Đây là bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống lại nạn phân biệt chủng tộc và phản đối người nước ngoài - trào lưu đang lên do hệ quả của làn sóng nhập cư thời gian qua.
Tin thế giới đọc nhanh trưa 16-12-2015
- Cập nhật : 16/12/2015
Trung Quốc công bố các nhiệm vụ kinh tế chính trong năm 2016
Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) ngày 14/12 đã công bố các nhiệm vụ kinh tế chính trong năm 2016 - năm đầu tiên trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của nước này.
Tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, do Chủ tịch Tập Cận Bìnhchủ tọa, nêu rõ nhằm làm giảm lượng nhà tồn, những người lao động nông thôn nhập cư sẽ được cấp phép cư trú thành thị, cho phép họ mua nhà ở thành phố.
Tuyên bố cho rằng Trung Quốc cần tăng tỷ lệ thành thị hóa - vốn dựa trên số lượng cư dân thành thị đã đăng ký.
Tính đến cuối năm 2014, tỷ lệ cư dân thành thị đã đăng ký trên tổng số dân là 35,9% và Trung Quốc đã đề ra kế hoạch nâng tỷ lệ này lên 45% vào năm 2020.
Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ phải nâng cao chất lượng sống của các thành phố, điều chỉnh quy mô các thành phố, cải thiện cơ sở hạ tầngthành thị và bảo vệ các di sản văn hóa và lịch sử và chính phủ cũng cần thúc đẩy quy hoạch và quản lý đô thị.
Cũng theo tuyên bố, trong năm 2016, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy đổi mới các doanh nghiệp thông qua các biện pháp hỗ trợ tài chính trong đó có giảm các chi phí giao dịch, thuế, phí bảo hiểm xã hội.
Chính phủ cũng sẽ cải thiện môi trường kinh doanh bằng cách khuyến khích liên doanh, tái cơ cấu và trong một số trường hợp doanh nghiệp nộp đơn xin phá sản.
Chính phủ sẽ ngăn chặn và loại bỏ các rủi ro tài chính mang tính khu vực và hệ thống, tiếp tục dành ưu tiên đối với an ninh xã hội, tài chính, thuế, thủ tục hành chính và cải tổ các công ty nhà nước.
Tuyên bố nhấn mạnh Chính phủ Trung Quốc cần đảm bảo chất lượng sống cơ bản cho người dân trong khi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và lợi ích các công ty nước ngoài sẽ giúp hợp tác với các nước và thúc đẩy môi trường đầu tư trong nước.
Trong năm 2016, Trung Quốc sẽ tiếp tục giữ tăng trưởng kinh tế ở mức thích hợp. Trong 3 quý đầu của năm 2015, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,9% phù hợp với mục tiêu của chính phủ đề ra khoảng 7%.
Tuyên bố cho rằng trong khi thúc đẩy nhu cầu nội địa, Bắc Kinh cần nâng cao chất lượng và hiệu quả nguồn cung.
Chính phủ cần chú ý nâng cao đầu tư hiệu quả, nghiên cứu các động lực phát triển mới và củng cố sức cạnh tranh của các lĩnh vực truyền thống.
Trước đó, phát biểu tại cuộc họp lấy ý kiến về kế hoạch kinh tế với những người không phải là đảng viên hôm 10/12, Chủ tịch Tập Cận Bình nhận định, phát triển kinh tế-xã hội Trung Quốc, đặc biệt là tái cấu trúc sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2016.
Bắc Kinh cần tiếp tục cải cách và mở cửa, kiên trì với đường lối chung là "theo đuổi phát triển trong khi duy trì ổn định và thúc đẩy cải thiện năng suất".
Nga nêu điều kiện khôi phục quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ
Hãng Lenta tối ngày 14/12 dẫn lời Đại sứ Liên bang Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Andrei Karlov, cho biết, quan hệ giữa Moscow và Ankara có thể được khôi phục trong trường hợp chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện ba điều kiện.
Theo Đại sứ Nga, đó là các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ phải xin lỗi cho hành động bắn hạ máy bay chiến đấu Su-24 của Nga; quy trách nhiệm cho những người gây nên thảm họa trên; bồi thường chiếc máy bay Nga bị phá hủy.
Trước đó, hôm 13/12, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusogly bày tỏ hy vọng nhận được những dấu hiệu tích cực từ phía Nga trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang khủng hoảng.
Phát biểu của ông Cavusoglu được đưa ra sau cuộc gặp Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matvienko tại thủ đô Ashgabat (Turkmenistan) ngày 12/12.
“Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ hạ nhiệt căng thẳng và giải quyết mọi vấn đề trong các mối quan hệ song phương và luật pháp quốc tế. Điều này phụ thuộc vào những dấu hiệu tích cực từ phía Nga”, ông Cavusoglu nói.
Trong khi đó, Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matvienko cũng đã cho biết "Nga hy vọng ban lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhận thức được vấn đề và đưa ra đánh giá đúng đắn về vụ việc, và xin lỗi Nga".
Nga sắm hàng trăm phi cơ, tàu, xe bọc thép cho quân đội
"Có kế hoạch mua từ 70 đến 100 phi cơ, hơn 120 trực thăng, lên đến 30 tàu mặt nước, tàu ngầm, tàu đặc biệt và tàu hỗ trợ cùng 600 phương tiện bọc thép mỗi năm", Itar-Tass dẫn lời Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov nói.
Theo ông Gerasimov, chương trình quốc gia về quân trang, kéo dài đến năm 2021, dự kiến giúp tăng tỷ lệ vũ khí và khí tài hiện đại lên trên 70%.
Nga sẽ tập trung vào phát triển hơn nữa sức mạnh hải quân và không quân trong thập kỷ tiếp theo nhằm "bảo vệ lợi ích chiến lược của quốc gia". Kế hoạch quân trang giai đoạn 2011 - 2020 tập trung chủ yếu vào thiết bị tình báo và liên lạc cùng kho vũ khí hạt nhân.
Theo số liệu do Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu trích dẫn tuần trước, Bộ Quốc phòng Nga đã tiếp nhận gần 250 phi cơ hiện đại và trong năm 2016 dự kiến tiếp nhận thêm 200 phi cơ đóng mới hoặc nâng cấp. Hải quân Nga được bổ sung thêm hai tàu ngầm đa nhiệm và 18 tàu mặt nước, dự kiến tiếp nhận thêm 7 tàu mặt nước và hai tàu ngầm trong năm sau.
Quyết định chi tiêu quân sự được đưa ra trong bối cảnh kinh tế Nga đang tiếp tục chịu thiệt hại bởi giá dầu giảm và những biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt từ năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Giá dầu đang ở mức dưới 40 USD một thùng trong khi ngân sách Nga năm 2016 được ước tính dựa trên mức giá dầu 50 USD một thùng. Thâm hụt ngân sách trong năm 2016 sẽ là hơn 21 tỷ USD, Moscow Times đưa tin.
Arab Saudi lập liên minh 34 quốc gia chống khủng bố
Binh sĩ Arab Saudi di chuyển tại căn cứ ở thành phố cảng Aden, miền nam Yemen, ngày 28/9. Ảnh: Reuters.
Liên minh do Arab Saudi dẫn đầu đặt căn cứ tại thủ đô Riyadh "để phối hợp và hỗ trợ các chiến dịch quân sự chống chủ nghĩa khủng bố", hãng thông tấn quốc gia Arab Saudi SPA hôm nay đưa tin. Liên minh bao gồm nhiều quốc gia ở Trung Đông, châu Phi và châu Á, ngoại trừ Iran.
Liên minh sẽ đối phó "vấn đề chủ nghĩa khủng bố của thế giới Hồi giáo và là một đối tác trong cuộc chiến toàn cầu chống lại tai họa này", Bộ trưởng Quốc phòng Arab Saudi Mohammad bin Salman Al Saud phát biểu trong một cuộc họp báo ở Riyadh.
Theo SPA, các thỏa thuận sẽ được lập ra để "phối hợp với những quốc gia bạn bè yêu hòa bình và cơ quan quốc tế, vì mục đích hỗ trợ nỗ lực quốc tế trong đối phó chủ nghĩa khủng bố, cứu lấy hòa bình và an ninh thế giới". Hơn 10 "quốc gia Hồi giáo" khác đã bày tỏ quan điểm ủng hộ liên minh, trong đó có Indonesia.
Washington từng kêu gọi cộng đồng quốc tế tham gia nhiều hơn trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria. Mỹ muốn Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường kiểm soát biên giới với Syria, cho rằng Arab Saudi cùng các quốc gia vùng Vịnh đã bị xao lãng bởi cuộc xung đột ở Yemen.
Liên minh sẽ đối phó "mọi tổ chức khủng bố xuất hiện", bin Salman trả lời khi được hỏi có phải liên minh chỉ tập trung đối phó IS hay không.
Thổ Nhĩ Kỳ bị tố tiếp tay cho IS sản xuất chất độc thần kinh
RT hôm qua cho hay ông Eren Erdem, thành viên của đảng đối lập Nhân dân Cộng hòa (CHP), đã đưa vấn đề này ra cuộc thảo luận chung tại quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước, dẫn những bằng chứng từ một vụ án hình sự đột ngột bị khép lại. Ông cáo buộc chính phủ đã cố tình không điều tra các tuyến đường cung cấp các nguyên liệu của sarin cho khủng bố.
"Có dữ liệu về cáo trạng này. Các nguyên vật liệu cho vũ khí hóa học đang được đưa đến Thổ Nhĩ Kỳ và lưu trữ ở Syria tại các trại của IS", ông Erdem nói.
Ông Erdem đã đưa ra một bản sao về vụ án hình sự số 2013/20, trong đó kết quả điều tra hé lộ một số công dân Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia thương thảo với đại diện của IS về việc cung cấp khí sarin. Các cuộc trao đổi qua điện thoại bị ghi âm cũng chứng minh rằng Hayyam Kasap, một phần tử của al-Qaeda, đã mua sarin.Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành bố ráp và bắt giữ 13 nghi phạm trong vụ việc. Tuy nhiên, một tuần sau đó, vụ án bị khép lại và tất cả các nghi phạm đã ngay lập tức vượt biên Thổ Nhĩ Kỳ sang Syria, ông Erdem nói.
Ông cho hay theo một số bằng chứng thì tập đoàn Công nghiệp Cơ khí và Hóa chất Thổ Nhĩ Kỳ có dính líu đến vụ việc, với một số báo cáo chưa được xác nhận cho thấy chính phủ đã che giấu cho hoạt động trên.
Bộ trưởng Tư pháp Bekir Bozdag được cho là đã hỏi nhà sản xuất sarin rằng khi nào và liệu các phần tử cực đoan có sử dụng vũ khí hóa học không.
Ngoài ra, ông Erdem cũng cáo buộc phương Tây cố tình đổ lỗi cho chính quyền Syria về các vụ tấn công hóa học vào dân thường tháng 8/2013 và "lấy cớ" để có thể can thiệp quân sự vào Syria. Theo ông Erdem, bằng chứng cho thấy IS mới chịu trách nhiệm về vụ tấn công trên.
Sarin là hóa chất nhân tạo, thuộc loại có độc tính cao nhất và tác động nhanh. Khi một người hít phải hoặc hấp thu sarin qua da, chất độc này sẽ làm tê liệt trung tâm hô hấp của hệ thần kinh trung ương và khiến các cơ quanh phổi ngừng hoạt động.