Đại sứ Osius: 'Mỹ tuần tra để ngăn xung đột' ở Biển Đông
Nhật sẽ hợp tác với Mỹ để bảo vệ hòa bình trên biển
Nga sắp “cháy túi”, dự báo cú sốc kinh tế thứ hai
Chủ tịch Quốc hội Đức loại trừ khả năng phê chuẩn TTIP
Không chỉ Mỹ xoay trục sang châu Á
Tin thế giới đọc nhanh 27-04-2016
- Cập nhật : 27/04/2016
Mỹ tăng cường thách thức Trung Quốc trên biển
Quân đội Mỹ đã điều tàu và chiến đấu cơ nhằm thách thức "những tuyên bố trên biển vô lý" của Trung Quốc trong tài khoá 2015.
Ngày 28/11, máy bay chiến đấu của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật đã bay qua vùng ADIZ mà Trung Quốc tự công bố trên Biển Hoa Đông. Ảnh: AFP/TTXVN phát
Theo Kyodo, Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 25/4 cho biết thông tin trên. Trong báo cáo đề ngày 19/4, Lầu Năm Góc chỉ rõ quân đội Mỹ trong tài khoá 2015 đã tăng cường các hoạt động Tự do Hàng hải, trong bối cảnh Washington nhiều lần chỉ trích Trung Quốc về việc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với các khu vực tranh chấp trên Biển Đông.
Báo cáo trên chỉ rõ những tuyên bố (chủ quyền) trên biển quá đáng của Trung Quốc gồm các đường ranh giới vô lý, quyền tài phán đối với không phận ở phía trên Vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ), vốn rộng hơn nhiều so với lãnh hải của Trung Quốc và hạn chế máy bay nước ngoài bay qua Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) mà Bắc Kinh đơn phương thiết lập trên biển Hoa Đông hồi năm 2013.
Vai trò của Nhật Bản trong an ninh khu vực Đông Á
2015 là một năm thành công của an ninh quốc gia Nhật Bản khi Chính phủ nước này đã lập được khung thể chế cho an ninh, như “Định hướng hợp tác quốc phòng Nhật - Mỹ”, ban bố luật an ninh dựa trên cách diễn giải mới đối với Hiến pháp, hay quan hệ giữa Nhật - Hàn được sưởi ấm.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định luật an ninh mới sẽ giúp tăng cường quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ.
Liên quan vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Hideshi Tokuchi đã có bài phân tích về tình hình an ninh Đông Á và vai trò của Nhật Bản đối với an ninh khu vực.
Ông Tokuchi cho rằng sự thịnh vượng của Đông Á đang dựa trên một sự ổn định mỏng manh, bởi ba yếu tố. Thứ nhất, Đông Á đang đối mặt với những mối đe dọa từ toàn cầu hóa như sự trỗi dậy của các phần tử Hồi giáo cực đoan dưới ảnh hưởng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Mặt khác, sự bất ổn cũng đến từ yếu tố hiện đại gây ra như các cuộc tranh chấp về biên giới lãnh thổ giữa các quốc gia có chủ quyền. Chiến tranh, chủ nghĩa khủng bố và thảm họa thiên nhiên, tất cả đều đặt sinh mạng của nhân loại trước rủi ro.Thứ hai, hiện không có một thể chế an ninh nào bao trùm toàn bộ khu vực. An ninh quốc tế tại Đông Á dựa trên một hệ thống các liên minh do Mỹ lãnh đạo và các quan hệ an ninh. Tuy nhiên, những mối quan hệ vẫn đang ở giai đoạn đầu hình thành và liên minh song phương với một cường quốc như Mỹ thường rất khó để quản trị vì tính bất đối xứng về quyền lực. Hơn nữa, hệ thống trên không có sự tham gia của nền kinh tế lớn nhất khu vực, Trung Quốc. Thứ ba, Mỹ, với tư cách là trung tâm của an ninh khu vực, lại có vị trí địa lý cách xa các nước đồng minh châu Á.
Do đó, để tiếp tục duy trì trật tự quốc tế tại Đông Á, Nhật Bản phải giải quyết vấn đề này một cách chủ động. Trước hết, Nhật Bản phải hỗ trợ các nước trong khu vực đạt được sự ổn định trong nước, cơ sở để duy trì nền dân chủ. Thứ hai, mạng lưới các liên minh mà Mỹ làm trung tâm tại khu vực cần phải được tăng cường, đặc biệt là liên minh Mỹ-Nhật. Thứ ba, Nhật Bản tiếp tục tăng cường năng lực quân đội để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ trong một môi trường cạnh tranh gay gắt. Nhật Bản cũng cần phải trở nên hấp dẫn đối với thế giới. Đó cũng là một sự lan truyền mang tính văn hóa. Thứ tư, Nhật Bản cần chia sẻ những quan điểm về các thách thức an ninh mà họ phải đối mặt tại Đông Á với các quốc gia châu Á vì Nhật Bản là một phần trong một thế giới kết nối. Cuối cùng, Nhật Bản cần phải chủ động chia sẻ với thế giới về cách thức mà nước này có thể đóng góp cho an ninh quốc tế.
Tổng thống Mỹ thăm Đức: Củng cố liên minh xuyên Đại Tây Dương
Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa có chuyến thăm Đức trong hai ngày 24 và 25-4, chuyến thăm cuối cùng đến quốc gia đầu tàu châu Âu trên cương vị tổng thống. Trọng tâm của chuyến công du lần này nhằm thúc đẩy việc ký kết Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), mà theo ông sẽ giúp đẩy mạnh nền kinh tế Mỹ và châu Âu, và khiến hoạt động thương mại khu vực mang tính cạnh tranh hơn, bất chấp thái độ hoài nghi cả ở trong và ngoài nước.
Cuộc chiến chống khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS), cuộc khủng hoảng ở Syria, Ukraine cũng là những vấn đề chính được đưa ra thảo luận.
Trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 9 tháng tại nhiệm sở, Tổng thống Obama cho biết sẽ làm tất cả những gì có thể để thúc đẩy việc ký kết hiệp định thương mại gây tranh cãi giữa nước này với Liên minh châu Âu (EU), tuy nhiên ông cũng thừa nhận thời gian để thực hiện nhiệm vụ này quá gấp rút. Những nỗ lực nhằm hoàn thành 2 thỏa thuận thương mại trước khi nhiệm kỳ vào ngày 20-1-2017 hiện đang vấp phải những mối lo ngại ngày càng gia tăng trong công chúng liên quan đến những tác động đối với thị trường lao động, chính sách bảo vệ người tiêu dùng và vấn đề môi trường.
Các cuộc đàm phán về hiệp định TTIP hiện đang vấp phải những bất đồng dai dẳng, trong lúc tâm lý hoài nghi trong dư luận ở cả hai bên ngày càng tăng. Ngay trong Chính phủ Đức, được coi là hậu thuẫn vững chắc cho hiệp định này, Bộ trưởng Kinh tế Sigmar Gabriel cũng cảnh báo thỏa thuận “sẽ thất bại” nếu Washington không nhượng bộ, vì châu Âu không thể “nuốt trôi” một văn bản mà nội dung gói gọn trong câu “Hãy mua hàng Mỹ”. Tuy nhiên, bất chấp những trở ngại trên, ông Obama vẫn lạc quan rằng phần đông công chúng vẫn ủng hộ thỏa thuận này.
TTIP là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các nền kinh tế hai bờ Đại Tây Dương. Tuy nhiên, việc thông qua thỏa thuận này sẽ mất rất nhiều thời gian, mà trước tiên cần phải có được sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ, vốn đang kịch liệt phản đối. Theo ông Obama, xu thế này có thể sẽ thay đổi khi hai đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ kết thúc việc bầu chọn ứng cử viên Tổng thống trong mùa Hè này.
Mặc dù chuyến thăm Đức lần này của ông Obama có mục đích chính là thúc đẩy TTIP, song vấn đề này không khỏi bị lu mờ trước các những cuộc thảo luận về các cuộc khủng hoảng ở Syria, Ukraine hay Libya. Ông Obama kỳ vọng chuyến thăm không chỉ giúp ông củng cố sự ủng hộ của các đồng minh trong việc thúc đẩy kinh tế, mà trong cả nỗ lực tiêu diệt các phần tử IS và đối phó với sự nổi lên của Nga trong cuộc can thiệp của họ ở Syria và Ukraine.
Tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Obama bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình bạo lực leo thang tại Syria, nơi các lực lượng Chính phủ đã tăng cường các cuộc đánh bom vào những khu vực do phe nổi dậy kiểm soát xung quanh thành phố chiến lược Aleppo. Về phần mình, bà Merkel hối thúc các bên tham gia các cuộc đàm phán hòa bình đầy gai góc tại Geneva (Thụy Sĩ) nhất trí thiết lập các khu vực nhân đạo nơi người tị nạn Syria có thể được đảm bảo an toàn, song cũng nhấn mạnh đây không phải là “khu vực an toàn” theo kiểu truyền thống mà cần phải có sự bảo vệ của các lực lượng nước ngoài. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng bày tỏ lo ngại về sự vi phạm lệnh ngừng bắn tại miền Đông Ukraine, cho rằng các biện pháp trừng phạt chống Nga sẽ không thể được giảm nhẹ nếu tình hình thực địa không được cải thiện.
Trong 7 năm cầm quyền, chính quyền Obama gần như không tiến hành biện pháp nào để thúc đẩy liên minh xuyên Đại Tây Dương, điều làm giảm ảnh hưởng quân sự của Mỹ ở châu Âu và không thể giúp tăng cường quan hệ với các nước châu Âu trọng yếu. Vì thế, Tổng thống Obama muốn tận dụng những tháng cầm quyền còn lại để thúc đẩy các chính sách nhằm tăng cường an ninh và đặt quan hệ xuyên Đại Tây Dương trên nền tảng vững chắc hơn, qua đó góp phần hậu thuẫn cuộc chiến chống IS.
Trung Quốc âm mưu điều nhà máy điện hạt nhân di động ra Biển Đông
Trung Quốc đang có ý định xây dựng một đội tàu có chức năng như các nhà máy điện hạt nhân có khả năng di chuyển trên mặt nước ở Biển Đông.
Ngày 22/4, tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đưa tin nhằm cung cấp năng lượng cho các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép tại khu vực Biển Đông, Bắc Kinh sẽ cho đóng một đội tàu gồm 20 chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân và điều chúng ra vùng biển này.
Những nhà máy điện di động kể trên có thể cung cấp năng lượng cho các giàn khoan ngoài khơi, cũng như các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng trái phép. Hồi tháng 1 năm nay, Trung Quốc tuyên bố nhà máy điện hạt nhân đặt trên tàu đầu tiên của nước này sẽ đi vào hoạt động trong năm 2020.
Được biết các nhà máy điện di động kiểu này đã được nhiều nước sử dụng trong hàng thập kỷ qua, đặc biệt là Nga, nhằm cung cấp điện năng cho các khu vực xa xôi ở Bắc Cực. Trong khi đó, Hải quân Mỹ đã vận hành hơn 100 chiếc tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân mà chưa từng xảy ra sự cố đáng tiếc nào.
Ông Rod Adams, một chuyên gia về công nghệ hạt nhân, nói với tờ Washington Post: "Trung Quốc đã vận hành các tàu ngầm hạt nhân trong nhiều năm qua. Việc chuyển đổi hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân trên những con tàu thành nhà máy điện cũng không phải thách thức quá khó khăn."
Trở ngại lớn nhất mà Trung Quốc phải đối mặt hiện nay là sức ép từ cộng đồng quốc tế. Năm ngoái, Trung Quốc đã làm dấy lên căng thẳng tại khu vực Biển Đông khi cho xây dựng một trạm tiếp nhiên liệu trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Ngoài ra, việc Trung Quốc triển khai các nhà máy điện hạt nhân di động ra Biển Đông sẽ gây quan ngại lớn về khả năng xuất hiện tai nạn hoặc sự cố trong quá trình hoạt động.
Các nhà quan sát đánh giá trong một khu vực thường xuyên xuất hiện các cơn bão mạnh như Biển Đông, bất kỳ một sự cố lò phản ứng hạt nhân hay tai nạn trên biển nào cũng có thể phá hủy nghiêm trọng môi trường biển xung quanh.
Bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế, trong hơn 2 thập kỷ qua, Trung Quốc đã xây dựng trái phép các đảo nhân tạo với diện tích hơn 1.200 ha trên 7 rạn san hô ở Biển Đông, đi ngược hoàn toàn với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS 1982) và tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký kết./
Mỹ điều hai máy bay tàng hình F-22 tới Romania
Hai chiến đấu cơ F-22 Raptor và một máy bay tiếp liệu của Mỹ vừa được điều động tới căn cứ không quân của Romania rất gần với Ukraine, bán đảo Crimea và Nga.
Trang RT cho biết máy bay của không quân Mỹ đã tới căn cứ không quân ở Biển Đen, cách căn cứ quân sự Sevastopol của Nga trên bán đảo Crimea gần 400 km.
Thông báo trên Facebook ngày 25-4, đại sứ quán Mỹ tại Romania cho biết: “Lần đầu tiên tại Romania, máy bay chiến đấu thế hệ mới F-22 Raptor, một phần trong sứ mệnh tại châu Âu của không quân Mỹ đã tới căn cứ không quân Mihail Kogalniceanu”.
Một máy bay tiếp liệu KC-135 đã đồng hành cùng hai chiếc F-22 Raptor trên hành trình tới Romania. Những chiếc máy bay này đã xuất phát từ căn cứ không quân Lakenheath ở miền đông nước Anh. Đây là căn cứ có 12 chiếc F-22 của không quân Mỹ hoạt động.
Như vậy là Mỹ đã điều động hai chiếc F-22 Raptors nổi tiếng về tốc độ và khả năng lẩn tránh radar tới khu vực đông nam châu Âu chỉ hai tuần sau khi xảy ra sự việc các máy bay chiến đấu của Nga bay sát với tàu chiến Mỹ ở Biển Baltic.
Theo CNN, nói một cách chính thức thì những chiếc máy bay F-22 này được điều động để tham gia cuộc tập trận của NATO, một phần trong chương trình phản ứng nhanh nhằm phô trương năng lực hiệu quả và tốc độ của các chiến đấu cơ, đội bay và công tác hỗ trợ khác.
Nhưng nó cũng là động thái phô diễn sức mạnh với các đồng minh NATO tại Biển Đen, khu vực Nga đang tăng cường sức mạnh quân sự.
Những chiếc F-22 có tốc độ nhanh gấp hai lần tốc độ âm thanh đã hạ cánh xuống sân bay Mihail Kogalniceanu gần thành phố Constanta của Romania.
Việc Mỹ điều động các chiến đấu cơ từ căn cứ không quân ở Lakenheath của Anh tới Romania có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược với NATO và các quốc gia đồng minh, vì Constanta là thành phố rất gần biên giới Ukraine, gần Crimea và Sevastopol, nơi có hạm đội Biển Đen của Nga.