Trung Quốc công bố các nhiệm vụ kinh tế chính trong năm 2016
Nga nêu điều kiện khôi phục quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ
Nga sắm hàng trăm phi cơ, tàu, xe bọc thép cho quân đội
Arab Saudi lập liên minh 34 quốc gia chống khủng bố
Thổ Nhĩ Kỳ bị tố tiếp tay cho IS sản xuất chất độc thần kinh
Nhật Bản và chiến lược xoay trục sang Đông Nam Á
- Cập nhật : 14/12/2015
(The gioi)
Với cam kết đóng góp tích cực và chủ động cho hòa bình thế giới, Nhật Bản đang ngày một vươn xa hơn tới Ấn Độ Dương và vùng Carribe. Thế nhưng không có khu vực nào mà Tokyo triển khai nhiều chiến dịch hỗ trợ đảm bảo an ninh hàng hải như ở Đông Nam Á.
Tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á…
Có một câu hỏi đặt ra là liệu ý tưởng giữ một vai trò chủ động hơn ở Đông Nam Á của Nhật Bản có được các nước trong khu vực ủng hộ hay không? Về điểm này, Tokyo nhận được khá nhiều sự đồng thuận. Ví dụ, một quan chức Indonesia cho rằng: “Việc Nhật Bản tăng cường thể hiện vai trò của mình trong đảm bảo an ninh khu vực là điều “tự nhiên và bình thường. Khi kinh tế Nhật Bản tăng trưởng mạnh hơn, họ sẽ đóng góp nhiều hơn cho khu vực”. Campuchia cũng thừa nhận tầm quan trọng của Nhật Bản trong vấn đề này.
Thực tế, tháng 11/2013, Nhật Bản và các nước ASEAN đã ký một tuyên bố chung kêu gọi tăng cường hợp tác an ninh hàng hải, thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không. Động thái này là một phản ứng mạnh mẽ khi Trung Quốc tuyên bố xác định vùng nhận diện phòng không không lâu trước đó. Cam kết này tiếp tục được củng cố tại Diễn đàn Thứ trưởng Quốc phòng ASEAN - Nhật Bản lần thứ 6 sau đó.
Bên cạnh đó là tư duy chiến lược đằng sau vai trò chủ động của Nhật Bản trong việc duy trì an ninh ở Đông Nam Á. Dễ thấy nhất là sự phụ thuộc của Tokyo vào những tuyến hàng hải vận chuyển năng lượng ở khu vực này. Ngoài ra, kể từ khi tranh chấp với Trung Quốc leo thang năm 2012, Nhật Bản đã chuyển trọng tâm đầu tư sang khu vực Đông Nam Á, với các khoản đầu tư ở khu vực này cao gấp 3 lần ở Trung Quốc. Hơn nữa, Đông Nam Á là một “phép thử” tiềm năng đối với công nghiệp xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản, được biết đến như một phần của chiến lược hỗ trợ tăng cường an ninh hàng hải. Tokyo cũng thường xuyên thúc đẩy hợp tác và giao lưu với các nước trong khu vực, như các chương trình đào tạo lực lượng bảo vệ bờ biển cho hải quân Indonesia và Malaysia.
... bằng những hành động cụ thể
Nhật Bản đã có nhiều bước đi để thể hiện vai trò chủ động của mình. Hồi tháng 2, Lực lượng Phòng vệ nước này (SDF) tuyên bố cân nhắc triển khai máy bay và tàu tuần tra tại Biển Đông cùng với Mỹ. Giới chức Quốc phòng Nhật Bản đã ít nhất hai lần nhấn mạnh Tokyo sẽ xem xét triển khai hoạt động tuần tra tại vùng biển này để đảm bảo an ninh trong khu vực.
Ngay sau khi Hải quân Mỹ điều tàu chiến áp sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng, bồi đắp trái phép ở Biển Đông hồi tháng 10 vừa qua, tàu Nhật Bản cũng đã tới căn cứ quân sự Cam Ranh của Việt Nam. Điều này thể hiện sự hiện diện thường xuyên hơn của SDF tại Đông Nam Á, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có nhiều động thái gia tăng căng thẳng trên Biển Đông.
Tuy nhiên, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết nước này sẽ nghiên cứu kĩ lưỡng và đưa ra đánh giá về tình hình Biển Đông trước khi đưa ra quyết định. Câu hỏi đặt ra là liệu Thủ tướng Shinzo Abe có thể tăng cường “trục hàng hải” ở Đông Nam Á bằng cách tăng cường sự hiện diện của SDF tại khu vực này hay không?
Đối mặt với áp lực trong nước
Dù nhận được sự ủng hộ từ các nước trong khu vực, song kế hoạch đóng vai trò chủ động hơn trong việc đảm bảo an ninh hàng hải ở Đông Nam Á của Thủ tướng Abe lại vấp phải sự phản đối của dư luận trong nước, đặc biệt là liên quan đến đạo luật về phòng vệ tập thể.
Theo một khảo sát toàn quốc hồi tháng 8/2014 của Kyodo News, 84% người được khảo sát cho rằng chính quyền Thủ tướng Abe vẫn chưa giải thích đầy đủ về dự luật phòng vệ tập thể.
Một khảo sát khác vào tháng 1 năm nay của chính phủ Nhật Bản cho thấy chỉ xấp xỉ 26% người được khảo sát ủng hộ việc SDF nên đóng vai trò quốc tế tích cực hơn, giảm hơn 2% so với kết quả khảo sát năm 2012.
Ngoài ra, theo một thăm dò hồi tháng 9 của Asahi Shimbun, 68% số người được hỏi cho rằng dự luật an ninh mới cho phép SDF mở rộng vai trò ở nước ngoài là điều không cần thiết.
Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy sự ủng hộ quyết định của Thủ tướng Abe đã tăng trở lại, nhưng đó là do cam kết của ông Abe tập trung cho tăng trưởng kinh tế trước kỳ bầu cử Thượng viện vào năm tới. Như vậy, ông Abe cần có những điều chỉnh phù hợp nếu thực sự muốn SDF có thể hoạt động tích cực và chủ động hơn ở Đông Nam Á.
Yếu tố Trung Quốc
Trọng tâm an ninh của Nhật Bản là biển Hoa Đông, Biển Nhật Bản và các vùng biển ở Thái Bình Dương. Trong đó, những tranh chấp về quần đảo Sensaku mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư là cái gai trong quan hệ Tokyo - Bắc Kinh.
Trên thực tế, Tokyo nhận ra sự cấp thiết của việc phải đối phó với những hành động leo thang của Bắc Kinh như không chỉ điều tàu tàu khảo sát biển dân sự mà còn điều cả tàu tình báo quân sự ra các đảo tranh chấp, thăm dò dầu khí ở biển Hoa Đông. Đây được xem như một chiến thuật của Trung Quốc nhằm “bẻ lái” trọng tâm của Nhật Bản sang vùng biển này thay vì Biển Đông.
Kể cả khi không nói tới những tranh chấp trên biển Hoa Đông thì các nhà hoạch định chính sách an ninh của Nhật Bản cũng có đủ lý do để lo lắng về các động thái của Trung Quốc ở phía Tây Thái Bình Dương. Các hoạt động quân sự gần đây của Bắc Kinh ở khu vực eo biển quốc tế Miyako đang được SDF theo dõi chặt chẽ.
Tăng cường hiện diện của SDF ở Đông Nam Á có khả thi? Câu trả lời là không, trừ khi Nhật Bản phân bổ các lực lượng từ các khu vực sát Nhật Bản hơn như Hoa Đông. Rõ ràng về mặt địa lý, Biển Đông không tiếp giáp với Nhật Bản do đó đây sẽ là trở ngại cho SDF khi hiện diện thường xuyên ở khu vực này. “Máy bay của chúng tôi có thể qua lại giữa căn cứ không quân Naha và Biển Đông, nhưng rất khó để duy trì sự hiện diện thường xuyên ở khu vực này để tiến hành các hoạt động giám sát”, một quan chức cấp cao của SDF cho biết.
Tokyo chắc chắn đủ khôn ngoan để sử dụng hợp lý các nguồn lực SDF ở những khu vực ưu tiên có tác động trực tiếp tới nước này. Vì vậy, ngoài những hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật và công tác huấn luyện đào tạo, sẽ không dễ dàng để Nhật Bản xây dựng một “trục hàng hải” mạnh mẽ hơn ở Đông Nam Á trong tương lai gần.