Cuộc cải tổ lớn từ các cơ quan chỉ huy đầu não giúp ông Tập loại bỏ được các trở ngại, tăng cường quyền kiểm soát tuyệt đối và trực tiếp đối với quân đội.
Tin thế giới đọc nhanh trưa 15-12-2015
- Cập nhật : 15/12/2015
Montenegro: Điểm nóng mới giữa Nga - NATO?
Cuộc biểu tình phản đối diễn ra chỉ vài ngày sau khi chính phủ đương nhiệm của Montenegro nhận được lời mời chính thức về việc gia nhập liên minh quân sự NATO. Trả lời phỏng vấn của hãng tin Sputnik (Nga), chuyên gia phân tích chính trị Navid Nasr cho biết: “Chính phủ đương nhiệm và đảng nắm quyền hiện nay tại Montenegro rất ủng hộ việc gia nhập vào NATO”.
Truyền thông địa phương cho biết có gần 5.000 người tham gia các cuộc biểu tình tại thủ đô đất nước vùng Balkan. Còn theo Fox News (Mỹ), nhiều nhóm biểu tình còn hô vang khẩu hiệu "Nước Nga! Nước Nga!". Những người biểu tình giơ cao các biểu ngữ như "NATO - Những kẻ sát nhân" hay "Các người không được chào đón tại đây". Cựu Tổng thống Montenegro - ông Momir Bulatovic cáo buộc: "NATO mời đất nước chúng ta gia nhập để có thêm quân chống lại nước Nga". Theo Fox News, những cuộc biểu tình này được phát động bởi các nhóm chính trị ủng hộ Nga, đòi chính phủ và Quốc hội nước này phải tổ chức trưng cầu dân ý toàn quốc về quyết định gia nhập NATO.
Vùng Balkan từ lâu đã là khu vực mà cả Nga và phương Tây đều cố gắng tranh giành ảnh hưởng. Tờ Speigel của Đức tháng 11-2014 từng đăng bài bình luận cho biết nước Đức - quốc gia đầu tàu của phương Tây hiện nay - đang ngày một lo ngại về chính sách gia tăng ảnh hưởng của nước Nga tại Balkan. Với Montenegro, Mỹ và các thành viên NATO đang tiếp tục tìm cách giảm sức ảnh hưởng của Nga trong khu vực này.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg trong một cuộc họp của NATO. Ảnh: AFP
Tờ Politico (Mỹ) ngày 7-12 bình luận Montenegro và toàn vùng Balkan có mối liên kết rất lớn về mặt lịch sử với Nga. Sau Croatia và Albania, NATO đang dần lấn sâu vào vùng Balkan hơn nữa. Ông Stefano Stefanini, cựu Đại sứ NATO tại Ý, bày tỏ lo ngại việc sáp nhập thêm Montenegro vào liên minh quân sự này sẽ tạo rủi ro gây bất ổn ở khu vực. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng dè dặt tuyên bố: "Chúng tôi sẽ cố gắng hạn chế tối đa các rủi ro và củng cố đối thoại với nước Nga".
Navid Nasr bình luận có một bộ phận không nhỏ người dân tại quốc gia này không đồng ý với bước đi chính trị lần này của chính phủ cầm quyền. Tuy nhiên, ông Nasr lo ngại quyết định của giới lãnh đạo sẽ chỉ thay đổi một khi những cuộc biểu tình bắt đầu trở nên nghiêm trọng hơn, trở thành một phong trào kéo dài và được tổ chức hơn, cụ thể là một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc hay thậm chí là “thay đổi bên trong chính phủ”.
Theo Navid Nasr, hai viễn cảnh trên sẽ chỉ xảy ra nếu như có thêm nhiều người tham gia biểu tình hoặc những người biểu tình lôi kéo được thêm quân đội về phía họ. Khả năng quân đội cân nhắc nhúng tay can thiệp vào vấn đề này không phải là bất khả thi. Navid Nasr cho biết một bộ phận lớn người dân và đặc biệt là giới quân sự Montenegro vẫn chưa quên đi ký ức NATO đánh bom Nam Tư cũ vào những năm 1990.
Quan hệ Mỹ - Nhật tốt hơn nhờ hợp tác vấn đề Biển Đông
Theo báo The Japan News, đa số người Nhật cho rằng quan hệ Mỹ - Nhật đang ở mức độ “rất tốt” hoặc “tốt”, trong khi đa số người Mỹ được hỏi ý kiến đều bày tỏ sự tin tưởng vào Nhật.
Đây là kết quả cuộc thăm dò dư luận song phương, do báo Yomiuri của Nhật và Viện Gallup của Mỹ tiến hành đồng thời tại Mỹ và Nhật từ ngày 16 đến 22-11.
Theo kết quả thăm dò, 58% người Nhật được hỏi ý kiến đánh giá tốt quan hệ hai nước. Kết quả này tăng so với mức 49% của cùng kỳ năm ngoái.
Tại Mỹ, 49% người được hỏi đánh giá tốt quan hệ Mỹ - Nhật, tăng so với mức 45% trước đó và chỉ có 10% không lạc quan về mối quan hệ này.
Đặc biệt, có đến 71% người Mỹ bày tỏ sự tin tưởng đồng minh Nhật, tăng so với kết quả 61% trước đó; trong khi con số này phía Nhật lại thấp hơn, ở mức 48%, tăng so với kết quả 45% của cùng kỳ năm ngoái.
Giới phân tích Nhật đánh giá tỉ lệ ủng hộ và tin tưởng quan hệ Mỹ - Nhật cải thiện là nhờ vào sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên trên trường quốc tế, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Điều này cho thấy quan hệ Nhật - Mỹ đang có một nền tảng vững chắc từ sự ủng hộ của công luận.
Trong khi đó, quan hệ Nhật - Trung có kết quả thăm dò kém khi có tới 78% người Nhật cho rằng quan hệ hai nước đang ở mức “thấp” hoặc “rất thấp”.
Khi được hỏi về nước nào có nguy cơ trở thành mối đe dọa quân sự với Nhật, 82% người Nhật Bản nêu tên Trung Quốc. Các vị trí tiếp theo trong danh sách này là CHDCND Triều Tiên với 77% và Nga 61%.
Vấn đề Biển Đông tiếp tục là mối lưu tâm mở rộng của Thủ tướng Shinzo Abe, ngoài tranh chấp trên biển Hoa Đông với Trung Quốc.
Trong chuyến thăm Ấn Độ kết thúc hôm qua, Thủ tướng Shinzo Abe cùng Thủ tướng Narendra Modi đã ra tuyên bố chung đề cập vấn đề Biển Đông: “Căn cứ vào tầm quan trọng của các tuyến giao thông hàng hải trên Biển Đông trong lĩnh vực an ninh năng lượng khu vực và các hoạt động buôn bán, thương mại, những yếu tố nhấn mạnh về sự cần thiết của hòa bình và thịnh vượng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hai thủ tướng lưu ý sự phát triển tại Biển Đông đòi hỏi tất cả các nước cần tránh các hành động đơn phương có thể dẫn tới những căng thẳng trong khu vực”.
Tuyên bố chung cũng nói cả hai nước hi vọng về “một giải pháp hòa bình cho những tranh chấp, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”.
Trong khi đó theo Reuters, Hải quân Trung Quốc (PLAN) đang gia tăng tần suất diễn tập tại các khu vực tranh chấp trên Biển Đông.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã ra thông báo nêu rõ “trong những ngày gần đây đã tổ chức một đội tàu đến các vùng biển trên Biển Đông, phía tây Thái Bình Dương, để tiến hành diễn tập”, theo “kế hoạch đã định trước”.
Trên những tài khoản mạng xã hội của truyền thông Trung Quốc cho thấy hình ảnh các tàu chiến của PLAN đang bắn đạn thật trên biển. Tuy nhiên, địa điểm diễn tập không được tiết lộ.
Vợ Bạc Hy Lai được đề nghị giảm án khỏi mức án tử hình
Theo Tòa án Tối cao Bắc Kinh, bà Cốc được đề nghị giảm án nhờ có biểu hiện hối lỗi và không phạm thêm tội hình sự. “Phạm nhân tôn trọng luật lệ, không tiếp tục phạm tội và đang nghiên cứu văn hóa, kỹ thuật”.
Bà Cốc Khai Lai đã bị kết án năm 2012 vì tội giết doanh nhân người Anh Neil Heywood - vụ scandal chính trị lớn nhất tại Trung Quốc trong nhiều năm.
Thổ Nhĩ Kỳ cấm quân nhân tới Nga du lịch
Theo tờ Hurriyet (Thổ Nhĩ Kỳ), lệnh cấm được áp dụng cho tất cả đơn vị lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, tờ Hurriyet đưa tin Ankara không có ý định ban hành chế độ cấm thị thực cho công dân Nga trong khi căng thẳng Nga-Thổ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Hãng thông tấn Anatolia của Thổ Nhĩ Kỳ cho hay lệnh cấm trên được miêu tả "như một biện pháp đề phòng sau khi chiến đấu cơ Nga xâm phạm biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và bị bắn hạ theo quy ước giao chiến".
Mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào tình trạng khủng hoảng tồi tệ nhất từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Nguyên nhân xuất phát từ việc Ankara hôm 24-11 bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 Nga vì cho rằng máy bay vi phạm không phận.
Tuy nhiên, Moscow khẳng định phi cơ của họ hoàn toàn chỉ hoạt động trên lãnh thổ Syria. Sau vụ việc, Moscow đã áp dụng hàng loạt biện pháp trừng phạt đối với Ankara.
Khủng bố từng âm mưu thảm sát ‘kiểu Paris’ tại nước Anh
Tờ Express dẫn một nguồn tin an ninh cho hay Reyaad Khan chính là cầu nối giữa Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và những người ủng hộ tổ chức này ở Anh. Theo đó, Khan từng nung nấu ước mơ trở thành thủ tướng gốc Á đầu tiên của nước Anh trước khi đi theo chủ nghĩa cực đoan. Trước đó, Khan cũng từng chủ mưu một kế hoạch giết nữ hoàng và các quan chức cấp cao của Hoàng gia Anh tại lễ kỷ niệm chiến thắng phát xít Nhật ở London hôm 15-8.
Khan đã bị máy bay không người lái của RAF tiêu diệt khi đang nói chuyện điện thoại với một tay súng ở Anh sau khi gặp thủ lĩnh trở về từ Raqqa, Syria. Những âm mưu này được Thủ tướng David Cameron nhắc đến trong bài phát biểu trước Hạ viện sau vụ tấn công Paris ngày 13-11 khiến 132 người thiệt mạng. “Khan là một mắt xích quan trọng. Hắn ta là cầu nối giữa những kẻ chỉ huy ở Syria và các thành phần cuồng tín ở Anh” - một nguồn tin an ninh cho biết.
Với kế hoạch đầu tiên, Khan dự tính sẽ tấn công các khách VIP và các quan chức của Hoàng gia Anh, tương tự như vụ thảm sát tại tòa soạn Charlie Hebdo, Pháp. Một chiến binh IS khác được trang bị súng trường tốc độ cao sẽ được giao nhiệm vụ tấn công nhiều mục tiêu khác và giết hại càng nhiều người càng tốt. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị phá sản sau cái chết của Khan”.
Reyaad Khan, kẻ bị máy bay không người lái của RAF tiêu diệt, từng lên kế hoạch tấn công khủng bố ở London như vụ Paris. Ảnh: BBC
“Khi Thủ tướng David Cameron nói rằng đã đẩy lùi được bảy âm mưu khủng bố ở Anh thì Khan đã giết hại ít nhất hai người”. Tài khoản ngân hàng của Khan cũng bị kho bạc đóng băng.