Theo Trung tâm Pew, khi nói đến Trung Quốc, người Mỹ lo sợ nhất 2 điều: kinh tế và an ninh mạng
Trung Quốc huấn luyện quân sự cho ngư dân để làm gì?
- Cập nhật : 09/03/2016
(Tin Kinh Te)
Bắc Kinh đang tuyển ngư dân giúp sức thực hiện mưu đồ tiếp tục xâm chiếm Biển Đông. Đây là động thái cho thấy dã tâm ngày càng lớn của nước này trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển.
Ngư dân Trung Quốc (trái) liều lĩnh chống trả lực lượng cảnh sát biển của Hàn Quốc khi xâm nhập đánh bắt trái phép ở vùng biển thuộc Hàn Quốc - Ảnh: AFP
Hôm qua, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc dẫn lời bí thư tỉnh ủy tỉnh Hải Nam La Bảo Minh cho biết chính phủ nước này sẽ tài trợ và huấn luyện kỹ thuật quốc phòng cho lực lượng ngư dân để đưa ra Biển Đông.
Tại phiên họp thường niên Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc ở Bắc Kinh, ông La cho biết Hải Nam có hơn 100.000 ngư dân và với số lượng này thì việc giúp sức cho lực lượng hải quân tuần tra biển, giành lấy ngư trường truyền thống của ngư dân nước khác là chuyện “không khó”!
Tàu cá Trung Quốc quấy rối tàu nước ngoài
Chính quyền tỉnh Hải Nam cũng đã cung cấp các nguồn lực để giúp số ngư dân này như hỗ trợ đóng tàu, trợ cấp nhiên liệu cũng như huấn luyện quân sự để số ngư dân này tràn ra Biển Đông và sẵn sàng gây hấn, quấy nhiễu tàu cá cũng như tàu hải quân của các nước khác.
Bí thư họ La còn công khai rằng một số tàu đánh cá mới đóng có lượng giãn nước lên đến 400 tấn, có thể hoạt động ở khu vực biển sâu. Điều này có nghĩa ngư dân Trung Quốc đang sở hữu những chiếc tàu lớn hơn cả tàu hải quân của một số nước trong khu vực.
Ông Lý Kiệt, một chuyên gia hải quân ở Bắc Kinh, nói rằng trong thời bình thì lực lượng ngư dân Trung Quốc có thể giúp hải quân nước này thu thập thông tin tình báo trên biển.
Các tàu “ngư dân Trung Quốc” cũng thường quấy rối các tàu nước ngoài, nhất là tàu của hải quân Mỹ hoạt động trong khu vực Biển Đông.
Cụ thể, khi tàu khu trục USS Lassen của hải quân Mỹ tuần tra gần đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hồi tháng 10-2015, ngay lập tức đã có nhiều tàu hải quân cũng như tàu thương mại và tàu cá của Trung Quốc xuất hiện vờn quanh.
Thậm chí, như trang web Bộ Quốc phòng Mỹ mô tả, nhiều tàu cá của Trung Quốc đã có động thái khiêu khích khi băng ngang và sau đó là chạy sát mũi tàu Lassen.
Hay như khi nhóm tàu tấn công của tàu sân bay USS John C. Stennis vừa bắt đầu hoạt động ở Biển Đông hồi tuần qua thì tàu của Trung Quốc cũng đã xuất hiện và theo sát.
Thanh minh “không đòi thêm lãnh thổ”
Dù lên tiếng tuyên bố “không và sẽ không đòi thêm lãnh thổ trên biển”, hôm qua Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị lại giở giọng tuyên bố rằng nước này sẽ kiểm soát Biển Đông vì “tổ tiên” của họ là những người phát hiện vùng biển này trước tiên.
Ông Vương khẳng định sẽ mời giới báo chí nước ngoài đến các hòn đảo mà Bắc Kinh đang kiểm soát ở Biển Đông vào thời điểm thích hợp.
Bộ trưởng họ Vương còn khẳng định với báo giới rằng Biển Đông hiện là “một trong những tuyến đường biển an toàn nhất trên thế giới”, dù chính Trung Quốc đang gây ra những bất ổn và căng thẳng tại khu vực này.
“Nước khác tuyên bố tự do hàng hải, không có nghĩa là nước đó muốn làm gì thì làm trong khu vực” - ông Vương ám chỉ những cuộc tuần tra của hải quân Mỹ ở Biển Đông trong thời gian gần đây.
Nhưng rồi cũng chính ông bảo Trung Quốc sẵn sàng hợp tác trên biển nhiều hơn với Mỹ “khi Mỹ hạ nhiệt rõ ràng”!
Hãng tin ABC của Mỹ cho rằng ông Vương Nghị đang muốn làm chệch hướng những cáo buộc Trung Quốc đang quân sự hóa ở Biển Đông khi tuyên bố: “Trung Quốc không thể bị gán là một quốc gia quân phiệt. Cái tên này thích hợp với những nước khác hơn”!
Tiếp tục bồi đắp trái phép ở Hoàng Sa
Truyền thông Hong Kong ngày 8-3 đưa tin Trung Quốc đang tiến hành bồi đắp trái phép nhóm đảo An Vĩnh thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Mục đích của việc bồi đắp này là nhằm xây một cây cầu nối giữa nhóm đảo trên với đảo Phú Lâm.
Tờ Đại Công Báo cho hay khi bồi đắp xong, Bắc Kinh sẽ xây dựng thêm sân bay mới. Quy mô mở rộng nhóm đảo An Vĩnh được dự đoán sẽ có diện tích rộng hơn cả đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Đảo Phú Lâm ban đầu có diện tích khoảng 2,13km2, hiện nay đã được mở rộng hơn 3km2. Cụm đảo An Vĩnh hiện có diện tích 1,32km2 và Trung Quốc dự kiến sẽ mở rộng lên đến 15km2.
Nhật báo Hải Nam cho biết một nhóm quan chức thuộc cái gọi là thành phố Tam Sa mà Trung Quốc thành lập phi pháp năm 2012 đã đến khảo sát cụm đảo An Vĩnh hôm 19-2.
* Ông Trần Việt Thái (phó viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thuộc Học viện Quan hệ ngoại giao):
Tuyên bố bóp méo lịch sử
Ông Vương Nghị đã bóp méo lịch sử khi tuyên bố: “Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, đặt tên, phát triển và quản lý nhiều đảo khác nhau ở biển Nam Trung Hoa - Biển Đông của Việt Nam. Tổ tiên chúng tôi đã làm việc chăm chỉ ở đó trong nhiều thế hệ”.
Thứ nhất, dựa vào tài liệu lịch sử thực tế, chúng ta biết không hề có tài liệu nào khẳng định Trung Quốc phát hiện trước các đảo ở Biển Đông.
Có hàng trăm dân tộc khác nhau sinh sống ở khu vực Biển Đông trong hàng ngàn năm qua.
Trong số đó, nhiều dân tộc ra biển đánh cá kiếm kế sinh nhai. Trong lịch sử phát triển của Trung Quốc, người Hán đã di chuyển xuống phía nam và thôn tính nhiều dân tộc. Điều đó cho thấy Trung Quốc không phải là quốc gia đầu tiên phát hiện Biển Đông.
Ngoài ra, dựa trên xu thế phát triển hợp tác hiện nay, mọi người không công nhận quyền lịch sử mà chỉ công nhận quyền chiếm hữu thực tế các đảo đá ở Biển Đông.
Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) mà Trung Quốc là một thành viên cũng không công nhận quyền lịch sử trong việc công nhận quyền sở hữu với các đảo, đá ở Biển Đông.
Bàn về chứng cứ lịch sử và pháp lý, Việt Nam có nhiều bằng chứng xác thực, thuyết phục hơn chứng minh Việt Nam đã có quá trình khai phá, xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong nhiều thế kỷ qua.
Việc ông Vương Nghị khẳng định “Biển Đông là một trong những tuyến đường giao thương tự do và an toàn nhất trên thế giới” cũng thiếu cơ sở.
Dù Biển Đông là một trong những khu vực nhộn nhịp, giao thông phát triển nhất thế giới, nhưng gần đây đang hứng chịu các nguy cơ bất ổn do các hoạt động quân sự hóa ráo riết, cải tạo đảo trái phép và ý định độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Những hành vi không tuân theo luật pháp và chuẩn mực ứng xử quốc tế của Bắc Kinh rõ ràng đang đe dọa an toàn, an ninh hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
QUỲNH TRUNG ghi
Theo Tuổi Trẻ