Được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay", tên lửa Đông Phong 21D từ lâu vẫn nằm trong vòng bí mật với nhiều lời đồn đoán.
Tin thế giới đọc nhanh chiều 04-09-2015
- Cập nhật : 04/09/2015
Nga bác đề xuất của Pháp về hạn chế quyền phủ quyết tại Liên hợp quốc
Nga ngày 2/9 đã bác bỏ đề xuất của Pháp về việc hạn chế sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Pháp đưa ra đề xuất nhằm thuyết phục các nước thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ - cũng bao gồm Anh, Trung Quốc, Nga, và Mỹ - về hạn chế việc sử dụng quyền phủ quyết liên quan đến vấn đề thảm sát, giết người hàng loạt.
“Chúng tôi phản đối đề xuất này vì không có tính khả thi”, ông Vitaly Churkin, đại sứ Nga tại Liên hợp quốc, phát biểu với báo giới.
Đây là lần đầu tiên Nga mạnh mẽ phản đối việc hạn chế dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ.
Quyền phủ quyết của các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ được đưa ra vào thời kỳ đầu thành lập, và sẽ được xem xét lại trong năm nay nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập LHQ.
Đề xuất của Pháp đã nhận được sự ủng hộ từ 70 các quốc gia thành viên LHQ không có quyền phủ quyết, ngoại trừ Trung Quốc và Mỹ còn đang rất dè dặt. Năm ngoái, Nga và Trung Quốc đã sử dụng quyền phủ quyết để bác bỏ việc ra nghị quyết yêu cầu Tòa án hình sự quốc tế truy tố tội ác thảm sát tại Syria.
“Nếu Pháp muốn tự hạn chế quyền phủ quyết của chính họ, thì rất hoan nghênh”, ông Churkin nói.
Tháng 7, Nga đã dùng quyền phủ quyết để ngăn chặn việc ra 2 nghị quyết, liên quan đến vụ thảm sát tại Bosnia và việc lập tòa án để truy cứu vụ bắn rơi máy bay MH17 của Malayasia tại Ukraine.
Pháp sẽ tổ chức một cuộc họp vào 30/9, bên lề phiên họp Đại hội đồng LHQ, nhằm thảo luận lại đề xuất trên, một năm sau khi nước này chính thức đưa đề xuất.
Trung Quốc có thể đang đóng hai tàu sân bay
Truyền thông Trung Quốc từng nhắc đến việc Bắc Kinh đang đóng các tàu sân bay mới nhưng thông tin về chương trình tàu sân bay của nước này còn rất ít. Theo báo cáo hồi đầu năm từ Lầu Năm Góc, Bắc Kinh có thể đóng nhiều tàu sân bay trong vòng 15 năm tới.
Reuters dẫn báo cáo về các khả năng của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) từ Cơ quan Phòng vệ Đài Loan cho biết Bắc Kinh đang đóng mới hai tàu sân bay ở Thượng Hải và thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Hiện chưa rõ thời điểm hoàn thành.
Hai tàu sân bay mới có kích cỡ tương đương tàu Liêu Ninh. Tàu Liêu Ninh, trọng tải 60.000 tấn, được Trung Quốc mua lại từ Ukraine năm 1998 rồi tân trang và đưa vào sử dụng. Nó hiện là tàu sân bay duy nhất của quân đội Trung Quốc.
Người phát ngôn Cơ quan Phòng vệ Đài Loan từ chối cung cấp thêm chi tiết về báo cáo. Một đơn vị chỉ huy sẽ được thiết lập "với mục đích hợp nhất sức mạnh và tăng cường khả năng chiến đấu" khi các tàu mới đi vào hoạt động, báo cáo cho biết thêm.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hiện chưa có bình luận gì về thông tin trên.
Kinh tế Australia “hụt hơi” do đối tác Trung Quốc giảm tốc
Theo số liệu mới đây của Cơ quan Thống kê Australia, kinh tế nước này trong quý 2 chỉ tăng trưởng 0,2% so với quý trước đó, mức thấp nhất trong hơn hai năm qua, do lĩnh vực xuất khẩu chủ chốt suy giảm khi tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Xứ sở Chuột túi.
Hiện tại, các nền kinh tế dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên như Australia, Brazil hay Canada đang chịu tác động bất lợi do nhu cầu của (khách hàng lớn) Trung Quốc suy giảm đối với các loại hàng hóa, dẫn tới giá các kim loại và dầu lao dốc, kéo theo sự giảm giá đồng tiền của các nước này, qua đó làm giảm nguồn thu nhập của họ.
Bộ trưởng Tài chính Australian Joe Hockey đã tìm cách trấn an những ý kiến lo ngại về triển vọng kinh tế nước này và cho hay nước này dù chịu tác động bất lợi của việc kim ngạch thương mại giảm mạnh nhất trong hơn 50 năm qua song đã tránh được nguy cơ suy thoái trong 24 năm trở lại đây.
Trước đó, Ngân hàng Trung ương Australia đã giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục 2% trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của nước này vẫn ở loanh quanh mức cao nhất trong một thập niên qua là 6% trong một vài tháng gần đây.
Canada, nước sản xuất dầu lớn thứ 5 năm thế giới, đã rơi vào suy thoái kinh tế lần thứ hai trong bảy năm qua, trong khi GDP của Brazil sụt giảm trong hai quý đầu năm 2015./.
EU gia hạn trừng phạt Nga
Trang Sputnik của Nga đưa tin, ngày 2/9, Ủy ban đại diện thường trực các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua quyết định kéo dài các biện pháp trừng phạt Nga đến tháng 3/ 2016.
"Ủy ban quyết định kéo dài lệnh trừng phạt thêm 6 tháng. Hiện giờ nhóm kỹ thuật sẽ tiến hành các công việc kỹ thuật và pháp lý để Hội đồng có thể thông qua quyết định cuối cùng trước ngày 15/9”, một nguồn tin của hãng trong cơ quan ngoại giao EU cho biết.
Nguồn tin cũng cho biết thêm, các biện pháp trừng phạt ở đây đề cập đến các biện pháp trưng phạt cá nhân.
Trước đó, tại cuộc họp diễn ra vào hôm nay, 22/6, tại Luxembourg, Ngoại trưởng các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức gia hạn lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga thêm 6 tháng đến ngày 31/1/2016.
EU áp đặt các lệnh cấm lên Nga từ ngày 1/8 năm ngoái, và thắt chặt chỉ một tháng sau đó. Đến tháng 10/2014, Ủy ban châu Âu (EC) quyết định nới lỏng các lệnh trừng phạt lên các chi nhánh tại châu Âu của các ngân hàng quốc doanh Nga. Nga tuyên bố sẽ đáp trả thích đáng các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Trung Quốc cắt giảm 300.000 quân thường trực
Thông báo trên được người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa ra vài giờ sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phátxít của nhân dân thế giới, tổ chức tại quảng trường Thiên An Môn ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh, tuyên bố Trung Quốc sẽ cắt giảm 300.000 quân.
Theo ông Dương Vũ Quân, lực lượng cắt giảm chủ yếu là nhân viên hành chính và lực lượng không tham gia chiến đấu; quyết định này phù hợp với tình hình hiện nay của nhà nước cũng như quân đội Trung Quốc, theo đó các lực lượng vũ trang sẽ giảm quân số song sẽ được bố trí khoa học hơn.
Đây sẽ là lần thứ tư Trung Quốc cắt giảm quân số kể từ những năm 80 của thế kỷ trước. Năm 1985, Trung Quốc đã cắt giảm hơn 1 triệu quân.