tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 26-04-2016

  • Cập nhật : 26/04/2016

Đương đầu với TQ, ứng viên TT Philippines sẵn sàng làm "cảm tử quân"

Thị trưởng TP Davao Rodrigo Duterte tuyên bố ông "sẵn sàng chết" để khẳng định chủ quyền của Philippines tại biển Đông nếu đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử sắp tới.

Theo tờ Inquirer, ông Duterte hôm 24-4 nói rằng nếu Philippines thắng vụ kiện Trung Quốc về yêu sách "đường chín đoạn" ở biển Đông nhưng Bắc Kinh từ chối tuân thủ, ông sẽ đến Trung Quốc và nói chuyện với chính phủ nước này.

Trong trường hợp Bắc Kinh khẳng định chủ quyền tại vùng lãnh thổ đang tranh chấp, Thị trưởng Davao cho biết ông sẽ yêu cầu lực lượng hải quân đưa mình tới ranh giới gần nhất giữa 2 nước, mang theo một lá cờ Philippines và "sẵn sàng hy sinh".

thi truong tp davao rodrigo duterte. anh: ap  

Thị trưởng TP Davao Rodrigo Duterte. Ảnh: AP  

Theo một nguồn tin quân sự và các chuyên gia hàng hải Trung Quốc, nước này có thể cải tạo bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham (do Philippines tuyên bố chủ quyền) ở biển Đông vào cuối năm nay. Bắc Kinh cũng được dự báo sẽ xây thêm đường băng để mở rộng phạm vi hoạt động của không quân.

Nguồn tin thân cận với hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tiết lộ một tiền đồn mới cách bờ biển Philippines 230 km sắp được thiết lập, trong bối cảnh quân đội Mỹ - Philippines xích lại gần nhau. Quân đội Mỹ hiện có quyền tiếp cận ít nhất 8 căn cứ ở Philippines, bao gồm 2 căn cứ không quân ở Pampanga (cách bãi Scarborough 330 km).

Trung Quốc cải tạo đất ở bãi Hoàng Nham trong năm nay, mục đích lấy lại thế chủ động bởi Mỹ đang đẩy mạnh kế hoạch thiết lập một sự hiện diện quân sự lâu dài trong khu vực – nguồn tin giấu tên nói.

Nguồn tin cho biết thêm phán quyết gây bất lợi cho Bắc Kinh của Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague – Hà Lan sẽ đẩy nhanh kế hoạch đầy tham vọng nói trên của Trung Quốc. Manila muốn các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh phải tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Quyết định của PCA có thể đến vào tháng 5 hoặc tháng 6 tới.

ung-vien-tt-philippines-lam-cam-tu-quan-duong-dau-trung-quoc (1)

Bãi cạn Scarborough. Ảnh: Reuters  

PLA hiện có thể đáp máy bay xuống đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) cùng 2 đường băng khác trên đá Vành Khăn và đá Chữ Thập (Trường Sa, tất cả đều của Việt Nam). Ngoài ra, đá Xu Bi cũng có thể đóng vai trò như một bãi đáp máy bay.

Chuyên gia quân sự Antony Wong Dong ở Macau nhận định nếu Trung Quốc hoàn tất cải tạo bãi cạn Scarborough, họ có thể đặt radar và các phương tiện khác để giám sát căn cứ không quân Basa của Mỹ ở tỉnh Pampanga – Philippines 24/24.

Giáo sư Jin Yongmin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược đại dương tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, cho biết kiểm soát Scarborough giúp không quân Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động ít nhất 1.000 km, đồng thời nâng mức độ phủ sóng gần đảo Luzon, cửa ngõ vào Thái Bình Dương.


Mỹ sắp hé lộ tài liệu mật về vụ khủng bố 11/9

Mỹ dự định tiết lộ một phần tài liệu 28 trang từ cuộc điều tra vụ khủng bố 11/9/2001 có thể cho thấy mối liên hệ giữa Saudi Arabia và những kẻ tấn công.

28 trang tài liệu thuộc một chương trong báo cáo 838 trang về cuộc điều tra vụ khủng bố 11/9/2001 được giữ lại theo lệnh của cựu tổng thống Mỹ George W. Bush. Ông Bush khi đó cho rằng, việc hé lộ 28 trang tài liệu có thể làm lộ nguồn tin và phương thức tình báo của Mỹ. Tuy nhiên, theo giới quan sát, bảo vệ mối quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Saudi Arabia là một trong những lý do khiến Washington nhiều năm qua không tiết lộ tài liệu mật đó, theo SCMP.

28 trang tài liệu hiện được lưu giữ ở một căn phòng bí mật tại tầng hầm của tòa nhà Quốc hội Mỹ. Chúng chứa thông tin về cuộc điều tra "các nguồn hỗ trợ nước ngoài cho những kẻ không tặc vụ 11/9 trong thời gian chúng ở Mỹ".

hai toa thap doi cua trung tam thuong mai the gioi (wtc) tai new york bi tan cong ngay 11/9/2001. anh: ap

Hai tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) tại New York bị tấn công ngày 11/9/2001. Ảnh: AP

Bob Graham, cựu Thượng nghị sĩ bang Florida, đồng chủ tịch cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ về vụ khủng bố 11/9, cùng các quan chức khác nói rằng tài liệu cho thấy Saudi Arabia là "kẻ tình nghi". Theo ông Graham, các quan chức tình báo sẽ ra quyết định có tiết lộ tài liệu này trong vài tuần tới hay không. Thông tin về hồ sơ mật xuất hiện trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và đồng minh lâu năm Saudi Arabia đang trong giai đoạn căng thẳng.

Ông Graham nhấn mạnh, câu hỏi quan trọng nhất chưa có lời giải đáp về vụ 11/9 là 19 tên không tặc đã thực hiện âm mưu rất tinh vi này đơn lẻ hay còn nhận sự hỗ trợ nào khác.

Tim Roemer, thành viên cuộc điều tra của Quốc hội và Ủy ban điều tra vụ 11/9, đã đọc tài liệu mật này 3 lần. Ông mô tả 28 trang là "báo cáo sơ bộ của cảnh sát". "Tài liệu có những manh mối, cáo buộc và lời kể của nhân chứng. Nó cũng có chứng cứ về những tên không tặc, những người mà chúng đã gặp. Đây là tất cả những thông tin mà Ủy ban 11/9 được giao nhiệm vụ xem xét và điều tra", ông Roemer nói hôm 22/4.

15 trong số 19 không tặc tấn công các máy bay Mỹ là công dân Saudi Arabia. Chính phủ Saudi Arabia cho biết, họ "đã bị buộc tội đồng lõa một cách oan uổng và bệnh hoạn" trong vụ việc. Tuy nhiên, Saudi Arabia từng nói họ hoan nghênh chính quyền Mỹ tiết lộ về tài liệu 28 trang vì nó sẽ cho phép nước này đưa ra phản ứng dứt khoát trước mọi cáo buộc.

Cả cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ và Ủy ban điều tra vụ 11/9 đều không phát hiện bằng chứng cho thấy chính phủ Saudi Arabia hoặc các quan chức cấp cao của Saudi cố ý hỗ trợ những kẻ đã chỉ huy vụ khủng bố, khiến gần 3.000 người thiệt mạng. Tuy nhiên, chủ tịch cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ về vụ khủng bố 11/9, ông Graham, và một số nhà lập pháp cho rằng, Mỹ có lý do để điều tra thêm về mối liên hệ giữa Saudi Arabia và sự việc.

Theo quan chức của cả hai cơ quan điều tra vụ 11/9, Mỹ không phát hiện ra chính phủ Saudi Arabia có liên quan tới vụ 11/9 ở cấp cao nhất, nhưng chắc chắn không loại trừ Saudi Arabia. "Nước này là mảnh đất màu mỡ cho al-Qaeda. Cho tới nay, một số vấn đề vẫn còn chưa được giải quyết. Đó là lý do tại sao chúng ta cần tiếp tục điều tra tới cùng", ông Roemer khẳng định.

2.977 người thiệt mạng trong vụ khủng bố ngày 11/9/2001, sau khi hai máy bay chở khách lao vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở New York, Mỹ. Các nạn nhân có độ tuổi từ 2 đến 85. Khoảng 75 - 80% người thiệt mạng là nam giới. Gần 15 năm trôi qua, ngày 11/9 đen tối vẫn ám ảnh người Mỹ và nhân loại bởi thiệt hại về người và của quá lớn.


Tướng Burundi bị bắn chết khi đưa con gái đi học

Cố vấn an ninh cho phó tổng thống Burundi bị bắn chết tại trường của con ở thủ đô Bujumbura.
tuong athanase kararuza bi am sat tai truong cua con. anh: bbc

Tướng Athanase Kararuza bị ám sát tại trường của con. Ảnh: BBC

Tướng Athanase Kararuza và vợ qua đời ngay lập tức. Hiện chưa có bên nào nhận trách nhiệm về vụ tấn công, theo BBC.

Hơn 400 người đã thiệt mạng trong khủng hoảng tại Burundi kể từ khi Tổng thống Pierre Nkurunziza thông báo ông sẽ tranh cử nhiệm kỳ thứ ba vào tháng 4 năm ngoái. Một loạt quan chức quân đội cấp cao đã bị nhắm mục tiêu tấn công.

Lực lượng an ninh Burundi cũng bị Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc giết đối thủ và chôn xác họ trong các ngôi mộ tập thể.

Sau khi vụ tấn công được đưa tin, Tòa án Hình sự Quốc tế thông báo họ sẽ bắt đầu một cuộc điều tra sơ bộ về tình trạng bạo lực ở Burundi. Họ sẽ quyết định liệu có tổ chức điều tra toàn diện, có nghĩa là có thể đưa những kẻ bị cáo buộc đứng đằng sau bạo lực ra công lý.

Phóng viên BBC Robert Misigaro nói rằng vụ sát hại là một đòn giáng vào Tổng thống Nkurunziza, vì nó cho thấy rằng ông không thể đảm bảo an toàn cho nhân viên của mình.

Bộ trưởng Nhân quyền Martin Nivyabandi hôm qua sống sót sau một cuộc tấn công bằng lựu đạn khi ông rời khỏi nhà thờ.

Burundi là quốc gia nằm ở Đông Phi. Tháng 4/2015, các cuộc biểu tình nổ ở nước này khi Tổng thống Pierre Nkurunziza thông báo ông sẽ tranh cử nhiệm kỳ thứ ba. Một tháng sau, các sĩ quan quân đội tiến hành một cuộc đảo chính nhưng bất thành. Tháng 7/2015, ông Nkurunziza tái đắc cử. Cuộc bầu cử gây tranh cãi và lãnh đạo đối lập Agathon Rwasa mô tả chúng là "một trò đùa".

Sau khi các cuộc tấn công liên tiếp diễn ra, Liên Hiệp Quốc tháng này chấp thuận một nghị quyết mở đường cho lực lượng cảnh sát của Liên Hiệp Quốc được triển khai đến Burundi.


Cruz và Kasich liên minh chống tỉ phú Trump

Ban vận động tranh cử cho 2 ứng cử viên Ted Cruz và John Kasich công bố sẽ phối hợp trong cuộc bầu cử tại 3 bang tới nhằm ngăn đà tiến của ông Trump.

hai ung cu vien tong thong dang cong hoa ted cruz (trai) va john kasich - anh: wp

Hai ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Ted Cruz (trái) và John Kasich - Ảnh: WP

Theo Foxnews, thông báo của hai ban điều hành chiến dịch vận động tranh cử của thượng nghị sĩ bang Texas, Ted Cruz, và thống đốc bang Ohio, John Kasich đồng loạt đưa ra thông báo về quyết định “phối hợp tác chiến” vào cuối ngày chủ nhật 24-4, giờ Mỹ.

Theo đó, các nhà vận động tranh cử sẽ phối hợp hành động trong ba cuộc bầu cử sơ bộ tại ba bang sắp tới nhằm ngăn không cho ứng cử viên hiện đang dẫn đầu đường đua bên Đảng Cộng hòa là Donald Trump giành đủ số vé để trở thành đại diện tranh cử của đảng trước hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng hòa diễn ra trong mùa hè này.

Cụ thể, các bên đã thống nhất là ông Kasich sẽ rút khỏi cuộc so kè ở bang Indiana, tạo “đường thông hè thoáng” cho ông Ted Cruz có cơ hội giành trọn số đại biểu trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang này ngày 3-5.

Bù lại, ông Cruz cũng sẽ dành trọn đường đua và cơ hội chiến thắng cho ông Kasich tại 2 bang Oregon (bầu cử sơ bộ ngày 17-5) và bang New Mexico (bầu cử sơ bộ ngày 7-6).

Người quản lý chiến dịch tranh cử của ông Cruz, Jeff Roe, nói: “Việc để cho ông Donald Trump giành được chiếc vé đại diện cho đảng vào tháng 11 tới sẽ là thảm họa chắc chắn với Đảng Cộng hòa.

“Để đảm bảo cho việc chúng tôi sẽ đề cử một thành viên Đảng Cộng hòa có thể đoàn kết đảng và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11, chiến dịch của chúng tôi sẽ tập trung thời gian và nguồn lực tại bang Indiana và tiếp đó dọn đường cho thống đốc Kasich cạnh tranh ở bang Oregon và New Mexico.

“Chúng tôi hi vọng các đồng minh của cả hai chiến dịch tranh cử sẽ tuân thủ theo sự dẫn dắt của chúng tôi”.

Trước thông tin này, tỉ phú New York Donald Trump đã có ngay phản ứng trên tài khoản Twitter của ông: “Wow, vừa có thông báo là ông Ted và ông Kasich sẽ thông đồng với nhau để ngăn không cho tôi trở thành ứng cử viên đại diện Đảng Cộng hòa. Đáng thất vọng!”.

Cùng với đó, ban vận động chiến dịch tranh cử của ông Trump cũng lên tiếng chỉ trích động thái liên minh này là “một hành động thất vọng khủng khiếp từ hai chiến dịch vận động đã thất bại thảm hại”.


Mỹ bắt giữ nữ gián điệp Trung Quốc

Hôm 22/4, một phụ nữ Trung Quốc cư trú ở Mỹ đã bị cơ quan đặc vụ Mỹ bắt giữ với cáo buộc gián điệp.

Hãng tin Reuters cho biết, bà Amin Yu (53 tuổi) bị cáo buộc “theo sự sai khiến của các giáo sư Đại học Công trình Cáp Nhĩ Tân, mua và vận chuyển trái phép kỹ thuật và linh kiện tàu ngầm không người lái sang Trung Quốc”.

Đây được xem là vụ án gián điệp mới nhất mà cơ quan đặc vụ Mỹ nhằm vào giới khoa học và thương gia người Hoa ở Mỹ.

20160425112557-my-cho-rang-amin-yu-da-tim-cach-chuyen-trai-phep-ky-thuat-va-kinh-kien-ve-tau-ngam-khong-nguoi-lai-ve-trung-quoc

Bà Yu hiện sống tại Orlando, bang Florida. Yu tới Mỹ vào năm 1988. Bà này từng tiến hành nghiên cứu về “thiết bị có điều khiển dưới nước” ở Đại học Công trình Cáp Nhĩ Tân.

Yu có quốc tịch Trung Quốc nhưng đã được quyền cư trú vĩnh viễn tại Mỹ, hiện đang làm việc kiểu kiêm chức tại một trường đại học ở Orlando.

Theo các nguồn tin, bà Yu đã thành lập một công ty rồi tìm mua cáp điện, thiết bị kết nối, thiết bị dẫn đường truyền hình qua máy tính và thiết bị định vị sonar của một số công ty Mỹ, Canada và châu Âu.

Sau khi mua được hàng, Yu gửi về Trung Quốc qua dịch vụ bưu chính và UPS. Khi kê khai mẫu biểu đăng ký xuất cảnh, Yu giấu nhẹm việc cung cấp những thứ này cho Đại học Công trình Cáp Nhĩ Tân.

Tờ Newsweek gọi vụ này là “bằng chứng mới cho thấy Trung Quốc triển khai hoạt động gián điệp thương mại quy mô lớn”, coi vụ này ngang với vụ công dân Trung Quốc Fuyi Sun bị bắt vì buôn lậu sợi carbon cường lực.

Theo tạp chí này, năm 2015, số vụ án gián điệp thương mại của Trung Quốc xảy ra ở Mỹ đã tăng 53% so với năm 2013.

FBI cho rằng, những kẻ cạnh tranh thương mại nước ngoài thường thông qua 3 thủ đoạn để xây dựng mạng lưới thu thập tình báo kinh tế ở Mỹ: Thứ nhất là chiêu mộ những người di cư hoặc công dân nước ngoài làm việc trong các công ty hoặc cơ quan nghiên cứu.

Thứ hai là sử dụng chiến thuật kiểu tấn công như hối lộ, ăn cắp, lục thùng rác, nghe trộm, hack máy tính. Thứ ba là kiểu làm như Yu, thành lập công ty thương mại rồi thu thập các tình báo thương nghiệp và các thông tin then chốt.

Trong khi đó, báo chí Trung Quốc thì cho rằng, đây chỉ là âm mưu bức hại của cơ quan đặc vụ Mỹ đối với những người Hoa làm việc trong giới khoa học kỹ thuật Mỹ mà thôi.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục