Hàng loạt vụ tấn công mạng nhằm vào các doanh nghiệp, nhà thầu quốc phòng và cơ quan chính phủ Mỹ được xác định do tin tặc Trung Quốc gây ra khiến quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng.
Tin thế giới đọc nhanh sáng 29-07-2016
- Cập nhật : 29/07/2016
Mỹ giảm nhiệt thúc Trung Quốc tuân thủ phán quyết 'đường lưỡi bò'
Mỹ từng cảnh báo sẽ tập hợp một liên minh để khiến Trung Quốc phải trả giá nếu không tuân thủ phán quyết "đường lưỡi bò", tuy nhiên, chiến lược này tiến triển chậm.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc họp song phương bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Lào hôm 25/7. Ảnh: Reuters
Theo Reuters, hồi đầu năm, các quan chức Mỹ nhiều lần nhấn mạnh các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và những nơi khác, bao gồm cả Liên minh châu Âu (EU) cần làm rõ rằng phán quyết của Tòa Trọng tài phải được tuân thủ.
"Chúng ta phải sẵn sàng đồng thanh lên tiếng để khẳng định rằng đây là luật pháp quốc tế, phán quyết có tính ràng buộc với tất cả các bên", Amy Searight, thời điểm đó là quan chức quốc phòng Mỹ phụ trách Nam Á và Đông Nam Á, nói hồi tháng hai.
Hồi tháng 4, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cảnh báo Trung Quốc có nguy cơ bị tổn hại danh tiếng nặng nề nếu họ phớt lờ phán quyết của tòa. Trưởng đoàn luật sư của Philippines trong vụ kiện còn nói rằng Bắc Kinh có nguy cơ tự biến mình thành nước "ngoài vòng pháp luật".
Tuy nhiên, hai tuần sau khi tòa ra phán quyết bác bỏ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với tài nguyên bên trong yêu sách "đường lưỡi bò" mà Bắc Kinh đơn phương vạch ra, lời kêu gọi bày ra một mặt trận thống nhất của Mỹ dường như đạt được ít tiến triển. Chỉ có 6 nước tham gia cùng Washington nhấn mạnh rằng phán quyết phải được tuân thủ.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cuối tuần vừa rồi cũng không nhắc đến phán quyết trong tuyên bố chung sau cuộc họp tại Lào. Campuchia, đồng minh thân thiết của Bắc Kinh, được cho là đã ngăn khối đưa nội dung này vào tuyên bố.
Ngày 15/7, EU, khối đang bị phân tâm bởi việc người Anh chọn rời liên minh, đã ra tuyên bố ghi nhận việc tòa ra phán quyết, nhưng tránh đề cập trực tiếp đến Bắc Kinh và cũng không khẳng định phán quyết phải được tuân thủ.
Nguy cơ giảm sức nặng
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua bày tỏ sự hài lòng rằng ASEAN đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của pháp trị. Ông nhấn mạnh việc tuyên bố chung của ASEAN không đề cập đến phán quyết không làm giảm đi tầm quan trọng của quyết định từ Tòa Trọng tài.
Ông cũng khẳng định phán quyết không thể bị giảm sức nặng vì nó có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Tuy nhiên, các nhà phân tích đánh giá rằng đó đang là rủi ro cận kề, vì Washington đã không thôi thúc hiệu quả vấn đề này với các bạn bè và đồng minh.
"Tất cả chúng ta nên lo lắng rằng vụ kiện rồi sẽ lắng xuống và phán quyết sẽ chỉ còn như một tờ giấy, vì phán quyết chỉ có thể có sức nặng nếu được cộng đồng quốc tế thúc đẩy", Greg poling, chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, nhận xét.
"Và cộng đồng quốc tế chọn cách không nói bất cứ điều gì. Họ có vẻ như thể hiện 'Chúng tôi không quan tâm. Chúng tôi không muốn kiềm chế Trung Quốc bằng các tiêu chuẩn này'", ông nói thêm.
Dean Cheng, một chuyên gia về Trung Quốc tại trung tâm Quỹ Di sản có trụ sở tại Mỹ, nhận xét rằng Washington dường như miễn cưỡng thúc đẩy lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh - một đối tác kinh tế quan trọng cũng như một đối thủ chiến lược, chỉ vài tháng trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama kết thúc nhiệm kỳ và cuộc tổng tuyển cử ở Mỹ sẽ bắt đầu vào tháng 11.
"Những gì chúng ta có là Trung Quốc đang tiến hành những hành động rất quyết liệt tại Biển Đông, cả về trên thực địa, chính trị, lẫn về mặt pháp lý và ngoại giao, còn Mỹ lại không làm gì nhiều", ông Cheng nói.
Một lý do giải thích sự tương đối thụ động của chính quyền Mỹ có thể là họ mong muốn ngăn chặn bất kỳ sự leo thang tranh chấp lớn nào sau phán quyết. Trung Quốc có thể sẽ đẩy mạnh bồi đắp cải tạo đất và lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).
Trung Quốc hiện chủ yếu chỉ phản ứng bằng các lời lẽ công kích ác liệt, nhưng các nhà phân tích và các quan chức lo ngại rằng Bắc Kinh có thể có hành động táo bạo hơn, sau khi nước này chủ trì cuộc họp của các nền kinh tế lớn nhất thế giới G20 vào tháng 9.(Vnexpress)
Philippines khẳng định không đề nghị bỏ phán quyết PCA khỏi tuyên bố ASEAN
Trước đó, Bộ ngoại giao Campuchia cho rằng chính Philippines là nước yêu cầu không đề cập đến phán quyết của toà trọng tài về vụ kiện Philippines - Trung Quốc ra khỏi tuyên bố chung ASEAN.
Tờ Phnom Penh Post ngày 28-7 dẫn lời người phát ngôn bộ ngoại giao Campuchia Chum Sounry chỉ trích những cáo buộc rằng nước này cản trở việc đề cập đến phán quyết của tòa trọng tài trong tuyên bố chung của Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 49 ở Vientiane.
Ông Sounry nói rằng: “Philippines đã nói tại cuộc họp rằng họ không muốn ASEAN liên quan đến vấn đề này vì vậy họ loại phán quyết khỏi tuyên bố chung”.
Ông nói rằng cáo buộc Campuchia được Trung Quốc biếu 600 triệu USD để cản trở tuyên bố chung là sỉ nhục Phnom Penh.
Tuy nhiên, tờ Rappler cùng ngày dẫn lời ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay khẳng định ông không hề tuyên bố như trên.
“Tôi chưa bao giờ nói những điều đó. Đừng nhét chữ vào miệng tôi” - ngoại trưởng Philippines nhấn mạnh.
Ông Yasay khẳng định ông không có cuộc phỏng vấn nào với báo giới trong hội nghị tại Lào mà chỉ có cuộc gặp với báo chí Philippines để giải thích rằng hội nghị đã đạt được tuyên bố chung.
Tuyên bố chung của Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 49 ở Vientiane không đề cập đến phán quyết của tòa The Hague mà chỉ nhắc đến quan ngại của “một số ngoại trưởng” về hành động cải tạo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông và kêu gọi “phi quân sự hóa và kềm chế”.
Trong thời gian hội nghị, các nguồn tin ngoại giao khẳng định rằng Campuchia là nước yêu cầu loại tất cả từ ngữ liên quan đến phán quyết.
Campuchia rút quân khỏi thủ đô Phnom Penh
Một đoàn xe quân sự khác lại xuất hiện trên đường phố Campuchia sáng 27-7 và một lần nữa, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng khẳng định đây chỉ là luân chuyển quân thông thường.
Trước đó, vào đầu tuần, nhiều video ghi lại cảnh đoàn xe quân sự, trong đó có xe bọc thép và xe tăng, hướng về thủ đô Phnom Penh. Đoạn video khiến nhiều người lo ngại và phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Chhum Socheat hôm 26-7 khẳng định tất cả xe tăng được triển khai tỉnh tại Preah Vihear, gần biên giới Thái Lan, đã được đưa về các căn cứ xung quanh và gần thủ đô Phnom Penh để sửa chữa.
Ông Socheat cho biết thêm ngoài xe tăng, Campuchia còn rút một số binh sĩ, trong đó có Lực lượng Cận vệ thủ tướng, rời khỏi biên giới. Tuy nhiên, ông Socheat phủ nhận hành động trên là do tình hình chính trị căng thẳng tại Phnom Penh.
Sáng 27-7, một lần nữa những video được người dân đăng tải lên mạng xã hội cho thấy ít nhất 20 xe tải quân sự rời khỏi thủ đô Phnom Penh hướng về phía Bắc trên Quốc lộ 6 tại tỉnh Kampong Cham.
Ông Socheat sau đó giải thích đoàn xe này chỉ là luân chuyển quân sự diễn ra 3 tháng/lần hoặc đôi khi lâu hơn. “Chuyện này không liên quan đến vấn đề an ninh. Chúng tôi đang chuyển quân từ hậu phương lên tiền tuyến và ngược lại, bởi các binh sĩ đóng quân ở biên giới lâu ngày đã yếu dần” – ông Socheat khẳng định.
Tuy nhiên, một nguồn tin ngoại giao cho báo Phnom Penh Post hay rằng Quân đội Hoàng gia Campuchia hiếm khi luân chuyển quân. Nguồn tin cho rằng việc tăng cường sự hiện diện của quân đội có thể nhằm kiểm soát hoặc ngăn chặn những cuộc biểu tình tiềm tàng.
Phát ngôn viên Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) đối lập, ông Eng Chhay Eang, nói họ không tin lời giải thích của ông Socheat nhưng sẽ chờ xem tình hình thế nào.(NLĐ)
Tổng thống Obama trả nợ ân tình
Tám năm trước, sau khi thất bại trong cuộc bầu cử sơ bộ, bà Hillary Clinton vận động các thành viên Đảng Dân chủ nỗ lực đưa ông Barack Obama vào Nhà Trắng. Đêm 27-7 qua, đương kim tổng thống Mỹ đã trả lại món nợ ân tình này cả vốn lẫn lời bằng bài diễn văn từ biệt ấn tượng trước khi hết nhiệm kỳ vào tháng 1-2017. Với sự kết hợp cái nhìn lạc quan về tương lai đất nước và những chỉ trích mạnh mẽ nhằm vào tỉ phú Donald Trump, ông Obama nỗ lực thuyết phục cử tri rằng bà Clinton chính là lựa chọn tốt nhất cho vị trí kế nhiệm mình.
Một mặt thừa nhận Đảng Dân chủ vẫn còn chia rẽ sau cuộc bầu cử sơ bộ cam go cũng như bà Clinton đã phạm “sai lầm”, ông Obama vẫn khẳng định nữ ứng viên này không chỉ là đồng minh đáng tin cậy của mình mà còn của tất cả người Mỹ nào đang cần một người có thể đấu tranh để họ sống tốt và an toàn hơn. Theo ông, cuộc bầu cử tổng thống sắp tới không phải là sự lựa chọn giữa các đảng phái, chính sách mà là giữa một ứng viên có phẩm chất tốt nhất trong lịch sử và một ứng viên đang là mối đe dọa cho nền dân chủ.
Nhà lãnh đạo Mỹ đặc biệt lạc quan về tương lai đất nước khi nhấn mạnh: “Nước Mỹ mà tôi biết luôn tràn đầy sự dũng cảm, lạc quan và sáng tạo. Nước Mỹ mà tôi biết rất tử tế và hào phóng”. Ông Obama lập luận rằng bỏ phiếu cho bà Clinton chính là bỏ phiếu để “bác bỏ chủ nghĩa yếm thế và nỗi lo sợ cũng như khơi dậy những gì tốt đẹp nhất trong mỗi chúng ta”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và bà Hillary Clinton vẫy tay chào người ủng hộ tại đại hội Đảng Dân chủ hôm 27-7 Ảnh: Reuters
Ông chủ Nhà Trắng còn khôn khéo mời gọi cử tri Đảng Cộng hòa (GOP) bỏ phiếu cho bà Clinton mà không phải từ bỏ những nguyên tắc bảo thủ của mình: “Những gì chúng ta nghe thấy ở TP Cleveland vào tuần rồi không giống thông điệp của GOP cũng như chẳng mang tính bảo thủ chút nào. Những gì chúng ta nghe thấy chỉ là tầm nhìn đầy bi quan về một đất nước đang có sự đối đầu trong nội bộ và quay lưng lại với thế giới”.
Ông Obama không phải là người phát biểu duy nhất thuyết phục cử tri ủng hộ một ứng viên Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới. Tỉ phú Michael Bloomberg, cựu Thị trưởng TP New York, cũng đăng đàn để khuyến khích cử tri độc lập “có trách nhiệm” bỏ phiếu cho bà Clinton - một người “có năng lực” và “tỉnh táo” - trong lúc gọi cuộc đua đến Nhà Trắng của tỉ phú Trump là “một trò bịp”.
Trong khi đó, bài phát biểu của Phó Tổng thống Joe Biden còn gây ấn tượng mạnh hơn với lời lẽ công kích “không lẫn vào đâu được” dành cho ứng viên tổng thống của GOP: “Ông ta nói rằng mình quan tâm đến tầng lớp trung lưu. Đó chỉ toàn là những lời nói vô nghĩa… Ông ta không biết chút gì về những điều khiến nước Mỹ trở nên vĩ đại”.
Đêm thứ ba của đại hội Đảng Dân chủ tại TP Philadelphia, bang Pennsylvania khép lại bằng hình ảnh đầy biểu tượng: Một cái ôm chặt giữa ông Obama và bà Clinton sau bài phát biểu đầy cảm xúc của đương kim tổng thống Mỹ. Hành động chuyển giao “gậy chỉ huy” này chứng tỏ niềm tin tràn đầy của ông Obama về việc người phụ nữ từng làm ngoại trưởng dưới trướng mình sẽ tiếp tục những di sản ông để lại sau 8 năm làm chủ Nhà Trắng.
Trung Quốc thừa nhận tiêm kích rơi, một phi công thiệt mạng
Truyền thông Trung Quốc hôm qua lần đầu xác nhận một chiếc tiêm kích J-15 do nước này chế tạo để hoạt động trên tàu sân bay gặp nạn trong lúc huấn luyện hồi tháng 4.
SCMP dẫn tin từ Đài Phát thanh Quốc gia Trung Quốc CNR cho hay phi công Zhang Chao trên chiếc J-15 đã thiệt mạng sau khi mất kiểm soát máy bay hôm 27/4. Tai nạn xảy ra trong lúc Zhang tập luyện hạ cánh giả định trên tàu sân bay tại một căn cứ trên đất liền.
Zhang đã cố gắng hết sức để cứu máy bay. Khi phát hiện hệ thống điều khiển bị hỏng, anh này đã nhảy dù nhưng thiệt mạng do chấn thương khi tiếp đất.
Zhang, 29 tuổi, người tỉnh Hồ Nam, vừa được thăng quân hàm tháng này.
J-15 là tiêm kích chủ chốt hoạt động trên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc và các tàu sân bay khác mà Bắc Kinh được cho là đang đóng.
Chuyên gia quân sự Antony Wong Dong ở Macau cảnh báo rằng vụ tai nạn trên có thể cho thấy J-15 không đáp đủ tiêu chuẩn cao để hoạt động trên tàu sân bay.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cuối năm ngoái cho hay đang trong quá trình đóng tàu sân bay thứ hai và là tàu sân bay nội địa đầu tiên. Nó được thiết kế phù hợp cho việc hạ cánh của tiêm kích J-15 và dự kiến đi vào hoạt động năm 2020, theo các nhà phân tích.