Trung Quốc bơm gần 100 tỉ USD vực dậy nền kinh tế
Hàng loạt đồng nội tệ châu Á cùng mất giá mạnh
Người Venezuela dùng tiền làm giấy ăn
Mỹ tính tăng cường bay UAV trên Biển Đông
Nga phát triển tên lửa đẩy hạng trung mới thay thế Soyuz-2
Hai loại chiến đấu cơ Trung Quốc nghi đưa đến Hoàng Sa
- Cập nhật : 24/02/2016
(Tin kinh te)
Các máy bay chiến đấu Trung Quốc bị nghi đưa tới đảo Phú Lâm là loại phi cơ cũ, nhưng có thể mở rộng đáng kể tầm hoạt động và phạm vi kiểm soát quân sự trên Biển Đông.
Ngày 23/2, hãng tin Fox News của Mỹ dẫn các nguồn tin từ cơ quan tình báo nước này cho hay các chiến đấu cơ Thẩm Dương J-11 và tiêm kích bom Tây An JH-7 của Trung Quốc mới đây đã xuất hiện trên đường băng tại đảo Phú Lâm nằm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Thông tin này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi hãng tin trên đăng tải những bức ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã ngang nhiên triển khai hai khẩu đội tên lửa phòng không HQ-9 lên đảo Phú Lâm. Việt Nam đã trao công hàm phản đối động thái này của Trung Quốc, và Mỹ cùng cộng đồng quốc tế cũng đã bày tỏ những lo ngại liên quan đến sự hiện diện của những vũ khí mang tính chất quân sự hóa này của Trung Quốc ở Hoàng Sa.
Tây An JH-7 là loại máy bay tiêm kích bom mang biệt danh Phi Báo, được Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Tây An sản xuất, và được trang bị trong lực lượng không quân thuộc hải quân Trung Quốc.
Trang SINA của Trung Quốc cho rằng với những gói nâng cấp gần đây, Phi Báo JH-7 hoàn toàn có khả năng phát hiện và bắn hạ máy bay tàng hình tối tân F-22 của Mỹ từ khoảng cách trung bình.
Theo truyền thông Trung Quốc, Phi Báo được trang bị công nghệ tác chiến điện tử không thua kém gì máy bay tấn công điện tử EA-18G của Mỹ, có thể vô hiệu hóa khả năng tàng hình của F-22, thậm chí là tiêu diệt loại máy bay thế hệ 5 này của Mỹ.
Theo một số chuyên gia quân sự Trung Quốc, JH-7 có bán kính tác chiến và tốc độ tương đương với tiêm kích J-11, và khi bay phối hợp với các loại tiêm kích này, nó có thể hình thành một lớp khiên phòng thủ điện tử bảo vệ chiến đấu cơ khỏi các máy bay tàng hình của đối phương.
Với trọng tải khoảng 6,5 tấn, ngoài việc mang theo các khí tài tác chiến điện tử, JH-7 còn được cho là có thể gắn các tên lửa không đối không chống bức xạ tầm trung có khả năng bắn hạ những chiến đấu cơ tàng hình mà nó phát hiện ra.Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích quân sự quốc tế chỉ ra rằng JH-7 là loại máy bay cổ lỗ, được chế tạo từ đầu thập niên 1970, và đã gặp rất nhiều vấn đề về động cơ, điều khiển và vũ khí tấn công chính xác. Không quân Trung Quốc từng từ chối tiếp nhận một loạt tiêm kích bom JH-7 trang bị động cơ WS-9 vì chất lượng loại động cơ này quá kém, buộc nhà sản xuất phải nâng cấp lên phiên bản JH-7A trang bị động cơ RD-93 của Nga.
Dù đã trải qua một số lần nâng cấp, giới quan sát nhận định tiêm kích bom JH-7 của Trung Quốc vẫn không bằng được loại máy bay rất cũ của Nga là Su-24. Khả năng mang theo vũ khí của JH-7 kém hơn so với 8 tấn bom đạn, tên lửa mà Su-24 có thể mang theo khi tác chiến, và tốc độ bay của nó được đánh giá chỉ ở mức trung bình (tốc độ bay tuần tra chỉ đạt 903 km/h).
Tiêm kích 'nhái' J-11
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc bị tố đưa chiến đấu cơ J-11 ra đảo Phú Lâm. Hồi tháng 11 năm ngoái, truyền thông Trung Quốc đăng tải những bức ảnh cho thấy loại tiêm kích thế hệ 4 này hạ cánh trên đường băng trên đảo. Tuy nhiên, giới quan sát cho hay Trung Quốc đã phải rút J-11 về đất liền chỉ sau một thời gian ngắn.
Tiêm kích J-11 là vũ khí đóng vai trò chủ lực trong không quân Trung Quốc hiện nay, với hàng trăm chiếc hiện có trong biên chế. Tuy nhiên, loại tiêm kích thế hệ 4 này ngày càng đánh mất vị thế cạnh tranh so với các mẫu chiến đấu cơ của phương Tây, do nó được phát triển từ máy bay Su-27 của Nga có từ cách đây nhiều thập kỷ.
Năm 1990, Quân ủy Trung ương Trung Quốc quyết định mua 24 chiếc Su-27, loại tiêm kích tối tân nhất do Liên Xô sản xuất thời kỳ đó. Theo chuyên gia quân sự Antony Wong Dong ở Macau, các lệnh cấm vận vũ khí của phương Tây và những căng thẳng trong vấn đề Đài Loan là động lực để Trung Quốc đưa ra quyết định này.
Với những chiếc Su-27 có trong tay, các kỹ sư hàng không Trung Quốc thuộc Tập đoàn Máy bay Thẩm Dương đã nhanh chóng nghiên cứu, bắt chước thiết kế, công nghệ để cho ra đời "hàng nhái" J-11 và biến thể J-11B nhằm thu hẹp khoảng cách về không quân đối với Đài Loan và phương Tây. Không quân Trung Quốc nhanh chóng được trang bị loại chiến đấu cơ này. J-11 có tầm hoạt động 1.500 km, và có thể bay xa hơn nữa nếu được gắn thêm thùng dầu phụ, bởi nó không có khả năng tiếp dầu trên không.
Theo các chuyên gia phân tích quân sự quốc tế, với việc đưa J-11 xuống Hoàng Sa, không quân Trung Quốc có thể kéo dài phạm vi hoạt động của mình thêm 1.000 km xuống phía nam, và nếu tàu sân bay Liêu Ninh được triển khai ở vùng biển này, chiến đấu cơ Trung Quốc hoàn toàn có thể hoạt động trên khắp Biển Đông và mở rộng phạm vi kiểm soát quân sự trên vùng biển này. Tiêm kích J-11 và tiêm kích bom JH-7 kết hợp với các giàn tên lửa HQ-9 có thể hình thành nên những lớp chiến đấu đan xen nhau xung quanh quần đảo Hoàng Sa, bảo vệ cửa ngõ phía nam của các căn cứ hải quân và tàu ngầm trên đảo Hải Nam cũng như một vùng biển rộng lớn ở phía bắc quần đảo Trường Sa.Tuy nhiên, chuyên gia quân sự David Tsui thuộc Đại học Tôn Dật Tiên cho rằng tiêm kích J-11 chỉ đủ hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ phòng thủ, không có những khả năng tối tân để có thể phát động các cuộc không kích hoặc tấn công đường không trên Biển Đông.
"Trung Quốc nhận ra rằng đối thủ chính của họ là Mỹ, nước rất có thể sẽ lập tức tham gia vào các cuộc tranh chấp lãnh thổ nếu quân đội Trung Quốc sử dụng vũ lực để giải quyết bất đồng trên Biển Đông", Tsui nói.
Theo chuyên gia này, trong khi tiêm kích Cá mập Bay J-15 cất hạ cánh từ tàu sân bay có thể đọ sức được với F-18 của Mỹ, chiến đấu cơ chủ lực J-11 và các biến thể của nó không thể sánh với tiêm kích tàng hình F-22 hay F-35 của Mỹ, thậm chí là cả những máy bay chiến đấu thế hệ 4 của phương Tây.
Khi tham gia một cuộc diễn tập cùng quân đội Thái Lan hồi năm ngoái, các phi công Trung Quốc đã bị sốc khi nhận thấy tiêm kích J-11 của họ luôn cất cánh chậm hơn tới một phút so với phi cơ JAS 9 Gripen do Thụy Điển sản xuất được biên chế trong không quân Thái Lan. Theo các chuyên gia quân sự, dù một phút chậm hơn khi cất cánh này là rất nhỏ, nhưng nó có thể quyết định thắng thua trong các trận đánh trên chiến trường.
Dù tờ Nhật báo Quân Giải phóng cho rằng việc J-11 cất cánh chậm hơn là do phi công Trung Quốc sử dụng sai đường băng vì những thiếu sót trong quá trình huấn luyện, giới quan sát lại nhận định rằng động cơ WS-10 do Trung Quốc tự sản xuất không thể nào cung cấp đủ sức mạnh cho J-11 để đọ sức với các chiến đấu cơ phương Tây.
"Các chiến đấu cơ này chỉ có thể đóng vai trò hạn chế trên Biển Đông, và chủ yếu là thực hiện chức năng phòng thủ, bởi chúng đều là những mẫu phi cơ khá lạc hậu, khó có thể đọ sức với những tiêm kích tàng hình hiện đại của không quân Mỹ hoạt động ở châu Á - Thái Bình Dương", ông Tsui nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo Vnexpress