Tổng thống Philippines cam kết tăng chi tiêu quân sự đối phó Trung Quốc
Ấn Độ sắp mua S-400 của Nga
Ông Putin nói không muốn đưa nước Nga quay về thời Liên Xô
Indonesia và Úc kêu gọi không khiêu khích trên biển Đông
Hàn Quốc thay 5 bộ trưởng
Tin thế giới đọc nhanh 15-12-2015
- Cập nhật : 15/12/2015
Quan chức Trung Quốc bị khủng bố giết chết
Một quan chức cấp cao ở Trung Quốc đã thiệt mạng trong một cuộc bố ráp vào “hang ổ của những kẻ khủng bố” tại khu vực Tân Cương.
Theo Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc hôm 12-12, ông Maimaitijiang Tuohuniyazi, người Duy Ngô Nhĩ, phó cảnh sát vùng Aksu thuộc tỉnh Tân Cương gần với biên giới với Cộng hòa Kyrgyzstan, đã bị giết chết khi đang làm nhiệm vụ. “Để cứu một người dân bị bọn khủng bố bắt cóc, ông Tuohuniyaz lao mình vào hang ổ của chúng và đã hy sinh” - tờ báo viết.
Ông Meng Jianzhu, giám đốc an ninh quốc gia Trung Quốc đang ở thủ phủ Urumqi, đã chia buồn cùng vợ ông Tuohuniyaz và khen ngợi ông Tuohuniyaz là một người dũng cảm quên mình. Ông Meng nói rằng trong năm qua, các lực lượng an ninh đã thành công trong việc trấn áp khủng bố và ngăn chặn “hơn 98% âm mưu khủng bố”.
Hồi tháng 9, ít nhất 16 người, trong đó có 5 cảnh sát, đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công ở mỏ than vùng Aksu. Cơ quan an ninh Trung Quốc sau đó cho biết họ tiêu diệt 28 tên “khủng bố” trong cuộc tấn công này.
Hàng trăm người đã thiệt mạng trong những năm qua tại Tân Cương, nơi sinh sống của hầu hết người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, trong các cuộc bạo động mà Bắc Kinh đổ lỗi do những tay súng Hồi giáo đòi thành lập nhà nước độc lập ĐôngTurkestan gây ra.
Trong một diễn biến khác hôm 13-12, ít nhất 15 người thiệt mạng và khoảng 50 người bị thương khi một quả bom phát nổ tại khu chợ đông đúc ở Eidgah, TP Parachinar – Pakistan. Đội cứu hộ nhanh chóng đưa những người bị thương đến bệnh viện và 7 người trong số này đang trong tình trạng nguy kịch. Hiện vẫn chưa rõ đây có phải là vụ đánh bom tự sát hay không và cũng chưa có ai lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công. Một nguồn tin an ninh cho biết 2 kẻ tình nghi đã bị bắt giữ.
Bà Suu Kyi ra đường nhặt rác
Bà Aung San Suu Kyi, thủ lĩnh Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) ở Myanmar, hôm 13-12 đã xuất hiện ngoài đường phố để nhặt rác.
Trong động thái nêu bật NLD sẽ giữ đúng cam kết cải thiện bộ mặt quốc gia Đông Nam Á còn nghèo này sau khi lên nắm quyền, bà Suu Kyi đã dẫn đầu một nhóm thành viên NLD và người tình nguyện đi nhặt rác dọc một con đường tại khu vực cử tri Kawhmu của mình ở vùng Yangon.
Cư dân và những người ủng hộ NLD tại địa phương ngay lập tức đã hưởng ứng hành động này bằng cách tham gia nhặt rác cùng bà.
Đây là lần xuất hiện hiếm hoi của bà Suu Kyi trước công chúng kể từ khi NLD chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử hôm 8-11
Bà Aung San Suu Kyi, thủ lĩnh Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) ở Myanmar, hôm 13-12 đã xuất hiện ngoài đường phố để nhặt rác
Bà Aung San Suu Kyi đích thân ra đường nhặt rác, thu hút sự hưởng ứng và tham gia của cư dân, người ủng hộ. Ảnh: AP
Tại TP Mandalay, NLD cũng tổ chức một chiến dịch thu gom rác, thu hút sự tham gia của không ít người dân.
Rác đang là một trong những vấn đề nghiêm trọng tại Myanmar, nơi đang thiếu các địa điểm tập kết rác thải phù hợp. Ngoài ra, hạ tầng dành cho hoạt động thu gom và tái chế rác hầu như không tồn tại.
Ngay sau khi NLD thắng cử, bà Suu Kyi, 70 tuổi, kêu gọi những thành viên mới giành ghế nghị sĩ bắt tay vào việc làm sạch khu vực cử tri của mình. Theo bà, chiến dịch nhặt rác nhằm cải thiện sức khỏe người dân, tôn trọng môi trường và thu hút du khách.
Nga cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về hậu quả của 'hành động liều lĩnh'
"Tùy viên quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được cảnh báo về những hệ quả tiêu cực có thể xảy ra từ các hành động liều lĩnh mà Ankara thực hiện đối với lực lượng vũ trang Nga được giao nhiệm vụ chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu ở Syria", Sputnik dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Nga cho hay.
Thông điệp này được đưa ra nhằm phản ứng trước động thái của Thổ Nhĩ Kỳ đối với tàu khu trục Smetlivy của Nga, Bộ cho biết thêm. Tùy viên quân sự Thổ Nhĩ Kỳ hứa sẽ chuyển thông báo của phía Nga tới Ankara.
Thủy thủ đoàn tàu khu trục tên lửa dẫn đường Smetlivy lớp Kashin của Nga rạng sáng ngày 13/12 phát hiện tàu đánh cá Thổ Nhĩ Kỳ ở khoảng cách 1.000 m. Tàu cá này bơi về phía chiến hạm Nga, đồng thời không đáp lại các cuộc gọi trên sóng radio cũng như những nỗ lực liên lạc khác.
Khi tàu cá Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận gần tàu chiến Nga, chỉ còn cách khoảng 600 m, tàu Smetlivy nổ súng cảnh cáo nhằm tránh xảy ra va chạm. Với hành động cứng rắn của thủy thủ đoàn Nga, tàu Thổ Nhĩ Kỳ đổi hướng rời đi song vẫn không liên lạc lại với chiến hạm.
Mối quan hệ giữa Moscow và Ankara trở nên căng thẳng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ hôm 24/11 bắn rơi chiến đấu cơ Nga gần biên giới Syria vì cho rằng máy bay vi phạm không phận. Tuy nhiên, Moscow khẳng định cường kích của họ chỉ hoạt động trên lãnh thổ Syria.
Nga tố Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm nghị quyết LHQ
Cả Ankara và Washington đều được yêu cầu phải thông báo với Hội đồng bảo an LHQ về hoạt động buôn bán dầu mỏ phi pháp của IS, nhưng họ đã không làm như vậy.
Theo Russia Today, đó là cáo buộc của đại sứ Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Vitaly Churkin đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với RIA Novosti. Ông Churkin cũng nói, đó là hành động đi ngược lại nghị quyết của LHQ về vấn đề tài chính của các tổ chức khủng bố.
Ông Vitaly Churkin nói: “Chúng tôi đã nhận được những khiếu nại nghiêm túc về việc thực thi nghị quyết của LHQ”. Ông muốn nói đến nghị quyết số 2199 của LHQ bàn về việc ngăn chặn nguồn tài chính của tổ chức khủng bố.
Đại sứ Nga tiếp tục: “Theo Nghị quyết 2199 thông qua vào tháng 2, các quốc gia được yêu cầu phải cung cấp thông tin về nguồn tài chính của khủng bố với Hội đồng bảo an nếu họ có được thông tin đó.
Điều này có nghĩa Mỹ phải cung cấp những thông tin này, và đương nhiên Thổ Nhĩ Kỳ cũng vậy, đáng lẽ họ phải báo cáo về mọi hoạt động buôn bán dầu mỏ phi pháp tại đó. Nhưng họ đã không làm vậy”.
Cũng trong trao đổi tại cuộc phỏng vấn với hãng RIA Novosti, ông Churkin nói: “Chúng tôi vừa tới Lầu Năm Góc và hai vị tướng cao cấp ở đó nói với chúng tôi về các hoạt động của liên quân do Mỹ chỉ huy.
Tôi đã hỏi họ một câu rất đơn giản: Các anh đã bay ở đó suốt một năm còn chúng tôi chỉ mới ở đó hai tháng và đã cung cấp được rất nhiều hình ảnh cho thấy dầu mỏ đã bị tuồn trái phép qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Vậy các anh không biết về điều đó ư?
Chắc chắn họ phải biết, và nếu họ biết, đáng lẽ họ phải báo cáo lại thông tin đó với Hội đồng Bảo an”.
Đại sứ Nga tại LHQ tiết lộ, một nghị quyết mới của LHQ về vấn đề buôn bán dầu mỏ trái phép hiện đang được chuẩn bị: “Cùng với người Mỹ, chúng tôi đang soạn thảo một nghị quyết mới siết chặt hơn các quy định trong vấn đề báo cáo thông tin kiểu đó.
Có thể chúng tôi sẽ buộc Tổng thư ký (LHQ) phải công bố báo cáo định kỳ về vấn đề này, hoặc đó sẽ là một kiểu hoạt động chống khủng bố. Chúng tôi hy vọng sẽ thông qua nghị quyết này ngày 17-12 tới”.
Tuần trước Bộ quốc phòng Nga đã trưng ra các chứng cứ cho thấy dầu mỏ đã được IS vận chuyển trái phép tới Thổ Nhĩ Kỳ ra sao.
Washington cho biết theo tin tức tình báo của họ, số lượng dầu được chuyển này không đáng kể, dù một mặt vẫn thừa nhận có vài khu vực ở biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang không thể kiểm soát.
Ông Vitaly Churkin cũng tin rằng các cuộc không kích của liên quân do Mỹ chỉ huy nhằm vào quân đội Syria hơn một tuần trước rất có thể không phải một tai nạn và sự cố này có thể lặp lại.
Tuần trước quân đội Syria khẳng định một máy bay chiến đấu của liên quân phương Tây đã nhằm vào các vị trí của quân đội chính phủ ở vùng Deir ez-Zor làm 4 quân nhân thiệt mạng và 12 người khác bị thương.
Bầu cử vòng 2 ở Pháp: Đảng Mặt trận quốc gia thất bại
Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) của bà Marine Le Pen không giành được chiến thắng ở bất kỳ vùng nào.
Theo Sputnik ngày 14-12, kết quả này hoàn toàn trái ngược với bầu cử vòng một trước đó khi FN đã từng là đảng dẫn đầu. Đảng Những người Cộng hòa (LR) của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy đã về nhất với chiến thắng tại 7/13 khu vực bầu cử.
Trong khi đó, đảng Xã hội (PS) do Tổng thống Francois Hollande đứng đầu cũng giành được thắng lợi tại 5 khu vực.
Nguyên nhân được cho là do các đảng LR và PS đã liên minh với các đảng cánh hữu và cánh tả bằng cách hợp nhất danh sách ứng cử viên. Việc này đã cho phép đảng LR và liên minh cánh hữu giành chiến thắng tại 7 vùng, đảng PS và các đảng liên minh cánh tả giành chiến thắng tại 5 vùng.
Tỉ lệ đi bỏ phiếu vòng hai trên toàn nước Pháp đạt xấp xỉ 60%, cao hơn 9% so với vòng một.
Trước đó, thắng lợi của đảng FN bằng chủ trương bài ngoại và cực đoan trong cuộc bầu cử vùng vòng 1 ngày 6-12 đã khiến chính trường Pháp chia rẽ.
Số liệu từ Bộ Nội vụ Pháp cho thấy, trong cuộc bầu cử ngày 6-12, FN tạm dẫn đầu với hơn 28% số phiếu ủng hộ và về nhất tại 6/13 khu vực ở Pháp. Đảng LR và đảng PS khi ấy chỉ lần lượt xếp thứ hai và thứ ba.
Theo các nhà phân tích, cuộc bầu cử diễn ra ba tuần sau các vụ tấn công khủng bố ngày 13-11 tại Paris và bối cảnh đó khiến FN có nhiều lợi thế vì đảng này có tư tưởng bài ngoại, chủ trương đóng cửa biên giới.