tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 28-07-2016

  • Cập nhật : 28/07/2016

Trung Quốc chuẩn bị 3 phương án chiến tranh ở Biển Đông

Sau phán quyết của Tòa Trọng tài hôm 12/7, Trung Quốc đã điều động binh hùng tướng mạnh diễn tập ở Biển Đông, nhưng không chỉ có vậy.

Tờ Đông phương Nhật báo có lượng phát hành lớn nhất ở Hong Kong (Trung Quốc) ngày 25/7 dẫn tiết lộ của Thiếu tướng Hải quân Trung Quốc Dương Nghị cho hay nhằm ứng phó với sự kiện Tòa Trọng tài ra phán quyết về vấn đề Biển Đông, ông Tập Cận Bình đã triệu tập hội nghị Quân ủy Trung ương, quyết định điều động binh hùng tướng mạnh tiến hành diễn tập ở Biển Đông, chuẩn bị ba phương án chiến tranh, gồm chiến tranh lớn, chiến tranh vừa và chiến tranh nhỏ để ứng phó với thách thức của phía Mỹ. 

Đây là lần đầu tiên kể từ sau thời Mao Trạch Đông, Trung Quốc đáp trả đe dọa quân sự trực tiếp của quân đội Mỹ bằng phương thức quân sự.

Tướng Dương còn tiết lộ sau khi ông Tập Cận Bình đưa ra quyết sách nêu trên, nội bộ Trung Quốc không phải là hoàn toàn thống nhất tư tưởng. Không ít người trong giới học giả và chính giới chỉ trích, cho rằng đối phó cứng rắn thì một khi chiến tranh bùng nổ, đại cục hòa bình phát triển của Trung Quốc sẽ bị tổn hại. Có người thậm chí còn đợi để xem ông Tập Cận Bình bị rơi vào tình trạng khó khăn.

Tuy nhiên, theo tờ báo trên, xem xét tình hình hiện nay, quyết sách quả đoán của ông Tập Cận Bình đã có tác dụng. Nếu khi đó Trung Quốc thể hiện thái độ mềm yếu thỏa hiệp, tàu chiến Mỹ sẽ tiến vào vùng 12 hải lý xung quanh các đảo bãi (Trung Quốc chiếm giữ, xây dựng phi pháp) ở Biển Đông. Nếu Trung Quốc vẫn giống trước đây sử dụng “võ mồm” chống lại tàu chiến Mỹ, Washington sẽ lấy cớ thực thi pháp luật quốc tế theo thang hành động quân sự đối với Trung Quốc, thậm chí là tháo dỡ đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng (phi pháp).

Ngày 12/7 vừa qua, Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS đã ra phán quyết bác bỏ “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc tự vẽ ra gần như chiếm trọn Biển Đông. Hôm sau, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cảnh báo: “Đừng biến Biển Đông thành nguồn gốc chiến tranh”, theo AFP.(baotintuc)

Mỹ tuyên bố tiếp tục tuần tra biển Đông

Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra ở biển Đông để đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực. Đây là khẳng định của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice trong cuộc họp với đại diện Trung Quốc tại Bắc Kinh hôm 26-7.

AFP đưa tin, mục đích chuyến thăm Trung Quốc của bà Rice lần này là để chuẩn bị cho việc Tổng thống Barack Obama dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Hàng Châu vào tháng 9 tới.

Tại cuộc họp với các quan chức ngoại giao và quân sự hàng đầu, bà Rice khẳng định những hoạt động tuần tra của Mỹ trên biển Đông là “hợp pháp và sẽ tiếp tục”, AFP dẫn lời một quan chức giấu tên cho biết.

 co van an ninh quoc gia my susan rice (trai) va chu tich trung quoc tap can binh. anh: afp

 Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP

Những tháng gần đây, Washington đã điều các tàu hải quân áp sát các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở biển Đông. Các hoạt động này khiến Trung Quốc tức giận.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice là một trong nhiều quan chức cấp cao Mỹ có chuyến thăm Trung Quốc kể từ sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ “đường lưỡi bò” phi lý của nước này ở biển Đông.

Tuy nhiên, Bắc Kinh kiên quyết không chấp nhận quyền tài phán của tòa, gọi phán quyết là “mớ giấy lộn”. Bắc Kinh còn ngang nhiên nói có quyền tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trong khu vực.

Liên quan tới vấn đề này, bà Rice nhấn mạnh tầm quan trọng của tất cả các bên trong việc hạn chế căng thẳng nhằm tránh các hành động có thể dẫn tới nguy cơ tính toán sai lầm. Bà Rice cũng kêu goi Trung Quốc xem phán quyết như một cơ hội để “khôi phục ngoại giao” trong khu vực.

IS đánh bom kép ở Syria, 44 người chết

 Ngày 27-7, hai vụ nổ bom đã làm rung chuyển thành phố Qamishli, đông bắc Syria, cướp đi sinh mạng của ít nhất 44 người và khiến hơn 170 người bị thương. 

khung canh tan hoang tai hien truong vu danh bom ngay 27-7 o qamishli - anh: afp

Khung cảnh tan hoang tại hiện trường vụ đánh bom ngày 27-7 ở Qamishli - Ảnh: AFP

Đài truyền hình nhà nước Syria đưa tin vụ nổ thứ nhất xảy ra gần một trụ sở an ninh của chính quyền người Kurd, do một xe tải chở chất nổ gây ra. Vụ nổ thứ hai do một xe máy có gắn bom gây ra.

Hình ảnh từ hiện trường cho thấy khói đen bốc lên từ nơi xảy ra nổ, các tòa nhà bị hư hại nặng, mảnh vỡ vương vãi khắp nơi. Các đội cứu hộ hiện vẫn đang đào bới đống đổ nát để tìm kiếm các nạn nhân.

Nguồn tin y tế nói họ lo ngại số người chết có thể còn tăng lên do nhiều người bị thương đang trong tình trạng nguy kịch.

Nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) đã nhanh chóng nhận trách nhiệm, nói mục tiêu của họ là lực lượng an ninh của người Kurd.

Phần lớn thành phố Qamishli hiện do các lực lượng người Kurd kiểm soát. Giao tranh giữa IS và lực lượng người Kurd đã khiến thành phố này trở thành mục tiêu của nhiều vụ đánh bom đẫm máu trong thời gian qua.(TT)

Ukraine trước nguy cơ đảo chính quân sự

Theo hãng tin Pravda (Nga) ngày 26/7, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov đã thừa nhận về khả năng xảy ra một vụ đảo chính quân sự ở nước này.

thap nen tuong niem cac nan nhan thiet mang trong cuoc bieu tinh phan doi chinh phu duoi thoi tong thong viktor yanukovych nam 2013. anh: afp/ttxvn

Thắp nến tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong cuộc biểu tình phản đối Chính phủ dưới thời Tổng thống Viktor Yanukovych năm 2013. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, thành viên của Đảng Tổ quốc (Fatherland) Igor Lutsenko, đã mô tả kịch bản đảo chính quân sự trên trang facebook của mình. Theo ông Lustenko - người dường như rất ấn tượng với vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ, một số đơn vị vũ trang đã sẵn sàng tuyên bố mong muốn của họ lên nắm quyền bằng vũ lực.

Về phần mình, lãnh đạo Liên minh Các lực lượng cánh tả Vasily Volga, người từng là Phó Chủ tịch Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraine) và người đứng đầu ủy ban Nhà nước Ukraine về Điều tiết Các dịch vụ tài chính nói: "Ở Ukraine hiện nay, có tất cả các điều kiện cho một cuộc đảo chính quân sự. Vị trí kinh tế của nước này là tồi tệ. Áp lực thuế quan và thuế má đang tăng lên từng ngày. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy 71% người dân Ukraine coi họ bị bần cùng hóa. Đây là con số đáng ngạc nhiên". 

Ông Volga cũng cho biết: "Hầu hết người dân Ukraine đang sợ hãi về tương lai của họ. Tình hình kinh tế-xã hội ở Ukraine là rất thê thảm. Tình hình lây lan bệnh lao và viêm gan là đáng báo động. Mức độ hợp pháp của giới chức Ukraine là rất thấp. Tóm lại, tất cả mọi người ghét chính phủ. Không có nghi ngờ rằng người dân Ukraine ghét ông Poroshenko và chính phủ “họp” của ông. Nếu một cuộc đảo chính xảy ra, mọi người sẽ không xuống đường ủng hộ ông Poroshenko, như đã xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ở Ukraine, người dân sẽ ủng hộ những người tổ chức cuộc đảo chính".
 
Ông này cho rằng: "Mô hình hiến pháp và pháp luật của nhà nước đã bị phá hủy hoàn toàn ở Ukraine. Điều này tạo ra các tổ chức bán quân sự được trang bị tốt, cực đoan. Các nhà chức trách đã nỗ lực để đưa họ vào khuôn khổ của pháp luật, nhưng không phù hợp với hiến pháp. Nói cách khác, họ chỉ đơn giản là phát minh ra một số pháp luật giả tạo, nhưng các nhóm vũ trang vẫn còn tồn tại độc lập với các đơn vị quân sự mà không phụ thuộc bất kỳ ai. Azov là nhóm mạnh nhất có cả thành phần chính trị. Azov có trại huấn luyện ở khắp nơi tại Ukraine, họ liên tục tuyển mộ chiến binh mới. Những người phục vụ trong nhóm nhận được lương cao”. 

Ông nhấn mạnh: “Kết quả là, có ba thành phần có thể tạo ra một đảo chính quân sự ở Ukraine: Tình trạng kinh tế-xã hội, thái độ thất vọng đối với chính phủ và sự tồn tại của các đơn vị vũ trang có thể tiến hành đảo chính".(baotintuc)

​Indonesia công bố thay đổi mới trong nội các

Một cựu tướng lĩnh quân đội từng bị cáo buộc tàn bạo trong thời gian Indonesia chiếm đóng Đông Timor vừa được bổ nhiệm làm bộ trưởng an ninh Indonesia.

tong thong indonesia joko widodo - anh: reuters

Tổng thống Indonesia Joko Widodo - Ảnh: Reuters

Theo AFP, thông tin do Chính phủ Indonesia vừa công bố hôm nay, 27-7. Trước thông tin này, một số nhà hoạt động nhân quyền cho rằng đây là một bước lùi cho những vấn đề nhân quyền ở Indonesia.

Ông Wiranto, được chỉ định giữ vị trí quyền lực trong cuộc cải tổ nội các lần 2 của Tổng thống Widodo kể từ năm 2014, là một trong nhiều sĩ quan cao cấp bị các công tố viên LHQ cáo buộc đã vi phạm nhân quyền trong thời gian Indonesia chiếm đóng Đông Timor 24 năm.

Đã có khoảng 100.000 người bị sát hại, chủ yếu do lực lượng quân đội Indonesia hoặc những lực lượng do họ ủy nhiệm trong thời gian đó, mặc dù cũng có người chết vì đói hoặc bệnh tật.

Chiều 27-7, Tổng thống Joko Widodo đã công bố 13 thay đổi trong nội các của ông. Một bổ nhiệm quan trọng khác nữa là việc đưa nhà cải cách Sri Mulyani Indrawati, hiện là giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới, vào giữ cương vị bộ trưởng tài chính Indonesia.

Bà Sri Mulyani Indrawati từng giữ cương vị này trong giai đoạn 2005-2010 và được ca ngợi với thành tích chống tham nhũng hiệu quả, chèo lái nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á ổn định trong giai đoạn khủng hoảng tài chính thế giới.

Tuy nhiên bà đã từ chức sau một loạt công kích nhằm vào bà liên quan tới một khoản cứu trợ ngân hàng gây tranh cãi.(TT)

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục