Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Âu (EESC) đã kêu gọi hành động cụ thể ở cấp Liên minh châu Âu (EU) để chống lại nạn tham nhũng và biển thủ gây thiệt hại tới 120 tỷ euro mỗi năm, tương đương 1% Tổng sản phẩm nội khối (GDP) của EU.
Malaysia: “Cách mạng màu” đang nhen nhóm?
- Cập nhật : 04/09/2015
(Tin kinh te)
Hàng chục ngàn người Malaysia ngày 31/8 đồng loạt mặc áo vàng, biểu tình ở Kuala Lumpur và những nơi khác để đòi Thủ tướng Razak từ chức.
Những người biểu tình tức tối trước việc tài khoản của Thủ tướng Razak nhận được một khoản tiền thanh toán là 700 triệu USD từ các nguồn nước ngoài không nêu rõ tên, theo Wall Street Journal. Vụ chuyển khoản này bị lộ vào tháng trước trong một cuộc điều tra về cáo buộc sai phạm trong quản lý tại một quỹ tài chính.
Ban đầu ông Najib giận dữ bác bỏ các báo cáo, nhưng bộ trưởng nội các của ông đã thừa nhận những khoản tiền này là “tài trợ chính trị” từ những người Arab ở Trung Đông. (Ảnh: AP)
Một tờ báo tài chính của Malaysia công bố chi tiết số tiền này là từ quỹ quốc gia Abu Dhabi xuất hiện để hỗ trợ cho một quỹ phát triển do ông Najib sáng lập năm 2009 vì quỹ của ông Najib đang không thể thanh toán các khoản nợ.
Những người ủng hộ ông Najib khẳng định rằng: việc thành lập quỹ phát triển là chân chính, cho dù hướng phát triển của quỹ này đã gặp phải một số sai lầm và cần phải hỗ trợ. Tuy nhiên, lời lý giải này đã không đủ sức thuyết phục. Cho dù đó là số tiền tài trợ hợp pháp từ phía Arab, hay là hối lộ dưới hình thức tài trợ thì điều này cũng đã làm giảm uy tín của đất nước, cũng như uy tín của chính ông Najib.
Theo ước tính, có khoảng 50.000-80.000 người biểu tình ở Kuala Lumpur. Ngoài ra, nhóm tổ chức biểu tình cũng kêu gọi tiến hành biểu tình ở các thành phố Kota Kinabalu và Kuching. Cảnh sát Malaysia cũng tuyên bố các cuộc tụ tập biểu tình là bất hợp pháp.
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng bộ Nội vụ phụ trách an ninh trong nước, Zahid Hamidi, nói rằng những người tổ chức có thể đối mặt với tội xúi giục, kích động và vi phạm nhiều điều luật khác.
Đáng chú ý vụ biểu tình diễn ra trùng với dịp Ngày Quốc khánh Malaysia hôm 31/8 và đây cũng là lần đầu tiên quốc gia Đông Nam Á này phải đối mặt với sự phản ứng được cho là “có tổ chức và quy mô lớn” của người dân.
Cho dù thực tế khái niệm cuộc biểu tình “Bersih” trong tiếng Malay có nghĩa là “trong sạch” được thành lập từ năm 2006 và đây là lần thứ 4 những người theo phong trào “Bersih” biểu tình kêu gọi Chính phủ đưa ra lời giải thích thỏa đáng cho những vấn đề tài chính hay chuyện bầu cử. Điều này cảnh báo nguy cơ về những cuộc biểu tình tương tự trong thời gian tới.
"Người thầy" của Thủ tướng Malaysia ủng hộ người biểu tình
Thông tin về cuộc biểu tình “áo vàng” của người dân có sự ủng hộ của cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad khiến giới chính khách nước này sững sờ.
AFP dẫn tuyên bố của cảnh sát Malaysia ngày 2/9 sẽ yêu cầu cựu Thủ tướng Mohamad đến để chất vấn vì những phát ngôn đòi lật đổ Thủ tướng Najib Razak.
Ông Mahathir (90 tuổi), người từng giữ chức Thủ tướng lâu năm nhất Malaysia (22 năm), kêu gọi những người tham gia tuần hành tiến hành “phong trào sức mạnh quần chúng” yêu cầu Thủ tướng đương nhiệm Najib từ chức.
Ngoài số tiền 700 triệu USD “bất ngờ” có trong tài khoản, Thủ tướng Najib còn bị cáo buộc hối lộ cho các quan chức thuộc đảng cầm quyền Tổ chức Dân tộc Malaysia Thống nhất (UMNO) để đổi lấy sự ủng hộ của họ.
Hiện cảnh sát vẫn chưa đưa ra kết luận: Cựu Thủ tướng Mahathir, một nhân vật vẫn còn sức ảnh hưởng lớn trong hàng ngũ quan chức đảng cầm quyền, có bị truy tố vì những phát ngôn trên hay không.
Ngoài cựu Thủ tướng Malaysia bị cảnh sát yêu cầu chất vấn, theo bà Maria Chin Abdullah, người đứng đầu nhóm biểu tình Bersih thì một số thủ lĩnh biểu tình đã bị triệu tới cơ quan cảnh sát để tường trình.
Sẽ có thêm những người “Áo đỏ”?
Theo Bangkok Post, vụ bê bối tài chính có liên quan tới Thủ tướng đương nhiệm Malaysia đã khiến tỷ giá đồng nội tệ Ringgit Malaysia so với các ngoại tệ đã giảm xuống mức kỷ lục trong vòng 17 năm qua.
Báo chí Malaysia và nước ngoài đưa ra nhận định, rất khó để thuyết phục người dân bỏ qua một cách êm thấm vụ scandal này.
The Diplomat và một số báo Nhật phân tích về một yếu tố bất lợi với Thủ tướng đương nhiệm Malaysia đó là việc cựu Thủ tướng nước này ông Mahathir Mohamad, vốn là một "người dẫn dắt" ông Najib cũng đang lên án hành động của ông Najib Razak.
Tuy nhiên, theo BangkokPost, Chính phủ Malaysia thường có quan điểm cứng rắn với những chính kiến bất đồng hay những đối thủ chính trị. “Việc Thủ tướng đương nhiệm Najib Razak tuyên bố cuộc biểu tình là bất hợp pháp” là đương nhiên, thậm chí có khả năng dùng biện pháp trấn áp biểu tình.
“Chính phủ sẽ không chịu thất bại, họ sẽ nghiên cứu tính toán và tận dụng sai lầm của những người chống đối; khả năng cũng sẽ lập ra phong trào ủng hộ Chính phủ. Và có thể họ sẽ mặc đồng loạt chiếc áo một màu. Có thể là Áo đỏ” , theo báo Độc lập Nga./.