tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh sáng 24-03-2016

  • Cập nhật : 24/03/2016

Cảnh giác “thiện ý” của Trung Quốc

Bắc Kinh muốn cải thiện hình ảnh bị sứt mẻ do các hành động ở biển Đông gây ra, đồng thời hồi sinh những dự án hạ tầng tranh cãi trên dòng Mekong

Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Mekong - Lan Thương (LMC) khai mạc ngày 23-3 tại TP Tam Á, tỉnh Hải Nam - Trung Quốc trong bối cảnh hạn hánnghiêm trọng hoành hành các nước trong lưu vực.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo 6 quốc gia liên quan đến sông Mekong, gồm 2 nước thượng nguồn Trung Quốc, Myanmar và 4 nước thuộc Ủy ban sông Mekong (MRC): Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Hội nghị tập trung thảo luận 5 lĩnh vực được tăng cường hợp tác gồm: nguồn nước, kết nối năng lực sản xuất, hợp tác kinh tế xuyên biên giới, nông nghiệp và giảm nghèo.

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, hội nghị nhất trí tăng cường hợp tác trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, coi đây là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu. Hội nghị cũng ủng hộ đề xuất xây dựng trung tâm hợp tác nguồn nước Mekong - Lan Thương nhằm đẩy mạnh chia sẻ thông tin và dữ liệu, nâng cao năng lực, ứng phó lũ lụt và hạn hán.

Tại lễ đón lãnh đạo các nước hôm 22-3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh việc Bắc Kinh xả nước từ đập Cảnh Hồng (từ ngày 15-3 đến 10-4) để hỗ trợ các quốc gia ở hạ lưu Mekong đang bị hạn hán đã chứng minh sự chân thành cũng như cam kết của Trung Quốc với LMC. Khoan bàn đến hiệu quả “cứu khát” của dòng nước từ đập Cảnh Hồng, giới phân tích cảnh báo không nên mất cảnh giác với “thiện ý” của Bắc Kinh.

Thời báo Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn nhận định của các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh muốn dùng LMC để hồi sinh các dự án hạ tầng dang dở, trong đó có dự án đập Myitsone ở Myanmar, bị ngưng trệ do vấn đề môi trường.

lanh dao 6 quoc gia tham du hoi nghi thuong dinh hop tac mekong – lan thuong anh: reuters

Lãnh đạo 6 quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Mekong – Lan Thương Ảnh: REUTERS

Bên cạnh đó, động thái xả nước trước thềm hội nghị được cho là để đánh lạc hướng những chỉ trích gay gắt nhằm vào các dự án thủy điện tai tiếng của nước này. Trung Quốc đã xây 6 đập thủy điện lớn trên đoạn sông Mekong chảy qua lãnh thổ của mình mà nước này gọi là Lan Thương. Với kế hoạch xây thêm một chuỗi 7 đập trên đoạn sông này, Trung Quốc có thể gây ra những thay đổi nguy hiểm đối với con sông dài nhất, quan trọng nhất Đông Nam Á, nắm sinh kế của 60 triệu người ở hạ lưu, theo tờ The Washington Times (Mỹ).

Báo The Nation (Thái Lan) ngày 23-3 đăng bài bình luận cho rằng sự sốt sắng trong chiến dịch ngoại giao để gắn kết với các quốc gia bị ảnh hưởng ở hạ lưu đã “tố cáo” ý đồ chứng tỏ quyền kiểm soát sông Mekong của Trung Quốc. Theo chuyên gia Ian Storey thuộc Viện ISEAS Yusof Ishak (Singapore), Trung Quốc có nhiều lý do để tổ chức hội nghị hiện nay. “Họ muốn dùng vai trò lãnh đạo trong tiểu vùng sông Mekong để cải thiện hình ảnh bị sứt mẻ do các hành động ở biển Đông gây ra, đồng thời thúc đẩy sáng kiến “một vành đai, một con đường” (kế hoạch tăng cường liên kết thương mại và cơ sở hạ tầng ở châu Á của Trung Quốc)”.


Tàu cá Đài Loan bị bắn trên vùng biển Indonesia

Đài Loan đang điều tra việc tàu vũ trang trong vùng biển Indonesia nổ súng bắn hai tàu cá nước này gần eo biển Malacca.

Theo cơ quan đánh bắt thủy sản của Đài Loan, hai con tàu đánh bắt cá ngừ thông báo đã bị các tàu của Indonesia truy đuổi và tấn công khi đi qua vùng biển nước này.

Cơ quan chuyên trách ngoại giao của Đài Loan đã chỉ định đại diện tại Jakarta điều tra vụ việc. Phía Đài Loan đang tiến hành xác định xem tàu Indonesia có thật sự liên quan đến vụ việc hay không. Cơ quan này cũng nghi ngờ rằng các cuộc tấn công có thể do cướp biển gây ra.

Một lãnh đạo Đài Loan ông Chang San-cheng tuyên bố: "Ngay cả nếu đó là khu vực kinh tế của Indonesia, thuyền của chúng tôi có thể đi qua mà không gây bất cứ thiệt hại gì. Có rất nhiều điều cần phải làm rõ...”.

“Indonesia không cần phải sử dụng phương tiện bạo lực chống lại thuyền của chúng tôi kể cả khi thuyền tham gia khai thác bất hợp pháp... Mọi hình thức phương tiện bạo lực không thể chấp nhận được" - ông cho biết.

tau chien kri sultan hasanuddin cua hai quan indonesia trong chien dich tim kiem may bay air asia qz8501 gap nan nam 2015

Tàu chiến KRI Sultan Hasanuddin của hải quân Indonesia trong chiến dịch tìm kiếm máy bay Air Asia QZ8501 gặp nạn năm 2015

Indonesia đang theo đuổi chính sách cứng rắn đối với các tàu tham gia vào các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp trong vùng biển của họ kể từ năm 2014.

Các hình thức trừng phạt bao gồm bắt giữ ngư dân và bắn chìm tàu cá đánh bắt trái phép. Do đoàn đánh cá của Indonesia vẫn chưa về nước nên việc xác định Indonesia có liên quan đến vụ việc hay không vẫn chưa thể giải quyết.

Tất cả thành viên của đoàn cá Đài Loan được báo cáo an toàn và không có chấn thương gì. Theo cơ quan đánh cá của Đài Loan, họ tiếp tục sang Singapore để đánh giá thiệt hại sau vụ tấn công.


Trung Quốc "lộ rõ ý đồ bá chủ sông Mekong"

Báo The Nation (Thái Lan) ngày 23-3 đăng tải bài bình luận cho rằng Trung Quốc đang tỏ rõ quyền kiểm soát và sử dụng thực sự đối với sông Mekong khi nước này mở chiến dịch ngoại giao để gắn kết với những quốc gia bị ảnh hưởng ở hạ lưu.

Theo The Nation Multimedia, tình hình trở nên rõ ràng hơn sau khi Bắc Kinh liên lạc với 5 nước khác dọc sông Mekong là Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Về mặt tự nhiên, khoảng một nửa của gần 5.000km chiều dài của sông Mekong dưới chủ quyền của Trung Quốc. Dòng sông này chảy qua 3 tỉnh của Trung Quốc trước khi tiến về phía nam tới vùng tam giác phía Nam Việt Nam.

Không hề thổi phồng khi nói rằng Trung Quốc sử dụng dòng sông này hơn toàn bộ 5 quốc gia còn lại. Trong khi Trung Quốc đã xây dựng 5 đập thủy điện trên dòng chảy chính của con sông trong 2 thập kỷ qua, chưa kể còn nhiều đập khác cũng đã được nước này lên kế hoạch, những quốc gia ở hạ lưu như Lào cũng đang xây dựng 2 dự án và các nước khác cũng cần bơm nước phục vụ hoạt động nông nghiệp .

mot goc song mekong. anh: nation multimedia

Một góc sông Mekong. Ảnh: Nation Multimedia

Trong khi Trung Quốc hối hả phát quang các ghềnh, đá ngầm, mảnh đất hoang để tạo điều kiện cho giao thông trên sông hơn 15 năm trước, các nước khác ở hạ lưu hiếm khi sử dụng sông Mekong cho mục đích giao thông vận tải.

Các đoàn thuyền của Trung Quốc thường xuyên vận chuyển hành khách và hàng hóa giữa các cảng phía nam nước này với cảng Chiang Saen – Thái Lan. Trong khi đó Thái Lan, Lào và Myanamar chỉ dùng thuyền nhỏ để đi lại trong phạm vi địa phương.

Giới chuyên gia cho rằng mỗi con đập mà Trung Quốc xây lên đều tạo ra nguy cơ làm cạn kiệt dòng chảy lớn hơn, đặc biệt là khi cả nhiều con đập trong số đó đều là những đập trữ nước, hạn chế dòng chảy của sông.

Sông Mekong cũng nằm trong chiến lược phát triển của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Cuối những năm 1980, Bắc Kinh lần đầu tiên ủy quyền cho giới chức tỉnh Tây Nam để gắn kết với các quốc gia trong lòng chảo Mekong. Và Bắc Kinh đã theo đuổi con đường đó cho tới nay. Khi nền kinh tế của Bắc Kinh đã vươn tới vị trí số 2 thế giới, quyền lực chính trị của nước này cũng nâng lên.

Bắc Kinh tiếp cận Tiểu vùng Sông Mekong Mở rộng (GMS) khi nhóm này họp thượng đỉnh đầu tiên ở Phnom Penh năm 2002. Nguồn tài chính phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng của GMS ban đầu đến từ các ngân hàng của Nhật nhưng sau đó Trung Quốc nhanh chóng tìm cách chen chân vị trí này.

Tuyến đường hàng hải lòng chảo Mekong chủ yếu do Ủy ban sông Mekong (MRC) điều hành. Các quy tắc của MRC vẫn còn dang dở nhưng chúng chỉ áp dụng cho Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Trong khi đó, các nước ở thượng nguồn Trung Quốc và Myanmar có đối thoại với các đối tác trong khu vực nhưng lại tự do hơn khi sử dụng con sông.

Không có cơ chế nào cho toàn bộ các quốc gia Mekong để thảo luận các ảnh hưởng của các dự án phát triển rầm rộ của Trung Quốc. GMS chỉ tập trung vào phát triển kinh tế, trong khi MRC không bao gồm Trung Quốc.

Cũng không có cơ hội nào cho 6 quốc gia liên quan thảo luận về những vấn đề như hậy quả của kế hoạch phát triển của Trung Quốc đối với môi trường, hay các vấn đề xã hội và an ninh liên quan như buôn người hay buôn lậu.

Bắc Kinh bắt đầu khởi xướng một diễn đàn mới mang tên Cơ chế Hợp tác Lancang-Mekong vào năm 2014. Lancang (Lan Thương) là tên Trung Quốc gọi dòng sông Mekong. Mặc dù cùng là một dòng sông, nhưng Trung Quốc nhất quyết phải lấy tên ghép giữa cách gọi của mình và tên do 5 nước còn lại gọi để sử dụng cho diễn đàn này. Qua đó đã đủ hiểu sự áp đặt của nền kinh tế số 2 thế giới với diễn đàn do họ tự lập ra này.

Động thái của Trung Quốc diễn ra quá nhanh khiến các nước khác tronglòng chảo Mekong chưa kịp xử lý. Và hồi tháng 11-2015, hội nghị bộ trưởng Lancang-Mekong đầu tiên diễn ra Tại trung Quốc. Bắc Kinh kêu gọi tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên trong tuần này để thiết lập cơ chế hợp tác mới. Một quan chức ngoại giao Trung Quốc nói rằng mọi vấn đề có thể được thảo luận ở hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Lancang-Mekong, trong đó có môi trường và các vấn đề xã hội khác dọc sông Mekong.

Trung Quốc từ lâu đã biết các dự án phát triển của mình, xây dựng đập ồ ạt trên sông Mekong, là một vấn đề lớn trong khu vực. Hồi tuần trước, nước này tuyên bố sẽ xả nước từ một đập ở tỉnh Vân Nam xuống hạ lưu sông Mekong đến ngày 10-4 để cứu hạn ở các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Đây là động thái hiếm thấy của nền kinh tế số 2 thế giới. Nhưng thực ra nó sẽ không xảy ra nếu Việt Nam không lên tiếng đề nghị hồi tuần trước, trong bối cảnh Trung Quốc đang chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Lancang-Mekong. Phía Việt Nam đã đề nghị Trung Quốc xả nước từ con đập tại nhà máy thủy điện ở tỉnh Vân Nam, phía Tây Nam Trung Quốc, để giúp vượt qua hạn hán tại các tỉnh ởđồng bằng sông Cửu Long.


Triều Tiên dọa vùi phủ tổng thống Hàn Quốc trong biển lửa

Bình Nhưỡng hôm nay cảnh báo kết cục thê thảm cho tổng thống Hàn Quốc và đồng minh Mỹ.
nha lanh dao kim jong-un kiem tra tinh trang san sang chien dau cua quan doi. anh: reuters

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu của quân đội. Ảnh: Reuters

Theo Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc CRI, Triều Tiên hôm nay có những lời lẽ mạnh mẽ cảnh báo Mỹ và Hàn Quốc. "Từ thời khắc này, nhân dân và quân đội Triều Tiên cùng lực lượng lao động, thanh niên sẽ cùng hợp lực thực hiện cuộc chiến vì chính nghĩa, tiêu diệt con rối Hàn Quốc", trích thông báo của Ủy ban thống nhất hòa bình Triều Tiên.

Triều Tiên thường gọi Hàn Quốc là con rối của Mỹ. Thông báo nêu trên cũng khẳng định lực lượng pháo binh Triều Tiên đã sẵn sàng chôn vùi phủ tổng thống Hàn Quốc trong biển lửa. 

Truyền thông Hàn Quốc cho rằng những lời lẽ hiếm thấy này của Triều Tiên chỉ cho thấy Bình Nhưỡng đang khẩn cấp đối phó lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc và cố duy trì thái độ đối nghịch với Mỹ - Hàn. 

Cảnh báo của Triều Tiên được đưa ra trong bối cảnh liên quân Mỹ - Hàn có cuộc tập trận thường niên Giải pháp Then chốt và Đại bàng non lớn nhất từ trước tới nay. Đáp lại, Triều Tiên cũng liên tiếp phóng tên lửa trong những ngày qua. 

Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA cho rằng cuộc tập trận của Mỹ - Hàn là "sự khiêu khích đáng nguyền rủa" với các cuộc không kích mô phỏng vào những cơ sở trọng yếu của Bình Nhưỡng.

Bình Nhưỡng những ngày qua liên tục đe dọa tấn công, bao gồm cả tấn công hạt nhân đáp trả Seoul và Washington.

Căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên leo thang từ đầu năm khi Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa và thử hạt nhân. Hôm 17/3, Triều Tiên bị cáo buộc thử tên lửa đạn đạo. Sau khi bị Liên Hợp Quốc và cả đồng minh Trung Quốc lên án, Bình Nhưỡng phản ứng bằng cách nhiều lần phóng tên lửa tầm ngắn và tầm trung.

Quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đang ở mức thấp nhất từ đầu năm tới nay khi nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye duy trì lập trường cứng rắn với quốc gia láng giềng.

Tuần trước, bà Park cảnh báo Triều Tiên đang đi trên con đường "tự hủy diệt" sau khi có tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un ra lệnh quân đội nước này sẵn sàng thử bom hạt nhân.


Trung Quốc công khai vệ tinh cảnh báo tên lửa đạn đạo

Các nhà khoa học Trung Quốc hôm 22/3 lần đầu tiên tiết lộ rằng nước này đang sở hữu vệ tinh có khả năng phát hiện tên lửa đạn đạo phóng lên trên toàn cầu.
ve tinh canh bao som. anh minh hoa: qq.com

Vệ tinh cảnh báo sớm. Ảnh minh họa: qq.com

Theo Nhật báo khoa học Trung Quốc, vệ tinh cảnh báo mang tên Gao Fen 4 của nước này sẽ phát hiện tên lửa đạn đạo sau 180 giây kể từ khi tên lửa rời bệ phóng.

Vệ tinh này được gắn máy ảnh hồng ngoại, kính quang học, hệ thống điều khiển từ xa, có độ phân giải ảnh màu chưa đến 50 m (đủ để theo dõi tàu sân bay trên biển), và độ phân giải ảnh nhiệt 400 m, có thể phát hiện các đám cháy rừng. Vệ tinh này được coi là công cụ cơ bản nhất của Trung Quốc trong việc phát hiện tên lửa đạn đạo.

Theo tính toán của giới quân sự Trung Quốc, các quốc gia có thể sử dụng tên lửa đạn đạo tấn công nước này là Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ.

Trước khả năng Mỹ có thể bắn tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm tại Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Trung Quốc cho rằng họ cần ít nhất ba vệ tinh cảnh báo để giám sát toàn cầu.

So sánh với hệ thống vệ tinh cảnh báo DSP của Mỹ phát triển từ năm 1972, giới khoa học Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh chiếm ưu thế khi vệ tinh nước này có khả năng phân biệt tên lửa đạn đạo chiến lược và chiến thuật. 

Theo đó, các bệ phóng tên lửa đạn đạo chiến lược thường cách nhau ít nhất 5 km để tránh sự cố nên vệ tinh sẽ không khó nhận ra. Nhưng khoảng cách giữa các bệ phóng tên lửa đạn đạo chiến thuật nhỏ hơn nhiều, dẫn đến DSP không thể phân biệt nhiều tên lửa được bắn một lúc hay chỉ một tên lửa được bắn.

Giới khoa học Trung Quốc cũng cho rằng Hệ thống Giám sát Hồng ngoại Không gian (SBIRS) của Mỹ được phát triển từ thập niên 1990 để cảnh báo, phòng thủ tên lửa và tác chiến vũ trụ là quá đắt đỏ và cho tới nay chỉ còn hai vệ tinh hoạt động.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục