Đại sứ Mỹ tại ASEAN: Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng khu vực
Mỹ, Trung tiến gần đến thỏa thuận trừng phạt Triều Tiên
Trung Quốc đổ lỗi Philippines gây rối biển Đông
Ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc không đồng thuận về Biển Đông
450 ca dị tật bẩm sinh vì thuốc chống động kinh ở Pháp
Tin thế giới đọc nhanh 29-07-2016
- Cập nhật : 29/07/2016
Trump nhờ Putin ‘tấn công’ Hillary
Tỷ phú Donald Trump đã ‘tích cực khuyến khích’ các cường quốc nước ngoài tấn công vào hòm thư điện tử của đối thủ của ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng là bà Hillary Clinton.
Theo BBC, bà Clinton không giao lại hơn 30.000 thư điện thử (email) trong cuộc điều tra nhằm vào máy chủ thư điện tử cá nhân của bà, vì trong đó có chứa các dữ liệu riêng tư.
“Nước Nga, nếu các bạn đang lắng nghe, tôi hy vọng các bạn có thể tìm thấy 30.000 thư điện tử đang bị thất lạc này. Tôi nghĩ là báo chí nước tôi sẽ đền đáp lại cho các bạn rất hậu hĩnh” – ông Trump nói hôm 27/7.
Ông Trump nói rằng số thư điện tử này có rất nhiều thứ ‘đẹp đẽ’. Ngay sau đó, ông viết trên mạng xã hội Twitter rằng nếu ai có được số email này, hãy giao nộp lại chúng cho Cơ quan Điều tra Liên bang (FBI).
Lời kêu gọi của ông Trump đưa ra ngay sau khi Đảng Dân chủ chính thức đề cử Hillary là ứng viên của đảng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, trở thành phụ nữ đầu tiên trong lịch sử đứng đầu lá phiếu của một đảng lớn ở Mỹ.
Sau khi thôi chức Ngoại trưởng Mỹ năm 2013, bà Hillary đã nộp lại hơn 30.000 email trong tài khoản cá nhân của mình cho bộ ngoại giao. Bà cũng cho biết là đã xóa 30.000 email khác ‘không liên quan tới công việc’.
Mặc dù bà Clinton đã xin lỗi về việc sử dụng email cá nhân để làm việc công suốt 4 năm làm Ngoại trưởng, nhưng có lo ngại cho rằng số email này có thể rơi vào tay của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Theo Forbes, FBI trước đó đã tiến hành điều tra để đảm bảo các email cá nhân của bà Hillary không gây nên đe dọa nào đối với an ninh quốc gia.
Đầu năm 2011, Nga bắt đầu giám sát tin tặc máy tính Romania Marcel Lazar Lehel (‘Guccifer’), sau khi y tìm cách đột nhập vào hệ thống máy tính của hãng truyền hình Russia Today (RT).
Sau khi giám sát Guccifer, phía Nga được cho là đã có thể theo dõi mọi hành động của hacker này. Năm 2013, các nhà phân tích tình báo Mỹ không chỉ phát hiện ra Guccifer đột nhập vào máy tính của Ngoại trưởng Hillary Clinton, mà còn sao chép toàn bộ kho dữ liệu trong hòm thư này.
Tờ Forbes cho rằng, lực lượng chiến tranh điện tử của Nga có thể dư sức đánh cắp toàn bộ hòm email của bà Clinton (trong đó bao gồm 31.830 thư ‘cá nhân’ mà bà nói là đã xóa).(Vietnamnet)
Afghanistan tiêu diệt chỉ huy quan trọng của IS
Lực lượng an ninh Afghanistan ngày 26-7 cho biết một chỉ huy quan trọng với nhóm chiến binh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã bị tiêu diệt trong một chiến dịch quân sự tại Nangarhar.
Saad Emarati là một trong những chỉ huy quan trọng của chi nhánh IS tại Afghanistan-Pakistan - Ảnh: BBC
Ngoài ra Emarati còn nổi tiếng với sự tàn nhẫn cũng như chỉ đạo nhiều vụ bắt cóc đòi tiền chuộc tại Afghanistan.
BBC cho biết kẻ bị giết là Saad Emarati, một trong những sáng lập viên chi nhánh Afghanistan-Pakistan của tổ chức khủng bố IS. Emarati từng dẫn dắt các tay súng thánh chiến thực hiện nhiều cuộc tấn công chống lại Taliban và Chính phủ Afghanistan.
Các quan chức Afghanistan nói rằng Emarati là một trong 120 tay súng bị giết chết trong một hoạt động quân sự tại quận Kot.
Tuyên bố trên được đưa ra vài ngày sau khi IS lên tiếng nhận trách nhiệm một vụ đánh bom tại Kabul khiến 80 người thiệt mạng.
Emarati trước đây là một chỉ huy của Taliban tại tỉnh Logar. Tuy nhiên y bị cho ra rìa và bị tước vũ khí bởi những lãnh đạo Taliban khác vì "hoạt động trái phép" trong năm 2013.
Sau đó Emarati hoạt động tại chi nhánh Taliban Pakistan (TTP). Ngày 12-1-2015 y xuất hiện cùng hai chỉ huy khác của chi nhánh Taliban Afghanistan và chín cựu chỉ huy của TTP trong một đoạn video thề trung thành với IS.
Emarati gia nhập IS sau cái chết của người sáng lập Taliban là Mullah Omar.
Hai tuần sau đó IS công bố thành lập chi nhánh tại Khorasan và Emarati trở thành một trong những chỉ huy quan trọng của chi nhánh này.
Các chuyên gia phân tích nhận định Emarati là một trong những lãnh đạo quan trọng nhất của IS trong khu vực này và nếu cái chết của Emarati được xác nhận, đó sẽ là một trở ngại nghiêm trọng đến khả năng hoạt động của nhóm chiến binh ở miền đông Afghanistan.
Các quan chức Afghanistan đã phát hành hình ảnh sau cuộc bố ráp xuyên đêm tại Kot cho thấy những tòa án và các trung tâm tuyển dụng của IS bị quân đội chiếm đóng.
Chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Afghanistan là tướng Basmullah Wazari cho biết chiến dịch trên đã nhận được sự hỗ trợ trên không của nước ngoài.
Đảng Dân chủ của Mỹ kêu gọi minh bạch vụ rò rỉ thư điện tử
Nghị sỹ Dân chủ tại các ủy ban tình báo của cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ đồng loạt kêu gọi Nhà Trắng cân nhắc giải mật và công bố các đánh giá tình báo về vụ tấn công vào hệ thống thư điện tử (email) của Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc đảng Dân chủ Mỹ (DNC).
Trong một bức thư gửi tới Tổng thống Mỹ Barack Obama đề ngày 27/7, Thượng nghị sỹ Dianne Feinstein và Hạ nghị sỹ Adam Schiff nhấn mạnh do tính chất nghiêm trọng của vụ việc và trước nghi vấn rằng đây có thể là một âm mưu nhằm vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, cần thiết phải cho thấy một mức độ minh bạch cao.
Trước đó một ngày, trong một cuộc phỏng vẫn với hãng NBC, Tổng thống Obama cáo buộc tin tặc Nga đã đánh cắp và làm rò rỉ hàng chục nghìn bức thư điện tử của DNC, đồng thời không loại trừ khả năng Moskva có thể can thiệp vào quá trình bầu cử Tổng thống Mỹ.
Chính phủ Nga ngay lập tức đã phủ nhận cáo buộc trên. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng đây là những câu chuyện hoang đường do các chính trị gia Mỹ thêu dệt.
Trong một diễn biến khác, trang mạng WikiLeaks cùng ngày công bố một đoạn ghi âm được miêu tả là lấy từ các email bị rò rỉ của DNC.
Vụ bê bối xảy ra trước thềm Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ đã thổi bùng lên làn sóng phản đối trong nội bộ đảng và khiến Chủ tịch DNC Debbie Wasserman Schultz phải tuyên bố từ chức.
DNC cũng đã phải xin lỗi Thượng nghị sỹ Bernie Sanders do trong một số thư bị tiết lộ có nội dung cho thấy ban lãnh đạo đảng này đã tìm cách hủy hoại chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Sanders, nhằm tạo lợi thế cho cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton trong vòng bầu cử sơ bộ.
Trung Quốc chiếu video tuyên truyền về Biển Đông ở Quảng trường Thời đại Mỹ
Trung Quốc chiếu video về Biển Đông trên biển quảng cáo khổng lồ ở Quảng trường Thời đại tại New York, Mỹ, nhằm bao biện yêu sách chủ quyền của họ.
Màn hình hiển thị quảng cáo của hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua tại Quảng trường Thời đại. Ảnh: AFP
Theo Sputnik, video của Trung Quốc sẽ được phát sóng 120 lần một ngày cho đến ngày 3/8, trên màn hình cao 19 m, rộng 12 m. Đây là bảng quảng cáo chuyên hiển thị hình ảnh của Trung Quốc kể từ năm 2011. Video ước tính tiếp cận khoảng 500.000 người qua lại mỗi ngày.
Video dài 3 phút 12 giây, có sự xuất hiện của một số chuyên gia và quan chức quốc tế ủng hộ lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong video, Wu Shicun, chủ tịch của Viện Quốc gia Trung Quốc về Nghiên cứu Biển Đông, ngang nhiên nói rằng Bắc Kinh có chủ quyền ở quần đảo Trường Sa và có cơ sở lịch sử và pháp lý để chứng minh.
Cựu giám đốc Chính sách Kinh tế và Kinh doanh của London John Ross nói rằng cơ chế giải quyết tranh chấp của tòa trọng tài nên được sử dụng giữa hai bên muốn tham gia. Catherine West, nghị sĩ đảng Lao động Anh, và Masood Khalid, đại sứ Pakistan tại Trung Quốc, thì nói rằng cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp là đàm phán giữa các bên liên quan trực tiếp.
Video này còn nhắc đến "cách tiếp cận kép", tức là các tranh chấp phải được giải quyết thông qua bàn bạc và đàm phán hữu nghị giữa các quốc gia liên quan trực tiếp.
Một số đơn vị truyền thông đã phản ứng trước video này. TrangBuzzFeed nói rằng "video vô cùng nhàm chán" và "lãng phí 3 phút 12 giây cuộc đời". Trang Shanghaiist gọi video này là "công cụ tuyên truyền mới nhất" của Trung Quốc. Họ ước tính chi phí phát sóng video có thể dao động từ 300.000 USD đến 400.000 USD một tháng.
Trung Quốc tiến hành động thái trên hai tuần sau khi Tòa Trọng tài tại The Hague, Hà Lan hôm 12/7 ra phán quyết cho vụ kiện của Philippines, khẳng định Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong yêu sách "đường lưỡi bò" mà nước này đơn phương vạch ra, bao trùm gần hết diện tích Biển Đông.
Việt Nam hoan nghênh Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò". Đồng thời, Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.(Vnexpress)
Thủ tướng Merkel tuyên bố không thay đổi chính sách tị nạn
Các cuộc tấn công gần đây ở Đức sẽ không thay đổi được việc Berlin sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn, Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố.
Bà Merkel, người đã cắt ngắn chuyến nghỉ hè để tổ chức cuộc họp báo ở Berlin hôm nay, cho rằng những người tị nạn tiến hành các vụ tấn công ở Đức vừa qua "đã làm xấu hổ đất nước từng chào đón họ".
Những kẻ này "muốn phá hoại tình cảm cộng đồng, sự cởi mở và sẵn lòng của chúng ta khi giúp đỡ những người cần giúp đỡ. Chúng ta kiên quyết không chấp nhận điều đó", BBC dẫn lời bà nói.
Bà khẳng định rằng những người chạy trốn khủng bố và chiến tranh có quyền được bảo vệ, và nước Đức sẽ "tuân thủ các quy tắc" trong việc cung cấp nơi tạm trú cho những người xứng đáng.
Tuy nhiên, nữ thủ tướng cũng đề xuất một số biện pháp mới để cải thiện an ninh, trong đó có chia sẻ thông tin và siết chặt việc mua bán vũ khí trên mạng Internet.
Hai cuộc tấn công gần đây ở bang Bayern đều do người xin tị nạn gây ra. Vụ đánh bom tự sát ở thành phố Ansbach hôm 24/7 làm 15 người bị thương do một người Syria bị từ chối tị nạn nhưng được cho phép tạm trú tiến hành.
Vụ tấn công bằng dao và rìu trên tàu ở Wuerzburg hôm 18/7 làm bị thương 5 người do một người xin tị nạn từ Afghanistan tiến hành. Cả hai đều tuyên bố trung thành với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).
Cuộc tấn công đẫm máu nhất ở Munich ngày 22/7, làm 9 người chết, do một thiếu niên Đức gốc Iran, gây ra.
Nhắc đến các cuộc tấn công ở Pháp, Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và những nơi khác, bà Merkel nói rằng những "điều cấm kỵ của nền văn minh" đã bị phá vỡ và mục đích của chúng là "gieo rắc sự sợ hãi và lòng hận thù giữa các nền văn hóa và các tôn giáo".
Nhắc đến câu khẩu hiệu nổi tiếng "We can do this" (Chúng ta có thể làm được điều đó) mà bà từng nói năm ngoái khi đồng ý tiếp nhận một triệu người tị nạn, bà nói: "Ngày hôm nay tôi vẫn tin rằng 'chúng ta có thể làm được'. Đó là nhiệm vụ lịch sử của chúng ta và là thử thách lịch sử trong thời đại toàn cầu hóa. Chúng ta đã đạt được rất, rất nhiều trong 11 tháng qua".
Bà Merkel cho hay "bên cạnh những cuộc tấn công khủng bố có tổ chức, sẽ có những mối đe dọa mới từ những kẻ mà lực lượng an ninh chưa biết tới".
Để đối phó với điều này, bà cho hay cần một hệ thống cảnh báo sớm để giới chức có thể nhìn nhận ra các vấn đề trong quá trình xử lý đơn xin tị nạn.
"Chúng ta sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết và đảm bảo an ninh cho công dân của chúng ta. Chúng ta sẽ đón nhận thách thức hội nhập này một cách nghiêm túc", bà nói.