Tòa án nhân dân trung cấp Thiên Tân kết án ông Lệnh Kế Hoạch, cựu phụ tá cấp cao của cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, tù chung thân về các tội nhận hối lộ, sở hữu bí mật nhà nước bất hợp pháp và lạm dụng quyền lực.
Tin thế giới đọc nhanh 30-07-2016
- Cập nhật : 30/07/2016
Chiến tranh Trung-Mỹ ở Biển Đông: Ai sẽ thắng?
“Đường 9 đoạn” bị bác bỏ, giờ đây, Trung Quốc sẽ thiếu căn cứ pháp luật khi xua đuổi máy bay và tàu chiến của Mỹ “tuần tra tự do” trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa, nhưng hai bên có thể rơi vào cuộc đấu quân lực tay bo nguy hiểm hơn.
Tàu chiến Mỹ xuất hiện trong khu vực tranh chấp trên Biển Đông khiến Trung Quốc giận dữ. Ảnh: Internet
Từ khi Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS ra phán quyết chung thẩm bác bỏ “đường 9 đoạn” trên Biển Đông, các tướng lĩnh cao cấp nhất của Trung Quốc đều đã lên tiếng tuyên bố không khuất phục bất cứ áp lực nào từ bên ngoài, không từ bỏ kế hoạch xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông. Trong khi đó, Mỹ đã phát đi thông điệp “tuyệt đối rõ ràng”, tiếp tục tuần tra ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông, coi việc thiết lập Khu vực Nhận dạng phòng không (ADIZ), hoạt động bồi đắp, cải tạo như bãi cạn Scarborough (Hoàng Nham/Panatag) ở Biển Đông liên quan tới lợi ích của Mỹ. Sự đối chọi đó khiến lo lắng căng thẳng leo thang, dẫn tới xung đột, chiến tranh ở một trong những vùng biển nhộn nhịp nhất thế giới tăng lên.
Tờ The Australian Financial Review mới đây đặt câu hỏi: “Nếu chiến tranh bùng phát bởi tranh chấp Biển Đông, chiến thắng thuộc về ai?”. Theo tờ báo, 10 năm trước thì đáp án cho câu hỏi này không nghi ngờ gì đó là Mỹ. Ngày nay, so sánh thuần túy về mặt hỏa lực, kinh nghiệm và vũ khí, Mỹ đi trước Trung Quốc 10 năm. Nhưng Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách và đầu tư thực sự cho quân sự của Trung Quốc cao hơn dự toán. Chiến tranh xảy ra, tuy phần thắng vẫn nghiêng về siêu cường này, nhưng Mỹ sẽ phải trả giá đắt bởi Trung Quốc có thể gây ra những tổn thất thực sự cho Mỹ.
Hãng tư vấn Mỹ RAND Corp cho rằng trong tương lai 5 - 10 năm tới, nếu cả Mỹ và Trung Quốc đều giữ mức chi tiêu ngân sách quốc phòng như hiện nay, châu Á sẽ chứng kiến sự suy thoái dần dần về địa vị bá chủ của Mỹ. Trung Quốc đang tăng cường phát triển các loại tên lửa chống hạm và đó là một phần trong chiến lược của Trung Quốc buộc các lực lượng Mỹ phải rời xa Biển Đông. Tháng 9 năm ngoái, tại lễ kỉ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ II, Trung Quốc đã cho diễu hành tên lửa Đông Phong 21D (DF-21D) đạt vận tốt gấp 10 lần vận tốc âm thanh, có thể tấn công tàu thuyền đang di chuyển. Như vậy, cùng với tên lửa đạn đạo YJ-12 (cũng được đưa ra diễn hành tại lễ kỉ niệm trên), Trung Quốc có trong tay bộ đôi “sát thủ tàu sân bay”.
Giáo sư nghiên cứu chiến lược Hugh White thuộc Đại học Quốc gia Australia cho rằng vũ khí của Mỹ nhiều hơn Trung Quốc rất nhiều, cũng tốt hơn rất nhiều, nhưng đó không phải là vấn đề then chốt bởi cái chính yếu là làm thế nào để có thể ngăn chặn được đối thủ. Và trong quá trình phát triển quân lực, Trung Quốc luôn chú trọng tới việc nâng cao khả năng phát hiện và bắn chìm tàu sân bay Mỹ. “Do vậy, nếu như 10 năm trước, bạn khẳng định Mỹ chắc chắn giành chiến thắng (trong cuộc chiến tranh với Trung Quốc). Tuy nhiên, giờ đây Mỹ phải đối mặt với khả năng chịu tổn thất lớn, thậm chí là mất cả một chiếc tàu sân bay”, Giáo sư Hugh White nhấn mạnh.
Giám đốc điều hành Viện Chính sách chiến lược Australia, ông Peter Jennings cũng cho rằng Trung Quốc đã đề ra chiến lược để đẩy quân đội Mỹ ra xa Trung Quốc đại lục. Do vậy, Bắc Kinh đã chuyên chú để nâng cao cái giá mà Mỹ phải trả và tên lửa DF-21D thực sự là mối nguy hiểm lớn cho bất cứ kẻ địch nào. Tuy nhiên, theo ông Jennings, Trung Quốc hiện nay vẫn không thể so sánh được với Mỹ bởi Mỹ còn có sự hỗ trợ của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản. “Mười năm qua, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã đi được một chặng đường dài, trở thành lực lượng đáng gờm ở khu vực, nhưng vẫn còn cách xa quân đội Mỹ về thực lực”, ông Jennings nhận định.
Trong một quan điểm khá tương đồng, Trương Kiếm, giảng viên cao cấp Đại học New South Wales ở thủ đô Canberra của Australia, cho rằng ưu tiên của Trung Quốc là phát triển năng lực có thể gây thiệt hại buộc Mỹ phải từ bỏ ý định can thiệp. Then chốt trong năng lực răn đe của Trung Quốc là tàu ngầm và tên lửa đạn đạo. Vấn đề là rất khó có thể đánh giá được năng lực quân sự thực sự của Trung Quốc bởi những loại vũ khí mà họ có đều chưa từng được thử nghiệm một cách thực sự. Và trong một kịch bản xảy ra chiến tranh thông thường ở Biển Đông, theo ông Jennings, Trung Quốc sẽ không thể chống trả Mỹ được trong thời gian dài. Ngoài những vấn đề nêu trên, một trong những lý do là quân đội Trung Quốc chưa từng đánh trận kể từ cuối những năm 1970.(baotintuc)
Bà Hillary Clinton có bài phát biểu lịch sử
Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ Mỹ hôm nay kết thúc bằng phát biểu của bà Clinton, chấp nhận việc trở thành ứng viên tổng thống lịch sử của đảng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Lần đầu tiên trong lịch sử chính trị Mỹ, một người phụ nữ được lựa chọn làm ứng viên tổng thống của một trong 2 đảng phái chính. Như thông lệ, ứng viên tổng thống có bài phát biểu khép lại đại hội đảng, diễn ra sau hàng loạt sóng gió lúc khai mạc vì bê bối email của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ.
Theo BBC, bà Clinton sẽ chấp nhận đề cử trở thành ứng viên tổng thống đảng Dân chủ và cam kết nỗ lực đảm bảo với các cử tri rằng bà có thể đoàn kết đất nước bằng cách tăng tiền lương và bảo vệ họ khỏi mối đe dọa khủng bố từ nước ngoài.
“Một lần nữa, nước Mỹ lại phải đứng trước thử thách. Các lực lượng mạnh mẽ bên ngoài đang đe dọa chia rẽ chúng ta. Chúng ta phải quyết định những việc cần làm cùng nhau để tăng cường sức mạnh. Trên cương vị tổng thống, nhiệm vụ chính của tôi là tạo thêm cơ hội và việc làm tốt để gia tăng thu nhập của người Mỹ. Tôi sẽ làm điều đó trong suốt nhiệm kỳ”, bà Clinton từng nói.
“Tất cả các thế hệ người Mỹ sẽ cùng nhau xây dựng một xã hội tự do hơn, công bằng hơn và hùng mạnh hơn. Không ai trong chúng ta có thể làm điều đó một mình. Đó là lý do vì sao chúng ta mạnh hơn khi đoàn kết”, bà Clinton nhấn mạnh.
Đây là những phát biểu của bà Clinton trước đó. BBC cho rằng chúng sẽ được cựu ngoại trưởng lặp lại trong bài phát biểu lịch sử ngày 28/7 trong đại hội toàn quốc đảng Dân chủ ở Philadelphia.
Khi mọi sự đã an bài, hàng trăm người ủng hộ Thượng nghị sĩ Bernie Sanders vẫn có mặt tại Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ trong đồng phục áo phông vàng phản quang với khẩu hiệu ủng hộ người đàn ông đã dẫn dắt “cuộc cách mạng” trong hơn 1 năm qua.
Dù không được nhiều kỳ vọng nhưng ông Sanders đã bám đuổi sát bà Clinton trong cuộc đua giành vé đảng Dân chủ. Ngay trước thềm đại hội, tin tặc đã công bố loạt thư điện tử cho thấy Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ thiên vị bà Clinton, gây ra làn sóng giận dữ của những người ủng hộ ông Sanders.
Sự có mặt của những người ủng hộ ông Sanders làm dấy lên quan ngại về những gián đoạn trong phát biểu lịch sử của bà Hillary Clinton. Tuy nhiên, các quan chức đảng Dân chủ đang nỗ lực đảm bảo sự cố không xảy ra để góp phần khẳng định sự thống nhất của đảng.
Theo kế hoạch, con gái bà Hillary - Chelsea Clinton, Thượng nghị sĩ bang Ohio Sherrod Brown và Thống đốc New York Andrew Cuomo sẽ có bài phát biểu tối nay. Ngày hôm qua, Tổng thống Barack Obama và phu nhân, tỷ phú Michael Bloomberg cùng nhiều nhân vật tiếng tăm khác cũng đã lên tiếng ủng hộ bà Clinton trong cuộc đua và Nhà Trắng.
Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ diễn ra từ ngày 25 đến 28/7, bà Clinton đã chính thức vượt qua ngưỡng 2.383 phiếu để trở thành ứng viên của đảng Dân chủ. Trước đó, tại đại hội của đảng Cộng hòa, tỷ phú Trump đã chính thức nhận đề cử và trở thành đại diện của đảng Cộng hòa trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.(CafeF)
Ukraine tuyên bố không trả nợ Nga 3 tỷ USD
Bộ trưởng Tài chính Ukraine Alexandr Danyluk tuyên bố Kiev không cần trả lại Nga 3 tỷ USD tín dụng dưới thời Tổng thống Viktor Yanukovych, đồng thời khẳng định Ukraine sẽ bảo vệ lập trường của mình tại tòa án.
Tháng 2/2016, Nga đã đệ đơn lên Tòa án Tối cao London kiện Ukraine phải trả khoản nợ 3 tỷ USD và lãi chưa thanh toán là 75 triệu USD. Khoản vay đó do Nga cung cấp vào năm 2013 bằng hình thức mua trái phiếu của Chính phủ Ukraine.
Kiev tính toán rằng Moskva sẽ đồng ý tái cơ cấu nợ theo những điều kiện như là khoản vay thương mại, nhưng Nga không chấp nhận phương thức đó, kiên quyết cho rằng đây là khoản nợ chủ quyền quốc gia, do đó, vấn đề tái cơ cấu phải được giải quyết một cách riêng biệt.(TTXVN)
Đài NHK: Nhật hoàng có thể bày tỏ ý định thoái vị vào tháng 8/2016
Liên quan ý định thoái vị của Nhật hoàng Akihito, Đài NHK của Nhật Bản cho biết tháng 8/2016 là cơ hội thích hợp để ông bày tỏ ý định này đối với dân chúng, khi ông sẽ có bài phát biểu lần đầu tiên được tường thuật trực tiếp qua truyền hình.
Theo những nguồn tin liên quan, dự kiến ngày 8/8 Nhật hoàng sẽ có bài phát biểu bày tỏ cảm xúc dài khoảng 10 phút được tường thuật trực trên truyền hình, sau cuộc họp đầu tiên của Thượng viện mới và cải cách trong nội các. Hiện tại ngày dự kiến trên vẫn đang tiếp tục được xem xét.
Theo quy định của hiến pháp Nhật Bản, bài phát biểu bày tỏ cảm xúc của Nhật hoàng không được có lập trường liên quan tới chính trị và không được đề cập trực tiếp tới từ “thoái vị.”
Tuy nhiên một số người liên quan cho rằng đây chỉ là việc bày tỏ ý muốn cá nhân.
Năm 2011, Nhật hoàng từng có động thái hiếm thấy khi phát biểu trên truyền hình sau thảm họa kép động đất và sóng thần.(Vietnamplus)
Trung Quốc bắt công dân Nhật, nghi đe doạ an ninh quốc gia
Trung Quốc đang bắt giữ và điều tra một người Nhật vì tình nghi "đe doạ an ninh quốc gia".
Một người đàn ông tuổi ngoài 50, lên kế hoạch ở Bắc Kinh trong 5 ngày cho tới 15/7, nhưng không trở về Nhật và chưa trả lời điện thoại, hãngKyodo dẫn các nguồn tin chính phủ và nguồn tin khác nói.
Chính phủ Nhật hôm qua cho biết một công dân bị bắt giữ ở Trung Quốc nhưng không nói rõ về cáo buộc. Khi được hỏi liệu ông này có bị nghi làm gián điệp hay không, Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga nói Nhật không tham gia hoạt động gián điệp đối chống lại bất cứ nước nào.
Trong thông cáo được gửi bằng fax tới Kyodo, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay hé lộ về cáo buộc, cho rằng người đàn ông bị nghi "đe doạ an ninh quốc gia Trung Quốc". Cáo buộc thường áp dụng trong các vụ nghi gián điệp.
Quan hệ hai nước đang căng thẳng do tranh chấp lãnh thổ và hậu quả của việc phát xít Nhật xâm lược thời chiến tranh. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang giám sát việc thắt chặt các biện pháp an ninh vốn đã cứng rắn, trong đó có thiết lập uỷ ban an ninh quốc gia mới, đặt lại tên luật an ninh quốc gia là Luật Phản gián. Ít nhất hai người Nhật năm ngoái bị bắt vì bị nghi làm gián điệp.