Mỹ có thể giúp Hàn Quốc phát triển chiến đấu cơ hiện đại
Một nghị sĩ Anh phản ứng đài Trung Quốc trích sai ý kiến
Thổ Nhĩ Kỳ “bịt miệng” truyền thông sau đảo chính
Thủ lĩnh đối lập Sam Rainsy bị tòa Campuchia kết tội phỉ báng
Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Mỹ can dự vào âm mưu đảo chính
Tin thế giới đọc nhanh sáng 28-07-2016
- Cập nhật : 28/07/2016
Philippines: Phán quyết của PCA là cơ sở để đàm phán với Trung Quốc
Ngày 27/7, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khẳng định phán quyết ngày 12/7 vừa qua của Tòa Trọng tài tại La Haye (Hà Lan) liên quan đến vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc tại Biển Đông sẽ là "cơ sở" cho các cuộc đàm phán trong tương lai giữa Manila với Bắc Kinh về tranh chấp lãnh thổ.
Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Ernesto Abella cho biết Tổng thống đã đưa ra tuyên bố trên trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Cung điện Malacanang ở thủ đô Manila. Trong cuộc gặp, hai bên đã thảo luận về vấn đề Biển Đông và nhiều vấn đề cùng quan tâm khác. Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp, ông Abella cho biết: "Tổng thống Duterte đã nói rằng chúng tôi sẽ bắt đầu bất cứ cuộc đàm phán nào bằng phán quyết của Tòa Trọng tài. Đó sẽ là cơ sở để đàm phán".
Ngoại trưởng Mỹ hiện đang có chuyến thăm Philippines trong hai ngày. Sáng 27/7, ông đã gặp người đồng cấp Philippines Perfecto Yasay. Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Kerry khẳng định Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, nhưng "có quan điểm rõ ràng trong việc bảo vệ các quyền tự do và sử dụng hợp pháp đối với các khu vực trên không và trên biển được luật pháp quốc tế xác định". Ngoại trưởng Mỹ cho biết Washington hy vọng các tranh chấp sẽ được giải quyết một cách hòa bình thông qua con đường ngoại giao, không cưỡng ép hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Tổng thống Duterte đã triệu tập phiên họp của Hội đồng An ninh quốc gia với sự tham gia của 4 cựu tổng thống gồm Fidel Ramos, Joseph Estrada, Gloria Arroyo và Benigno Aquino III. Cuộc họp tập trung thảo luận chiến lược của chính phủ trong các cuộc thương thuyết dự kiến với Trung Quốc nhằm giải quyết những bất đồng trên Biển Đông. Ngoài ra, các vấn đề an ninh khác như các cuộc đàm phán hòa bình trong nước, cuộc chiến chống ma túy cũng được bàn thảo tại phiên họp.(Baotintuc)
Triều Tiên bị nghi thả tờ rơi trên sông Hán, dọa tấn công miền nam
Hàn Quốc phát hiện lượng lớn tờ rơi được cho là của Triều Tiên trên sông Hán với nội dung đe dọa tấn công miền nam bằng tên lửa đạn đạo.
Yonhap hôm nay dẫn nguồn Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JSC) cho biết tờ rơi bắt đầu xuất hiện từ hôm 22/7, được đặt trong túi nilon, với nội dung đe dọa sẽ dùng tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan tấn công miền nam.
Một nguồn tin của Yonhap nói chưa có dấu hiệu rõ ràng để xác định nguồn gốc tờ rơi, song phát ngôn viên của JSC cáo buộc Triều Tiên cố ý thả tờ rơi trên sông Hán để binh lính Hàn Quốc tại chốt bảo vệ Gimpo nhặt được. Sông Hán là biên giới tự nhiên giữa hai miền Triều Tiên, có đoạn chảy qua thủ đô Seoul của Hàn Quốc.
Ngoài việc đe dọa tấn công, các tờ rơi cũng có nội dung ca ngợi "chiến thắng" của Triều Tiên trong cuộc chiến tranh liên Triều 1950 - 1953.
Hôm nay là ngày bán đảo Triều Tiên đánh dấu năm thứ 63 cuộc chiến kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn. Triều Tiên tuyên bố họ là người chiến thắng và một hiệp định đình chiến sẽ chỉ được ký kết nếu các lực lượng do Mỹ và Liên Hợp Quốc dẫn đầu khẩn cầu hòa bình.
Hàn Quốc cho rằng việc thả tờ rơi là hành động khiêu khích mới nhất của Triều Tiên. Hôm 19/7 Bình Nhưỡng bắn ba quả tên lửa đạn đạo trong động thái phản đối Mỹ định đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc vào năm sau.
Nga mỉa mai chính trị gia Mỹ 'tưởng tượng chuyện kinh dị'
Ngày 27-7, Điện Kremlin đã ra tuyên bố bác bỏ các cáo buộc của đảng Dân chủ Mỹ cho rằng Nga đứng sau vụ rò rỉ gần 20.000 email. Phát ngôn viên của Điện Kremlin - ông Dmitri Peskov trả lời báo chí cho rằng các chính trị gia Mỹ đang tự tưởng tượng ra "chuyện kinh dị".
"Moscow đang cực kỳ thận trọng, tránh đưa ra bất kỳ ngôn từ gì có thể bị diễn đạt là can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp đến tiến trình bầu cử tại Mỹ" - ông Peskov cho biết - "Có vẻ như các chính trị gia tại Washington rất thích dùng đến quân bài "nước Nga" trong chiến dịch tranh cử của mình. Và đã có rất nhiều lần, họ sử dụng điều này như là át chủ bài của họ".
Trước đó, trả lời trên kênh truyền hình NBC, Tổng thống Obama đã xác nhận không loại trừ khả năng Nga tìm cách tác động vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Một số chuyên gia an ninh mạng tư nhân, được thuê bởi Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (NDC), đã cáo buộc tin tặc Nga có liên quan đến vụ rò rỉ email. Các chuyên gia này cũng cáo buộc nhóm tin tặc có dính líu đến một số cơ quan chính phủ Nga.
"Điều này khiến tôi nghĩ ngay đến một câu chuyện ngụ ngôn. Họ kể cho nhau nghe những câu chuyện kinh dị, để rồi tự khiến bản thân sợ họ hãi bởi chính những câu chuyện mình vẽ ra" - ông Peskov mỉa mai về những cáo buộc của NDC.
Ngày 26-7 vừa qua, Điện Kremlin cũng khẳng định có một số cá nhân tại nước Mỹ đang muốn trục lợi nỗi sợ về nước Nga để phục vụ các mục đích tranh cử. Tuy nhiên, chính phủ Nga không chỉ rõ tên những cá nhân mà mình nói đến cụ thể là những ai.(PLO)
Chuyên gia Mỹ: Nga có thể chiếm trọn Ba Lan trong một đêm
Tuy không dự kiến thời gian, nhưng Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council) cho rằng Nga có thể tấn công đánh chiếm Ba Lan trong một đêm.
Trong một bản báo cáo mang tên “Vũ trang để chống trả” vừa được đưa ra, Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức tư vấn chiến lược có trụ sở ở Washington (Mỹ), nhận định rằng hiện nay Moskva không có ý định thách thức trực tiếp khối NATO, nhưng điều này vẫn có thể thay đổi trong một đêm. Đặc biệt, sự thay đổi đó sẽ được thực hiện với tốc độ vũ báo theo kế hoạch đã chuẩn bị trước và chỉ trong một đêm, Nga có thể đánh chiếm Ba Lan.
Do bố trí quân sự của NATO ở Đông Âu hiện nay chưa đủ để ứng phó với sự tấn công của Nga, cho nên, các chuyên gia thuộc Hội đồng Đại Tây Dương kiến nghị NATO cần chuẩn bị để có thể trả đũa hữu hiệu nhất khi Nga ra tay, bao gồm việc phá hủy các mục tiêu như hệ thống tàu điện ngầm, truyền tải điện ở Moskva, thành phố Saint Peterburg, đài truyền hình Nước nga ngày nay… Đồng thời, Ba Lan cũng có thể đưa lực lượng đặc nhiệm tới thành phố Kaliningrads của Nga để phá hủy các mục tiêu chiến lược trọng yếu ở đây như tên lửa đạn đạo…
Báo cáo không nêu thời gian cụ thể Nga tấn công Ba Lan, nhưng dự đoán hành động này sẽ xảy ra khi NATO và châu Âu bị phân tâm bởi cuộc khủng hoảng khác hoặc trong tình huống Nga nhận thức sai lầm về hành động của NATO.(Baotintuc)
Thiết giáp mới Nga lần đầu xuất hiện trong tập trận
Xe thiết giáp BTR-82A là biến thể mới nhất của xe chở quân lưỡng dụng BTR-80 và mới được biên chế vào quân đội Nga năm 2014.
Hôm 26/7, quân đội Nga lần đầu tiên sử dụng xe thiết giáp chở quân BTR-82A tham gia cuộc tập trận chung quy mô lớn với Tajikistan, theoSputnik.
"Lực lượng thuộc căn cứ quân sự số 201 đóng quân tại Tajikistan đã lần đầu sử dụng xe thiết giáp chở quân BTR-82A để cơ động ở khu vực chân núi phía đông dãy Pamir", đại tá Yaroslav Roschupkin, trợ lý Quân khu Trung tâm Nga, nói.
Là biến thể mới nhất của xe thiết giáp chở quân lưỡng dụng BTR-80 biên chế từ năm 1986, BTR-82A ra mắt năm 2009 và được biên chế đại trà trong quân đội Nga từ năm 2014.