Cú đáp trả nhắm vào điểm nhỏ nhất nhưng lại yếu nhất của châu Âu đã khiến cho phương Tây ngày càng thấm thía những đòn hiểm của Putin trong cuộc đối đầu kéo dài.
Tin thế giới đọc nhanh 16-12-2015
- Cập nhật : 16/12/2015
Tổng thống Obama: "Mỹ đang ra tay chống IS mạnh hơn bất kỳ lúc nào"
Trong bài phát biểu về cuộc chiến chống IS tại Lầu Năm Góc tối qua, Tổng thống Mỹ cho biết, trong những tuần gần đây, liên minh do Mỹ đứng đầu đã tiêu diệt được một số lãnh đạo IS và tấn công nhiều cơ sở dầu lửa mà IS dùng tài trợ cho các hoạt động của chúng.
Khoảng 9.000 cuộc không kích đã được tiến hành chống lại IS kể từ khi bắt đầu chiến dịch này tháng 9.2014.
Nhấn mạnh rằng IS đã mất 40% lãnh thổ nhóm này kiểm soát ở Iraq, Tổng thống Mỹ nói IS vẫn chưa giành được thắng lợi nào trong các hoạt động của chúng ở cả Iraq lẫn Syria kể từ mùa hè.
Ông cũng cảnh báo rằng Mỹ và các đối tác đang đối mặt với "một cuộc chiến rất khắc nghiệt phía trước".
Ông liệt kê ra các thủ lĩnh của IS đã bị tiêu diệt, trong số đó có Mohammed Emwazi, một chiến binh người Anh gốc Kuwait có biệt danh John Thánh chiến, kẻ đã xuất hiện trong các video hành quyết con tin phương Tây. Ông Obama nói: "Vấn đề là, các thủ lĩnh IS không thể ẩn náu và thông điệp tiếp theo của chúng ta với chúng rất đơn giản: Ngươi sẽ là kẻ tiếp theo".
Ngày 17.12 ông Obama sẽ thăm Trung tâm chống khủng bố quốc gia ởVirginia. Chuyến thăm này, cũng như việc ông tới Lầu Năm Góc diễn ra vào lúc ông cố gắng trấn an công chúng Mỹ về chiến dịch chống khủng bố của ông nhằm vào IS. Tuần trước, ông đã có bài phát biểu trên truyền hình với cùng chủ đề và trong đó cũng cảnh báo tình cảm chống Hồi giáo ở Mỹ.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều người muốn gây sức ép với Tổng thống.
Lãnh đạo đa số trong Hạ viện, Hạ nghị sĩ Kevin McKathy nói: "Rõ là chiến lược hiện nay của tổng thống không có tác dụng. Không những không bị kiềm chế - chứ đừng nói đến việc bị đánh bại - IS đang mở rộng tầm với khủng bố của chúng xa hơn bao giờ hết".
Trong những tuần gần đây, lo ngại Mỹ bị tấn công khủng bố đã gia tăng, với khoảng 70% người Mỹ nói rằng nguy cơ tấn công ở Mỹ ít nhất là khá cao.
50% cử tri Anh muốn nước này rời khỏi Liên minh châu Âu
Thủ tướng Anh David Cameron tới Brussels (Bỉ) tiến hành đàm phán với giới chức Liên minh châu Âu (EU) về khả năng giữ nước Anh ở lại trong khối, hãng thăm dò ICM đã công bố kết quả cho thấy 50% cử tri Anh muốn nước này rời khỏi EU (con số trên không tính tới những cử tri chưa đưa ra quyết định).
Ngày 14/12, trước thềm chuyến công du của Thủ tướng Anh David Cameron tới Brussels (Bỉ) để tiến hành đàm phán với giới chức Liên minh châu Âu (EU) về khả năng giữ nước Anh ở lại trong khối, hãng thăm dò ICM đã công bố kết quả cho thấy 50% cử tri Anh muốn nước này rời khỏi EU (con số trên không tính tới những cử tri chưa đưa ra quyết định).
Trong khi đó, kết quả thăm dò do hãng ORB International khảo sát ngày 24/11 vừa qua lại cho thấy có tới 52% người dân xứ sở sương mù muốn rời khỏi khối 28 quốc gia thành viên này.
Thủ tướng Anh David Cameron dự kiến sẽ tới Brussels ngày 17/12 tới để tiếp tục thương lượng về những đề xuất của London.
Trước đó, người đứng đầu Chính phủ Anh đã đề xuất 4 yêu cầu cải cách cho giới lãnh đạo EU bao gồm: bảo vệ thị trường chung cho Anh và các nước thành viên EU khác nằm ngoài Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), nâng cao khả năng cạnh tranh giữa cách nước thành viên EU, mở rộng quyền hạn cho quốc hội các nước thành viên trong quá trình xây dựng luật tại Nghị viện châu Âu (EP) và thắt chặt luật nhập cư.
Nhà lãnh đạo Anh khẳng định nếu các cuộc đàm phán với EU không đạt kết quả thì có thể Anh sẽ rời khỏi khối này. Tuy nhiện, theo ông, chính người dân Anh sẽ quyết định số phận tư cách thành viên của Vương quốc Anh trong EU tại cuộc trưng cầu dân ý dự kiến diễn ra trước cuối năm 2017.
Hiện, một trong số bất đồng lớn nhất trong các cuộc đàm phán giữa London và các nước thành viên EU là yêu cầu của Thủ tướng Cameron giảm phúc lợi đối với người di cư, vốn được ông Cameron xem là biện pháp nhằm ngăn chặn người nhập cư từ các quốc gia EU vào Anh.
Theo giới chức EU, yêu sách này của Thủ tướng Cameron sẽ ảnh hưởng tới nguyên tắc về tự do đi lại của khối và dẫn tới tình trạng phân biệt đối xử giữa các công dân EU về lợi ích mà họ được hưởng.
Trong khi đó, các kết quả thăm dò dư luận ở Anh cho thấy nếu chính sách tự do đi lại này vẫn được duy trì, 45% cử tri Anh muốn rời khỏi EU, chỉ có 40% muốn ở lại.
Ngày 14/12, phát biểu tại Brussels (Bỉ), Ngoại trưởng Anh Philip Hammond tuyên bố London sẵn sàng tiến hành đối thoại về vấn đề cải cách trong EU, tuy nhiên, cho tới thời điểm này, theo ông Hammond, London vẫn chưa nhận được bất kỳ đề xuất đối thoại nào.
Tổng thống Nga hủy cuộc gặp thượng đỉnh với Thổ Nhĩ Kỳ
Hai bên đã thỏa thuận về một cuộc gặp thượng đỉnh vào hồi trung tuần tháng 11 vừa qua, một tuần trước khi xảy ra vụ Ankara bắn rơi máy bay chiến đấu Su-24 của Moskva khi đang trong không phận Syria.
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan dự kiến diễn ra vào ngày 15/12 đã bị hủy.
Đây là thông báo của Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov đưa ra trong cuộc họp báo ngày 14/12.
Hai bên đã thỏa thuận về cuộc gặp nói trên bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi trung tuần tháng 11 vừa qua, một tuần trước khi xảy ra vụ Ankara bắn rơi máy bay chiến đấu Su-24 của Moskva khi đang trong không phận Syria.
Vụ việc này đã đẩy quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga rơi vào tình trạng căng thẳng chưa từng thấy, đồng thời dẫn tới loạt biện pháp trừng phạt của Moskva đối với Ankara.
Trước đó, nhà lãnh đạo Nga cũng đã từ chối gặp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ bên lề Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris (Pháp).
Cho tới nay, hai bên mới chỉ dừng ở cuộc gặp cấp ngoại trưởng bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), thủ đô Belgrade, Serbia hồi đầu tháng này.
Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn từ chối đưa ra lời xin lỗi về vụ bắn hạ máy bay Su-24, bất chấp các biện pháp trừng phạt kinh tế của Nga
Nga tuyên bố sẽ không từ bỏ tư cách thành viên trong IMF
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov tuần trước cho biết nước này không có kế hoạch từ bỏ tư cách thành viên của mình trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sau khi tổ chức này thay đổi quy chế hoạt động cho vay đối với các nước theo hướng có vẻ như hậu thuẫn Ukraine trong vụ tranh chấp về nợ với Nga.
Việc Ukraine không có khả năng hoàn trả số tiền nợ trái phiếu châu Âu (Eurobond) trị giá 3 tỷ USD cho Nga vào ngày 20/12 được xem là sẽ khiến cho khoản cứu trợ trị giá 40 tỷ USD mà IMF dành cho nước Đông Âu này rơi vào nguy cơ khó có thể thực thi.
Tuy nhiên, quyết định thay đổi quy chế vào ngày 8/12 của IMF đã giúp tổ chức này có thể tiếp tục hỗ trợ các nước, trong đó có Ukraine, thậm chí trong trường hợp các nước trong diện được trợ giúp không trả được nợ chính thức.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev chỉ trích động thái thay đổi quy chế kể trên là có động cơ chính trị (khi quy định trước đó cấm việc hỗ trợ tài chính cho một quốc gia không thanh toán nợ cho một quốc gia khác).
Tuy vậy, ông Siluanov cho rằng Nga không có kế hoạch rời IMF và "Nga là một thành viên quan trọng của tổ chức đa phương này".
Mỹ đóng cửa hơn 1.000 trường học vì bị dọa bom
Lời đe dọa được gửi qua tin nhắn điện tử, Reuters dẫn lời Ramon Cortines, thuộc Học khu Thống nhất Los Angeles (LAUSD), cho biết tại buổi họp báo sáng nay. Ông từ chối cung cấp chi tiết khi quá trình điều tra đang diễn ra.
LAUSD là hệ thống trường công lập ở bang California, lớn thứ hai Mỹ, với 640.000 học sinh tại hơn 1.000 trường học.
Sở cảnh sát Los Angeles xác nhận thông tin về lời đe dọa đánh bom. "Nhiều trường" nhận được lời đe dọa này, Cortines cho biết thêm.
LAUSD đề nghị các bậc phụ huynh không đưa con tới bất cứ địa điểm nào trong số hơn 900 trường công và 187 trường thuê địa điểm trong thành phố. Nhà chức trách sẽ kiểm tra toàn bộ trường học trong hôm nay.
Quyết định đóng cửa tất cả trường học nhằm đảm bảo mọi đứa trẻ và nhân viên "hoàn toàn an toàn", Steve Zimmer. Chủ tịch Ủy ban Giáo dục, nói.
Lời đe dọa xuất hiện chưa đầy hai tuần sau khi một cặp vợ chồng được Nhà nước Hồi giáo (IS) truyền cảm hứng bắn chết 14 người ở San Bernardino, bang California, cách Los Angeles 100 km về phía đông.