tài khoản ngân hàng.
Bình luận của chính quyền Trung Quốc cho thấy rằng trước đây, khi nghi phạm bị bắt khi phạm tội ở nước thứ ba, cả hai phía sẽ giải quyết nghi phạm của mình một cách riêng biệt. Vì Đài Loan thuộc Trung Quốc nên các nghi phạm bị dẫn độ tới đại lục thay vì đưa về Đài Loan.
Điều này khiến Đài Loan giận dữ, và cáo buộc Trung Quốc “cưỡng bức trao nộp ngoài vòng pháp lý”.
Trung Quốc khẳng định quyền pháp lý đối với người Đài Loan do cho rằng các nạn nhân đều là người Trung Quốc.
Trung Quốc cũng nói trong rất nhiều trường hợp, nghi phạm Đài Loan thường không bị chính quyền trừng phạt và số tiền lừa đảo thường không thu lại được.
Hồi đầu tháng này, Trung Quốc chỉ trích Đài Loan về việc cho thả một nhóm nghi phạm người Đài bị bắt giữ ở Malaysia.
Phóng viên BBC cho rằng vụ tranh chấp này có thể sẽ làm mối quan hệ vốn đã không mấy tốt đẹp giữa hai bên tồi tệ hơn.
Động thái của Trung Quốc cũng được coi là dấu hiệu mạnh tay sau vụ bắt cóc năm người bán sách ở Hong Kong.
Gần 300 người chết nắng ở Ấn Độ
Theo thống kê, riêng trong ngày 23/4, ở bang Orissa của Ấn Độ đã có ít nhất 79 người chết do nắng nóng, trong khi ở bang Telangana là 49 người, nâng tổng số người tử vong do nắng nóng trên toàn Ấn Độ lên gần 300 người.
Theo phóng viên TTXVN tại Ấn Độ, bang Orissa chứng kiến nhiệt độ không khí tăng cao, lên tới 48 độ C. Đây cũng là bang có số người tử vong do nắng nóng cao nhất ở Ấn Độ cho đến nay, với 125 người. Chính quyền bang đã chỉ thị đóng cửa nhiều trường học tại một số vùng, đồng thời khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào buổi chiều. Đợt nắng nóng này dự kiến còn kéo dài và chính quyền các địa phương đang tích cực chuẩn bị đối phó với tình trạng khẩn cấp.
Theo báo cáo của Bộ Khoa học Trái đất (MoES) của Ấn Độ, nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng cao trong những ngày tới và dự báo năm 2016 có thể là một trong những năm nóng nhất trong hàng thế kỷ qua tại nước này. Cục Khí tượng học Ấn Độ (IMD) cho rằng nắng nóng bất thường do tác động của El Nino, hiện tượng thời tiết cực đoan từng khiến hoạt động gió mùa suy yếu hồi năm ngoái. Hai đợt gió mùa yếu kém liên tiếp vừa qua đã gây hạn nặng tại khu vực Marathwada thuộc bang Maharashtra, miền Tây Ấn Độ.