tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 09-03-2016

  • Cập nhật : 09/03/2016

Ngân sách quốc phòng - vòng kim cô siết quân đội của ông Tập

Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phê chuẩn mức tăng ngân sách quốc phòng "thấp một cách bất ngờ" là bằng chứng cho thấy ông đang muốn kiểm soát chặt chẽ hơn quân đội thông qua công cụ kinh tế.
chu tich trung quoc tap can binh. anh: afp

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP

Nhiều quan chức quân đội Trung Quốc đang có những động thái hiếm gặp khi công khai thể hiện sự thất vọng trước mức tăng ngân sách quốc phòng quá thấp mà chính phủ Trung Quốc thông báo hồi cuối tuần trước, theo South China Morning Post.

Trung Quốc năm nay sẽ tăng 7,6% chi tiêu quân sự, lên đến 146 tỷ USD. Dù vậy, mức tăng này được đánh giá là tương đối thấp nếu so với tỷ lệ 10,1% của năm ngoái. Đây đồng thời cũng là mức tăng ngân sách quốc phòng một con số đầu tiên ở Trung Quốc kể từ năm 2010.

Thiếu tướng Qian Lihua, cựu lãnh đạo văn phòng đối ngoại trực thuộc Bộ Quốc phòng, hôm 5/3 phát biểu trong một phiên thảo luận của Ủy ban Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc nhấn mạnh, so với năm ngoái, mức tăng năm nay là một "sự sụt giảm lớn".

"Trước khi Đại hội Nhân dân Toàn quốc khai mạc, truyền thông phương Tây còn dự báo ngân sách quốc phòng Trung Quốc có thể tăng tới 20%. Kết quả chẳng những thấp hơn rất nhiều so với những gì phương Tây suy đoán mà thậm chí còn cách xa kỳ vọng của tôi", ông Qian nói.

Theo chuẩn đô đốc đã nghỉ hưu Yin Zhuo, hiện là một cố vấn chính trị, tăng trưởng chi tiêu quốc phòng đúng là phải phù hợp với tình hình kinh tế của đất nước nhưng nó vẫn cần đủ lớn để đảm bảo đáp ứng các "nhu cầu an ninh" quốc gia.

"Chúng ta không nên để đà phát triển quân sự bị chững lại trong khi những thách thức an ninh đến từ bên ngoài, đặc biệt là trên biển, đang gia tăng nhanh chóng", Yin nhận xét. Ông cho rằng Trung Quốc quả thực không thể cạnh tranh với Mỹ trong cuộc đua phát triển vũ khí nhưng tỷ lệ chi tiêu quân sự so với giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP), hiện ở mức 1,5%, là quá thấp.

"Tôi nghĩ hai đến 2,5% là hợp lý", Yin nói. "Chúng ta còn đang cắt giảm tới 300.000 sĩ quan quân đội. Vì thế, ta cũng cần nguồn tiền bổ sung để giúp những cựu binh này ổn định cuộc sống".

Trung tướng Wang Hongguang, cựu tư lệnh Bộ Chỉ huy Quân sự Nam Kinh, hôm 3/3 cũng tuyên bố quân đội Trung Quốc năm nay cần tăng ngân sách tới 20% mới đủ để chi tiêu phục vụ cho quá trình hiện đại hóa cũng như đối phó với những thách thức trên Biển Đông và Hoa Đông.

Minh chứng sức mạnh

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đứng đầu Ủy ban Quân sự Trung ương, hồi tháng 9 năm ngoái thông báo kế hoạch cắt giảm 300.000 binh sĩ không chiến đấu nhằm cải tổ quân đội, hướng tới mục tiêu xây dựng một bộ máy hiện đại và tinh giản.

Quyết định trên được đưa ra sau khi một số quan chức quân đội cấp cao, gồm tướng Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, cựu phó chủ nhiệm Quân ủy Trung ương, cùng tướng Cốc Tuấn Sơn, cựu phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Quân đội Nhân dân Trung Quốc, đều bị điều tra trong chiến dịch chống tham nhũng quy mô "đả hổ diệt ruồi" do ông Tập khởi xướng.

Ông Tập "đã có một nước cờ thông minh khi phát động chiến dịch chống tham nhũng trước khi tuyên bố cắt giảm nhân sự quân đội bởi lúc này các quan chức quân sự cấp cao sẽ cảm thấy lo lắng vì quá nhiều hổ lớn đã thất thế", một nguồn tin giấu tên nhận định đồng thời thêm rằng, qua hành động đó, Chủ tịch Trung Quốc còn muốn cho giới quân đội thấy ông hoàn toàn có khả năng kiểm soát cuộc sống của họ.

"Không giống Đặng Tiểu Bình, người từng ra lệnh cắt giảm một triệu binh sĩ những năm 1980, ông Tập là một lãnh đạo quân đội nhưng có xuất thân dân sự. Thế nên, ông ấy phải dùng chiến dịch chống tham nhũng được công chúng ủng hộ và các công cụ tài chính để xây dựng uy tín cá nhân", nguồn tin giấu tên nói. Với việc chấp nhận mức tăng ngân sách quốc phòng thấp hơn kỳ vọng, ông Tập dường như muốn gửi đi thông điệp rằng ông không thể tiếp tục trao thêm những đặc quyền, đặc lợi, cho quân đội trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đứng trước bờ vực suy thoái.

Dù vậy, Antony Wong Tong, quan sát viên quân sự từ Macau, đánh giá phương pháp tiếp cận của ông Tập đang ẩn chứa "nhiều rủi ro".

"Ông ấy một mặt giao nhiều nhiệm vụ hơn cho quân đội nhưng mặt khác lại lấy đi nguồn lực của họ", Antony bình luận. "Nhiều khả năng hành động này sẽ phản tác dụng nếu ông Tập không thể khiến tất cả quan chức quân đội cấp cao nghe theo mình".


Thủ tướng Israel né gặp Tổng thống Obama

Thủ tướng Israel né gặp Tổng thống Obama khi quan hệ hai đồng minh trong giai đoạn lạnh nhạt.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vừa từ chối gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Mỹ, đồng thời hủy luôn một chuyến đi Mỹ vào cuối tháng này, hãng tin Reuters (Mỹ) dẫn thông tin từ văn phòng tổng thống Mỹ ngày 7-3.

Theo lịch dự kiến thì Thủ tướng Netanyahu sẽ đến Mỹ tham dự hội nghị hàng năm của tổ chức phi lợi nhuận AIPAC vận động chính sách ủng hộ Israel tại Mỹ và sẽ gặp Tổng thống Obama vào ngày 18-3 tới.

Kênh truyền hình Channel 10 TV của Israel dẫn một số nguồn tin Israel không nêu tên cho biết lý do của quyết định hủy thăm Mỹ của Thủ tướng Netanyahu là do không muốn can thiệp vào chiến dịch bầu cử tổng thống của Mỹ vì có thể có ứng viên tìm cách gặp ông khi ông sang Mỹ.

Bên cạnh đó ông Netanyahu cũng thấy không có nhiều vấn đề trao đổi với ông Obama thời điểm này, đặc biệt trong hoàn cảnh hai nước vẫn chưa thương lượng xong thỏa thuận Mỹ hỗ trợ quốc phòng cho Israel.

Ngoài ra, việc hai ông Netanyahu và Obama gặp nhau vào thời điểm trước chuyến thăm Cuba của ông Obama là không thích hợp. Tổng thống Obama sẽ thăm Cuba trong hai ngày 21 và 22-3.

thu tuong israel benjamin netanyahu se tiep pho tong thong my joe biden tai israel cuoi tuan nay. (anh: reuters)

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ tiếp Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Israel cuối tuần này. (Ảnh: REUTERS)

Quan hệ hai nước đồng minh Mỹ - Israel đang ở trong giai đoạn lạnh nhạt. Quyết định hủy thăm Mỹ của Thủ tướng Netanyahu là diễn biến mới nhất trong chuỗi căng thẳng của quan hệ hai nước, sau sự kiện nhóm P5+1 do Mỹ dẫn đầu ký thỏa thuận hạt nhân với Iran, nước đối đầu của Israel.

Hai nước đang trong quá trình thương lượng khó khăn để đạt một thỏa thuận mới về việc Mỹ hỗ trợ quốc phòng cho Israel trong 10 năm tới trị giá hàng chục tỉ USD.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 3-2015, ông Netanyahu đã chỉ trích việc nhóm P 5+1 nỗ lực đạt thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời từ chối gặp ông Obama trong chuyến thăm đó.

Hai lãnh đạo Israel và Mỹ đã có cuộc gặp tại Mỹ vào tháng 11-2015 nhằm làm giảm căng thẳng.

Tuy nhiên trong khi quan hệ chưa được ấm lại thì việc hai nước gặp nhiều vướng mắc trong quá trình thương lượng thỏa thuận Mỹ hỗ trợ quốc phòng cho Israel đã làm quan hệ hai bên lại rơi vào lạnh nhạt.

Thỏa thuận Mỹ hỗ trợ quốc phòng cho Israel hiện tại sẽ hết hạn vào năm 2018, trị giá khoảng 3 tỉ USD. Mục tiêu của hai nước là đạt được thỏa thuận mới trước khi ông Obama hết nhiệm kỳ vào tháng 1-2017.

Tháng 2, ông Netanyahu và các cố vấn từng nói nếu Israel không thể đạt thỏa thuận này trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama thì Israel sẽ đợi đến nhiệm kỳ tổng thống Mỹ sau chứ sẽ không chịu nhượng bộ điều khoản thương lượng.


Mỹ không kích diệt 150 phiến quân Shabab tại Somalia

 Các máy bay chiến đấu của Mỹ ngày 5-3 đã tấn công một trại huấn luyện của nhóm phiến quân Hồi giáo Shabab tại Somalia, tiêu diệt 150 tên.

cac phien quan shabab - anh: telegraph

Các phiến quân Shabab - Ảnh: Telegraph

Theo New York Times, thông tin do Lầu Năm Góc cung cấp. Giới chức Mỹ cho biết, những kẻ bị tiêu diệt đang trong thời gian chuẩn bị cho đợt tấn công nhằm vào binh sỹ Mỹ và các đồng minh của họ tại Đông Phi.

Loạt không kích nhằm vào một cơ sở huấn luyện có tên Camp Raso của lực lượng Shabab, cách thủ đô Mogadishu của Somalia khoảng 120 dặm (193 km) về phía bắc.

Bộ quốc phòng Mỹ cho biết, cuộc tấn công diễn ra vào đúng thời điểm các chiến binh Shabab chuẩn bị kết thúc khóa huấn luyện về tấn công quy mô lớn nhằm vào các lực lượng của Liên minh châu Phi ở Somalia.

Cũng theo giới chức Mỹ, những kẻ phiến quân bị đánh bom ngay trong sự kiện theo họ là lễ tốt nghiệp. Theo lời một quan chức thì “chúng đang đứng xếp hàng ở bên ngoài” thì bị dội bom và tên lửa.

Mỹ hiện có một số lực lượng đặc nhiệm đang hoạt động tại Somalia và Bộ quốc phòng Mỹ cho rằng, những người này cũng là mục tiêu tấn công của nhóm Shabab.

Đợt không kích lực lượng Shabab mới nhất của Mỹ diễn ra trong bối cảnh các chuyên gia phân tích tình hình Đông Phi cho rằng, nhóm phiến quân này đang trỗi dậy trở lại sau khi Mỹ không kích tiêu diệt thủ lĩnh tối cao của chúng năm 2014.

Tháng trước cũng lực lượng này đã tuyên bố nhận trách nhiệm một vụ tấn công vào khách sạn nổi tiếng và một công viên ở thủ đô Mogadishu làm 10 người thiệt mạng và hơn 25 người khác bị thương.


Úc bắt tàu chở 2.000 khẩu súng, nghi từ Iran sang Yemen

so vu khi thu duoc tu chiec tau ca duoc cho xuat phat tu iran - anh: bo quoc phong uc

Số vũ khí thu được từ chiếc tàu cá được cho xuất phát từ Iran - Ảnh: Bộ Quốc phòng Úc

Hải quân Úc đã bắt giữ một tàu chở hơn 2.000 khẩu súng, bị nghi từ Iran hướng đến Yemen và số súng là nhằm gửi cho quân nổi dậy Houthi.
Hải quân Úc thông báo tàu tuần tra HMAS Darwin đã bắt giữ một tàu cá nhỏ không ghi rõ của nước nào, cách bờ biển Oman 314 km. Trên tàu này chứa hơn 2.000 món vũ khí, gồm 1.989 khẩu súng trường AK-47, 100 súng phóng lựu vác vai, 49 khẩu súng máy PKM và một số vũ khí khác, theo CNN ngày 7.3.
Theo trung uý Ian McConnaughey của Hải quân Mỹ, số vũ khí này được cho là gửi từ Iran và có thể sẽ được chuyển đến lực lượng nổi dậy Houthi tại Yemen. Bộ tư lệnh trung tâm Mỹ đang thu thập thông tin để xác định điểm đến của lô vũ khí này.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Úc cho hay có 18 người trên tàu với nhiều quốc tịch khác nhau. Các thuyền viên thì nói rằng số vũ khí này được chuyển đến Somalia. Reuters cũng cho biết tàu này hướng về phía Somalia. Nhóm người này đã được thả, nhưng số vũ khí bị tịch thu theo luật hàng hải quốc tế. Cả Somalia và phe nổi dậy Houthi của Yemen đều đang chịu lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc.
Hải quân Úc đang tham gia Lực lượng hàng hải phối hợp gồm nhiều nước, giúp tuần tra tại khu vực Ấn Độ Dương. Một số lượng vũ khí tương tự cũng bị bắt giữ vào tháng 9.2015.
Đô đốc David Johnston của Hải quân Úc nói rằng vụ bắt giữ lần này là chuyến tuần tra đầu tiên của tàu Darwin tại khu vực gần biển Oman.
Iran từng bị cáo buộc cố chuyển vũ khí cho lực lượng Houthi sử dụng trong cuộc nội chiến tại Yemen chống lực lượng của Tổng thống Abdu Rabu Mansour Hadi, người được Ả Rập Xê Út và các nước vùng Vịnh hậu thuẫn.
Hồi tháng 1.2015, Houthi chiếm phủ tổng thống và đẩy lực lượng của ông Hadi ra khỏi thủ đô Sanaa. Lực lượng của ông Hadi sau đó được Ả Rập Xê Út, UAE, Kuwait, Bahrain, Qatar hỗ trợ không kích, đã quay trở lại chống Houthi từ tháng 3.2015.

Triều Tiên ‘xâm nhập’ điện thoại quan chức Hàn Quốc

Triều Tiên đã đột nhập vào điện thoại thông minh của nhiều quan chức cao cấp Hàn Quốc cũng như hệ thống mạng của công ty đường sắt nhà nước nước này.
Trong khi Triều Tiên vẫn đang đe dọa tấn công Hàn Quốc bằng vũ khí hạt nhân giữa lúc cuộc tập trận chung lớn nhất của binh sĩ Mỹ - Hàn đang diễn ra, cơ quan tình báo Hàn Quốc NIS hôm 7.3 cảnh báo về một loại hình tấn công “thật” hơn: tấn công mạng.
Cụ thể, một đợt tấn công mới vừa nhắm vào điện thoại thông minh của một loạt quan chức cao cấp Hàn Quốc cũng như vào hệ thống mạng của công ty đường sắt KORAIL. Các đợt tấn công này đều xuất phát từ Triều Tiên, tinh vi hơn nhiều so với trước đây. Tuy nhiên NIS không công bố về mức độ tổn thất sau các đợt tấn công kể trên.
Diễn biến này khiến NIS phải nhóm họp khẩn cấp, dự kiến trong ngày hôm nay 8.3 để bàn cách đối phó, theo hãng tin Yonhap.
Hồi tháng 2 qua, Triều Tiên từng cảnh báo tấn công mạng Hàn Quốc để trả đũa vụ Hàn Quốc rút hoàn toàn khỏi khu công nghiệp Kaesong ở Triều Tiên, làm mất công ăn việc làm của hàng ngàn công nhân Triều Tiên.
tinh bao han quoc khang dinh dot tan cong mang moi nhat xuat phat tu trieu tien - anh: shutterstock

Tình báo Hàn Quốc khẳng định đợt tấn công mạng mới nhất xuất phát từ Triều Tiên - Ảnh: Shutterstock

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye gần đây cũng phát biểu rằng Triều Tiên vẫn đang tiếp tục tấn công mạng Hàn Quốc, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho kinh tế nước này cũng như đe dọa an ninh quốc gia Hàn Quốc.

Theo UPI, trước đây Triều Tiên từng đột nhập vào hệ thống mạng 2 ngân hàng Hàn Quốc và 3 đài truyền hình nước này.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục