tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 15-12-2015

  • Cập nhật : 15/12/2015

Triều Tiên "hóa sói" với Trung Quốc

“Trong quá khứ, Triều Tiên như chó nuôi trong nhà, chỉ cần Trung Quốc cho ít thịt thì sẽ nghe lời. Nhưng giờ chó đã hóa sói và biết cắn lại. Thịt không giữ được nó nữa”.

Đó là tóm tắt về quan hệ Trung – Triều mà một tài xế taxi người Trung Quốc từng nói với phóng viên báo The Washington Post (Mỹ).

Câu chuyện này được tờ báo Mỹ nhắc lại khi đưa tin về việc Moranbong, nhóm nhạc gồm 12 thành viên nữ do đích thân nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyển chọn, đột ngột rời Bắc Kinh chỉ vài giờ trước buổi biểu diễn hôm 12-12.

Theo Tân Hoa Xã, buổi biểu diễn bị hủy bỏ vì “các vấn đề giao tiếp ở cấp tổ chức”. Bản tin ngắn gọn của Tân Hoa Xã viết: “Trung Quốc đánh giá cao tầm quan trọng của việc trao đổi văn hóa với Triều Tiên và sẵn sàng tiếp tục thúc đẩy giao lưu và hợp tác song phương trong văn hóa và các lĩnh vực khác”. Ngoài ra, không có thêm bất cứ thông tin nào về vụ việc này.

Nếu diễn ra đúng kế hoạch, buổi diễn này sẽ được xem là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đang ấm lên lên giữa 2 nước láng giềng sau khoảng thời gian lạnh nhạt do Triều Tiên thử hạt nhân năm 2013. Thế nhưng, nó đã bị hủy đột ngột và các chuyên gia cho rằng mối quan hệ này đang xấu đi.

Có nhiều đồn đoán quanh việc hủy diễn, một trong số đó được cho là do ông Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên đã trở thành “một đất nước mạnh về vũ khí hạt nhân và sẵn sàng kích nổ bom nhiệt hạch” hôm 10-12.

Trước đó, theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, một quan chức Trung Quốc giấu tên cho hay Bình Nhưỡng đã mở lời mời chủ tịch Tập Cận Bình hoặc Thủ tướng Lý Khắc Cường đến dự buổi diễn. Phía Trung Quốc không đồng ý, thay vào đó hứa sẽ cử một thành viên của Bộ Chính trị. Nhưng sau tuyên bố bom nhiệt hạch, nhân vật có mặt được hạ xuống cấp thứ trưởng.

vo chong ong kim jong-un trong mot lan xem moranbong trinh dien. anh: kcna

Vợ chồng ông Kim Jong-un trong một lần xem Moranbong trình diễn. Ảnh: KCNA

Giáo sư Sun Xingjie, người giảng dạy môn Quan hệ Quốc tế của Trường ĐH Cát Lâm (Trung Quốc), phân tích: “Việc trình diễn của các nhóm nhạc Triều Tiên không bao giờ gói gọn trong hoạt động văn hóa, mà được xem là biểu hiện của sự tin tưởng về mặt chính trị giữa giới lãnh đạo 2 nước. Tuyên bố của Tân Hoa Xã cho thấy Bắc Kinh xem sự kiện này chỉ là trao đổi văn hóa bình thường nhưng Bình Nhưỡng rõ ràng không cho là như vậy”.

Ngoài lý do mang tính chính trị kể trên, có nguồn tin cho rằng buổi diễn bị hủy do truyền thông quốc tế quá tập trung vào Hyon Song-wol, ca sĩ trưởng nhóm Moranbong. Cô được cho là người yêu cũ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và từng có tin đồn cô bị xử tử.


Các cường quốc "đổ bê tông" ở Libya để chống IS

Các cường quốc trên thế giới hôm 13-12 ủng hộ việc thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc ở Libya, cam kết hỗ trợ an ninh, kinh tế và chống khủng bố để giúp quốc gia Bắc Phi đang chìm trong khủng hoảng này ổn định trở lại.

Libya cũng là nơi nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) hoạt động mạnh ngoài địa bàn chính ở Iraq và Syria.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Ý Paolo Gentiloni cùng đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Martin Kobler lạc quan rằng đa số đại diện của 2 chính phủ đối lập ở Libya sẽ ký một thỏa thuận thống nhất vào ngày 16-12 tới.

Đại diện từ 17 quốc gia bao gồm Ai Cập, Đức, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, và Trung Quốc đã ký một tuyên bố chung kêu gọi lệnh ngừng bắn ngay lập tức và đe dọa cắt đứt liên lạc với phe nào không ký thỏa thuận. 15 người Libya đại diện các nhóm khác nhau cũng tham dự cuộc họp.

“Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ việc thực hiện các thỏa thuận chính trị và nhấn mạnh cam kết vững chắc của chúng tôi nhằm cung cấp các giải pháp chính trị, kỹ thuật, kinh tế, an ninh và chống khủng bố theo yêu cầu” – tuyên bố cho biết.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Ý Paolo Gentiloni (giữa) cùng đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Martin Kobler dự hội nghị về Libya tại Rome - Ý hôm 13-12. Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Ý Paolo Gentiloni (giữa) cùng đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Martin Kobler dự hội nghị về Libya tại Rome - Ý hôm 13-12. Ảnh: Reuters

Cả hai ông Kerry và Gentiloni – đồng chủ trì cuộc họp - đều bày tỏ sự cần thiết về việc thành lập một chính phủ đoàn kết để chống lại các mối đe dọa ngày càng tăng từ IS.

Libya chìm sâu vào hỗn loạn sau vụ lật đổ cố lãnh đạo Muammar Gaddafi cách đây 4 năm do phương Tây hậu thuẫn. Thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) này hiện tại có 2 chính phủ và 2 quốc hội tồn tại song song, được hậu thuẫn bởi các nhóm vũ trang khác nhau.

Ý là nước quan tâm đến tình hình Libya nhiều nhất sau vụ khủng bố liên hoàn ở thủ đô Paris – Pháp tối 13-11, trong đó IS đã nhận trách nhiệm vụ tấn công. Libya cách đảo Lampedusa của Ý khoảng 300 km.

Với khoảng 3.000 chiến binh, IS đã củng cố vị trí của mình ở Libya bằng cách chiếm TP Sirte, miền Trung Libya, tấn công một khách sạn và một nhà tù ở thủ đô các mỏ dầu và các trạm kiểm soát quân sự, đồng thời công bố một đoạn video quay cảnh chặt đầu 21 tín đồ Ki-tô giáo Ai Cập trên một bãi biển ở Libya.

Thỏa thuận do LHQ làm trung gian sẽ giúp nước này yêu cầu hỗ trợ quân sự quốc tế để chống lại IS.

 

Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 13-12 bác bỏ yêu cầu trợ giúp thêm về quân sự để chống IS của Mỹ. Đài ZDF dẫn lời bà Merkel cho biết Đức “đã hoàn thành phần việc của mình và không muốn bàn luận về vấn đề do Mỹ đề xuất vào thời điểm này”.

Tạp chí Der Spiegel hôm 12-12 đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã gửi một lá thư yêu cầu Đức thể hiện vai trò quân sự lớn hơn, 1 tuần sau khi Berlin chấp nhận tham gia chiến dịch ở Syria. Đức triển khai 6 máy bay trinh sát Tornado, 1 tàu khu trục để bảo vệ tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp, tiếp liệu máy bay và 1.200 quân nhưng không trực tiếp tham chiến.

BỘ Quốc phòng Đức xác nhận về lá thư và cho biết đang cân nhắc nội dung (không được công bố).


Mỹ bổ sung khả năng diệt hạm cho Tomahawk?

 Hải quân Mỹ có thể bổ sung chức năng chống hạm cho tên lửa hành trình Tomahawk như một giải pháp tình thế.

Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh và sự sụp đổ của Liên Xô (cũ), Hải quân Mỹ về cơ bản đã làm chủ được mọi tình huống trên biển với các trang thiết bị vũ khí hiện có. Tuy nhiên, họ có phần tập trung hơn vào khả năng tấn công trên đất liền mà quên đi khả năng chống và diệt hạm.

Phát biểu trước Quốc hội tại phiên điều trần trong tuần này, cựu quan chức Hải quân Mỹ Byran McGrath cho biết Washington không trang bị thêm bất kỳ tàu chiến nào có thể phóng tên lửa diệt hạm từ năm 1999 trở lại đây.

“Không có con tàu nào trong kho của chúng tôi có thể vô hiệu hóa tàu khác bằng vũ khí sẵn có ngoài phạm vi 70 dặm (tầm bắn của tên lửa Harpoon) và không có tàu mới nào phóng được tên lửa Harpoon được bổ sung kể từ năm 1999" – ông McGrath nói.

Mỹ đang thiếu tên lửa diệt hạm phóng từ tàu chiến. Ảnh: RedFlagNews
Mỹ đang thiếu tên lửa diệt hạm phóng từ tàu chiến. Ảnh: RedFlagNews

Trong khi đó, tàu chiến Nga, Trung Quốc và Ấn Độ có tên lửa hành trình siêu thanh Brahmos và 3M-54T (SS-N-27A Sizzler) rất khó để đánh chặn và đặt ra mối đe dọa cho các hạm đội Mỹ.

Ông McGrath gợi ý một giải pháp tức thời cho vấn đề này, đó là chuyển đổi Tomahawk thành tên lửa hành trình tấn công kép, tức kiêm luôn vai trò diệt hạm bên cạnh chức năng tấn công trên bộ. Sau khi cải tiến, tên lửa có thể diệt hạm trong phạm vi 1.850 km.

Nhưng sửa đổi Tomahawk chỉ là giải pháp ngắn hạn vì tên lửa này và các loại tên lửa cận âm như Harpoon vẫn có thể bị hệ thống phòng không hiện đại của tàu địch tiêu diệt. Quân đội Mỹ cần có tên lửa diệt hạm riêng vào cuối những năm 2020.

Ngoài ra, Hải quân Mỹ cần nhanh chóng phát triển một tên lửa mới có khả năng chống lại hệ thống phòng thủ tiên tiến nhất thế giới cũng như tấn công được các mục tiêu cố định và di chuyển, trên biển và trên bờ, theo ông McGrath.


Đức từ chối đề nghị của Mỹ tăng hỗ trợ quân sự đánh IS

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã từ chối lời đề nghị của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter yêu cầu Berlin tăng thêm hỗ trợ quân sự cho chiến dịch của liên quân do Mỹ dẫn đầu nhằm tiêu diệt lực lượng khủng bố IS.
“Tôi tin rằng Đức làm đủ phần đóng góp của mình, và lúc này chúng ta không cần phải nói thêm về vấn đề đó”, bà Merkel nói với kênh ZDF của Đức khi được hỏi phản ứng của bà trước đề nghị của Bộ trưởng Carter, Reuters ngày 13.12 đưa tin.
Trước đó, tạp chí Der Spiegel của Đức cho biết, một tuần sau khi quốc hội nước này thông qua kế hoạch của chính phủ tham chiến chống khủng bố, người đứng đầu Lầu Năm Góc đã gửi thư đề nghị trên cho Berlin.
Theo Thủ tướng Merkel, người vừa được tạp chí TIME của Mỹ bình chọn là Nhân vật của năm 2015, việc huy động khí tài của Berlin cho chiến dịch tiêu diệt IS trong thời điểm hiện tại là đủ, còn gia tăng quân sự là vấn đề của tương lai mà Berlin sẽ đề cập đến khi thấy cần thiết.
Việc Thủ tướng Merkel từ chối có vẻ khá bất ngờ, trong khi Đức muốn tăng cường vai trò và tầm ảnh hưởng của mình đối với các vấn đề an ninh của thế giới như tuyên bố hồi tuần trước của Bộ trưởng Quốc phòng nước này. Bà Ursula von der Leyen nói rằng Berlin cần lực lượng vũ trang lớn hơn để tương xứng với vai trò của Berlin.
Đức đồng ý tham gia chiến dịch chống khủng bố khi huy động 6 máy bay do thám Tornado, tàu khu trục tham chiến cùng liên quân, tiếp tế nhiên liệu và huy động 1.200 quân.

Người Hàn tác động đổi tên biển Nhật Bản trong sách giáo khoa ở Mỹ

bang virginia cua my se thay doi sach giao khoa doi ten bien nhat ban thanh bien nhat ban'dong hai - anh: wikipedia

Bang Virginia của Mỹ sẽ thay đổi sách giáo khoa đổi tên biển Nhật Bản thành biển Nhật Bản'Đông Hải - Ảnh: Wikipedia


Chính quyền bang Virginia đang lấy ý kiến người dân về Giáo trình khung những tiêu chuẩn về khoa học xã hội và lịch sử mới, trong đó có nội dung thay đổi tên gọi của biển Nhật Bản thành biển Nhật Bản/Đông Hải (Sea of Japan/East Sea), truyền thông Hàn Quốc cho hay.
Nếu giáo trình khung này được thông qua thì đầu năm 2017 sách giáo khoa của bang Virginia sẽ đề cập biển Nhật Bản bằng 2 tên cùng lúc thay vì 1 như hiện nay. Virginia là bang đầu tiên ở Mỹ thay đổi tên gọi của vùng biển nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản.
Bang Virginia đã đưa thành luật về sự thay đổi này hồi năm 2014 nhưng phải đợi đợt cải cách sách giáo khoa được tiến hành 7 năm một lần mới chỉnh sửa tên gọi của vùng biển nói trên. Đợt chỉnh sửa sách giáo khoa lần gần nhất là vào năm 2008.
Để tác động và làm thay đổi quyết định của chính quyền bang Virginia, cộng đồng người Hàn Quốc ở Mỹ đã nỗ lực rất nhiều cùng với sự giúp đỡ của chính quyền Seoul, theo đài KBS (Hàn Quốc).
Giáo trình khung mới của bang Virginia có nội dung giáo dục học sinh hiểu các nền văn hóa sử dụng bản đồ và địa danh để phản ánh đặc tính của vùng đất sinh sống, và điều này cũng là nét đặc trưng của vùng Đông Á.
Từ quan điểm này, các nhà hoạt động Hàn Quốc thúc giục chính quyền bang Virginia phải bổ sung tên cho biển Nhật Bản để phù hợp với đặc tính của vùng biển này với tên Đông Hải từng được người Hàn Quốc sử dụng trước khi bị quân đội Nhật xâm lược.
Hãng tin Yonhap cho biết khi Nhật xâm chiếm bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến 1945 đã đổi vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản thành biển Nhật Bản. Cái tên Đông Hải (East Sea) không còn xuất hiện trên nhiều bản đồ thế giới kể từ đó. Nhật Bàn và Hàn Quốc cũng đang tranh chấp quần đảo Dokdo/Takeshima trong vùng biển này.
Giới quan sát cho rằng nỗ lực làm thay đổi nội dung sách giáo khoa ở bang Virginia chưa đủ để giúp Seoul trong tranh chấp với Tokyo ở vùng biển Nhật Bản/Đông Hải, nhưng góp phần làm nhiều thế hệ sau này ở Mỹ biết rằng vùng biển Nhật Bản không chỉ thuộc chủ quyền của Tokyo.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục